Chương 23

Nói về Nguyễn Nhạc ở thành Qui Nhơn đêm đêm nằm mộng thấy mình mặc áo hoàng bào ngồi trên ngai vàng có kẻ hầu người hạ như một bậc đế vương. Mộng xong thường ngồi dậy quát gọi quân hầu. Quân hầu chạy đến thưa:

- Mấy đêm liền Chúa công thấy chiêm bao, nửa đêm giật mình ngồi dậy. Tiểu nhân xin đi mời quan thái y đến thăm bệnh Chúa công.

Nguyễn Nhạc gạt đi bảo:

- Không cần! Ngươi hãy đi mời mưu sĩ Nguyễn Thung đến dây cho ta.

Nguyễn Thung vội vàng khăn áo chỉnh tề đến, thi lễ xong hỏi Nhạc:

- Có việc quan trọng đến thế nào mà nửa đêm Chúa công cho gọi Nguyễn Thung này?

Nhạc đáp:

- Mấy đêm liền ta nằm mộng thấy mình làm vua không đêm nào ngủ được, nên cho mời tiên sinh đến hỏi xem có cao kiến gì để ta lên ngôi vua được chăng?

Nguyễn Thung suy nghĩ giây lâu rồi can:

- Quân dân ở phủ Qui Nhơn vẫn thường gọi Chúa công là vua trời. Dù Chúa công chưa lên ngôi nhưng trong lòng dân Chúa công đã là vua rồi vậy. Vả lại quân Tây Sơn ta lấy nghĩa tôn phò để dấy binh. Nay Đông cung Nguyễn Phúc Dương vẫn ở trong quân ta mà Chúa công xưng vương e rằng mất nghĩa tôn phò thì không thu phục được lòng dân. Đợi khi bình Nam dẹp Bắc xong, Chúa công lên ngôi Hoàng đế nào có muộn gì!

Nhạc buồn rầu hỏi:

- Không có cách nào làm vua sớm hơn được sao?

Nguyễn Thung đành nói hoãn:

- Hiện thời chưa có kế gì. Tôi xin về suy nghĩ lại rồi sẽ bẩm Chúa công sau.

Nói rồi Thung cáo biệt ra về. Nguyễn Thung không về nhà mà tìm đến tư dinh Nguyễn Huệ, quân canh vào báo với Huệ:

- Thưa tướng quân, có mưu sĩ Nguyễn Thung đến xin gặp tướng quân.

Nguyễn Huệ còn bận đồ ngủ vội ra ngoài nghênh tiếp. Mời Thung vào nhà, Huệ hỏi:

- Chẳng hay có việc chi hệ trọng mà nửa đêm tiên sinh đến gặp tôi?

Nguyễn Thung kể lại việc nằm mộng của Nguyễn Nhạc cho Huệ nghe. Nghe xong Huệ cười nói:

- Việc này nào có khó gì, xin tiên sinh về dinh an nghỉ. Ngày mai tôi cùng tiên sinh đến gặp đại huynh thì đâu vào đấy cả.

***

Sáng hôm sau, Nguyễn Thung, Nguyễn Huệ đến gặp Nguyễn Nhạc. Huệ cầm tay Nhạc nói:

- Hiện nay đại huynh chưa thể lên ngôi Hoàng đế. Nhưng đại huynh có thể xưng Vương được!

Nguyễn Thung ngạc nhiên hỏi:

- Quân ta lấy nghĩa tôn phò Đông cung. Chúa nhà Nguyễn chỉ mới có tước Vương. Nay Chúa công xưng Vương còn đâu nghĩa tôn phò?

