Như đã nói, tôi là cháu nội. Bố tôi là con trưởng nên nghiễm nhiên tôi là cháu đích tôn. Đối với những người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chế độ phong kiến như bà nội của tôi thì cháu đích tôn là quan trọng hơn cả. Bà tôi quan niệm rằng, cháu đích tôn sau này sẽ là người chăm lo việc thờ cúng tổ tiên một khi bà khuất núi. Mấy năm sống cùng bà, tôi đã nhớ tất cả những ngày giỗ của các cụ. Bà nội không bắt tôi phải nhớ, cũng chẳng bao giờ bắt tôi phải chuẩn bị bất cứ thì cho một đám cúng giỗ dù chỉ là một lưng cơm, một quả trứng. Hồi hai bà cháu mới về làng, điện đóm còn phập phù, đèn dầu vẫn được thắp lên mỗi tối sau bữa cơm. Bà nội nằm đong đưa trên võng, một tay phe phẩy cái quạt giấy màu tím than, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Còn tôi mỗi buổi trưa nắng hay tối trời, thường hay ngồi ngoài hiên nhà với bình nước vối cùng cái cốc bằng sắt tây tráng men màu xanh nhạt. Bởi nhà chỉ có hai bà cháu nên bà sẽ nghe những câu chuyện vụn vặt của tôi xung quanh chủ đề trường lớp, đôi khi là những buổi trưa bêu nắng lẽo đẽo theo đám trẻ chăn trâu. Chủ đề của bà nội tôi thì khác hẳn, tất cả các câu chuyện của bà đều bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa…”. Những câu chuyện của bà giúp tôi nhớ đến những n·gười đ·ã k·huất. Bà kể cho tôi không chỉ một lần thế nên tôi tự nhiên phải nhớ. Từ lúc thơ ấu đến lúc thanh niên, tôi luôn bắt đầu câu chuyện bằng “Ngày xưa…” như bà mình đã từng.
Tôi chưa bao giờ là đứa chu toàn trong việc thờ cúng. Tôi luôn muốn làm mọi thứ đơn giản theo cách hiểu biết riêng của mình. Mùng Một hoặc hôm rằm, ngoài việc múc mấy chén nước mưa đặt lên ban thờ rồi chắp tay khấn vái thì tôi ít khi phải đυ.ng tay làm việc gì.
Trong khu đầu hồi phía đông nhà tôi gần một năm nay xuất hiện một ngôi miếu nhỏ nằm gần cổng nhà. Ngôi miếu được xây cuối năm trước, do chính tay tôi thiết kế. Bởi khả năng thiết kế của tôi có hạn nên ngôi miếu nhỏ được quét vôi màu trắng có hình dáng không giống bất cứ một ngôi miếu nào ở trong làng. Làng tôi nhỏ, lại vắng. Ngôi làng nhỏ nằm giữa những cánh đồng lúa, nhìn từ trên cao, ngôi làng chẳng khác gì một ốc đảo xanh mướt giữa màu vàng của ruộng lúa. Tên nôm của làng là Bưởi Cuốc. Tôi không biết tại sao làng tôi tuy nhỏ nhưng lại có rất nhiều những ngôi miếu nhỏ. Tôi đã đem thắc mắc này hỏi bà nội, bà chỉ giải thích đơn giản và ngắn gọn rằng:
-Làng này đất dữ.
Tôi không hiểu điều này lắm bởi tôi thấy làng của mình rất yên bình, chỉ có điều nhà hoang nhiều quá. Ba phần tư người làng ở trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn ở nơi xa mà bố mẹ tôi là một ví dụ. Làng đã vắng lại toàn người già với trẻ con nên cuộc sống của những thanh thiếu niên như tôi rất buồn tẻ.
Từ hồi về sống ở quê, tôi thường hay nằm mộng thấy một cô gái trẻ với mái tóc dài đen nhánh, vô cùng xinh đẹp thường xuất hiện trong giấc mộng. Ban đầu tôi chỉ đơn thuần nghĩ đó là do mình hay đọc truyện tranh nên ngủ mơ. Tuy nhiên, những tập truyện tranh mà tôi đọc chỉ toàn là Hesman, Teppi hoặc Bảy Viên Ngọc Rồng... nên tôi đã bắt đầu nghĩ khác.
-“Có khi nào mình được trả ơn vì đã xây miếu?”
Nhưng điều này cũng chẳng phải.
Mấy năm trước tôi quen anh Sơn Ca, một thầy cúng ở huyện Lương Tài. Anh Sơn Ca hơn tôi ba tuổi. Lần đầu tiên đặt chân đến nhà tôi, anh Sơn Ca đã nói với tôi rằng ở mảnh đất này có một bà cô c·hết trẻ rất ghê gớm.
-Tao vừa mới đến đã trừng mắt nhìn tao!
