- 🏠 Home
- Văn Học Việt Nam
- Tây Sơn Bi Hùng Truyện
- Chương 42
Tây Sơn Bi Hùng Truyện
Chương 42
Nhắc lại Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An đem quân theo gồm tướng Nguyễn Viết Tuyển, Lê Duật, Nguyễn Như Thái, Nguyễn Cảnh Thước cử binh lên đường ra Bắc. Hữu Chỉnh thúc quân đi cả ngày đêm, khi đến được núi Tam Điệp (đèo Ba Dội) mới cho quân nghỉ ngơi ăn uống. Sáng hôm sau chưa nghe Hữu Chỉnh truyền lệnh xuất quân Nguyễn Viết Tuyển hỏi:
- Từ Nghệ An đến đây tướng quân hối quân đi ngày đêm không nghỉ, giờ quân ta đã nghỉ qua đêm, sức lực sung mãn sao tướng quân chưa cho tiến binh.
Chỉnh đáp:
- Tây Sơn rút binh về, Bắc Hà trống rỗng không quân không tướng, từ Nghệ An đến Thăng Long chỉ có ải Tam điệp này là hiểm địa. Ai lấy được đèo này thì có thể chặn lui quân địch, còn từ Tam Điệp ra Thăng Long đất phẳng đường liền, mạnh được yếu thua nên ta gấp hối quân đi là vì lẽ ấy. Nay đã lấy được đèo rồi có gì mà phải gấp, để quân ta nghỉ thêm một vài hôm nữa rồi vào Thăng Long nào có muộn gì.
Nói rồi cho quân nghỉ ngơi. Hai hôm sau Nguyễn Hữu Chỉnh mới hạ lệnh tiến binh. Khi quân đi đến trấn Sơn Nam cách thành Thăng Long một trăm dặm thì gặp lúc tối trời, Chỉnh liền bảo quân hạ trại cạnh một ngôi làng. Bỗng một con chim Phượng hoàng từ đâu bay đến đậu trên cổng làng ấy hót lên ba tiếng vui mừng thánh thót rồi vỗ cánh bay đi. Nguyễn Hữu Chỉnh hỏi:
- Cổng làng kia có tấm biển đề chữ gì vậy?
Nguyễn Viết Tuyển thưa:
- Tấm biển ấy đề hai chữ Bình Vọng là tên chữ của làng này, tục thường gọi là làng Bằng.
Hữu Chỉnh vui mừng nói:
- Ngày trước theo Hoàng Ngũ Phúc đánh Thuận Hóa về ta được Chúa Trịnh Sâm phong tước Bằng Lĩnh hầu. Nay kéo quân đến làng Bằng như tước phong của ta thì có Phượng hoàng ra đón, ấy thật là điềm lành vậy. Truyền lệnh ta, quân sĩ nghỉ ngơi ngày mai sẽ tiến vào Thăng Long!
Quân Chỉnh thấy điềm lành thế đều phấn chấn dạ ran.
*
* *
Nói về Trịnh Bồng ở thành Thăng Long nghe quân vào báo rằng:
- Tâu Chúa thượng! Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An truyền hịch phò Lê đem quân ra Thăng Long, hiện đang đóng ở làng Bằng cách thành một trăm dặm.
Trịnh Bồng hỏi quân do thám rằng:
- Binh Chỉnh được bao nhiêu người?
Quân đáp:
- Ở Nghệ An, Chỉnh chỉ có hơn năm ngàn quân. Trên đường qua Thanh Hóa, Vị Hoàng, Sơn Nam quân ta trước chạy lạc lúc giặc Tây Sơn ra Bắc nay đều theo Chỉnh nên quân lên đến hàng vạn.
Trịnh Bồng lo lắng hỏi các tướng rằng:
- Hữu Chỉnh trước dẫn Nguyễn Huệ ra Bắc phò Lê diệt Trịnh gϊếŧ chết Đoan Nam Vương. Nay ta vừa mới kế vị ngôi Chúa, nó lại truyền hịch phò Lê kéo quân đến đây, vậy ta nên tiến thủ thế nào.
Hoàng Phùng Cơ đáp:
- Nguyễn Hữu Chỉnh trước cùng thần đều ở dưới trướng Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, cũng là người đa mưu túc trí. Từ trấn Sơn Nam đến kinh thành không có núi sông hiểm trở để lập trận đánh địch. Vậy ta cứ ở trong thành cố thủ, chờ Chỉnh đem quân đến đây thần sẽ có cách khuyên Chỉnh lui binh. Chúa thượng không phải lo.
