Ở Uyên quốc, sinh đôi hai người con trai được xem là điềm dữ. Nếu sinh đôi hai người con trai thì sẽ chôn sống đứa bé trông có vẻ yếu ớt hơn, đây là truyền thống tiền triều để lại. Uyên quốc có lịch sử hơn trăm năm, mặc dù hành động này không hợp tình không hợp lý nhưng phương pháp dã man này có thể ngăn cản phân tranh giữa gia tộc, phòng ngừa huynh đệ vì tranh nhau sinh ra bất hòa, ở gia đình nghèo khổ cũng có thể giảm bớt gánh nặng.
Đương kim Uy Hoàng ở Uyên quốc nổi danh là bạo quân, sau khi ông bộc lộ tài năng từ lúc máu tanh cung biến thì bắt đầu thực hiện hình phạt nghiêm khắc, vô cùng hiếu chiến. Đến khi Uy Hoàng cưới công chúa nước láng giềng là Doanh Nam làm hậu thì mới thu lại vẻ hung hăng. Dưới sự thống trị của đế hậu, bách tính chậm rãi trải qua tháng ngày bình an.
Đế hậu ân ái là phúc của Uyên quốc, lúc hoàng hậu có thai gần như có thể nói khắp chốn mừng vui, nhưng đám người không ngờ bảy tháng sau hoàng hậu sinh non, sinh ra bé trai song sinh.
Ở gia tộc bình thường, khi sinh ra hai bé trai sinh đôi, nếu không đành lòng có thể làm con thừa tự trong họ, nhưng chuyện này ở hoàng gia lại là chuyện trọng đại không thể xem thường được.
Dù sao hoàng hậu sinh ra là con trai trưởng, hai tiểu hoàng tử được sinh ra gần nhau. Ở góc độ hiện thực, cho dù lập ai làm thái tử cũng có thể tạo nên gió tanh mưa máu, khiến quốc gia rung chuyển bất an.
Quần thần Uyên quốc thượng tấu, xin chôn sống Nhị hoàng tử. Có lẽ hoàng đế không có nhiều tình cảm với hai hoàng tử vừa ra đời, nhưng hoàng hậu vì thế gần như khóc mù cả mắt. Hoàng đế Uyên quốc xem ái thê như mạng đương nhiên không muốn làm bà tổn thương.
Dường như vì hoàng đế thu lại tính cách bạo ngược nên mọi người đã quên đi bản chất của ông, dưới sự áp đảo của quần thần, ở chính điện Uyên quốc xảy ra huyết tẩy quan trường lớn nhất. Đại thần tham gia tấu muốn hoàng đế chôn sống hoàng tử mà dẫn đến máu vẩy đầy đại điện, khó mà thay đổi thánh tâm.
Cuối cùng, Uyên quốc mời quốc sư uy quyền nhất lại biết xem chiêm tinh xem thiên tượng, cuối cùng tìm được cách vẹn toàn đôi bên.
Hai sao chính là hung tinh, nếu không loại bỏ một sao trong đó thì nhất định phải để hai sao cùng tồn tại, đối xử như nhau.
Nếu sợ hai đứa bé sinh đôi tranh chấp tạo thành chấn động thì để hai tiểu hoàng tử vừa ra đời được phong làm thái tử, tiếp nhận giáo dục như nhau, đối xử công bằng, để bát nước giữ thăng bằng, để tránh hung tinh tranh nhau khiến cho hai bên dao động.
Quan trọng nhất là, hai tiểu thái tử nhất định phải chung vợ, lại không thể có thϊếp thất. Kể từ đó hai người giống hệt nhau, không có khoảng cách, chênh lệch thời gian, cũng không để hai vị thái tử có cơ hội đoán ra đứa bé là con của ai.
Đối với quốc gia khác mà nói, gả cho thái tử thì quý nữ sẽ chạy theo như vịt. Song, ở Uyên quốc, đối mặt với hai thái tử, thái độ của chúng quý nữ rất mập mờ, có người muốn tránh chỉ sợ tránh không kịp, có người bề ngoài không muốn nhưng lại âm thầm kích động.
Nữ tử Uyên quốc xem trọng tam tòng tứ đức, nữ nhân tốt không hầu hai phu quân, cho nên đương nhiên gia đình thanh quý không muốn để nữ nhi gả vào. Nhưng có vài thế gia vì phú quý đầy trời mà không quan tâm, muốn để nữ nhi thử một phen. Đáng tiếc, dường như hai vị thái tử không hứng thú với nữ sắc, so với nữ sắc thì bọn họ thích chinh chiến sa trường, ở trong hay ngoài nước đều có hung danh. Từng có người nhắc đến chuyện sao đôi là điềm xấu, tạo thành chấn động trong nước.
Lúc hai vị thái tử sắp nhược quán, trong kinh bắt đầu phong trào tuyển phi. Nữ nhi nhà đại quan Tam phẩm trở lên vội đính hôn trước khi thái tử tuyển phi, ầm ĩ đến mức khi thượng triều sắc mặt hoàng đế đen như đáy nồi. Đám đại thần cũng căng thẳng, cẩn thận dè dặt sống qua ngày.