- 🏠 Home
- Văn Học Việt Nam
- Tây Sơn Bi Hùng Truyện
- Chương 16
Tây Sơn Bi Hùng Truyện
Chương 16
Nói về Nguyễn Phúc Dương được chúa Nguyễn phong làm Đông cung Thế tử vào đến thành Quảng Nam, trong lòng rất lấy làm sung sướиɠ nói với tả hữu rằng:
- Lúc ta lên chín tuổi thì Tiên chúa mất, Phúc Loan chuyên quyền giam lỏng ta trong cung điện suốt mười năm nay, dù cao lương mỹ vị, rượu ngon gái đẹp chẳng thiếu chi nhưng thật là tù túng. Nay ta làm đại trấn thủ đất Quảng Nam, uy quyền một cõi lại làm Đông cung Thế tử thì nối nghiệp nhà Nguyễn sau này không phải ta thì còn ai vào đây nữa!
Lúc bấy giờ một người hầu thân tín bước ra nói:
- Tôi trước từng theo hầu hạ cho Thế tử Nguyễn Phúc Hiệu là thân phụ của Thế tử. Tôi có đôi lời muốn nói, nếu không hài lòng mong Thế tử bỏ qua cho.
Đang lúc vui Nguyễn Phúc Dương liền bảo:
- Ngươi theo hầu ta từ lúc ta mới ra đời, lòng tận tụy của ngươi ta đã rõ. Có điều gì ngươi cứ nói đừng rào đón làm chi!
Nguyễn gia Hầu liền thưa:
- Thưa Thế tử, quân Tây Sơn nổi lên làm loạn ở đất Quy Nhơn đánh chiếm từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi. Chúa ta phải sai Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi đem toàn quân ở kinh thành vào chống nhau với giặc. Quân Trịnh nhân cơ hội ấy mới động binh xâm phạm mặt Bắc. Chúa không còn cánh nào khác phải điều hai vạn quân ra Bắc đánh Trịnh, thì Nguyễn Văn Hoằng ở Quảng Nam chỉ còn một vạn quân không phải là đối thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn vốn lấy danh nghĩa đánh đổ Quốc phó tôn phò Thế tử để dấy binh, nên vạn bất đắc dĩ chúa phải phong Thế tử làm Đông cung sai vào trấn đất Quảng Nam, để chúa Tây Sơn là Nguyễn Nhạc vì vướng nghĩa tôn phò mà không thể đem quân đánh tới. Chứ thật ra chúa nào yêu mến gì Thế tử. Nếu một mai quân Gia Định do Tống Phước Hiệp kéo ra dẹp được giặc Tây Sơn, tôi e rằng Thế tử phải lâm nguy!
Nguyễn Phúc Dương giật mình nói:
- Tuổi ta còn nhỏ chưa biết việc đời, nếu không nhờ ngươi nhắc nhở, một mai kia nước tới chân mới nhảy ắt là không kịp nữa. Theo ngươi giờ phải làm sao?
Gia Hầu chưa kịp trả lời, có quân vào dâng thư nói:
- Thưa Thế tử, chúa ở kinh thành sai người mang mật thư vào cho tướng quân Nguyễn Văn Hoằng.
Phúc Dương tiếp thư đọc xong, giận dữ quăng thư xuống đất nói:
- Quả đúng như lời ngươi nói. Chúa Định Vương mật báo cho Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi phải ngầm theo dõi hành tung của ta. Hắn sợ ta theo về với quân Tây Sơn phản lại triều đình. Đã thế này sao ta không nhờ Tây Sơn Nguyễn Nhạc kéo binh đến thẳng kinh thành lấy lại ngai vàng nhà Nguyễn cho ta. Theo ý ngươi thì ta nên làm thế nào?
Gia Hầu thưa:
- Tuy Thế tử mang tiếng là trấn thủ đất Quảng Nam, nhưng trong thành vỏn vẹn có năm trăm thủ hạ dưới quyền, binh quyền đều ở trong tay Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi ngoài chốn biên thùy. Nếu Tây Sơn còn thì Thế tử còn là Đông cung. Nếu Tây Sơn diệt tôi e rằng Thế tử không có đất để dung thân. Xem ra Thế tử không còn cách nào khác đành phải nhắm mắt đưa chân về với Nguyễn Nhạc. Nếu người ta thật lòng tôn phò, mình còn hy vọng lấy lại cơ đồ.
Phúc Dương hỏi:
- Nguyễn Nhạc là người thế nào?