Vừa lúc ấy quân vào báo:
- Tâu Chúa thượng, quân Nguyễn Hữu Chỉnh đã đến gần cổng Nam thành. Xin Chúa thượng định liệu.
Hoàng Phùng Cơ liền truyền quân canh phòng cẩn mật rồi mặc giáp đeo gươm lên mặt thành gọi lớn:
- Bằng Lĩnh hầu kéo quân đến đây toan phản vua bội chúa chăng?
Hữu Chỉnh đáp lớn rằng:
- Các ngươi đều là tôi của vua Lê, đáng lẽ nên thừa lúc nhà chúa đã diệt mà phò vua mới phải, sao còn rước Trịnh Bồng về làm chúa? Hòng ép vua nữa chăng?
Hoàng Phùng Cơ đáp:
- Quân Tây Sơn mượn tiếng phò Lê diệt Trịnh vào nước ta cướp của, rồi kéo quân về để nước ta loạn lạc. Vua bèn viết chiếu triệu Yến Đô Vương về làm chúa phò vua để yên thiên hạ sao lại bảo là ép vua. Vả lại ngày trước ngươi cũng chịu mệnh của chúa, được Tĩnh Đô Vương phong tước Bằng Lĩnh hầu, nay lại kéo về kinh thành phản vua bội chúa. Nay vua viết chiếu phong cho ngươi làm trấn thủ đất Thanh Hóa, mau kéo quân về cho rõ nghĩa tôi thần.
Hữu Chỉnh nói:
- Vậy xin mở cổng thành cho ta vào nhận chiếu của Bệ hạ rồi sẽ kéo quân đi ngay.
Hoàng Phùng Cơ bảo:
- Bởi trước ngươi đã theo quân Tây Sơn nên giờ vua không dám tin, vậy ngươi hãy rút quân về trước để tỏ lòng thành, rồi vua sẽ sai sứ giả đem chiếu chỉ đến sau.
Nguyễn Hữu Chỉnh nổi giận mắng rằng:
- Thằng giặc già kia, mày xem ta như con nít hay sao mà hòng lừa phỉnh. Ta vì bất đắc dĩ phải bỏ nước mà đi nhưng lòng lúc nào cũng trông về cố quốc. Người tín cẩn của ta đã kể cho ta biết việc mày và Đinh Tích Nhưỡng mượn chuyện Tĩnh Đô Vương gϊếŧ Thái tử Vĩ dọa vua, buộc vua phải phong vương cho Trịnh Bồng. Nay còn dám giả mệnh vua để gạt ta. Đợi ta phá thành rồi sẽ bắt chúa tôi Yến Đô Vương của ngươi quỳ trước bệ rồng đối chất xem thật giả thế nào.
Hoàng Phùng Cơ biết không gạt được Hữu Chỉnh liền hô quân bắn tên xuống như mưa. Nguyễn Hữu Chỉnh gạt quân lui ra khỏi tầm tên rồi hạ lệnh tấn công. Quân Chỉnh đặt đại bác mà bắn. Súng nổ ầm ầm như sấm, cổng thành liền vỡ. Quân Trịnh Bồng bảo nhau rằng:
- Nguyễn Hữu Chỉnh mượn đại bác của quân Tây Sơn đánh thành ta địch sao cho nổi, mau chạy thoát thân.
Nói rồi mạnh ai nấy chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh xua quân vào thành chém gϊếŧ như chỗ không người. Hoàng Phùng Cơ đương không nổi phải phò Trịnh Bồng ra cửa Tây thành chạy trốn về Sơn Tây.
Vào thành rồi Nguyễn Hữu Chỉnh liền vào cung yết kiến vua Lê Chiêu Thống, Chỉnh quỳ tâu:
- Nhận được mật chỉ, hạ thần lập tức đêm ngày mang quân về kinh cứu giá. Nhờ oai võ của Bệ hạ thần đã đuổi được bọn Trịnh Bồng chạy trốn hết cả. Nay đến đây quỳ dưới bệ rồng xin phục mệnh.
