Chương 40
Nhà tôi có một tấm phản gỗ lim truyền thừa từ đời này sang đời khác, thế nên nó đã trở nên cũ kỹ, mang trên mình dấu vết của thời gian. Sau Cải cách ruộng đất, ông nội tôi bị liệt vào thành phần là Địa chủ nên gia sản như nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò… đều bị tịch thu sạch. Ông và hai bà nội của tôi khi ấy bị đuổi ra ở một khoảnh đất nhỏ ven làng. Khoảnh đất này xưa kia là một cái gò thấp mà dân làng thường quây liếp để thả vịt. Tài sản ông bà mang theo ngoài bát hương để thờ cúng tổ tiên thì xin được cái phản gỗ lim cũ dựng trong buồng vốn từng là tài sản của ông bà. Trước đó, ông nội tôi cũng nắm được tình hình là gia đình sẽ bị đấu tố và tịch thu gia sản nên đã chôn giấu nhiều sọt đựng bát đĩa quý, ngoài chôn giấu còn dìm cả xuống ao để tẩu tán nhưng sau cùng những thứ ấy đều bị lấy hết.
Một túp lều tranh vách đất được dựng vội trên khoảnh đất ấy, cái phản gỗ trở thành chỗ ngủ của ông. Còn hai bà, mỗi bà ngủ riêng ở một cái chõng tre. Gia cảnh khi ấy vô cùng khốn khó, anh em họ hàng có muốn cũng không dám ra mặt giúp đỡ. Ông nội tôi đã ngủ trên cái phản gỗ lim ấy trong hơn mười năm. Lúc ông tôi ngã bệnh, ông không muốn từ giã cõi trần trên tấm phản gỗ lim ấy bởi nó là một trong hai thứ mà ông đã mang theo từ đống gia sản trước đây nên bà Già và bà Trẻ đưa ông sang nằm ở chõng tre. Lúc ông tôi mất, bố tôi mới lên sáu tuổi. Cả tuổi thơ của bố tôi đều ngủ trên tấm phản gỗ lim ấy. Theo lời bà Già kể với tôi, tấm phản gỗ lim cũ kỹ mà hàng ngày tôi vẫn dùng làm bàn học hay những đêm mùa hè nóng nực nằm thẳng cẳng ngủ ở trên quên trời đất, đã có từ nhiều đời trước. Cụ thể nhất là bà cô Tổ của nhà tôi, bà mất khi hãy còn trẻ và cũng ngủ trên tấm phản gỗ ấy. Những đời trước thì tôi không dám chắc nhưng tôi biết rõ rằng có ít nhất ba đời tổ tiên đã sử dụng tấm phản gỗ lim làm giường ngủ. Bởi vậy, tấm phản gỗ mang giá trị tinh thần nhiều hơn là giá trị vật chất. Nói một cách đơn giản, ngôi nhà mà hai bà cháu tôi đang ở bây giờ, hoàn thiện cuối năm 1983 nhưng mười năm sau mới về ở. Trong khoảng thời gian dài đằng đẵng này, nhà bỏ không, trộm cũng chẳng thèm bê tấm phản đi.
Sở dĩ tôi nói tấm phản gỗ lim cũ kỹ mang nhiều giá trị tinh thần chính là, ngoài việc bản thân nó là đồ cha ông để lại cho con cháu, truyền từ đời này q·ua đ·ời khác thì nó còn có một giá trị tinh thần không ngờ đến mà tôi đã vô tình nhận ra. Nếu tôi ngủ trên tấm phản gỗ lim truyền thừa ấy, khả năng rất cao là tôi sẽ chìm vào những cơn mộng mị, thật đến nỗi không thể thật hơn. Đôi lúc, tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm mà ngồi ngây ra trên phản, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, ngay cả cái áo thun ba lỗ màu trắng cũng ướt đầm đìa. Tôi đã từng nằm mơ, tạm gọi là như thế, gặp được bà cô Tổ của mình, một người phụ nữ gần hai mươi tuổi, đầu chít khăn mỏ quạ, áo màu nâu nhạt, quần vải tối màu, chân đi guốc mộc. Bà cô Tổ nhà tôi rất ghê gớm, đấy là tôi cảm nhận như vậy, bởi tôi đã bị tát cho nổ đom đóm mắt một lần vì dám gọi bà cô Tổ của mình là… chị! Thật ra, đối với một thiếu niên hãy còn thơ dại như tôi, những người phụ nữ đáng tuổi chị thì gọi chị cũng là lẽ thường tình. Bố tôi, em trai tôi trong một dịp về nghỉ Tết cũng được trải nghiệm cảnh nửa đêm có người sờ chân đánh thức, ngoài tặng cho con cháu vài cái tát, bố tôi thậm chí còn b·ị b·ắt quỳ gối sám hối. Đến lúc tỉnh giấc, bố tôi còn cảm nhận rõ hai đầu gối đau nhức.
Sử dụng mũi tên trái (←) hoặc phải (→) để chuyển chương