Sơn Ca đã nói với tôi như vậy. Tôi không nói gì bởi ai cũng có những bí mật của riêng mình. Nếu tôi kể cho anh Sơn Ca hoặc ai đó rằng tôi thường nằm mơ hoặc đôi khi ngồi bên thềm nhà nói chuyện một mình, hẳn họ sẽ nghĩ tôi điên. Duy chỉ có R9, thằng bạn nối khố, là bán tín bán nghi mỗi khi tôi kể chuyện cho nó nghe.
Ngôi miếu nhỏ là do tôi tự tay vẽ, tự đi thỉnh bát hương về để thờ cúng. Điều này cũng không có gì lạ bởi trong làng tôi có một ngôi chùa nhỏ rất thiêng. Nhờ sư thầy bốc bát hương giúp là một điều tốt. Tuy ngôi miếu nằm trong đất nhà tôi nhưng Sơn Ca lại là người chi trả toàn bộ chi phí xây cất, anh ấy là một người tốt bụng. Thi thoảng vào cuối tuần, Sơn Ca hay rủ tôi đi cùng mỗi khi cúng bái ở nhà nào đó gần làng. Trong khi anh ta làm lễ cho gia chủ thì tôi có thể tựa vào một gốc mít nào đó đọc truyện và chờ đợi. Sau mỗi lần như vậy, Sơn Ca đều đưa tiền, tôi không nhận bởi quan điểm vô công bất thụ lộc nhưng nếu Sơn Ca rủ tôi uống nước, ăn kẹo thì tôi nhất định không chối từ. Dần dà, Sơn Ca rủ tôi lang thang trên những cánh đồng vào ban đêm để đào bới vài thứ của chìm mà người xưa để lại. Tôi làm tất nhiên sẽ tính công. Nhờ đào thuê cho Sơn Ca mà cuộc sống của tôi cũng bớt tẻ nhạt lại còn có thêm tiền quy đổi thành những cái nhẫn vàng chôn giấu trong vườn. Tôi đã bắt đầu lập quỹ đen kể từ hồi còn học cấp hai. Không ai biết tôi có bao nhiêu tiền.
Tôi lại nằm mơ.
Bởi tôi đã quá quen thuộc với những giấc mơ thường xuyên lặp đi lặp lại nên chuyện này quá đỗi bình thường. Cô gái mỗi lần xuất hiện trong giấc mơ của tôi, lần nào cũng như lần nào, đều có dáng vẻ yêu kiều, dịu dàng nhưng lại nghiêm khắc. Mỗi lần cô gái ấy xuất hiện đều sẽ cảnh báo hoặc nhắc nhở điều gì đó sắp xảy ra với tôi. Tuy nhiên cách nói mập mờ khiến tôi không còn bận tâm đi tìm hiểu nữa.
Sơn Ca cho tôi biết tên thật của chủ nhân ngôi miếu nhỏ là Ngọc Hoa, một cô gái trẻ đã mất lúc mười bảy tuổi. Tôi tỏ ra hờ hững vì tôi đã biết điều đó trước anh ta vài năm nhưng tôi ít khi dám gọi tên húy. Tôi đã gọi linh hồn cô gái tên Ngọc Hoa ấy là chị Ma vì chị còn rất trẻ. Lần đầu gặp chị Ma thì tôi chỉ mới tám tuổi, cái tuổi ngây thơ, trong sáng. Bà nội tôi đơn giản gọi là Cô thần miếu mỗi khi khấn vái. Tôi cho rằng đây cũng là một cái tên phổ thông mà những người lớn tuổi hay dùng để gọi những vong hồn ngự trong các ngôi miếu nhỏ. Sự thực thì khi thờ cúng, nếu biết tên húy hoặc danh xưng, chức vị… của vong hồn chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả ít ai ngờ đến. Tôi nghĩ như vậy.
Nhưng tôi kể như vậy không nhằm tuyên truyền mê tín dị đoan. Dù gì cũng chỉ là những giấc mơ mà thôi.
Trong giấc mơ…
Tôi từ trong nhà bước ra ngoài hiên, khung cảnh quen thuộc hiện dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Những tán cây cao trước cửa nhà khẽ đung đưa trong gió nhẹ. Chị Ma đứng dưới sân nhà hất hàm hỏi tôi:
-Em nhìn hai cây bưởi thế nào?
Tôi đưa mắt nhìn tán hai cây bưởi sum suê trước sân nhà. Hai cây bưởi này hồi tôi về đã lớn như vậy, mỗi năm vào mùa hè đều sai trĩu quả. Bây giờ đã qua Tết Trung thu cả tháng trời nên quả không còn nhiều nữa. Mùa hè tôi không ở quê nên bà nội tôi thường vặt bưởi rồi gánh xuống chợ Bưởi để bán. Cũng có năm bà tôi bán cho đoàn thanh niên với giá rẻ như cho để các anh chị ấy tổ chức phát quà vào tối Trung thu cho đám trẻ trong làng ở hội trường.
Tôi chỉ biết hai cây bưởi nhà mình khác lạ khi tôi định làm xà đơn để tập lên xà cho người… cao thêm chút ít.