Huệ quay lại trả lời Thung rằng:

- Lúc mới khởi binh thế lực còn yếu nên ta mới mượn cớ tôn phò Đông cung Nguyễn Phúc Dương để thu phục lòng người. Nay ta binh hùng tướng mạnh chính là lúc cần nói rõ chính nghĩa của Tây Sơn là đập đổ hai nhà Trịnh – Nguyễn, đem giang sơn qui về một mối, mang thái bình lại chi trăm họ. Con cờ Đông cung ta không dùng đến nữa. Thả Lý Tài vào Gia Định quả như tôi dự đoán, Lý Tài và Đỗ Thành Nhân tranh giành quyền nhau. Hiện Đỗ Thành Nhân quản thúc Định Vương trong thành Sài Côn không cho Lý Tài đầu hàng. Lý Tài bơ vơ tiến thoái lưỡng nan. Nay ta thả Đông cung Nguyễn Phúc Dương, Dương tất theo về với Lý Tài, Lý Tài tất có chính nghĩa để đem quân đánh Đỗ Thành Nhân. Khi ấy thành ra Chúa Định Vương và Đông cung tranh quyền đánh gϊếŧ lẫn nhau, lòng người sẽ sinh ra chán ngán mà hướng về đại huynh. Khi ấy, đại huynh chính thức xưng Vương thì không phải là hợp lẽ hay sao?

Nguyễn Nhạc lắc đầu nói:

- Lâu nay Nguyễn Phúc Dương không màng chính sự, đam mê tửu sắc lấy trò săn bắn làm vui, chỉ trông cậy vào ta đánh Nam dẹp Bắc để đưa hắn lên ngôi chúa. Thì cớ gì Nguyễn Phúc Dương lại bỏ Tây Sơn ta mà chạy vào Gia Định?

Huệ cười đáp:

- Đại huynh chưa tường bụng dạ của Đông cung. Số là từ khi đại huynh nhận sắc phong của quân Trịnh đánh tan hai vạn quân của Tống Phước Hiệp ở Phú Yên, thì hắn biết rằng đại huynh không thực bụng tôn phò, nên giả vờ ngây thơ như thế để đại huynh không chú ý rồi thừa dịp trốn đi đấy thôi! Nay ta thả lỏng hắn mà hắn không trốn đi, Nguyễn Huệ tôi xin dâng đầu dưới trướng. Xin đại huynh chớ khá nghi ngờ!

Nguyễn Thung vỗ tay khen:

- Thật là biết người biết ta diệu kế thập toàn, Nguyễn Thung tôi xin cúi đầu bái phục.

Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:

- Nhờ mưu của em, ta đã được xưng Vương rồi. Nhưng ta phải thả Đông cung như thế nào cho hắn nghĩ rằng tự hắn trốn khỏi Tây Sơn ta như Lý Tài vậy?

Huệ hiến kế:

- Đại huynh hãy cho sửa sang lại thành Qui Nhơn, nguyên là thành Đồ Bàn của vua cũ Chiêm Thành. Ta viện cớ sửa thành đem Đông cung ra ở chùa Thập Tháp. Chùa Thập Tháp ở phía Bắc thành, lại gần sông. Nguyễn Phúc Dương chắc chắn sẽ xuống thuyền ra cửa biển Cách Thử mà trốn vào Gia Định.

Nguyễn Nhạc y lời sai quân gọi Nguyễn Phúc Dương đến nói:

- Nay quân ta chưa đủ mạnh để đánh Trịnh chiếm lại kinh thành Phú Xuân. Tôi định cho người sửa sang lại thành Đồ Bàn thành đất đế kinh. Vậy phiền Thế tử tạm ra ở chùa Thập Tháp, đợi khi nào sửa xong thành sẽ rước Thế tử về chính thức xưng Vương, không phải dùng vương hiệu của Định Vương Nguyễn Phúc Thuần nữa. Chẳng hay ý Thế tử thế nào?

Nguyễn Phúc Dương mừng thầm trong bụng nói:

- Tướng quân vì tôi phải lao tâm khổ trí. Tướng quân sắp xếp thế nào tôi nhất nhất tuân theo.

Nói xong liền về tư dinh sửa soạn hành lý. Nguyễn Nhạc sai Vũ Văn Nhậm làm hộ vệ cho Nguyễn Phúc Dương. Trước khi đi, Nhạc dặn Nhậm:

- Ngươi hãy mang một trăm quân theo hộ vệ Nguyễn Phúc Dương ra ở chùa Thập Tháp, rồi làm như sơ hở để Dương thừa cơ trốn đi. Đến chùa Thập Tháp, Nguyễn Phúc Dương bàn với người hầu già là Nguyễn Gia Hầu:

- Nguyễn Nhạc nghĩ rằng ta tin hắn thật sự tôn phò, nên không nghi ngờ mới cho ta ra ở nơi này. Ta nhân dịp này trốn vào Gia Định với Lý Tài thì có cơ khôi phục cơ đồ.