Vua Chiêu Thống mừng rỡ nói:
- Khanh về đây cứu giá đuổi loạn thần thật công lao rất lớn. Nay ta phong khanh làm Bình Chương quốc quân trọng sự, Đại tư đồ tước Bằng Trưng Công. Khanh hãy cầm trọng binh ở lại kinh thành giúp trẫm định yên xã tắc.
Nguyễn Hữu Chỉnh khấu đầu lạy tạ. Mưu sĩ Trần Công Xán bàn rằng:
- Nay Dương Trọng Tế và Trịnh Lệ vẫn hùng cứ ở Kinh Bắc, Hoàng Phùng Cơ vùng vẫy đất Sơn Tây, Đinh Tích Nhưỡng làm chủ đất Hải Dương. Vậy nhân khi chúng hãy còn ô hợp, quan Đại tư đồ nên chia quân đánh bắt, nếu để lâu chúng liên kết với nhau ba mặt đánh tới kinh thành, e rằng quân ta bất lợi.
Nguyễn Hữu Chỉnh khen phải liền sai Nguyễn Viết Tuyển đem binh đánh Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây, sai Nguyễn Cảnh Thước sang Kinh Bắc đánh Dương Trọng Tế và sai Nguyễn Như Thái xuống Hải Dương đánh Đinh Tích Nhưỡng .
Chẳng bao lâu quân Chỉnh đánh bắt dược Hoàng Phùng Cơ và Dương Trọng Tế giải đến kinh thành. Nguyễn Hữu Chỉnh xin mệnh vua Chiêu Thống rồi đem Hoàng Phùng Cơ và Dương Trọng Tế ra chém.
*
* *
Ngày ấy họp các tướng, Chỉnh tự đắc nói:
- Ta từ Nghệ An đem quân ra Bắc, đi đến đâu không ai dám kháng cự. Chém đầu Hoàng Phùng Cơ, phanh thây Dương Trọng Tế, chỉ còn Đinh Tích Nhưỡng đem Trịnh Bồng đi trốn ở hóc hẻm nào. Bọn ấy thì có sá gì! Nay ta phong Nguyễn Viết Tuyển làm trấn thủ Sơn Tây, Nguyễn Cảnh Thước làm trấn thủ Kinh Bắc, Nguyễn Như Thái trấn thủ Sơn Nam, Lê Duật trấn thủ Thanh Hóa. Đợi ít lâu nữa ta yên được đất Bắc chiêu binh mãi mã sẽ đối đầu với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xem ai là kẻ anh hùng.
Nói rồi sai quân bày yến tiệc, Chỉnh tự tay rót rượu tiễn các tướng. Nguyễn Viết Tuyển, Nguyễn Cảnh Thước và Nguyễn Như Thái liền bái biệt lên đường. Riêng Lê Duật hãy còn chần chừ chưa muốn đi. Chỉnh liền hỏi Duật:
- Ngươi còn muốn nói gì nữa chăng.
Duật hỏi lại Chỉnh:
- Đất Nghệ An do hai tướng Tây Sơn là Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức trấn thủ, Thanh Hóa lại giáp giới đất Nghệ An. Nay tôi vào trấn thủ Thanh Hóa nếu Tây Sơn đem quân đến đánh thì nên tiến thủ thế nào?
Chỉnh cười lớn đáp:
- Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức tiếng là tướng của Tây Sơn nhưng đều là người nhà của ta ngươi không phải ngại.
Lê Duật nói:
- Tôi chịu ơn tri ngộ của tướng quân xin đem thân khuyển mã báo đền. Nhưng Nguyễn Duy là người phản phúc tôi vẫn lấy làm lo lắm. Mạng tôi nào có sá gì, chỉ e rằng thua binh làm nhục mệnh của tướng quân mà thôi.
Nguyễn Hữu Chỉnh an ủi Lê Duật rằng:
- Lòng trung của Duật thật đáng khen thay. Hiểu được bụng người trung nghĩa thì dễ, hiểu được lòng dạ của kẻ phản phúc mới là việc khó. Vậy mà ta hiểu được bụng của Nguyễn Duy đó. Nguyễn Duy ở cái thế phải phản Nguyễn Huệ mà không thể phản ta. Ngươi hãy an tâm mà đi đi. Nếu Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức mà đem quân đánh tới, ngươi cứ bỏ Thanh Hóa mà chạy về đây, có gì ta cũng không bắt tội.
