Chương 16
Thăm phần còn lại của tu viện.
William đi đến vài kết luận
về cái chết của Adelmo.
Cuộc nói chuyện với Sư huynh ngành kính
về kính đọc sách và những bóng ma
cho những ai tìm đọc quá nhiều
Lúc ấy, chợt nổi lên hồi chuông báo Kinh Chiều, các tu sĩ bèn sửa soạn rời bàn làm việc. Malachi nói thẳng rằng chúng tôi cũng phải đi xuống. Ông ta sẽ phải ở lại với viên phụ tá Berengar để dọn dẹp đồ đạc và sắp xếp lại thư viện. Thầy William hỏi xem ông ta có đóng cửa không.
- Không có cánh cửa nào từ nhà bếp và nhà ăn ngăn không cho vào phòng thư tịch, hoặc từ phòng thư tịch ngăn không cho vào thư viện. Lệnh cấm của Tu viện trưởng phải mạnh hơn bất kỳ cánh cửa nào. Các tu sĩ cần dùng cả nhà bếp lẫn nhà ăn cho đến Kinh Tối. Đến khi đó, để ngăn những người ngoài hay súc vật vào Đại dinh, tự tay tôi sẽ khóa các cửa phía ngoài dẫn vào nhà ăn hay nhà bếp, và từ giờ đó trở đi, không ai được léo hánh đến Đại dinh nữa.
Chúng tôi xuống lầu, khi các tu sĩ trực chỉ về phía ca đoàn. Thầy tôi bảo Chúa sẽ tha thứ cho chúng tôi tội không dự Thánh lễ, và đề nghị tôi đi dạo với thầy một lát trong khuôn viên để làm quen với địa thế ở đây.
Thời tiết xấu đi. Một cơn gió lạnh nổi lên, sương mù giăng dày đặc. Thấp thoáng bóng mặt trời lặn bên kia khu vườn rau. Ở phía đông, trời đã sụp tối. Chúng tôi đi về hướng đó, men theo khu ca đoàn của nhà thờ đến phía sau khu đất. Hầu như sát với bức tường ngoài, tại nơi giáp với ngọn tháp phía Đông của Đại dinh, là chuồng heo. Những người nuôi heo đang đậy cái vại lớn đựng tiết heo. Chúng tôi để ý thấy phía sau dãy chuồng heo, bức tường được xây thấp hơn. Do đó, người ta có thể nhìn qua nó được. Bên ngoài bức tường thẳng đứng, mặt đất lao xuống, được bao phủ bởi lớp cát bụi rời rã mà tuyết không lấp hết được. Tôi nhận ra đây là đống bụi rơm cũ bị ném ra ngoài tại khúc tường này và cuốn dạt đi cho đến khúc ngoặt bắt đầu con đường mòn mà chú ngựa Brunellus đã đi. Trong các chuồng ngựa kế bên, các người chăn ngựa đang dẫn ngựa đến máng ăn. Về phía trái, quay lưng về khu ca đoàn, là dãy nhà của các tu sĩ, và dãy nhà xí. Tại nơi bức tường phía Đông quay về hướng Bắc, ngay tại góc vòng đai đá, là lò rèn. Những người thợ rèn cuối cùng đang hạ đồ nghề xuống, dập lửa, để sửa soạn đi lễ. Thầy William tò mò đi về hướng một góc lò rèn, hầu như tách biệt hẳn khỏi khu làm việc, nơi một tu sĩ đang cất dọn đồ đạc. Trên mặt bàn của ông có một bộ sưu tập các mảnh thủy tinh xưa bé tí có nhiều màu sắc rất đẹp: còn các loại lớn hơn được gắn lên tường. Trước mặt ông là một chiếc hộp đang làm dở, mới hình thành bộ khung bằng bạc. Nhưng trên đó, ông đang đính vào các mảnh thủy tinh và đá đã được đẽo gọt thành những viên có hình dạng như ngọc.