Nguyễn Gia Hầu nói:

- Tôi thấy việc Nguyễn Nhạc cho Đông cung ra ở chùa Thập Tháp là có ẩn ý gì đây!

Dương giật mình hỏi:

- Ngươi nói thế là thế nào?

Gia Hầu đáp:

- Vũ Văn Nhậm là một đại tướng của Tây Sơn rất giỏi võ nghệ, theo lệnh Nguyễn Nhạc theo hộ vệ nhưng kỳ thực là quản thúc Đông cung. Nếu Nguyễn Nhạc không nghi ngờ ta sao còn làm như thế?

Dương lại hỏi:

Vậy ta phải làm sao mới thoát được Nguyễn Nhạc?

Gia Hầu đáp:

- Tôi có một kế khiến Vũ Văn Nhậm bó tay đứng nhìn ta thoát vào Gia Định.

Dương hối thúc:

- Kế thế nào nói mau xem!

Gia Hầu từ tốn thưa:

- Nguyên từ ngày Nguyễn Nhạc hứa sau này sẽ gả con gái mình là Thọ Hương cho Thế tử. Tôi nhận thấy Thọ Hương phải lòng Thế tử và thường tơ tưởng chuyện nhân duyên. Nay ta cứ làm thế này... thế này... thì không những thế tử thoát được vào Gia Định, còn khiến cho Nguyễn Nhạc phải tức uất mà chết!

Nguyễn Phúc Dương mừng rỡ khen:

- Ngươi thật là đa mưu túc trí. Nếu sau này ta tự chủ dựng nghiệp thì ngươi sẽ là quân sư của ta đó!

Nói xong liền bảo Gia Hầu lập tức quay về thành Qui Nhơn. Nguyễn Gia Hầu đến gặp tiểu thư Thọ Hương, nói:

- Thế tử ra ở chùa Thập Tháp mới có mấy ngày không được trông thấy tiểu thư mà lâm bệnh. Nếu tiểu thư không đến thăm e rằng Thế tử chết mất.

Thọ Hương đau xót nói:

- Tuy rằng cha tôi hứa gả tôi cho Thế tử, nhưng chưa phải là nên nghĩa phu thê. Nếu tôi đến thăm Thế tử e rằng phạm vào chữ hạnh trong tứ đức của người phụ nữ thì sao?

Nói xong lau nước mắt. Gia Hầu biết Thọ Hương đã xiêu lòng, liền quì mọp cầu khẩn:

- Thế tử chưa được lệnh của Tây Sơn chủ tướng nên không dám quay về. Nếu tiểu thư không đến Thế tử ắt tương tư mà chết.

Tiểu thư Thọ Hương bằng lòng nói:

- Thôi được ông hãy vế trước! Ta sẽ trốn cha ta đến gặp Thế tử một phen!

Thọ Hương đi rồi, quản gia vào báo cùng Nguyễn Nhạc. Nhạc thất kinh nói:

- Thôi chết, con ta đã bị Nguyễn Phúc Dương lừa mất rồi!

Nói xong liền lên ngựa đem theo vài tên hộ vệ lập tức đuổi theo. Lúc ấy Vũ Văn Nhậm đang ngủ trong tự quán nghe quân vào báo:

- Thưa tướng quân có Chúa công thân hành đến chùa.

Vũ Văn Nhậm thất kinh ra đón. Nhạc hỏi:

- Thọ Hương con gái ta đâu?

Văn Nhậm sợ hãi đáp:

- Chúa công dặn phải để Phúc Dương trốn thoát, nên tôi chẳng chủ tâm theo dõi, không biết tiểu thư ra đến nơi này.

Tên quân canh bước ra nói:

- Tôi vừa trông thấy Thế tử cùng tiểu thư cưỡi ngựa ra bến sông.

Nguyễn Nhạc cùng Vũ Văn Nhậm liền đuổi theo đến bờ sông. Đến nơi thấy Phúc Dương và Thọ Hương đã ở trên thuyền, Nguyễn Nhạc cho quân trương cung lắp tên. Nhạc gọi lớn:

- Thế tử muốn đi hãy đi một mình, hãy để con gái ta ở lại.