Gia Hầu đáp:
- Bụng dạ của Nguyễn Nhạc thì tôi không biết được, còn việc làm của Nhạc thì toàn cõi Đàng Trong ai ai cũng rõ.
Dương lại hỏi:
- Nhạc làm những việc gì?
Gia Hầu đáp:
- Nguyễn Nhạc khởi binh đi đến đâu cũng nêu khẩu hiệu “Tôn phò hoàng tôn, đánh đổ Quốc phó”. Quân Nguyễn Nhạc lấy được đất nào đều mang lương thực phát cho dân nghèo vùng ấy, nên từ sĩ đến nông theo phục rất đông. Quân đi đến đâu liền đánh trống dồn dập, la ó vang trời, quan quân triều thất kinh hồn vía. Bởi lẽ ấy trong nhân dân thường có câu vè rằng: “Binh triều, binh Quốc phó. Binh ó, binh Hoàng tôn” là vậy đó!
Phúc Dương nghe xong bảo:
- Theo việc làm mà xét thì Nguyễn Nhạc là người tài đức vẹn toàn, trên trung với vua, dưới hiếu với dân. Người này chắc thực bụng tôn phò. Ngươi hãy vì ta sang doanh trại Tây Sơn dò ý một phen.
Nguyễn gia Hầu lãnh mệnh đi ngay.
*
* *
Ngày ấy trong doanh trại, Nguyễn Nhạc cùng Trương Văn Hiến đang đàm đạo, quân canh vào báo:
- Tâu Chúa công, có người tự xưng là sứ giả của Đông cung Thế tử Nguyễn Phúc Dương xin ra mắt Chúa công.
Nhạc bảo:
- Mau mau mời vào!
Quân canh lui ra. Nhạc hỏi Hiến:
- Không biết Nguyễn Phúc Dương sai sứ giả đến đây có dụng ý gì?
Hiến cười đáp:
- Theo tôi có lẽ Phúc Dương đã nhận thư của ta giả danh chúa Định Vương gởi cho Nguyễn Văn Hoằng nên sai người đến đây dò ý Chúa công đó!
Nhạc gật đầu tán đồng.
Gia Hầu vào đến chưa kịp thi lễ đã bị Nhạc quát hỏi:
- Ngươi là ai to gan lớn mật dám giả danh là sứ giả của Đông cung? Quân bay lôi ra chém!
Gia Hầu mất vía luôn miệng kêu rằng:
- Oan cho tôi lắm, xin tướng quân rộng xét, tôi chính là người thân tín của Đông cung.
Nhạc vờ chưa tin, gạn hỏi:
- Ngươi quả thật già mồm, sứ giả của Đông cung thì phải có y phục chỉnh tề, có kẻ theo hầu, còn ngươi một thân một mình, áo quần rách rưới, mặt mũi nhơ nhớp thế kia mà dám bảo là sứ giả của Đông cung.
Gia Hầu liền đáp:
- Xin tướng quân cho tôi được bày tỏ đôi lời. Nguyên Hoàng tôn vừa được phong làm Đông cung Thế tử, chúa Nguyễn Định Vương sai vào trấn thủ Quảng Nam. Nhưng chúa lại đem dạ nghi ngờ viết mật thư cho tướng Nguyễn Văn Hoằng phải quản thúc Đông cung. Nguyễn Văn Hoằng lại đóng binh ở biên cương đánh nhau với tướng quân. Nên tôi phải giả dạng thường dân băng rừng vượt suối mới toàn mạng ra mắt tướng quân. Mong tướng quân rộng xét.
Nhạc lại vờ hỏi:
- Ngươi có bằng chứng gì của Đông cung chăng?
Gia Hầu đáp:
- Thưa có! Đây là huyết thư có dấu ấn của Đông cung!
Nhạc tiếp thư xem xong vội vã bước xuống đỡ Gia Hầu dậy mời ngồi, sai quân bày yến tiệc, lại lấy nước trầm hương rửa mặt, lấy y phục cho thay.
Nhập tiệc, Gia Hầu hỏi Nhạc:
- Dám hỏi tướng quân, tại sao lại đối đãi với tôi tử tế như thế?