Lê Duật liền thưa rằng:
- Tướng quân đã nói chắc thế tôi thật là an lòng. Tin ở lòng người là việc dễ, tin ở người tài mới là việc khó. Vậy mà tôi đã tin tài của tướng quân đó. Nếu tướng quân đoán lầm, Duật tôi quyết bỏ mình không bỏ đất.
Nói rồi từ biệt Hữu Chỉnh mà đi. Lê Duật đi rồi, con Chỉnh là Nguyễn Hữu Du bước ra hỏi:
- Nay các tướng đã được phong hầu, còn con đã từng theo cha xông pha trận mạc sao cha không phong tước cho con.
Chỉnh cười đáp:
- Ta sẽ phong cho con ngôi Thế tử .Ý con thế nào?
Nói rồi liền sai quân lập dinh thế tử cho Nguyễn Hữu Du đến ở. Vua Chiêu Thống hay tin ấy bèn nói với các quan tín cẩn rằng:
- Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng kiêu ngạo hống hách không coi ta ra gì cả. Hắn tự ý lập ngôi thế tử cho con mình, tự ý phong hầu cho các tướng. Tuy không tự xưng vương nhưng việc làm nào có khác gì họ Trịnh. Cũng mượn tiếng phò vua mà làm chúa đó thôi! Ta cũng muốn trừ Hữu Chỉnh lấy lại quyền thiên tử, các khanh có kế gì chăng.
Quan nội thị Ngô Vi Quý hiến kế:
- Bệ hạ lấy cớ Chỉnh đã trừ được Hoàng Phùng Cơ và Dương Trọng Tế, mời Chỉnh vào điện uống rượu rồi đánh thuốc độc mà gϊếŧ đi thì có khó gì.
Vua Chiêu Thống gật đầu khen phải, toan theo kế ấy mà làm. Bỗng nghe có Trần Công Xán đến chầu vua liền đem kế ấy nói với Trần Công Xán. Xán thất kinh nói:
- Ai bày cho Bệ hạ kế ấy là hại Bệ hạ, nguy cho xã tắc rồi.
Vua Chiêu Thống hỏi:
- Vì sao gϊếŧ Chỉnh lại hại ta và nguy cho xã tắc.
Xán đáp:
- Đành rằng là Hữu Chỉnh cậy công lộng quyền, còn hơn để bọn Cơ, Nhưỡng, Tế, Lệ, Bồng thay nhau áp chế Bệ hạ. Vả lại nhờ có Chỉnh mà kinh thành yên ổn, bọn vô lại không còn mượn tiếng cần vương gϊếŧ hại lẫn nhau làm kinh động cửa khuyết, rối loạn nhân tâm. Nay nếu gϊếŧ Chỉnh thì tay chân Chỉnh là Nguyễn Cảnh Thước ở Kinh Bắc, Nguyễn Viết Tuyển ở Sơn Tây, Nguyễn Như Thái ở Sơn Nam, Lê Duật ở Thanh Hóa kéo về làm loạn thì Bệ hạ xử trí thế nào. Ấy chẳng phải là hại cho Bệ hạ và nguy cho xã tắc ư?
Vua Chiêu Thống giật mình nói:
- Lời khanh rất phải! Ta vì uất hận bởi những lũ tiểu nhân cứ đem nhà Lê ta ra làm bức bình phong tranh giành danh lợi mà suýt nữa đã làm lỡ việc quốc gia. Từ nay thôi không bàn đến việc ấy nữa.
Rồi vua ngửa mặt than rằng:
- Không lẽ ta đành cam để cho phường phản nghịch hϊếp đáp mãi sao.
Trần Công Xán thương vua ứa nước mắt rồi cáo biệt lui ra. Xán đến gặp Nguyễn Hữu Chỉnh nói:
- Hoàng thượng là người cương quyết không muốn cho người áp chế nên khi ông vừa kéo quân đến đây Hoàng thượng đã phóng hỏa đốt Trịnh phủ. Sao ông còn giẫm lên bước chân của họ Trịnh, tự ý phong hầu cho các tướng lập ngôi thế tử, khiến Hoàng thượng giận nghe lời Ngô Vi Quý toan gϊếŧ ông, ông đã biết chưa.
Nguyễn Hữu Chỉnh giận lắm nhưng cố nén hỏi Trần Công Xán rằng:
- Luyện Đường hầu vì vua hay vì tôi mà kể với tôi những lời ấy?