Phúc Dương liền rút gươm kề cổ Thọ Hương nói trả:

- Nếu ngươi xạ tiễn ta sẽ gϊếŧ chết Thọ Hương!

Đoạn Dương bảo Gia Hầu hối quân chèo gấp. Nguyễn Nhạc chưa biết làm thế nào, Vũ Văn Nhậm liền giương cung lắp tên bắn một phát trúng vào cổ tay cầm gươm của Nguyễn Phúc Dương. Dương đau quá buông gươm ôm lấy tay. Tiểu thư Thọ Hương trên mạn thuyền mất đà té nhào xuống sông. Vũ Văn Nhậm liền nhảy xuống nước bơi ra dìu Thọ Hương vào bờ. Ba quân trông thấy tài thiện xạ của Vũ Văn Nhậm nói với nhau rằng:

- Vũ tướng quân bắn cung thật tài tình, chẳng khác Dưỡng Do Cơ ngày xưa vậy!

Từ ấy trong quân thường gọi Vũ Văn Nhậm là tiểu Dưỡng Do Cơ. Về thành Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc hội các tướng đến nói:

- Nguyễn Phúc Dương không biết rằng ta cố tình thả hắn nên lập mưu bắt con gái ta làm con tin để chạy vào Gia Định. May nhờ có Vũ Văn Nhậm trổ tài thiện xạ cứu được con ta. Vả lại ta thiết nghĩ nam nữ thọ thọ bất thân, mà Nhậm đã ôm con gái ta dìu vào bờ khác nào tình chồng vợ. Vậy nay ta định tác hợp Nhậm và Thọ Hương nên nghĩa phu thê. Chẳng hay ý Nhậm thế nào?

Vũ Văn Nhậm quì lạy tạ ơn. Nguyễn Nhạc liền định ngày làm lễ thành hôn cho Vũ Văn Nhậm và Thọ Hương.

***

Nói về Đông cung Thế tử Nguyễn Phúc Dương dong thuyền chạy vào Gia Định. Đến sông Thị Nghè gặp Lý Tài, Dương hỏi:

- Lý tướng quân đã yết kiến Chúa thượng hay chưa? Sao còn đóng thuỷ trại nơi này?

Lý Tài đáp:

- Thưa Thế tử, tôi đã đưa thư tiến cử của Thế tử đến Chúa thượng. Chúa thượng hẹn sẽ đón vào thành dung nạp. Đến nay đã gần hết một tuần trăng sao chẳng thấy động tĩnh gì?

Dương hỏi:

- Tướng giữ đồn Thị Nghè là ai?

Lý Tài đáp:

- Là Nguyễn Nghi!

Nguyễn Phúc Dương bèn cùng Lý Tài đi thuyền đến gần đồn. Dương gọi Nguyễn Nghi ra hỏi:

- Nguyễn tướng quân có nhận ra ta chăng?

Nguyễn Nghi trông thấy Dương liền vội vàng nghênh đón vào trong đồn, quì lạy hỏi:

- Nghe tin Thế tử bị quân Tây Sơn bắt sao thoát được về đây?

Dương đáp:

- Ta cùng Lý Tài hẹn nhau trốn khỏi Qui Nhơn vào đất Gia Định mưu khôi phục cơ đồ. Sao Chúa thượng không dung nạp Lý Tài?

Nghi đáp:

- Chúa thượng có ý phong Lý Tài làm đại tướng quân điều binh khiển tướng. Chẳng ngờ vào trong thành không thấy nói gì đến việc Lý Tài cả. Tôi đã sai người về thành Sài Côn hỏi ý, nào ngờ quân trong thành không cho vào, chẳng hiểu là ý gì?

Phúc Dương, Lý Tài liền cùng Nguyễn Nghi đem theo một trăm quân cưỡi ngựa đến thành Sài Côn gọi Đỗ Thành Nhân. Nghi gọi lớn:

- Đỗ tướng quân mau mở cổng thành, có Đông cung Thế tử xin vào yết kiến Chúa thượng.