Nhạc vờ thật thà đáp:
- Tiên sinh sao hỏi lạ thế? Nhạc tôi dấy binh mong đánh tới kinh thành bắt Trương Phúc Loan và chúa Định Vương trị tội đã làm nhiều điều thoán đoạt, rồi phò Hoàng tôn lên ngôi chúa cho rõ nghĩa cương thường trong thiên hạ. Nhạc này dù chưa gặp mặt nhưng đã tự nhận là tôi của Hoàng tôn, còn tiên sinh là kẻ thân tín của Hoàng tôn ấy là người một nhà cả, sao lại không tử tế với nhau! Nhưng không hiểu sao Định vương lại phong cho Hoàng tôn làm Đông cung Thế tử, cho vào trấn đất Quảng Nam mà còn đem dạ nghi ngờ là cớ làm sao?
Gia Hầu nghe Nhạc nói trong bụng rất mừng, liền vui vẻ đáp:
- Tướng quân không rõ thật sao? Số là tướng quân dấy binh để phò Hoàng tôn, nên Định Vương mới phong Hoàng tôn làm Đông cung vào trấn đất Quảng Nam để chặn đường tiến binh của tướng quân đến kinh thành. Nhưng Định vương lại sợ nếu Hoàng tôn về với tướng quân, rồi sai tướng quân đem quân Bắc tiến thì ngai chúa của hắn sẽ lâm nguy. Vì lẽ ấy Định Vương mới mật thư cho Nguyễn Hoằng Văn quản thúc Đông cung.
Nhạc vờ mắng rằng:
- Định Vương thật là đứa xảo quyệt. Nay Hoàng tôn sai tiên sinh đến đây đã tính toán thế nào chưa?
Gia Hầu vội trình bày:
- Hoàng tôn bảo tôi nhờ tướng quân tiến đánh Nguyễn Hoằng Văn và Nguyễn Nghi, rồi vào thành Quảng Nam, Hoàng tôn sẽ truyền hịch bốn phương, danh chánh ngôn thuận cùng tướng quân kéo đến kinh thành.
Nguyễn Nhạc quay sang Hiến hỏi:
- Ý Hoàng tôn như thế, quân sư định liệu thế nào?
Trương Văn Hiến đáp liền:
- Tiên sinh hãy về bảo với Hoàng tôn rằng khi Nguyễn Văn Hoằng thua ắt chạy về thành Quảng Nam cố thủ, Hoàng tôn chờ quân Chúa công tôi đến, rồi sai người tâm phúc đốt lửa hiệu mở cổng thành. Chiếm được thành Quảng Nam xong Chúa công tôn Hoàng tôn lên ngôi chúa, cùng nhau thẳng tiến thu phục kinh đô.
Gia Hầu cả mừng nói:
- Ấy thật là hồng phúc của nhà chúa nên trời mới sai tướng quân giúp cho Hoàng tôn đó. Tôi xin lập tức quay về.
Nói xong rồi từ biệt ra đi. Nguyễn Nhạc liền sai quân mời các tướng đến nhận lệnh. Các tướng đến đông đủ. Nhạc nói:
- Nay quân Trịnh xâm phạm thành Trường Dục ở châu Bố Chánh, chúa Nguyễn phải điều hai vạn quân của Nguyễn Văn Hoằng ra Bắc. Hiện quân Nguyễn Văn Hoằng đối địch với ta chỉ còn một vạn. Đây là thời cơ để ta đánh chiếm Quảng Nam. Vậy ai lãnh ấn tiên phong?
Võ Đình Tú hăng hái bước ra nói:
- Tôi từ lúc theo Chúa công đến nay chưa lập được công trạng gì. Xin Chúa công cho tôi làm tiên phong đánh Nguyễn lập công!
Tập Đình cũng hùng hổ bước ra tranh với Võ Đình Tú rằng:
- Từ lúc đánh đèo Thạch Tân anh em ta đều lãnh ấn tiên phong. Ngươi tài cán gì mà tranh với ta!
Các tướng thấy Tập Đình hống hách trong lòng không ưa. Đình Tú trợn mắt vung côn quát:
- Nếu ngươi thắng được côn đồng của ta thì hãy lãnh ấn tiên phong.
Nguyễn Nhạc liền can:
- Có tranh thắng bại thì tranh giữa trận tiền với địch quân, người trong một nhà hơn thua mà chi. Nhưng trận này vô cùng quan trọng, nếu không thắng thì không rước được Hoàng tôn. Vậy ai dám kí cam đoan trạng quân thua chém tướng thì lãnh ấn tiên phong.
Tập Đình hăm hở bào Lý Tài:
- Nghĩa huynh mau ký quân lệnh trạng, anh em ta lãnh ấn tiên phong.
