Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 2

« Chương TrướcChương Tiếp »
Tháng 9 năm 2000

Tôi bước vào năm học cuối cấp sau một mùa hè đầy nắng ở Thủ đô cùng với gia đình. Gia đình tôi sống ở Hà Nội, còn tôi, vì là cháu đích tôn nên phải lãnh trách nhiệm sống cùng bà nội ở quê nhà kể từ hồi học lớp 5. Một năm tôi chỉ được ở cùng bố mẹ khoảng ba tháng mùa hè. Tôi thích Hà Nội giống như bao bạn bè cùng trang lứa bởi Hà Nội đẹp, Hà Nội đông đúc nhộn nhịp, Hà Nội có nhiều nhà cao tầng, nhiều thứ mới lạ chứ không buồn tẻ như ở quê, nơi chỉ có những ngôi nhà mái ngói cũ kỹ với lũy tre xanh cao v·út bao quanh làng và cánh đồng bát ngát.

Gặp lại bạn bè sau mấy tháng, đứa nào đứa nấy lớn vổng, nhất là bọn con gái. Chỉ có thằng tôi là chẳng thay đổi. Tôi vẫn gầy gò, đen nhẻm, thấp bé gần nhất lớp. Bạn bè vẫn thường gọi tôi là Nam Còi, vài đứa khác gọi tôi là Cáo Già còn bà nội tôi, mặc dù tôi đã lớn nhưng vẫn chỉ gọi tôi bằng cái tên Cò Tý như lúc tôi mới chào đời. Sở dĩ bà nội tôi gọi như vậy là để tránh tên húy. Cò là tên gọi chung cho các bé trai, còn Tý là do tôi sinh năm con chuột.

Ông nội tôi hồi còn sống đã lấy đến bốn vợ. Người vợ đầu tiên ông cưới lúc mười ba tuổi nhưng chỉ ở với nhau được vài ngày rồi ai lại về nhà nấy. Người vợ thứ hai của ông sống trong làng. Bà hai (đúng ra phải gọi là bà cả) mất từ khi bố tôi còn chưa ra đời. Hai ông bà không có con. Ông tôi lấy người vợ thứ ba ở làng Nắp Dừa (nay là thôn Thanh Gia, xã Quảng Phú, Lương Tài, Bắc Ninh) lúc gần ba mươi tuổi. Bà ba sinh cho ông tôi mấy người con nhưng đều c·hết yểu khi còn đỏ hỏn nên ông tôi lấy thêm người vợ thứ tư khi tuổi đã ngoại tứ tuần. Bà thứ tư cũng là người cùng làng, bà kém ông tôi mười hai tuổi. Bà thứ tư đẻ ra bố tôi và hai cô.

Tôi và hai đứa em lần lượt sinh ra đời, chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi có đến hai bà nội, là bà thứ ba và bà thứ tư. Ngay từ lúc ấu thơ, chúng tôi gọi bà ba là bà Già và bà nội ruột là bà Trẻ. Ba anh em tôi chưa bao giờ thắc mắc vì sao mình lại có đến hai bà nội cũng như tên thật của hai bà là gì mãi cho đến khi đủ lớn để biết. Bà Già, tức là bà thứ ba, sống ở quê một mình trông nom nhà cửa. Bà Trẻ sống cùng với bố mẹ tôi ở Hà Nội lo buôn bán. Bà Trẻ có duyên buôn bán còn bà Già thì không. Bởi sợ người làng lời ra tiếng vào là để mẹ già sống lẻ loi ở quê nên bố mẹ cho tôi về ở cùng với bà. Thật tâm thì tôi không thích điều này nhưng một thằng bé mới lên mười thì có thể nói gì ngoài việc chấp nhận theo sự sắp đặt của người lớn.

Bà Già rất thương tôi, có thể nói bà dành cho tôi tất cả tình yêu thương mà bà có thể cho đi. Bà lo cho tôi từ cái ăn, cái mặc. Thậm chí bà gội đầu, kì lưng cho tôi mãi đến lúc tôi học lớp 9 mới chịu thôi vì tôi phàn nàn quá nhiều.

- Cháu lớn rồi, bà cứ gội đầu với kỳ lưng thế này mấy thằng bạn cháu nó cười cho thối mũi.

- Ôi trời, chúng nó cười mãi mỏi miệng. Để mày tự tắm thì ghét bẩn bám đầy người, hôi như cú. Mày ngồi gần đám con gái trong lớp rồi có ngày bọn nó chê mày hôi cho mà xem!

Tôi thích gội đầu bằng dầu gội Clear hoặc Sunsilk cho tiện nhưng bà lại bắt tôi gội đầu bằng bồ kếp. Bồ kếp là một thứ dầu gội của những người già mà tôi cảm thấy bất tiện. Tuy vậy, tôi không muốn bà buồn nên miễn cưỡng chiều theo ý của bà. Tôi chẳng biết có phải do từ nhỏ tôi gội đầu bằng bồ kếp hay không mà khi nhiều tuổi, mặc dù gia đình bên nội nhà tôi có gien hói, em trai tôi đã không còn một sợi tóc nào thì tôi vẫn còn nhiều tóc, rất nhiều. Tôi không sợ bị hói bởi từ nhỏ tôi nhìn ảnh thờ của ông nội, vầng trán của ông cao và phẳng như sân bay Nội Bài và trên đỉnh đầu cũng như hai bên thái dương chẳng có sợi tóc nào. Tôi yêu quý ông nội của mình thành ra tôi… thấy hói đầu cũng không có gì đáng sợ lắm.

