Chương 1: Phong nguyệt vô tình

“Phong nguyệt vô tình nhân ám hoán

Cựu du như mộng không trường đoạn…”.

越女采蓮秋水

Việt nữ thái liên thu thủy bạn

窄袖輕羅

Trách tụ khinh la

暗露雙金釧

Ám lộ song kim xuyến

照影摘花花似面

Chiếu ảnh trích hoa hoa tự diện

芳心只共絲爭亂

Phương tâm chỉ cộng ti tranh loạn

雞尺溪頭風浪

Kê xích khê đầu phong lãng vãn

霧重煙輕

Vụ trọng yên khinh

不見來時伴

Bất kiến lai thì bạn

隱隱歌聲歸棹遠

Ẩn ẩn ca thanh quy trạo viễn

離愁引著江卥X

Ly sầu dẫn trước Giang Nam ngạn

Bờ thu Việt nữ hái sen,

Vờn tay áo lụa ẩn khoen xuyến vàng.

Hái hoa hoa ánh mặt nàng,

Lòng đây chỉ khốn nỗi quàng tơ vương.

Hỏi dòng Kê Xích phong sương,

Mù thâm khói nhẹ chung đường bạn đâu?

Chèo về ca vẳng bến đầu,

Bờ lan một dải mây sầu Giang Nam.

Tiếng hát nhẹ nhàng uyển chuyển vang vang trên mặt hồ. Tiếng hát phát ra từ một chiếc thuyền nhỏ, có năm thiếu nữ đang vui vẻ vừa cười nói, ca hát, vừa hái sen. Bài ca các nàng đang hát là bài từ “Điệp luyến hoa” của đại từ nhân Âu Dương Tu thời Bắc Tống sáng tác, miêu tả đúng cảnh thiếu nữ người Việt hái sen, tuy chỉ vỏn vẹn có năm mươi chữ, nhưng thời gian giờ giấc, mùa trong năm, địa điểm, cảnh vật, cùng dung mạo, đồ trang sức, y phục, tâm tình của các thiếu nữ Việt, mọi thứ đều được miêu tả hết sức sinh động, nhất là hai câu sau, trong tả cảnh có kể chuyện, trong chuyện kể có ẩn tình, từ gần đến xa ý tứ vô cùng. Âu Dương Tu làm quan ở miền Giang Nam lâu năm, du sơn ngoạn thủy nhiều nơi, thơ ông rất giàu tình ý. Người đời Tống bất luận quan chức quý nhân hay thường dân xóm nhỏ, khi lấy nước bên bờ giếng, khi bẻ liễu trên bờ sông, khi hái sen trong hồ, đều thường thích thú ngâm ngợi các bài từ của ông.

Bấy giờ vào thời Nam Tống Lý Tông, ở vùng hồ Gia Hưng. Gần tiết Trung thu, lá sen tà dần, hạt sen chắc mẩy. Tiếng hát vọng tới chỗ một đạo cô đang ngồi bên hồ. Đạo cô lặng lẽ ngồi dưới hàng liễu đã lâu, làn gió lay động tà áo bào màu vàng nhạt của bà ta, thổi tung mái tóc lòa xòa phủ gáy, bao ý nghĩ ngổn ngang trong đầu, thật đúng là trong lòng trăm mối tơ vò. Chỉ nghe tiếng hát xa dần, vẫn là ca từ của Âu Dương Tu, nhưng đã là bài khác, nghe văng vẳng trong gió câu “Trăng gió vô tình người đổi dạ, dấu xưa như mộng nát tan lòng…”[1]

Lời ca chưa dứt, đã nghe tiếng cười khúc khích từng chặp. Vị đạo cô thở dài, giơ tay trái, nhìn lòng bàn tay nhuốm đầy máu tươi, lẩm bẩm một mình:

– Có gì đáng cười kia chứ? Lũ trẻ hát mà chẳng hiểu nỗi tương tư sầu khổ, cái ý thương cảm trong bài từ.

Cách phía sau đạo cô hơn mười trượng, có một lão nhân râu dài, áo bào xanh, cũng ngồi bất động, chỉ khi nghe câu “Trăng gió vô tình người đổi dạ, dấu xưa như mộng nát tan lòng…” thì mới khe khẽ thở dài. Con thuyền nhỏ lướt trên mặt nước phẳng như gương. Năm thiếu nữ trên thuyền, có ba nàng mười lăm mười sáu tuổi, hai nàng kia đều lên chín. Hai thiếu nữ ít tuổi nhất là chị em họ, cô chị họ Trình tên Anh, cô em họ Lục tên Vô Song, hơn kém nhau nửa tuổi.

Ba thiếu nữ lớn vừa hát vừa chèo thuyền ra khỏi đám lá sen, Trình Anh nói:

– Biểu muội nhìn kìa, vị lão bá kia vẫn còn ngồi ở đó.