Đỗ Thành Nhân trên mặt thành nói vọng xuống:

- Tôi là người Gia Định đem quân Đông Sơn đuổi Tây Sơn giúp chúa, không biết mặt Đông cung Thế tử. Vậy có chi làm bằng người ấy là Đông cung Thế tử?

Nghi nói:

- Vậy phiền tướng quân cho mời Chúa thượng lên mặt thành nhận diện.

Nhân đáp:

- Chúa thượng long thể bất an không thể rời khỏi long sàng.

Nguyễn Phúc Dương bảo Đỗ Thành Nhân:

- Trong hoàng tộc có một người cháu của Định Vương tên là Nguyễn Phúc Ánh. Tướng quân hãy cho gọi người này lên thành nhận diện, không phải phiền đến Chúa thượng.

Đỗ Thành Nhân đích thân đi gọi Nguyễn Phúc Ánh. Nhân thấy Ánh vừa mới mười lăm tuổi, làn da trắng trẻo, mặt nhỏ, mắt tròn, vóc người lanh lẹ, liền bào Ánh:

- Lý Tài giả hàng làm nội ứng cho Tây Sơn, tôi can gián mãi Chúa thượng không nghe, bất đắc dĩ mới không cho Chúa thượng đón Lý Tài vào thành. Nay Lý Tài dẫn một người đến dưới thành xưng là Đông cung Thế tử Nguyễn Phúc Dương, mời hoàng điệt lên thành nhận diện để vào yết kiến Chúa thượng, xin cho Lý Tài đem quân vào thành. Nếu Lý Tài vào thành rồi làm nội ứng cho giặc Tây Sơn thì chúa ta nguy mất, vậy khi lên mặt thành, hoàng điệt chớ nhìn Đông cung Thế tử, đuổi chúng đi cho rồi. Nếu không như thế thì tôi không bảo toàn tính mạng cho Chúa thượng và hoàng tộc được đâu.

Phúc Ánh giận dữ nói:

- Tôi xin vào trong lấy cây cung tôi thường sử dụng, bắn bọn chúng cho hả dạ!

Nói rồi liền quay vào lấy cung tên theo Đỗ Thành Nhân lên mặt thành. Nguyễn Phúc Dương trông thấy Ánh liền gọi lớn:

- Ta là Đông cung Thế tử Nguyễn Phúc Dương đây! Phúc Ánh hoàng đệ có nhận ra ta chăng?

Nguyễn Phúc Ánh quát lớn:

- Ngươi là kẻ vô danh nơi nào dám nhận là Đông cung Thế tử! Hãy xem thần tiễn của ta đây!

Nói rồi dương cung lắp tên bắn một phát nhằm ngay chóp nón Nguyễn Phúc Dương. Dương giật mình kinh hãi nhổ tên ra, thấy có bức thư dán cẩn thận quanh thân tên. Nhìn lên mặt thành lại thấy Phúc Ánh nháy mắt làm hiệu, Dương hiểu ý liền dẫn quân về đồn Thị Nghè. Đỗ Thành Nhân khen Nguyễn Phúc Ánh:

- Hoàng điệt tuổi còn niên thiếu mà sáng suốt hơn người, lại giỏi nghề cung kiếm. Thật trí dũng song toàn, đáng khen thay!

Phúc Ánh cười thầm chẳng nói gì.

Nguyễn Phúc Dương về đồn Thị Nghè giở thư Phúc Ánh ra đọc. Thư rằng:

Đỗ Thành Nhân làm phản quản thúc Chúa thượng. Thế tử hãy họp quân các trấn đánh thành Sài Côn cứu Chúa thượng cùng hoàng thân quốc thích.

Dương đọc xong nói:

- Nguyễn Phúc Ánh mới mười lăm tuổi mà trí dũng song toàn thật đáng khen. Nếu không nhờ Phúc Ánh đưa tin, thì ta không rõ tại sao Chúa thượng ở trong thành Sài Côn lại nội bất xuất, ngoại bất nhập như thế. Lý Tài và Nguyễn Nghi cùng hợp quân tiến đánh Sài Côn. Ta sẽ sai người gọi Nguyễn Văn Hoằng, Hồ Văn Lân ở Trấn Biên, Bình Thuận kíp đem quân tiếp viện.

