Chương 3

Một tin khiến tôi cảm thấy lo ngại khi bước vào năm học cuối cấp này chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo thu gọn lại khối thi đại học. Sẽ chỉ còn bốn khối A,B,C và D. Trong hai năm học trước đó, tôi chỉ tự tin vào môn Văn, Sử, Địa cùng môn Tiếng Anh mới được học từ lớp 10, tức là hệ 3 năm. Tôi đã lựa chọn thi khối H vào Học viện Ngoại giao với ba lý do chính. Lý do thứ nhất, trường ấy thi tuyển đầu vào gồm ba môn Văn, Sử, Tiếng Anh. Lý do thứ hai, tôi tự đánh giá bản thân là một người khéo ăn nói, tự tin khi giao tiếp nên khả năng sẽ phù hợp. Lý do cuối cùng đơn giản hơn cả, đấy là cái tên Học viện Ngoại giao rất là oai. Mới nói ra khỏi miệng thôi đã cảm thấy mình… nâng cao giá trị bản thân thêm vài phần. Bây giờ chẳng còn khối H để thi thì tôi chỉ còn lựa chọn khối C. Những môn tự nhiên là kẻ thù với tôi hoặc tôi là kẻ thù của chúng, chỉ cần nhắc đến tên môn học thôi là tôi đã cảm thấy một áp lực nặng nề đè nén lên đôi vai gầy nhỏ bé.

Suốt hai năm học trước đây, tôi chưa hề đi học thêm ở bất cứ lớp học nào do thầy cô trong trường tổ chức. Có vài lý do để tôi không đi học thêm nhưng lý do chính đáng và đơn giản nhất là do tôi học chính khóa vào buổi chiều nên học thêm sẽ vào buổi sáng. Đối với một kẻ lười biếng như tôi, thích ngủ vùi trong chăn cho đến lúc mặt trời đã lên cao bằng ngọn sào thì việc dậy sớm lóc cóc đạp xe dăm bảy cây số để học thêm đúng là một cực hình.

Như tôi đã nói, tôi không có vẻ ngoài thu hút ánh nhìn, đó là cách nói giảm nói tránh của việc xấu trai cùng vẻ bề ngoài khác người. Tôi thường mặc quần Jeans ống côn sáng màu cùng áo thun hoặc áo sơ mi xắn tay. Nếu là mùa đông, tôi sẽ khoác thêm một cái áo phao hai mặt xịn sò được mua ở một cửa hàng nào đó ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Mùa hè tôi thường đi dép quai hậu, mùa đông tất nhiên sẽ là một đôi giày. Tôi không có nhiều giày dép nhưng nếu có nhất định phải là đồ tốt. Ba lô khoác trên lưng, cưỡi chiếc xe đạp địa hình có giảm xóc trước sau khiến tôi khác biệt với phần lớn các bạn học chung trường. Xấu trai nhưng ăn mặc khác lạ với số đông khiến tôi trở thành mục tiêu xin đểu của những anh lớn trong trường. Thật may, việc bị t·rấn l·ột, nộp phí bảo kê hàng tháng cho các đại ca đã chấm dứt khi tôi học gần xong lớp 11, đều là nhờ có mẹ tôi can thiệp chứ tôi, một kẻ cái đấm thì thiếu, cái đá thì thừa, gió mạnh thổi khả năng cao sẽ bị bay mất thì lời nói với các đại ca luôn vô giá trị.

Tôi là một kẻ dễ b·ị b·ắt nạt. Đấy là sự thật.

Năm học này cũng không khác so với những năm trước. Mỗi lúc tan trường, tôi đều nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của Vân Quỳnh với mái tóc dài kẹp một cái nơ đơn giản, cặp sách màu đen chằng ở ba ga sau lẳng lặng dắt xe ra khỏi cổng trường. Rất hiếm khi Vân Quỳnh nhìn tôi mặc dù tôi luôn cố ý dựng xe gần chỗ của cô ấy. Thực tế cũng có đôi lần Vân Quỳnh liếc qua nhìn tôi nhưng vài lần hiếm hoi ấy tôi đều lảng tránh ánh nhìn. Tôi không biết vì sao, có lẽ tôi cảm thấy bản thân mình kém cỏi. Tôi đã không đẹp trai lại còn học dốt.

Vân Quỳnh đạp xe đi trước, tôi lẽo đẽo đạp theo sau với một khoảng cách vừa đủ để ngắm nhìn mái tóc dài chấm thắt lưng ấy gò lưng đạp xe ngược gió. Con đường cái quan mỗi trưa nắng, có một đoạn dài chỉ có vài bóng xe đạp lặng lẽ trở về nhà sau một buổi học. Đạp bên cạnh tôi thường là R9, thằng bạn thân cùng làng, cùng trường nhưng khác lớp. Lý do tôi đặt tên nó là R9 đơn giản là vì nó thích cầu thủ Ronaldo De Lima mang áo số 9 của đội tuyển Brazil, danh thủ có biệt danh Người ngoài hành tinh, cộng thêm trán nó hơi dô nên tôi kết hợp lại gọi nó là R9. R9 hơi lùn nhưng được cái tốt bụng chẳng ai bằng. Tính nó cẩn thận, tỉ mỉ nhưng lại thiếu quyết đoán. Nhà R9 có bốn anh em trai, bố mẹ nó cũng hiền lành như đất vậy nên nhà nó hơi nghèo. Tuy hơi nghèo nhưng nhà R9 sống có nề nếp bởi lúc xưa cụ nội của nó làm chức Chưởng bạ, khó tính có tiếng trong làng. Bố mẹ R9 vào tận trong Nam làm ăn đã được vài năm, mấy anh em nó ở cùng với bà nội, giống như tôi vậy.