Cô bé vừa nói vừa chỉ về phía lão nhân ngồi dưới gốc liễu. Lão nhân đầu tóc rối bù, râu tua tủa như lông nhím, râu tóc còn đen mướt, chứng tỏ tuổi còn trẻ, vậy mà mặt đầy các nếp nhăn sâu như một ông cụ bảy tám mươi, mình bận chiếc áo dài màu lam, trước ngực quàng lên cổ một chiếc yếm dãi của trẻ sơ sinh, trên yếm thêu cảnh con mèo hoa đuổi bướm, chiếc yếm dãi đã sờn rách từ lâu.

Lục Vô Song nói:

– Ông già quái dị ấy ngồi đó đã nửa ngày, sao chẳng thấy động đậy gì hết?

Trình Anh nói:

– Đừng gọi là ông già quái dị, hãy gọi là “lão bá bá”. Biểu muội mà gọi là ông già quái dị, thì người ta sẽ giận đấy.

Lục Vô Song cười nói:

– Như thế mà còn không phải là ông già quái dị nữa sao? Già thế kia mà còn đeo yếm dãi. Lão ta mà giận, râu tóc dựng ngược lên, trông càng vui mắt.

Nói đoạn cô bé nhặt một cái gương sen trong thuyền ném về phía quái khách.

Chiếc thuyền cách vị quái khách mấy trượng, Lục Vô Song tuy ít tuổi, nhưng sức ném đã không yếu, lại rất chuẩn. Trình Anh vội gọi:

– Biểu muội!

Định ngăn lại, nhưng đã không kịp, chỉ thấy cái gương sen bay thẳng tới mặt vị quái khách. Quái khách hất hàm một cái, đã ngậm được cái gương sen, chẳng buồn giơ tay cầm, dùng lưỡi điều khiển mà nhai cả cái gương sen rau ráu. Năm thiếu nữ thấy quái khách nhai tuốt cả vỏ lẫn hạt sen, chẳng sợ đắng, thì nhìn nhau kinh ngạc rồi cùng cười khúc khích, chèo thuyền vào bờ rồi bước lên bờ hồ.

Trình Anh tới bên cạnh quái khách, giật giật vạt áo của lão ta, nói:

– Lão bá bá, ăn như thế không ngon đâu.

Cô bé lấy trong giỏ ra một cái gương sen, bẻ lấy mười mấy hạt sen, rồi lại bóc vỏ xanh, tách vứt cái tâm đắng, mới đưa cho quái khách. Quái khách nhai vài miếng, cảm thấy thơm ngon hơn hẳn thứ vừa ăn ban nãy, thì nhoẻn miệng cười với Trình Anh, gật gật gù gù.

Trình Anh lại đưa cho quái khách mấy hạt sen nữa, quái khách bỏ tất vào mồm nhai nghiến ngấu, rồi ngửa mặt lên trời, nói:

– Có theo ta chăng?

Đoạn lão sải bước đi về hướng tây.

Lục Vô Song kéo tay Trình Anh, nói:

– Biểu tỷ chúng mình đi theo xem sao đi.

Ba thiếu nữ lớn hơn nhưng nhát gan, vội can:

– Mau về nhà thôi, đừng đi xa mà bị mẹ mắng cho đấy.

Lục Vô Song dẩu môi làm trò quỷ, thấy quái khách đã đi một quãng xa, bèn nói:

– Biểu tỷ không đi thì thôi.

Đoạn buông tay Trình Anh mà đuổi theo quái khách. Trình Anh trước giờ luôn luôn chơi đùa với biểu muội, nay không bảo được nó về thì đành đi theo nó vậy. Ba thiếu nữ lớn hơn mấy tuổi nhưng non gan, chỉ gọi với theo vài tiếng thì quái khách và hai chị em Trình, Lục đã trước sau khuất vào bãi dâu xanh.

Quái khách đi rất nhanh, thấy hai cô bé chân ngắn theo không kịp, đã mấy lần dừng lại chờ, cuối cùng sốt ruột, bèn dang hai cánh tay dài, mỗi tay kẹp một cô bé vào nách mà đi như bay. Hai cô bé chỉ nghe gió ù ù bên tai, cỏ cây đất đá hai bên đường cứ vùn vụt trôi qua trước mắt. Lục Vô Song cảm thấy sợ, vội kêu:

– Đặt điệt nhi xuống, đặt điệt nhi xuống thôi!

Quái khách chẳng buồn lý đến, lại còn lướt đi nhanh hơn.

Lục Vô Song bèn ngẩng lên, há mồm cắn thật mạnh vào cạnh bàn tay lão ta một cái. Cạnh bàn tay của quái khách dai cứng, khiến mấy cái răng non của Lục Vô Song đau tê đi, cô bé đành nhả ra, không cắn nữa, nhưng chẳng chịu yên, cứ la hét ầm lên. Trình Anh thì lẳng lặng không nói gì.