Thế là tôi đã gặp Nicholas xứ Morimondo, người thợ cả của ngành Thủy tinh ở tu viện. Ông giải thích với chúng tôi rằng phía sau khu lò rèn, họ cũng có thổi thủy tinh; trong khi đó, ở khu trước dành cho thợ rèn, người ta gắn kính để làm cửa sổ. Ông còn nói tiếp rằng, những công trình vĩ đại bằng kính màu dùng để trang trí nhà thờ và Đại dinh đã được hoàn tất cách đây hai thế kỷ. Hiện nay, công việc của ông và các cộng sự khác chỉ thu hẹp trong những thứ lặt vặt và sửa chữa các chỗ bị thời gian tàn phá. Ông giải thích tiếp:
- Và hết sức khó khăn, vì không thể tìm được những kính màu ngày xưa, đặc biệt là kính màu xanh tuyệt diệu mà Huynh thấy trong khu ca đoàn. Nó trong đến nỗi khi mặt trời lên cao, nó đổ xuống một luồng sáng từ thiên đàng vào gian giữa nhà thờ. Ở phía tây của gian giữa kính mới được tu bổ đây, nhưng không được làm cùng một phẩm chất, và vào những ngày hè, Huynh sẽ nhận ra ngay. Thật là tuyệt vọng. Chúng tôi không còn nắm giữ kiến thức của bậc tiền bối nữa, thời đại của các vĩ nhân đã qua rồi!
- Chúng ta là những người lùn, - thầy William công nhận – nhưng là những người lùn đứng trên vai các người khổng lồ đó, và mặc dầu chúng ta bé nhỏ thật, đôi khi chúng ta vẫn có cách nhìn vào chân trời xa hơn họ.
- Xin hãy cho tôi biết chúng ta đã làm tốt hơn các vị tiền bối cái gì khác nào? – Nicholas thốt lên – Nếu Huynh đi xuống hầm của nhà thờ, nơi tồn trữ kho tàng của tu viện, Huynh sẽ nhận thấy những hộp đựng thánh tích được chạm trổ cực kỳ tinh xảo, đến nỗi cái hộp quái dị tôi đang vá víu đây, - ông gật đầu chỉ về phía tác phẩm làm dở trên bàn, - sẽ trông như một thứ trò hề!
- Đâu có quy định thợ cả ngành kính phải làm cửa sổ, thợ rèn phải làm hộp đâu; và các bậc thợ cả ngày xưa đã làm ra những vật tuyệt đẹp như thế rồi, những vật được làm với dụng ý sẽ tồn tại hàng nhiều thế kỷ. Nếu không, thế gian hẳn sẽ tràn ngập những rương, những hộp trong khi thánh tích thì quý hiếm, - thầy William nói đùa – và cửa sổ thì có phải cứ cần hàn mãi đâu. Nhưng tôi đã được thấy ở nhiều nước những vật bằng thủy tinh mới, cho thấy một thế giới tương lai, trong đó thủy tinh sẽ không chỉ phục vụ những mục tiêu tôn giáo, mà sẽ giúp con người bớt yếu đuối. Tôi muốn Huynh xem một thành quả sáng tạo của thời đại chúng ta, mà tôi được hân hạnh sở hữu, một thí dụ vô cùng hữu ích.
Ông thò tay vào áo và lôi ra cặp mắt kính, làm sững sờ người đang nói chuyện.
Vô cùng chú ý, Nicholas cầm lấy vật dụng uốn cong mà thầy William đưa cho ông, rồi thốt lên: - Những con mắt bằng đá cùng với cái hộp nhỏ! Tôi được nghe một tu sĩ xứ Jordan mà tôi hội ngộ ở Pisa kể về những vật này. Huynh ấy nói, chúng mới được phát minh cách đây gần hai mươi năm. Nhưng chúng tôi đã nói chuyện với nhau cũng đã cách đây hơn 20 năm rồi.