Nguyễn Nghi can:

- Đỗ Thành Nhân dùng Chúa thượng làm con tin để khống chế các trấn. Nay nếu ta đem quân đánh Sài Côn, e rằng Đỗ Thành Nhân bức tử Chúa thượng cùng hoàng tộc thì sao?

Phúc Dương ngẫm nghĩ rồi nói:

- Đỗ Thành Nhân dùng Chúa thượng để khống chế chúng ta. Nay ta cứ giả vờ như không nghe lệnh Chúa thượng, Đỗ Thành Nhân thấy con tin không còn giá trị ắt chẳng bức Chúa thượng cùng hoàng tộc làm chi.

Nói rồi truyền Lý Tài và Nguyễn Nghi đem toàn quân tổng cộng được năm ngàn, tiến về vây thành Sài Côn. Phúc Dương nói riêng với Lý Tài:

- Nếu Đỗ Thành Nhân bức tử Chúa thượng thì ta đường đường nối nghiệp tổ tiên khôi phục cơ đồ.

Đến thành Sài Côn, Lý Tài cho quân đem đại bác bắn phá khắp thành. Quân Đông Sơn chống không nổi, từng tảng đá trên mặt thành bị đạn đại bác bắn đổ rào rào. Đỗ Thành Nhân liệu bề đánh không lại liền đem Định Vương Nguyễn Phúc Thuần lên mặt thành. Phúc Dương trông thấy liền bảo Lý Tài lệnh quân ngừng bắn. Đỗ Thành Nhân lên mặt thành nói lớn:

- Có Chúa thượng ở đây, các người định làm phản hay sao?

Nguyễn Phúc Dương cười lớn nói:

- Ngươi ngu muội tưởng có Định Vương là khiển được chúng ta hay sao? Ta đây là Đông cung Thế tử mới là dòng chính thống. Định Vương năm xưa chẳng qua do Trương Phúc Loan chuyên quyền làm điều soán nghịch mà thôi. Quân ta bắn phá được thành sẽ bắt ngươi cho tứ mã phanh thây.

Nguyễn Phúc Thuần thất kinh khóc lớn:

- Năm xưa Trương Phúc Loan phế truất cháu, thì ta chẳng qua là con cờ của Phúc Loan mà thôi. Bởi vậy ta mới phục chức cháu là Đông cung Thế tử. Nay cháu và các tướng không phục ta thì cũng nghĩ đến tình cốt nhục mà lui binh. Nếu không Đỗ Thành Nhân sẽ gϊếŧ chết hoàng thân trong thành thì cháu cũng mang tiếng là người bất nhân vậy!

Đỗ Thành Nhân nghe Phúc Thuần nói xong liền tiếp lời:

- Nếu ngươi lui binh về đồn Thị Nghè, ta sẽ thả Chúa thượng cùng hoàng tộc, bằng nếu lòng quyết đánh, ta gϊếŧ hết không tha!

Nguyễn Nghi nói với Phúc Dương:

- Nay Đỗ Thành Nhân cùng đường e nổi giận làm càn. Chi bằng ta lui quân về đồn Thị Nghè, cho hắn thả hoàng tộc rồi sẽ đánh lấy Sài Côn sau.

Phúc Dương nghe lời liền thu quân về. Lý Tài nhăn mặt hỏi riêng Phúc Dương:

- Nếu ta tiếp tục đánh Sài Côn, Đỗ Thành Nhân nổi giận bức tử Định Vương thì Thế tử lên ngôi tôn nắm quyền nhϊếp chính, ta lại trừ được phản tặc Đỗ Thành Nhân, lấy thành Sài Côn. Một công lợi đôi ba việc, sao Thế tử không làm?

Dương trầm ngâm đáp:

- Nếu ta làm thế e rằng mang tiếng bất nhân, sợ các tướng không phục mà sinh nội biến, ấy là một lẽ. Chúa thượng là người nhu nhược, ta bảo ông ấy thoái vị nhường ngôi ông ấy ắt phải nghe, thì ta vẫn nắm quyền nhϊếp chính, ấy là hai lẽ. Sau khi thả hoàng tộc xong, Đỗ Thành Nhân tất phải bỏ Sài Côn mà chạy, thì ta vẫn lấy được thành mà không phải hao binh tồn tướng, ấy là ba lẽ. Vì ba điều lợi ấy nên ta mới thu binh về đồn Thị Nghè.