Lý Tài thoái thác:
- Mấy hôm nay sức khỏe ta bất an không thể nào ra trận được. Việc này tùy nơi nghĩa đệ.
Nghe Lý Tài nói vậy Tập Đình còn đang lưỡng lự thì Võ Đình Tú đã bước tới tiếp tờ quân lệnh trạng trên tay Nguyễn Nhạc vừa ký vừa nói:
- Người xưa có câu: Trường đồ tri mã lực, sự cửu thức nhân tâm, thật chẳng sai tí nào!
Nói xong Tú quay lưng cười lớn.
Tập Đình vừa giận vừa thẹn đành xấu hổ lui ra. Ra ngoài doanh trại, Lý Tài ngửa mặt lên trời than rằng: Người xưa có nói “Không ở lâu với người hiếu động, không bàn việc với kẻ đa ngôn”. Tập Đình là người vừa đa ngôn vừa hiếu động vậy!
*
* *
Mấy ngày sau Nguyễn Nhạc hạ lệnh tiến quân. Võ Đình Tú dẫn hai ngàn quân tiên phong vượt sông giáp chiến. Nguyễn Nhạc cùng các tướng đem đại binh theo sau trợ chiến. Nguyễn Văn Hoằng mặc giáp cầm đao lên ngựa xông ra, gặp Võ Đình Tú hai bên hỗn chiến. Được ba mươi hiệp Nguyễn Văn Hoằng mồ hôi ướt đẫm chiến bào, lại thấy quân mình càng đánh càng nao núng, liệu bề không chống nổi quất ngựa chạy dài. Võ Đình Tú càng đánh càng hăng hô quân rượt đuổi. Quân Nguyễn tan vỡ hỗn loạn tháo chạy. Nguyễn Nghi nghe tin bộ binh của Nguyễn Văn Hoằng thất thủ, liền dẫn thủy binh lui về đóng ở Sơn Trà. Nguyễn Văn Hoằng bại binh chạy về đến thành Quảng Nam, thấy chúa Định Vương đang ở trong thành thất kinh sụp lạy:
- Kính Chúa thượng, quân Tây Sơn dũng mãnh, tôi chống không nổi. Xin Chúa thượng trị tội. Dám hỏi vì sao Chúa thượng lại ở nơi này?
Chúa Định Vương khóc đáp:
- Nguyễn Duy đầu hàng dâng thành Trường Dục cho quân Trịnh. Hai tướng Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính tử trận ở Bái Đáp Giang, ta cùng Chữ Đức phải đem gia quyến bỏ kinh thành vào đây ấn náu. Hiện Chữ Đức còn mấy ngàn quân đóng ở Hải Vân. Hoàng Ngũ Phúc có lẽ đã chiếm lấy kinh thành, Tĩnh Điệp Hầu không biết sống chết thế nào? Nay quân ta tan tác lưỡng đầu thọ địch giờ phải làm sao?
Nói xong lại ôm mặt khóc lớn. Nguyễn Văn Hoằng đứng dậy trấn an:
- Cúi xin Chúa hãy dằn cơn bi lụy. Nguyễn Nghi đã lui thủy binh đóng ở Sơn Trà. Chúng ta nên tạm thời bỏ Quảng Nam đem toàn quân đến Sơn Trà hợp cùng quân Nguyễn Nghi xuôi thuyền vào Sài Côn để quân Tây Sơn với quân Trịnh đánh nhau rồi ta chiêu binh mãi mã chờ quân Trịnh diệt xong Tây Sơn thì có cơ thu phục lại kinh thành.
Hoằng vừa nói xong quân thám mã qua báo:
- Kính Chúa thượng, quân Tây Sơn tiến cách phía Nam thành hai mươi dặm, thanh thế rất lớn hiện đang ồ ạt kéo đến đây.
Định Vương cuống quít nói:
- Hãy đem toàn quân ra phía Đông thành kéo xuống Sơn Trà.
Đông cung Nguyễn Phúc Dương bước ra nói:
- Nếu bỏ trống thành, giặc vào rồi đuổi theo thì sao? Và mấy ngàn quân của Chữ Đức ở Hải Vân ắt là không còn lối thoát. Vậy tôi xin ở lại, lên mặt thành phủ dụ Tây Sơn, rồi phi báo cùng Chữ Đức kéo quân về sẽ chạy theo sau. Quân Tây Sơn vốn lấy nghĩa tôn phò tôi nay thấy tôi trấn thủ thành này chắc nhất thời chưa dám tấn công.