- Tôi tin chúng được phát minh trước đó rất lâu, nhưng chúng rất khó làm, và đòi hỏi phải có những bậc thầy của ngành kính vô cùng tinh xảo. Tốn rất nhiều thời gian và công sức. Cách đây mười năm, một cặp kính này được bán với giá sáu quan Ý. Một người thợ cả vĩ đại, Sanvinus, ở Armati đã cho tôi cặp kính này cách đây hơn chục năm, và tôi vẫn hằng nâng niu nó, xem nó như một phần thân thể tôi vậy.
- Hy vọng hôm nay Huynh sẽ cho phép tôi được xem xét kỹ nó. Tôi sẽ rất vui được chế ra vài cặp tương tự - Nicholas nói đầy xúc động.
- Rất sẵn lòng – thầy William nhất trí – nhưng hãy chú ý độ dày của kính, phải thay đổi tùy theo mắt người đeo, và Huynh lại phải cho người đeo thử nhiều cặp kính cho đến khi tìm thấy độ dày thích hợp.
- Kỳ diệu thay! Thế nhưng nhiều kẻ sẽ bảo đây là phép phù thủy, hay máy móc ma quỷ…
- Huynh chắc chắn có thể sẽ nói đến phép lạ trong vật dụng này. Nhưng có hai loại phép lạ: một loại phép lạ là công cụ của quỷ, dùng những mưu chước đen tối, gian xảo để làm con người sa đọa, và cũng có một phép lạ cao quý: đó là trí tuệ của Thượng đế được tỏa rạng thông qua trí tuệ của con người; nó phục vụ việc cải tạo tự nhiên, và một trong những mục tiêu của nó là kéo dài tuổi thọ con người. Đây chính là phép thiêng đáng để các bậc học giả tận tâm cống hiến ngày càng nhiều hơn nữa, không chỉ nhằm phát hiện những điều mới mẻ, mà còn nhằm tái phát hiện lắm điều bí ẩn trong tự nhiên mà Chúa tinh thông đã tiết lộ cho những người cổ Do Thái, Hy Lạp, những tiền nhân xa xưa, và thậm chí cho những kẻ vô thần ngày nay. Tôi không thể kể hết cho Huynh nghe những điều tuyệt vời về ngành mắt tôi đã học được trong các sách của các tác giả vô thần. Và những người trí thức đạo Ki-tô phải nắm được tất cả những nền học vấn của những người đa thần cũng như vô thần.
- Nhưng tại sao những người nắm được tri thức đó không giao lưu với tất cả thần dân của Chúa?
- Vì không phải tất cả thần dân của Chúa sẵn lòng đón nhận nhiều điều bí ẩn như thế, và những người sở hữu kiến thức đó vẫn thường bị lầm lẫn với bọn thầy đồng cốt, thông đồng với ác quỷ, và họ đã mất mạng vì mong muốn san sẻ cho người khác kho tàng kiến thức của mình. Riêng tôi, khi ngồi xử những vụ án mà kẻ tình nghi có liên quan với quỷ sứ, tôi đã phải thận trọng không dám dùng cặp kính này, mà phải nhờ đến các lục sự đọc giùm các văn kiện cần thiết. Nếu không cẩn thận, vào thời điểm quỷ sứ đang hoành hành tràn lan khiến mọi người đều có thể ngửi thấy mùi diêm sinh nồng nặc, thì chính tôi cũng có thể bị xem là bạn với bị cáo. Cuối cùng, như thầy Roger Bacon vĩ đại đã cảnh giác, các bí mật của khoa học không được lọt vào tay tất cả mọi người, vì vài kẻ có thể sử dụng chúng vào những mục tiêu tội lỗi. Một học giả thường phải viết những quyển sách có vẻ phù phép, nhưng không phải là phù phép; các sách đó chỉ đơn thuần là sách khoa học tốt nhằm bảo vệ họ khỏi những đôi mắt thiếu thận trọng.
- Thế Huynh sợ rằng thường dân sẽ dùng các bí mật này vào mục tiêu tội lỗi à?