Tôi rất yêu bà của mình. Đối với tôi, bà chính là cả bầu trời tuổi thơ và đóng vai trò quan trọng trong thước phim đời tôi hơn cả bố mẹ tôi nữa. Bởi từ lúc thơ ấu đến lúc trưởng thành, trong ngôi nhà nhỏ chỉ có hai bà cháu sống với nhau. Ở với người già lâu đâm ra tâm tính của tôi cũng có vài phần già trước tuổi, thế nên bạn tôi gọi tôi là Cáo Già cũng không hẳn là vô lý.

Tôi xấu trai!

Đây là một sự thật khó chối cãi. Tôi biết nhưng lại không chịu thừa nhận. Một người chị thân thiết đã từng nói với tôi rằng:

- Chỉ có thằng thần kinh mới tự nhận mình đẹp trai rồi suốt ngày bắt người khác phải chấp nhận điều đấy!

Và tôi thì có vẻ là một đứa thần kinh thật!

Tôi thừa hưởng cái mũi dọc dừa cùng đôi mắt sâu của ông nội và bố tôi. Tôi luôn tự hào về điều này. Con giống cha là nhà có phúc, chắc chắn là như thế. Nếu con mà giống hàng xóm thì nhà đó nhất định sẽ có tai họa. Nếu bạn không tin lời tôi nói, bạn có thể thử. Khách quan mà nói thì tôi thừa hưởng cả nét đẹp của bố và mẹ truyền lại nhưng có điều bà Mụ sắp xếp không được hài hòa cho lắm bởi chi tiết thì đẹp mà tổng thể lại không hút mắt người nhìn. Tôi đã từng cho rằng bà Mụ nặn ra mình hẳn là mới vào nghề nên chưa được khéo tay bởi hai năm sau bà Mụ nặn thằng em trai của tôi kiểu gì mà nó đẹp trai quá thể. Ngay cả em gái của tôi, bà Mụ cũng nặn khéo nốt nên nó cũng nhiều phần xinh đẹp. Chỉ có tôi đen đủi do là thành phẩm đầu tiên chăng?!

Thế nên tôi không thích bà Mụ!

Bởi do chẳng ai công nhận tôi đẹp trai cho dù tôi đã cố gắng giải thích nên tôi đã quyết định rằng:

- Gái tham tài, trai tham sắc. Đã vậy mình chọn thông minh. Mình là đứa thông minh.

Tôi chọn mình thông minh là có lý do bởi vì thông minh và học giỏi là hoàn toàn khác nhau. Các bạn biết đấy, một lời nói dối mà lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật. Tôi học không giỏi vậy nên thông minh là một lựa chọn hợp lý. Rất hợp lý.

Bằng chứng cho việc tôi học không giỏi là bây giờ tôi đang học ở lớp 12B8. Khối 12 có 18 lớp. Hồi thi đầu vào, nhà trường lấy điểm từ cao đến thấp. Tôi chỉ vừa đủ điểm đỗ.

Ngôi trường tôi đang theo học, trong con mắt của đám học sinh chúng tôi chính là ngôi trường xịn nhất của huyện. Trường được thành lập từ năm 1961. Đa phần cán bộ lãnh đạo của huyện nhà đều tốt nghiệp từ ngôi trường cấp ba này.

Do tôi lười biếng, mải chơi và chủ quan nên phải học ở lớp “bê bát”! Mẹ tôi là một trong số những người đã đưa ra nhận định này. Chính bởi tôi học ở lớp “bê bát” hay “bết bát” mà cô bạn gái tôi từng thương thầm nhớ trộm từ lúc mới học lớp 5 đã không thèm để mắt đến tôi trong suốt mấy năm qua. Cô ấy thất vọng về tôi, bảo rằng tôi học dốt và nên tự vấn bản thân. Cô ấy đã từng nghĩ tôi sẽ học ở một lớp A nào đó nên đã từ bỏ trường chuyên tỉnh để thi đầu vào ở trường này và kết quả thật đáng buồn. Vì thế, mặc dù hai chúng tôi hàng ngày cùng về chung một con đường nhưng kẻ trước người sau. Cô bạn mà tôi thầm thương trộm nhớ ấy học lớp 12A2. Tôi và cô ấy ở hai thái cực trong cùng một ngôi trường.

Cô bạn ấy tên là Vân Quỳnh. Vân Quỳnh giữ chức lớp phó học tập từ hồi tôi học lớp 5 đến hết lớp 9. Những cô nàng lớp phó học tập bao giờ cũng hách xì dầu nhưng thôi, đẹp bù lại phần khó tính cũng vẫn dư.