Lý Tài mừng rỡ khen:

- Thế tử liệu việc thật sâu sắc, không còn ngây thơ như trước nữa rồi. Vậy tôi xin đem quân bản bộ xuống phía Nam thành Sài Côn mai phục ở cánh rừng cạnh làng Hoà Hưng, đợi Đỗ Thành Nhân đến đó đánh một trận mà diệt trừ hậu họa.

Nguyễn Phúc Dương y lời, Lý Tài dẫn quân đi ngay.

Lúc ấy Đỗ Thành Nhân ở trong thành Sài Côn nói với thủ hạ:

- Ta tưởng có Định Vương trong tay là sai khiến được tướng sĩ, nào ngờ Đông cung Thế tử lại thoát khỏi tay quân Tây Sơn quay về Gia Định làm đảo lộn toàn bộ kế sách của ta. Các tướng có kế gì xoay chuyển tình thế được chăng?

Võ Tánh bàn:

- Nay Nguyễn Phúc Dương lui quân về đồn Thị Nghè, ta hãy mau bỏ thành Sài Côn rút về căn cứ Đông Sơn ta ở đất Tam Phụ. Nếu chậm trễ chúng điều binh của Lê Văn Quân ở Long Hồ, Hồ Văn Lân ở Trấn Biên, ba mặt cùng giáp công thì ta không còn đường thoát.

Đỗ Thành Nhân nghiến răng nói:

- Đang được phong làm phụ chính dưới quyền chúa, bỗng chốc phải bỏ trốn vào rừng. Cơ sự cũng do thằng giặc Tàu Lý Tài mà ra. Thù này có ngày ta phải trả.

Nói rồi mở cửa Nam thành Sài Côn đem năm ngàn quân Đông Sơn rút về vùng rừng Tam Phụ.

Quân Đông Sơn mới đi đến cánh đồng trống ở đầu ấp Hoà Hưng, bỗng nghe pháo lệnh nổ vang, súng đại bác từ hai cánh rừng ầm ầm bắn ra, tiếp theo là trận mưa tên đổ xuống. Quân Đông Sơn trúng tên đạn chết rất nhiều.

Đỗ Thành Nhân thất kinh than:

- Ta đã bị Lý Tài mai phục mất rồi!

Nói rồi dẫn quân chạy một mạch không dám ngoái đầu lại. Về đến rừng Tam Phụ, Thành Nhân kiểm điểm binh mã thấy hao hết một ngàn quân, số còn lại áo quần rách rưới, thương tích đầy mình. Thành Nhân nghiến răng trợn mắt hét vang:

- Bớ Lý Tài! Thù này ta quyết chẳng đội trơi chung!

Quân Đông Sơn đi rồi, Nguyễn Phúc Dương vào thành Sài Côn ngự nơi chính điện, cho mời Nguyễn Phúc Thuần đến. Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Đăng Trường đến thấy Dương ngự trên ngai chúa, dưới thì võ sĩ hai hàng mặt đằng đằng sát khí. Thuần thấy vậy ngao ngán nói:

- Ta bất tài kém đức nên lòng người không phục. Chính vì Quốc phó Trương Phúc Loan đưa ta lên ngôi chúa nên Tây Sơn mới thừa cơ dấy loạn, xã tắc ngả nghiêng. Vậy nay ta thoái vị nhường ngôi cho cháu nắm quyền nhϊếp chính đánh giặc Tây Sơn khôi phục cơ đồ nhà Nguyễn ta.

Năm Bính Thân (1776), niên hiệu Cảnh Hưng thứ Ba mươi bảy, Nguyễn Phúc Dương tôn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần làm Thái Thượng Vương, còn mình tự xưng làm Tân Chính Vương cùng lo việc khôi phục cơ nghiệp nhà Nguyễn. Từ ấy họ Nguyễn ở Gia Định có một lúc hai chúa, nhưng quyền hành đều ở trong tay Tân Chính Vương cả. Thiên hạ thấy trong lúc đất nước như ngàn cân treo sợi tóc mà các chúa tranh quyền với nhau, đều lắc đầu chán ngán.