Xán đáp:
- Tôi vì vua vì ông nên không muốn vua và ông nghi kỵ bất hòa nhau, ấy là tôi vì xã tắc vậy.
Chỉnh lại hỏi:
- Thế ngộ nhỡ tôi giận mà hại vua thì ông nghĩ thế nào.
Xán đáp:
- Phò vua là bổn phận của bề tôi không thể kể là công. Ỷ công lấn quyền vua là trái đạo, việc trái do mình gây ra thì không được giận, nếu giận là bất nghĩa bất nhân. Tôi biết ông là người nhân nghĩa. Vả, nếu ông có giận mà hại vua thì mất chính nghĩa thiên hạ ắt loạn, ấy là việc làm của người bất trí. Ông là kẻ trí sao dám hại vua. Vì hai lẽ ấy nên tôi nói ra điều vua định gϊếŧ ông mà không ngại.
Chỉnh đổi giận làm vui nói:
- Ông thật là xét việc sâu xa nhìn thấu lòng người. Việc tôi đã lỡ làm, nếu rút lại hóa ra làm trò cười cho thiên hạ, vậy xin ông hãy tâu vua xuống lệnh thuận phong. Ngoài việc ấy ra từ nay về sau làm việc gì tôi cũng sẽ vào xin mệnh của vua.
Trần Công Xán về tâu với vua Chiêu Thống những lời của Chỉnh. Vua thở dài nói:
- Ở với người bất nhân bất nghĩa mà có trí cũng còn hơn ở với kẻ bất nghĩa bất trí bất nhân.
Nói rồi vua Chiêu Thống viết chiếu thuận phong Thế tử cho con và tước hầu cho các tướng của Chỉnh. Chỉnh nhận được chiếu rồi từ ấy về sau làm việc gì cũng không cần bàn với vua nữa. Vua giận lắm tuy chẳng dám nói ra nhưng định bụng có dịp sẽ ra tay trừ Chỉnh.
*
* *
Lại nói về Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, nhận được chiếu chỉ của vua Thái Đức phong làm Bắc Bình Vương cai quản từ ải Hải Vân trở ra rồi, Huệ bèn hội các tướng bàn việc nước. Huệ nói:
- Nay ta đã được tự lập riêng một cõi, không chịu sự kiềm chế của Hoàng huynh. Vậy ta phải tổ chức quân đội, các tướng phải chia binh phòng thủ các nơi, thường xuyên thao luyện quân sĩ lại giúp dân canh tác cấy cày. Ý các tướng thế nào?
Nguyễn Văn Tuyết bước ra thưa:
- Bọn hạ thần theo Chúa công dựng nghiệp cứu dân nào sá chi sinh tử hiểm nghèo. Nhưng bây giờ phải đi trấn nhậm thật chẳng an tâm.
Nguyễn Huệ cười hỏi:
- Ngày xưa Văn Tuyết một mình vác song đao thích khách Võ Vương cướp ngựa Xích kỳ không hề nao núng, sao nay đi trấn nhậm lại chẳng an tâm?
Tuyết đáp:
- Nay Chúa công tự lập riêng một cõi cùng Bệ hạ chia ranh giới ra cai trị. Bọn hạ thần theo Chúa công ở Phú Xuân, còn vợ con gia quyến chúng thần lại đang ở Quy Nhơn bảo chúng thần an tâm sao được?
Các tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Võ Đình Tú, Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Lộc cùng quỳ cạnh Nguyễn Văn Tuyết đồng thanh thưa:
- Xin Chúa công cho được đi đón gia quyến đến đây rồi sẽ lo việc nước cũng chẳng muộn gì.
Nguyễn Huệ trầm ngâm nói:
- Vợ con ta cũng đang còn ở thành Quy Nhơn. Nay các tướng đã quyết lòng như thế, ta sẽ thảo thư xin Hoàng huynh cho gia quyến của bọn ta đến đây.
Nói xong Nguyễn Huệ liền viết thư sai người gấp mang vào Quy Nhơn trao cùng vua Thái Đức. Trước khi sứ giả lên đường Nguyễn Huệ căn dặn rằng:
- Ta có riêng bức mật thư ngươi hãy kín đáo mà đưa cho quan Ngự Sử Nguyễn Thung.
