Tôi đã đổi xe đạp nhưng vẫn đứng sững một chỗ.
-Sao, có muốn vào nhà tớ chơi không?
Hà Anh cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi luống cuống lên xe định đạp đi nhưng chợt khựng lại ngay khi nhìn thấy bóng dáng một người quen đứng bên cửa chính một ngôi nhà gần đó. Tôi đã thoáng nhìn thấy bóng người ấy từ lúc nãy nhưng không để ý, bây giờ tôi mới nhận ra và cũng là lúc tôi cảm thấy lạnh sống lưng. Người quen ấy chẳng ai xa lạ, chính là thầy Hiệu trưởng.
Tôi hơi cúi mặt xuống hỏi nhỏ:
-Nhà… nhà thầy Hiệu trưởng… cạnh… cạnh nhà của bạn à?
-Ừ, cách nhà tớ mấy căn.
Hà Anh thản nhiên quay lại chỉ cho tôi thêm vài căn nhà cùng với tên của các thầy cô giáo. Tôi nghe đến đâu thì gai ốc nổi khắp người đến đó. Nào là nhà thầy dạy môn Địa lý từng làm chủ nhiệm lớp tôi năm trước, nào là cô giáo dạy Toán hiện tại, nào là…
Tai tôi ù đặc. Trong đầu tôi bây giờ là viễn cảnh những tháng ngày khổ sở sắp tới đây khi mà bản thân bị các thầy cô giáo để ý. Năm trước, thầy chủ nhiệm vốn đã không có cảm tình với tôi rồi, năm nay tôi muốn được yên thân.
-Này! Sáng mai cho tớ đi cùng với nhé, này…
Giọng của Hà Anh í ới phía sau, tôi chẳng còn tâm trí nào đáp lại, thay vào đó, tôi cắm đầu cắm cổ đạp xe như bị ma đuổi sau lưng. Bây giờ tôi nhớ ra rồi, nhớ ra tất cả. Gần ba năm trước lúc tôi bị chặn đường, tôi nhớ rõ có ba đứa con gái, đứa nào cũng xinh đẹp hơn người, cùng với một đám trẻ con khác lùa tôi bỏ chạy trối c·hết. Tôi không còn nhớ rõ khuôn mặt nhưng Hà Anh có thể, không, chắc chắn là một trong ba đứa con gái mà tôi đã gặp.
-“Con lạy trời lạy Phật, đừng cho con gặp lại con bé này nữa”.
Tôi đạp xe về đến nhà mà nét mặt vẫn còn thất thần. Đứng tựa vào thân cây bưởi thở phì phò, mồ hôi ướt đẫm áo không phải vì nắng mà vì sợ! Tôi chạy ào vào nhà quăng ba lô lên phản, vơ vội hộp diêm Thống Nhất, rút vài que hương trong tủ một cách run rẩy. Tôi cắm mấy que hương vào bát hương để sâu bên trong bệ thờ của ngôi miếu nhỏ, miệng lâm râm khấn:
-Chị Ngọc Hoa ơi, chị sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho em, đừng cho con bé tên là Hà Anh gặp lại em nữa. Em không muốn làm bạn của nó, em sợ. Em lạy chị.
Tôi vái như tế sao nhưng chợt khựng lại vì mấy que hương đang cháy bùng lên thành một ngọn lửa nhỏ. Tôi đưa tay quệt mồ hôi như trút được gánh nặng. Tôi mừng thầm:
-“Đấy, may thật, thế là mình thoát một kiếp nạn”. – Tôi thở hắt ra. – “Người xưa bảo hoa hồng thường có gai, dây vào có khi chưa hái được hoa mà tay đã chảy máu”.
Nghĩ rằng chị Ngọc Hoa, chủ nhân của ngôi miếu nhỏ trong vườn nhà, đã lắng nghe lời thỉnh cầu của mình nên tôi trút được gánh nặng trong tâm hồn. Ngôi miếu thờ chị Ngọc Hoa là một ngôi miếu thiêng nên tôi cực kỳ tin tưởng rằng lời khẩn cầu của tôi sẽ đươc đáp ứng.
Và sự thật thì lời thỉnh cầu của tôi được đáp ứng, chỉ có điều sai sót là do tôi.
Nhưng như tôi nói, cuộc đời luôn có những bất ngờ.
Tuy nhiên, để đề phòng phải chạm mặt Hà Anh, tôi cố ý đi đường vòng để đến trường thay cho đường thẳng qua cửa nhà cô ấy. Lúc tan học, tôi tìm mọi cách để Hà Anh khó tìm thấy mình. Đối với việc tránh mặt người khác, kể ra thì tôi cũng có chút ít kinh nghiệm.
Bẵng đi vài ngày, tôi tưởng mọi chuyện đã êm…
Trưa hôm ấy, sau bữa cơm trưa. R9 và tôi cùng học bài. R9 chỉ cho tôi một số cách vẽ biểu đồ đẹp và đúng như lời đề nghị của tôi trước đó. Bà Già đun cho tôi một nồi bồ kếp để gội đầu, dù tôi đã là học sinh cuối cấp ba nhưng đối với bà, tôi vẫn chỉ là thằng cháu bé bỏng mà bà đã nuôi nấng kể từ lúc lọt lòng. Cô tôi từng kể rằng lúc tôi hãy còn đỏ hỏn, các cô không được bế tôi nhiều vì chỉ cần bế một lúc thôi là bà Già sẽ đòi lại và phàn nàn rằng các cô bế không khéo, sẽ khiến tôi đau, sẽ khiến tôi dễ khóc, sẽ khiến tôi khó ngủ… Nói ngắn gọn, tôi chính là cục vàng của bà nội Già kể từ tấm bé mặc dù giữa tôi và bà Già không có chút gì máu mủ. Bà Già yêu thương tôi như vậy, dĩ nhiên tôi cũng yêu thương bà. Bà là tất cả bầu trời tuổi thơ của tôi.
Trời nắng lại chuẩn bị tắm nên tôi và R9 đều cởi trần ngồi học. Hai chúng tôi chụm đầu vào nhau bên tấm phản gỗ lim truyền thừa từ nhiều đời nay. Tấm phản gỗ lim của nhà tôi mang lại nhiều giá trị tinh thần hơn là giá trị vật chất.
-Nam ơi!
Bên ngoài sân có tiếng gọi vọng vào. Tôi ngẩng đầu lên, R9 hỏi:
-Ai gọi mày đấy?
-Không biết!