- Đối với thường dân, tôi chỉ sợ rằng các bí mật đó khiến họ kinh hãi và lẫn lộn với những trò ma quỷ mà các tu sĩ giảng đạo cứ lải nhải mãi. Huynh biết không, tôi quen biết những nhà vật lý tài năng, họ đã bào chế ra các loại dược phẩm có khả năng trị lành tức khắc các bệnh dữ. Nhưng khi họ đưa cho các dân thường các thứ thuốc thoa hay thuốc uống trên, họ lại kèm theo đó những câu Phúc âm hay những lời ngân nga nghe như Thánh kinh. Không phải vì tin những lời kinh này có khả năng chữa bệnh, mà vì tin rằng lời kinh mang đến sự lành bệnh, do đó người dân sẽ uống hay thoa các thứ thuốc đã dùng, rồi lành bệnh mà rất ít để ý đến kiến hiệu của loại thuốc đã dùng. Tinh thần của họ, nhờ được hưng phấn bởi lòng tin đạo thành kính, cũng sẽ đón nhận tác dụng của thuốc vào thân thể tốt hơn. Nhưng kho tàng trí thức thường cần phải được bảo vệ không phải để khỏi rơi vào tay những người dân thường, mà chính là để khỏi rơi vào tay các học giả khác. Một ngày nào đó, tôi sẽ nói với Huynh về các máy móc kỳ diệu có thể thực hiện tiên đoán chu kỳ tự nhiên. Nhưng thật đáng buồn biết bao, những máy này sẽ lọt vào tay những kẻ dùng nó để bành trướng quyền lực và thỏa mãn lòng tham của chúng. Tôi được biết tại Cathay, một nhà hiền triết đã chế được một hợp chất dạng bột, khi bỏ vào lửa sẽ tạo ra một tiếng nổ dữ dội và bùng lên một ngọn lửa lớn; nó có thể thiêu hủy tất cả mọi vật trong vòng nhiều thước. Đó sẽ là một công cụ tuyệt diệu nếu được dùng vào việc chuyển dòng sông hoặc phá đá khi dỡ đất để cày cấy. Nhưng nếu một kẻ nào đó dùng nó để ám hại các kẻ thù của mình thì sẽ ra sao?
- Có lẽ cũng tốt thôi, nếu chúng nó là kẻ thù của thần dân Đức Chúa trời, - Nicholas thành khẩn nói.
- Có lẽ vậy, - thầy William công nhận – Thế nhưng nay ai là kẻ thù của thần dân của Chúa? Hoàng đế Louis hay Đức Giáo hoàng John?
- Ôi, lạy Chúa! – Nicholas hốt hoảng – Thực tôi chả thích trả lời dứt khoát những vấn đề gay go thế đâu!
- Huynh thấy chưa, đôi khi một số bí mật nào đó nên được che phủ bởi một lớp từ ngữ huyền ảo. Các bí mật của tự nhiên không được truyền đạt lại trên các bản da dê, da cừu. Trong quyển sách nói về các điều bí mật, Aristotle cho rằng việc thông tin quá nhiều điều bí ẩn của tự nhiên và nghệ thuật sẽ phá vỡ khóa thiên đường, và nhiều tội lỗi sẽ liền theo sau. Nói như thế không có nghĩa là không được tiết lộ các bí mật, mà có nghĩa là một học giả phải quyết định khi nào và bằng cách nào để tiết lộ.
- Đó là cái cớ tốt nhất trong những nơi như ở đây. Không phải tất cả mọi người đều đọc được tất cả mọi loại sách.
- Đây là một vấn đề khác. Ba hoa quá có thể là một cái tội, nhưng dè dặt, kín tiếng quá cũng có thể là một cái tội nữa. Tôi không có ý nói rằng cần phải che giấu các nguồn tri thức; ngược lại, đối với tôi, đây là một tội nặng. Ý tôi muốn nói rằng vì những nguồn này là các sự bí ẩn làm phát sinh cả điều thiện lẫn điều ác, một học giả có quyền và nhiệm vụ sử dụng một ngôn ngữ trừu tượng, mơ hồ, mà chỉ đồng nghiệp của ông ta mới hiểu được. Thường các học giả trong thời đại chúng ta chỉ là những tên lùn trên vai những tên lùn khác.