Tiền truyện

Bách Phượng quốc và Tùy Khâu quốc liên hôn.

Ngày mười bảy tháng hai năm Quang Nhật thứ sáu, đại công chúa Tùy Khâu – Chu Đan Nguyệt – được gả cho hoàng đế Bách Phượng – Tống Chiêu Huy.

Tống Chiêu Huy lập tức phong Chu Đan Nguyệt làm phi. Chữ “phi” này, nói cao không cao, nói thấp không thấp. Tuy phong hiệu không lớn, nhưng ngược lại Chu Đan Nguyệt lại được hưởng ân sủng chưa từng có: được ban hiệu một chữ Hòa, lại còn được đổi sang họ Tống, ghi tên vào hoàng tịch trong hoàng lăng. Đây quả nhiên gây chấn động lớn cho toàn bộ các nước lớn nhỏ trong khu vực. Sở dĩ như vậy là bởi vì theo luật lệ từ xưa, hầu như ở nước nào cũng vậy: Chuyện phong hiệu trước nay chỉ mình chính cung Hoàng hậu là được hưởng, nhưng cũng phải đợi sau khi chết mới nhập phả tịch, đổi sang họ Hoàng đế. Lần này Chu Đan Nguyệt vừa mới xuất giá đã được phong hiệu, đổi họ là chuyện chưa từng có. Nhiêu đó thôi cũng đủ thấy lòng nhiệt thành của Tống Chiêu Huy đối với Tùy Khâu quốc.

Có người cho rằng Đan Nguyệt công chúa hết sức may mắn. Nàng ở Tùy Khâu vốn không được hoàng đế Tùy Khâu sủng ái, là một công chúa bị bỏ quên trong thâm cung. Đan Nguyệt năm nay đã hai mươi tuổi, cũng có thể gọi là quá lứa lỡ thì. Dung mạo nàng lại không có gì nổi bật, những tưởng sẽ phải chết già trong hậu cung Tùy Khâu. Ai ngờ đùng một cái, Bách Phượng cầu thân. Bách Phượng và Tùy Khâu từ xưa tới nay luôn ngấp nghé, kiềm kẹp lẫn nhau, tuy nhiên thế lực Tùy Khâu yếu hơn một chút nên vẫn chưa xảy ra chiến tranh. Lần này Bách Phượng cầu thân không ngoài mục đích dập tắt tham vọng của hoàng đế Tùy Khâu. Hoàng đế Tùy Khâu biết rõ điều này nhưng lại không nghĩ ra cách đối phó. Hiện tại, quân đội Tùy Khâu còn thua kém Bách Phượng khá nhiều. Nếu như từ chối chính là làm mất mặt Bách Phượng đế, tạo cớ cho Bách Phượng đánh chiếm Tùy Khâu. Nhưng nếu đồng ý gả một công chúa đi, lại hóa ra tự chặt đứt tương lai thống nhất thiên hạ sau này. Hơn nữa, hoàng đế Bách Phượng lại còn một chút tai tiếng. Nghe đồn rằng hắn là một bạo quân ngang ngược, hoang da^ʍ vô độ lại cực kì khát máu, lúc buồn liền tìm người ra chém giết giải khuây. Từ cung nữ, thái giám đến phi tử, thậm chí là trọng thần triều đình, hắn không vừa mắt liền giết. Tùy Khâu đế dĩ nhiên không muốn đem con mình giao vào miệng cọp.

Đang lúc khó xử, Tùy Khâu đế nhớ đến đại công chúa của ngài. Đan Nguyệt là con của một phi tần mà ngài đã quên mặt từ lâu. Phi tần đó hình như cũng đã qua đời gần mười năm nay. Đan Nguyệt thân cô thế cô, ngay cả cung điện riêng cũng không có. Từ khi sinh ra, nàng chỉ quanh quẩn trong một tòa các nhỏ tồi tàn sâu trong hoàng cung. Hoàng hậu Tùy Khâu không mấy yêu thích nên dù đã quá tuổi cập kê từ rất lâu rồi, Đan Nguyệt vẫn không có lấy một mối hoa đào nào. Tùy Khâu đế nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy Đan Nguyệt chính là đối tượng thích hợp nhất để liên hôn với Bách Phượng. Thứ nhất, dù không được sủng ái thì Đan Nguyệt vẫn đường đường chính chính là đại công chúa danh giá của Tùy Khâu. Đem đại công chúa đi liên hôn xem ra thể hiện rất rõ thịnh tình. Thứ hai, Tùy Khâu đế ngài không hề yêu thương đứa con gái này. Nếu sau này trở mặt gây chiến với Bách Phượng, Đan Nguyệt sẽ không thể trở thành điểm yếu của ngài. Thứ ba, chính là vì ngài rất rất không yêu thương nàng cho nên có thể để nàng đi xa một chút, khuất mắt ngài thì thật là thoải mái. Thứ tư, cho dù Bách Phượng đế có nổi cơn khát máu đem Đan Nguyệt chém đầu thì ngài cũng chẳng có tổn thất gì, chỉ là một đứa con gái vô dụng bị lãng quên mà thôi.

Như vậy, từ một công chúa bị ghẻ lạnh không lấy được chồng, Chu Đan Nguyệt bỗng chốc trở thành Hoà phi của Bách Phượng quốc giàu mạnh bậc nhất phương Bắc – vị trí mà bất kì nữ nhân nào cũng khao khát. Lễ sắc phong diễn ra linh đình suốt một ngày đêm, xa hoa hết chỗ nói. Tùy Khâu đưa ra một nàng công chúa bị thất sủng. Bách Phượng lại nâng niu như trân bảo đem về. Chuyện này đã trở thành một giai thoại gây cười suốt một thời gian dài.

Ngay chính bản thân Đan Nguyệt lúc đó cũng cảm thấy mình may mắn. Nhưng mà sau này, khi rất nhiều năm tháng đã trôi qua, nàng mới nhận ra rằng nếu như được chọn lựa lại, nàng thà chết già ở Tùy Khâu chứ cũng không bao giờ ngồi lên kiệu hoa gả vào Bách Phượng. Đáng tiếc đời người vốn không có hai chữ “nếu như”. Từ khi nàng bước chân vào hậu cung Bách Phượng, cuộc đời nàng đã vĩnh viễn rẽ sang một hướng khác: đau đớn, đắng cay nhưng tuyệt đối không còn có thể quay đầu.