Sứ giả vâng lệnh mà đi.
Vua Thái Đức ở thành Quy Nhơn nhận được thư của Nguyễn Huệ, đọc xong vua đưa cho Vũ Tâm Can xem và hỏi:
- Theo ý ngươi thì thế nào.
Vũ Tâm Can đáp:
- Bắc Bình Vương và các tướng mưu toan làm phản sợ ta hại gia quyến nên mới lập kế đưa vợ con ra trước. Chi bằng ta giữ vợ con họ lại làm con tin, ắt là Bắc Bình Vương không dám cử động.
Vua Thái Đức nói:
- Ta cũng định như vậy, nhưng nếu mẫu thân ta hay được rằng ta bắt giam vợ con Nguyễn Huệ người lại quở trách ta thì làm thế nào.
Can đáp:
- Thái hậu đã già yếu, quanh năm không ra khỏi cung cấm sao biết được việc bên ngoài. Nay Bệ hạ nên cho người tâm phúc hộ vệ bên ngoài không cho ai vào thì việc chắc là không đến tai Thái hậu được.
Vua Thái Đức khen phải bèn theo kế ấy mà làm, sai quân bắt tất cả gia quyến của Nguyễn Huệ và các tướng giam lỏng một nơi. Nguyễn Thung hay tin ấy nhủ thầm rằng: Bắc Bình Vương bảo ta nếu vua bắt giam gia quyến làm con tin thì tâu lên Thái hậu. Vậy ta phải thân đến gặp Thái hậu mới được.
Nghĩ rồi bèn khăn áo mà đi. Đến cung Thái hậu quân canh chặn lại hỏi:
- Quan Ngự Sử vào cung Thái hậu có việc gì?
Nguyễn Thung đáp:
- Ngày trước khi chưa khởi binh ta và Thái hậu là chỗ hàng xóm với nhau, nay nhân đi ngang qua chợt nhớ định ghé thăm thôi mà. Các ngươi mau cho ta vào đi.
Quân canh nói:
- Thái hậu sức khỏe bất an, vua lệnh cho chúng tôi không được để ai vào.
Nguyễn Thung không biết làm sao đành lủi thủi ra về. Đến nhà chợt nghe quân vào báo có Vũ Tâm Can đến thăm. Thung mời vào. Vũ Tâm Can vào nhà hỏi Nguyễn Thung:
- Bá phụ vào thăm Thái hậu bị quân lính coi thường nên buồn bực chứ gì.
Nguyễn Thung đáp:
- Quân lính chỉ tuân theo mệnh vua cớ sao ta lại buồn bực họ.
Thung lại giật mình hỏi:
- Nhưng sao cháu lại biết việc này?
Vũ Tâm Can đáp:
- Cháu lúc nào cũng hầu hạ bên Hoàng thượng, nghe quân vào báo cùng Hoàng thượng việc bá phụ vào thăm Thái hậu nên cháu mới biết. Bá phụ gặp Thái hậu có việc gì cứ nói với cháu, cháu sẽ có cách giúp cho Bá phụ.
Nguyễn Thung nói:
- Bắc Bình Vương bảo ta tâu cùng Thái hậu nhờ Thái hậu khuyên Hoàng thượng thả gia quyến Bắc Bình Vương và các tướng về Phú Xuân. Nhưng ta không có cách gì báo cho Thái hậu hay được. Nếu Đông Định Vương còn ở Quy Nhơn ta sẽ nhờ Đông Định Vương vào bẩm với Thái hậu nhưng nay Đông Định Vương đã vào Gia Định biết phải làm sao?
Vũ Tâm Can nói:
- Việc này nào có khó gì. Bá phụ hãy viết một phong thư nói giả là của Đông Định Vương từ Gia Định gởi về cho Thái hậu. Quân canh ắt mang thư vào ngay, không nghi ngờ gì cả.
Nguyễn Thung hết kế và ngỡ Vũ Tâm Can ngay lòng nói thật, liền viết thư cầm vào nhờ quân canh trao cho Thái hậu.
*
* *
Hôm sau vua Thái Đức thiết triều cho đòi Nguyễn Thung đến hỏi:
- Lần trước có phải ngươi đã bày Thái hậu ngăn ta đem quân đánh Nguyễn Huệ. Và lần này ngươi đã bày Thái hậu bảo ta thả vợ con Nguyễn Huệ và mấy tên phản nghịch về Phú Xuân có phải chăng.