Hai chúng tôi cùng xã nhưng khác làng.

Tôi đã thích Vân Quỳnh kể từ ngày đầu gặp mặt.

Tôi thấy con gái đẹp thì thích thôi. Vân Quỳnh có một cái răng khểnh rất duyên, nước da trắng ngần, là con út trong một gia đình có bố là cán bộ thủy lợi, mẹ làm văn thư trong trường thế nên cô ấy cũng khác biệt phần lớn các bạn còn lại trong lớp khi bố mẹ đều làm nông. Tôi khác biệt với các bạn trong lớp vì… có bố mẹ ở Hà Nội. Có bố mẹ làm việc ở Hà Nội là một điều gì đó rất… oách! Lũ bạn cấp hai của tôi nhiều đứa cũng muốn có bố mẹ làm việc ở Hà Nội thay vì cắm cúi ngoài cánh đồng làng sớm tối.

Vân Quỳnh có thể coi là mối tình đầu của tôi mặc dù đây chỉ một mối tình đơn phương hoặc chí ít, đã đôi lần tôi có thể đã bước qua ngưỡng cửa tình bạn để tỏ tình chính thức nhưng lời tỏ tình ấy chưa bao giờ được nói ra vì tôi không đủ dũng khí để đánh đổi tình bạn lấy tình yêu. Nếu tỏ tình thất bại thì cái kết sẽ là tôi mất luôn một người bạn. Tôi phần nào hiểu cô bạn của mình.

Nhưng sự thật thì Vân Quỳnh không phải là tên do bố mẹ cô ấy đặt. Cô bạn lớp phó học tập của tôi thích hoa quỳnh, một loài hoa trắng tinh khiết nhưng chỉ tỏa sắc về đêm.

-Tớ mà có con gái thì nhất định tớ sẽ đặt tên là Vân Quỳnh. Còn đằng ấy thì sao?

-Tớ cũng sẽ đặt tên là Vân Quỳnh!

-Ơ, sao lại thế?

-À… tại tớ thích.

Tôi tủm tỉm cười nhích nhẹ tay ga để xe phóng nhanh hơn.

Một ngày trong tương lai, tôi hỏi cô ấy:

-Thế đã có Vân Quỳnh nào chưa?

-Có hai thằng giặc.

-Nặn thêm đứa nữa đi.

-Thôi khỏi. Thế còn ông?

-Tôi cũng chẳng có Vân Quỳnh nào. Hồi trước bà yêu rồi lấy tôi có khi mới có Vân Quỳnh được.

-Thôi mày cút!

Mối tình đơn phương của tôi là một câu chuyện dài mà tôi nhất định sẽ kể.

Dù tôi rất yêu thương bà nội nhưng tôi đã chán ngấy cuộc sống ở quê. Tôi muốn được sống và học tập tại Hà Nội. Mùa hè vừa rồi, mẹ tôi đã dự định chuyển trường cho tôi nhưng chẳng hiểu vì lý do nào mà cuối cùng tôi vẫn phải lên xe khách về quê nhập học khi vừa qua lễ Quốc khánh.

Trái với năm học đầu tiên phải học trong một dãy nhà kho cũ kỹ được xây từ những năm 60, năm nay khối 12 bọn tôi được học trong dãy nhà ba tầng khang trang. Nhà trường ưu tiên các lớp A1, A2 học ở tầng trệt còn bọn đầu đất chúng tôi, lớp ngỗ ngược chơi nhiều hơn học được đặc cách học ở tầng ba để lên xuống nhiều bậc thang cho mệt, cho giảm đi phần nào sức lực để bớt phá phách.

Nếu tôi là thầy Hiệu trưởng tôi cũng sẽ sắp xếp như vậy nhưng tôi không bao giờ có thể trở thành một Hiệu trưởng. Tôi chỉ là tôi thế nên… tôi cũng không thích thầy Hiệu trưởng bởi thầy đã bêu tên tôi trước cờ khiến tôi chỉ ước có một cái lỗ dưới đất để chui xuống.

Bọn chúng tôi chưa bao giờ lấy làm buồn về việc học ở tầng ba, dù gì ở trên cao cũng nhìn mọi thứ thoáng đãng hơn.

- Chúng nó học giỏi hơn mình nhưng chúng mày xem đi, bây giờ bọn mình đang ngồi trên đầu chúng nó. Tiếc nhất là trường mình không làm nhà vệ sinh ở tầng hai với tầng ba chứ không bọn mình còn được tè lên đầu bọn học giỏi ấy chứ.

Tôi đã không ít lần tếu táo như vậy, đám bạn học đứa nào nghe xong cũng phá lên cười như Liên Xô được mùa. Kể từ khi còn nhỏ, tôi luôn cố gắng tìm ra những điểm thú vị trong cuộc sống để tự an ủi chính bản thân mình nhằm giúp cho cuộc sống thêm phần tích cực cũng như bớt tẻ nhạt.
« Chương TrướcChương Tiếp »