Quái khách chạy một chặng nữa rồi mới đặt hai cô bé xuống đất. Chỗ này là một bãi tha ma, Trình Anh sợ tái mặt, riêng Lục Vô Song thì mặt mày đỏ gay. Trình Anh nói:

– Lão bá bá chúng điệt nhi muốn về nhà thôi, chúng điệt nhi không chơi với lão bá bá nữa đâu!

Quái khách đưa mắt nhìn cô bé một cái, không nói gì. Trình Anh thấy ánh mắt của quái khách chứa đựng một nỗi buồn ảm đạm hết sức đáng thương, thì không khỏi động lòng trắc ẩn, bèn nhẹ nhàng nói:

– Nếu không có ai chơi với lão bá bá thì ngày mai lão bá bá hãy tới bên hồ, chúng điệt nhi sẽ lại bóc hạt sen mời lão bá bá ăn.

Quái khách thở dài, nói:

– Đúng thế, mười năm rồi không có ai chơi đùa với ta.

Đột nhiên lão ta quắc mắt, giận dữ quát to:

– Hà Nguyên Quân đâu? Hà Nguyên Quân đâu rồi?

Trình Anh thấy lão ta bỗng dưng trở mặt, thì sợ hãi, ấp úng nói:

– Điệt nhi… điệt nhi… điệt nhi không biết.

Quái khách túm lấy tay cô bé, lắc lắc thân hình cô bé mấy cái, gằn giọng, hỏi:

– Hà Nguyên Quân đâu?

Trình Anh sợ quá, nước mắt lưng tròng, nhưng cố không để nước mắt trào ra. Quái khách nghiến răng nói:

– Khóc đi, khóc đi! Sao ngươi không khóc hả? Mười năm trước, ngươi bằng ngần này đây. Ta không bằng lòng gả ngươi cho hắn. Ngươi bảo ngươi không nỡ xa ta, nhưng không thể không đi theo hắn. Ngươi bảo ngươi rất cảm kích ân tình của ta, rất đau lòng khi phải xa ta. Hừ, toàn những lời dối trá. Nếu ngươi thật sự đau lòng, tại sao ngươi không khóc hả?

Lão ta hầm hầm nhìn Trình Anh. Trình Anh sợ mất mật rồi, nhưng nước mắt vẫn chưa trào ra. Khi quái khách nắm cánh tay lắc người cô bé, cô bé cắn môi, nghiến răng chịu au, nghĩ thầm: “Ta không khóc, quyết không khóc!”. Quái khách nói:

– Hừ ngươi nhất định không chịu rơi một giọt nước mắt vì ta, ta còn sống làm gì kia chứ?

Đột nhiên lão ta buông tay Trình Anh, cúi người xuống, đập đầu vào một tấm bia nghe “Bịch” một tiếng, quái khách lập tức ngã lăn bất tỉnh. Lục Vô Song gọi:

– Biểu tỷ, chạy mau.

Rồi kéo Trình Anh quay người chạy đi. Trình Anh chạy được vài bước, thấy quái khách đầu bê bết máu, thì trong lòng không nỡ, nói:

– Hình như lão bá bá đập đầu chết rồi, mình lại coi xem sao.

Lục Vô Song nói:

– Người chết biến thành ma thì phải?

Trình Anh giật mình, vừa sợ lão ta biến thành ma, vừa sợ lỡ lão ta đột nhiên hồi tỉnh, lại tóm lấy tay mình mà nói nhưng lời điên khùng kỳ quái, nhưng thấy lão ta mặt mũi chan hòa máu tươi, trông thật đáng thương, thì tự nhủ: “Lão bá bá không hóa thành ma đâu mà phải sợ, lão bá bá sẽ không túm lấy mình nữa đâu!”, cô bé đánh bạo từ từ lại gần, gọi:

– Lão bá bá, đau lắm phải không? nguồn TruyệnFULL.vn

Quái khách rên một tiếng, không trả lời. Trình Anh bạo hơn, lấy khăn tay chặn chỗ vết thương lại cho lão ta. Nhưng lão ta đập đầu quá mạnh, vết thương quá nặng trong giây lát máu xối ra làm ướt sũng cả cái khăn. Trình Anh bèn dùng tay trái ấn chặt vết thương, một lát sau thì máu ngừng chảy. Quái khách mở mắt he hé, nhìn thấy Trình Anh ngồi bên cạnh, thì thở dài:

– Ngươi lại đi cứu ta làm gì thế? Sao không để ta chết quách cho xong.

Trình Anh thấy lão ta hồi tỉnh, cả mừng, hỏi nhẹ:

– Lão bá bá đầu có đau lắm không?

Quái khách lắc đầu, buồn rầu nói:

– Đầu không đau, nhưng lòng đau.