Nguyễn Thung thất sắc đáp:
- Việc này là do nơi Thái hậu, hạ thần không dám can dự.
Vua Thái Đức quăng lá thư xuống đất quát:
- Vậy lá thư này là thủ bút của ai đây. Ta vốn đã biết bụng ngươi nên cho Vũ Tâm Can bày kế lấy chứng cớ bắt tội ngươi cho được rõ ràng trước mặt trăm quan. Ngươi còn gì để nói nữa chăng!
Nguyễn Thung khóc rằng:
- Hạ thần làm thế là vì lòng trung với Bệ hạ. Xin Bệ hạ xét cho.
Vua quát hỏi:
- A dua theo thằng Huệ phản ta sao bảo là trung.
Thung đáp:
- Nếu Bệ hạ thả gia quyến thì anh em hòa thuận. Bằng không sớm muộn gì Bắc Bình Vương cũng đem quân đánh tới. Xin Bệ hạ hãy nghe lời thần mà tha cho gia quyến họ.
Vua Thái Đức cười hỏi:
- Ta có con tin trong tay, Nguyễn Huệ và đồng bọn dám động binh hay sao.
Nguyễn Thung lại khóc rằng:
- Con chim trước khi chết hót ra lời thánh thót, con người trước khi chết thường nói đúng không sai. Thần nay tất phải chết có mấy lời sau cùng xin thưa cùng Bệ hạ. Bắc Bình Vương xét việc phải làm là ích nước lợi dân thì không có việc gì mà ông ấy chẳng dám làm. Nếu Bệ hạ nghĩ rằng dùng gia quyến của họ làm con tin mà có thể kềm chế được Bắc Bình Vương thì hãy đem hài cốt của tôi mà chặt làm chín khúc.
Nói dứt lời Nguyễn Thung đâm đầu vào cột rồng vỡ sọ mà chết. Các quan trông thấy không ai dám nói lời nào. Vua Thái Đức thấy Nguyễn Thung chết rồi liền truyền bãi triều.
Vũ Tâm Can về kể chuyện Nguyễn Thung chết cho Vũ Mẫu nghe. Vũ Mẫu buồn rầu hỏi:
- Nguyễn Thung xưa cùng cha con kết nghĩa huynh đệ. Lúc cha con bị Nguyễn Nhạc xử tội chết, chính ông ấy đã xin đem thi hài cha con về quê an táng. Ông ấy là người ơn của gia đình ta sao con lại lập mưu hại chết Nguyễn Thung.
Vũ Tâm Can đáp:
- Con vẫn biết vậy nhưng Nguyễn Thung cứ giúp anh em Nhạc, Huệ giải hòa nhau. Không hại ông ấy sao ta phá được nhà Tây Sơn của Nhạc, Huệ.
Vũ Mẫu hỏi:
- Nay Nhạc đã bắt giam vợ con Huệ cùng các tướng. Vậy Nguyễn Huệ phản ứng thế nào?
Can đáp:
- Con sẽ cho người ra báo tin cùng Nguyễn Huệ, sớm muộn gì anh em họ chẳng chém gϊếŧ lẫn nhau.
Vũ Mẫu lại hỏi:
- Người của ta sao ra báo tin cho Nguyễn Huệ dược.
Vũ Tâm Can đáp:
- Trước con thường kết giao với một người là anh vợ của Nguyễn Huệ, lại là chú ruột của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Khi Nguyễn Nhạc bắt gia quyến thì hắn trốn vào nhà con xin nương nhờ. Nay ta thả hắn về Phú Xuân tất hắn sẽ kể việc bắt giam gia quyến và gϊếŧ chết Nguyễn Thung. Như vậy ta đã đạt mục đích mà hắn còn mang ơn ta nữa.
Vũ Mẫu vội hỏi:
- Người ấy là ai?
Can đáp:
- Hắn là Bùi Đắc Tuyên.
Nói xong Can liền quay đi sắp xếp ghe thuyền sai người tín cẩn đưa Bùi Đắc Tuyên đi trốn.