Chúa Định Vương cùng các tướng lúc ấy không còn bụng dạ nào hiểu được ẩn ý của Phúc Dương. Định Vương liền sai người tâm phúc ra Hải Vân triệu hồi Chữ Đức để Nguyễn Phúc Dương ở lại giữ thành, rồi cùng Nguyễn Văn Hoằng, Nguyễn Phúc Nghiêm đưa gia quyến ra cửa Đông thành Quảng Nam chạy đến Sơn Trà, xuống thuyền vào Sài Côn.
Chúa Nguyễn Định Vương đi rồi, Nguyễn Phúc Dương liền sai Nguyễn gia Hầu mở cửa thành đón quân Tây Sơn. Nhạc vào thành mời Nguyễn Phúc Dương ngồi trên ngôi cao, rồi cùng các tướng quỳ tung hô vạn tuế. Nguyễn Phúc Dương vội bước xuống đỡ Nguyễn Nhạc dậy, mừng rỡ nói:
- Ấy chính là hồng phúc Tiên vương, nên trời mới sai tướng quân dấy nghĩa tôn phò, nay Định Vương đã chạy trốn vào Nam. Chỉ còn Chữ Đức và mấy ngàn quân đóng tại ải Hải Vân. Ngày xưa chính Chữ Đức đã nghe lệnh Phúc Loan bắt giam Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và Thái úy Trương Văn Hạnh, rồi đem quân bắt gϊếŧ cả nhà Thái úy cùng Đô thống Ngô Mãnh. Chắc Chữ Đức cũng đang trên đường rút về Quảng Nam. Tướng quân hãy sai quân đón bắt về trị tội phản chúa cho rõ nghĩa cương thường.
Trương Văn Hiến liền nói:
- Xin chúa công lệnh cho Võ Đình Tú cùng Vũ Văn Dũng lập tức đón bắt Chữ Đức rồi sai quân đóng cũi giải về, còn Tú và Dũng hãy mau mau tiến ra chiếm lấy Hải Vân quan. Nếu quân Trịnh lấy mất thì binh ta thất thế.
Nguyễn Nhạc liền sai Tú và Dũng lập tức xuất quân. Đến nửa đường gặp Chữ Đức, Văn Dũng lướt ngựa lên quát lớn:
- Thành Quảng Nam đã bị Tây Sơn ta chiếm mất. Thằng nhãi Định Vương bỏ chạy vào Phiên trấn, Hoàng tôn cùng quân ta sắp tiến ra thu phục kinh thành, ba quân sao còn chưa bỏ giáo quy hàng.
Quân Nguyễn liền quỳ mọp đồng thanh nói:
- Chúng tôi xin quy hàng! Chúng tôi xin quy hàng!
Chữ Đức hồn phách phi tán, quất ngựa chạy trốn vào một đường nhỏ. Võ Đình Tú trông thấy tức tốc đuổi theo. Hai ngựa cách nhau chừng vài trượng, Võ Đình Tú nhún mình nhảy qua lưng ngựa Chữ Đức, từ phía sau nắm lấy thắt lưng Chữ Đức giơ hông lên rồi quăng xuống đất. Quân Tây Sơn bắt giải về thành Quảng Nam.
Vừa lúc ấy có quân do thám chạy về báo cùng Tú và Dũng:
- Thưa tướng quân, có một vạn quân Trịnh do tiên phong Hoàng Đình Thể chỉ huy để chiếm lấy Hải Vân hiện đang dẫn quân xuống đèo thẳng tiến về phía quân ta.
Nghe xong Đình Tú nói với Văn Dũng:
- Ở phía trước chừng mười dặm có một đường đèo nhỏ, đệ sẽ đem năm trăm kỵ binh đi gấp lên chiếm trước, rồi hiền huynh dẫn bộ binh đến sau. Ta chiếm lĩnh núi này chặn đường tiến binh quân Trịnh, rồi phi báo về cho Chúa công đem đại binh đến giúp.
Văn Dũng nói:
- Hiền đệ hãy kíp đi ngay!
Khi ấy Hoàng Đình Thể đã dẫn quân đến chiếm lấy núi trước rồi, nghe quân về báo:
- Thưa tướng quân, giặc Tây Sơn đang kéo đến.
Hoàng Đình Thể nói:
- Quân Tây Sơn đã chiếm thành Quảng Nam. Từ lâu ta chỉ đánh với quân Nguyễn, nay đánh với quân Tây Sơn một chuyến xem thử thế nào!