Bởi vì là một đứa tốt tính, chân thành nên R9 rất giỏi trong việc biến bàn thắng thành cơ hội. Nhiều năm chơi với nhau, tôi đã vài lần giới thiệu cho nó những mối ngon, gia cảnh vững mạnh nhưng chẳng hiểu sao một thời gian sau đều chơi với nó giống như một người bạn tốt. Đó là chưa kể những cô gái xung quanh nó, ai cũng quý mến nó nhưng chẳng cô nào chịu yêu nó. Một trong số những cô đẹp, cao ráo lại thích R9 nhất đã từng gọi điện nói với tôi ngắn gọn thế này:

-Nó là thằng đần. Bao khôn ngoan ông c·ướp hết của thằng bạn ông. Ông nên dành thời gian dạy cho thằng bạn của ông đi!

Tôi cũng chỉ biết cười nhăn nhó, cười đau khổ chứ chẳng biết làm gì khác. Chẳng hiểu thằng bạn mình đã làm gì mà khiến một cô gái phải bực như thế.

R9 là một đứa ế có thực lực. Tôi đã tưởng nó sống cô đơn cho đến già nhưng phúc ấm tổ tiên nhà nó còn dày. Nó quen một cô gái xứ Ba Tư, từ lúc gặp lần đầu đến lúc mặc áo cô dâu chưa đến nửa năm, đó là một cô gái tốt, hoạt bát, giỏi giang và cá tính. R9 lấy vợ khiến cả gia đình tôi mừng như trúng đề.

Tôi và R9 là hai con người trái ngược với nhau như cực âm và cực dương của một cái ắc quy.

-Mày có đăng ký học thêm môn Địa luôn không? Nay tao nghe thầy Liên nói ở trên lớp là tuần sau sẽ mở lớp.

-Không! – Tôi lắc đầu kiên quyết. – Năm ngoái thầy ấy làm chủ nhiệm lớp tao, tao đã hãi lắm rồi. Năm nay nghe tin thầy ấy không làm chủ nhiệm nữa, tao còn định rủ đám con trai trong lớp đi ăn khao đấy.

-Thầy ấy khó tính nhưng dạy giỏi.

-Ai chả biết nhưng thầy ấy có thành kiến với tao. Những thầy cô có tính cách như thế rất thích những thằng hiền lành và biết nghe lời như mày nhưng đặc biệt không thích những thằng cứng đầu như tao. Thôi, mày đi học rồi về dạy lại cho tao là được, tao trả tiền học thêm cho mày.

Tôi có tiền, tuy không nhiều nhưng cũng có thể mua được những thứ tôi muốn. Bố mẹ tôi bù đắp cho việc tôi phải ở quê bằng tiền. Ngoài tiền bố mẹ tôi cho thì tôi còn tự kiếm tiền vào mấy tháng hè cũng được một khoản kha khá. Vì sống với bà nội, một người già, nên tôi nhiễm cái tính tiết kiệm phòng lúc sa cơ. Tôi có tiền! Tôi không tiêu hoang nhưng nếu cần phải chi thì bao nhiêu cũng chấp nhận, miễn là… được lười.

Bởi tính tỉ mỉ nên R9 có tài lẻ là vẽ. R9 vẽ rất đẹp nên nó thích học Địa lý để vẽ biểu đồ. Nó cũng là đứa cẩn thận nên vở sạch chữ đẹp, chẳng có cuốn vở nào của nó quăn mép. Tôi thì khác, trong nhiều cuốn sách giáo khoa của tôi, tôi đã trang bị thêm cho những danh nhân khi thì cặp kính râm, lúc thì bộ râu dài…

… Tôi đứng tựa vào chấn song cửa sổ, đưa mắt nhìn tán cây xà cừ đang nhẹ đong đưa trong gió lạnh một ngày đầu đông. Tôi không thích mùa đông nhưng mùa đông lại luôn để lại rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời tôi. Mấy hôm nay tôi đang suy nghĩ để viết một tập truyện ngắn với tiêu đề “Con ốc mượn hồn”. Đây là yêu cầu đầu tiên nếu muốn dự thi vào Trường viết văn Nguyễn Du. Những năm trước, nhà trường luôn yêu cầu bản thảo tối thiểu ba mươi trang giấy A4 gửi qua đường bưu điện để chấm sơ khảo.

Lũ con trai trong lớp đang túm năm tụm ba chơi cờ ca - rô, vài đứa khác nằm úp mặt xuống bàn tranh thủ thả hồn vào giấc ngủ. Đám bạn chung lớp hay chính bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều sau một mùa hè. Cảm giác mình đã gần chạm đến ngưỡng cửa trưởng thành. Cái ý nghĩ "giờ này, ngày này năm sau mình sẽ không còn ở đây nữa" khiến tôi cảm thấy lòng mình bâng khuâng đến lạ.

Thằng Ly Lùn (bố tên là Thành nên bạn bè chung lớp hay gọi xách mé là Ly Thành nhưng tôi không bao giờ gọi kiểu như thế) đã thay đổi hoàn toàn so với hai năm trước. Nó đã không còn đứng lên giữa giờ học xin phép đi WC đồng thời rủ một bạn nữ nào đó đi cùng nữa rồi.

- Tao nghĩ mày nên kiếm một em nào đấy để yêu chứ đời học sinh sắp hết con mẹ nó rồi mà chả biết mùi gái gú thì chán lắm.

- Thôi anh ạ! Cao không với tới, thấp thì không xong.

Tôi vẫn hay gọi Ly Lùn là anh bởi nó hơn tôi tận hai tuổi.

- Mày là con nhà có điều kiện, kiếm em nào nổi nổi một tí cho bõ công cầm cưa. Này tao bảo... con người yêu tao dưới lớp 11A3 ấy, mày biết chứ?