*
* *
Bùi Đắc Tuyên trốn được ra Phú Xuân xin vào yết kiến Nguyễn Huệ, kể chuyện vua Thái Đức bắt giam gia quyến và gϊếŧ chết Nguyễn Thung cho Huệ và các tướng nghe. Nghe xong Huệ khóc lớn rằng:
- Thương thay Nguyễn Thung. Chính ta đã hại chết Nguyễn Thung rồi vậy. Hoàng huynh sao nỡ nhẫn tâm gϊếŧ hại công thần như thế!
Trần Quang Diệu bước ra hỏi:
- Hoàng thượng khi trên người thì thi ân bố đức, cảm thấy kém người thì đố kỵ làm càn. Nay việc đã như vậy, Chúa công liệu tính làm sao?
Nguyễn Huệ gạt nước mắt đáp:
- Truyền lệnh ta, các tướng hãy chỉnh đốn binh mã theo ta vào Quy Nhơn đòi Hoàng huynh phải trả con tin.
Trần Văn Kỷ bước ra can:
- Thưa Chúa công có hai điều không nên làm việc ấy.
Huệ hỏi:
- Ấy là điều gì?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Nếu Chúa công động binh đánh Quy Nhơn, Hoàng thượng tất nổi giận mà gϊếŧ hết gia quyến, ấy là một lẽ. Hai bên đánh nhau tất hao quân tổn tướng làm suy yếu nhà Tây Sơn ta, ấy là hai lẽ. Vì hai lẽ ấy nên thần cúi xin Chúa công chớ động binh.
Nguyễn Huệ nói:
- Hoàng huynh vì giận làm càn nhưng người biết rõ tánh ta không vì tình nhà mà bỏ quên việc nước ắt là không dám gϊếŧ gia quyến. Lẽ thứ nhất không phải lo. Hiện nay trấn thủ Quảng Nam là Đặng Mộng Kỳ, trấn thủ Quảng Ngãi là Lê Trung. Lê Trung trước từng theo ta vào Gia Định đánh Nguyễn Phúc Ánh vốn chịu ân đức của ta lại dám chống lại ta sao? Đặng Mộng Kỳ văn võ song toàn biết điều lễ nghĩa, nay ta dùng nghĩa lý mà khuyên Đặng Mộng Kỳ phải lui quân, thì chẳng lo gì đến việc phải đánh nhau. Ấy là hai lẽ! Chẳng qua ta kéo binh vào làm áp lực buộc Hoàng huynh thả con tin không được kềm chế ta mà thôi. Nếu không như thế ta mãi chịu mệnh nhỏ của Hoàng huynh thì làm sao có thể thi hành được nghĩa lớn là thống nhất sơn hà. Việc này Văn Kỷ chớ lo!
Nói xong Nguyễn Huệ hạ lệnh:
- Trần Văn Kỷ mau soạn hịch kể tội Hoàng huynh ta truyền đi khắp các phủ trước, không được chậm trễ.
Trần Văn Kỷ vâng lệnh lui ra.
Nguyễn Huệ nhìn hết các tướng một lượt rồi bảo:
- Vũ Văn Dũng, Võ Đình Tú lãnh năm ngàn binh trấn thủ Phú Xuân. Vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân theo đường thượng đạo đến Tây Sơn Thượng xuống đèo Mang bất ngờ đánh lấy ải Cù Mông. Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc đem năm ngàn thủy quân theo đường bể chiếm cửa biển Thị Nại và cửa Cách Thử uy hϊếp mặt Đông. Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân theo ta đi đường đại lộ tiến đến Quy Nhơn. Các tướng nên nhớ kỹ, khi ta kéo đến, quân Hoàng huynh tất lui về thành Quy Nhơn cố thủ, các ngươi không được chém gϊếŧ, ai trái lệnh chém đầu.
Các tướng cùng bước lên lãnh lệnh. Trần Quang Diệu hỏi:
- Nếu quân Hoàng thượng kháng cự thì phải thế nào.
Nguyễn Huệ quả quyết đáp:
- Ta đã sai Trần Văn Kỷ đi trước truyền hịch khắp nơi, nay thấy binh ta đến chắc chắn các tướng của Hoàng huynh chẳng dám chống lại ta. Nếu gặp kháng cự cứ kéo quân về có gì ta cũng không bắt tội.
Nói rồi Nguyễn Huệ truyền lệnh xuất quân.
o O o
- 🏠 Home
- Văn Học Việt Nam
- Tây Sơn Bi Hùng Truyện
- Chương 42