Nói rồi liền sai con là Hoàng Đình Định đem hai ngàn quân phục ở bên tả núi, Hoàng Đình Vị đem hai ngàn quân phục ở hữu núi rồi chờ quân Tấy Sơn đến.
Võ Đình Tú dẫn năm trăm kỵ binh đến sát chân đèo, bỗng nghe một phát súng nổ vang. Quân Trịnh từ trong hốc núi kéo ra chặn đường. Hoàng Đình Thể đứng trên đỉnh đèo cười lớn:
- Các ngươi đã lọt vào trận mai phục của ta, mau khai tên họ rồi xếp giáp quy hàng!
Võ Đình Tú thất kinh nói:
- Bọn chúng đã đi trước ta một bước. Truyền quân chỉnh tề hàng ngũ mà lui.
Hoàng Đình Thể trên đèo lấy cờ phất lên, Hoàng Đình Định và Hoàng Đình Vị từ hai bên núi kéo ra chặn đường về. Võ Đình Tú bình tĩnh bảo ba quân:
- Quân giặc đã bao vây bốn mặt, các ngươi hãy cùng ta tử chiến một phen.
Nói xong rồi vung côn xông vào quân Trịnh. Nguyên năm trăm kị binh của Võ Đình Tú toàn là quân thiện chiến võ dũng hơn người, đánh quân Trịnh chết liền mấy lớp. Nhưng quân Trịnh đông quá cứ ồ ạt xông lên, Võ Đình Tú tả xung hữu đột, năm trăm quân hao gần một nửa, chiến bào Đình Tú ướt đẫm máu quân Trịnh mà vẫn chưa thoát khỏi trùng vây. Hoàng Đình Thể đứng trên đèo thị chiến nói với tả hữu rằng:
- Quân Tây Sơn thật là dũng mãnh, thảo nào quân Nguyễn phải bỏ Quảng Nam chạy vào Sài Côn.
Nói rồi lại hô lên:
- Quân bay tiếp tục thúc trống tiến quân!
Vừa nói xong bỗng thấy một đạo binh Tây Sơn do một tướng dẫn đầu đánh vào sau lưng quân Hoàng Đình Định và Hoàng Đình Vị. Quân Định và Vị rối loạn hàng ngũ, Đình Thể liền hối quân:
- Mau mau đánh trống thu binh!
Quân Trịnh nghe trống liền vội vã lui quân. Vũ Văn Dũng nóng lòng phá vây cứu Võ Đình Tú, dẫn đầu ba quân chém gϊếŧ quân Trịnh tơi bời. Gặp Tú, Dũng liền hỏi:
- Hiền đệ có làm sao không? Thôi ta hãy lui về đóng đồn ngăn quân Trịnh, chờ Chúa công đến rồi sẽ hay.
Đình Tú nói:
- Giặc đều chiếm giữ các nơi hiểm yếu, ta đóng quân trơ trọi giữa đồng, giặc đông, ta ít, giặc ba bên đánh tới thì sao? Chi bằng đang lúc thắng thế ta đuổi theo giặc tiến lên đánh mấy đèo kia làm nơi cố thủ mới vẹn toàn.
Nói rồi dẫn ba trăm kỵ binh còn lại, người nào người nấy chiến bào đẫm máu vẫn ồ ạt xông lên, Vũ Văn Dũng thấy Đình Tú quyết ý liền vung đao nói với ba quân:
- Nếu hôm nay không chiếm được núi này, không về gặp mặt Chúa công.
Quân Tây Sơn hét vang nhất tề xông lên. Quân trịnh thấy Tây Sơn can đảm phi thường trong lòng nao núng không dám kháng cự chạy về đồn trên đỉnh đèo. Hoàng Đình Thể thấy quân Tây Sơn đuổi theo đến nửa đèo liền bảo ba quân: Hãy lăn gỗ đá xuống!
Quân thưa:
- Hai tướng Hoàng Đình Định và Hoàng Đình Vị dẫn quân chạy trước, quân Tây Sơn theo sau chém gϊếŧ thì lăn gỗ đá thế nào được.
Hoàng Đình Thể đấm ngực than rằng:
- Ta cứ tưởng đánh trống thu binh thì chúng thoát chết không dám đuổi theo. Nào ngờ chúng lại còn thừa thắng xông lên. Quân cướp này thật là liều lĩnh. Truyền quân lui về trấn giữ Hải Vân quan.
Văn Dũng và Đình Tú chiếm được núi, sửa sang đồn lũy chặt cây gom đá dự trữ đề phòng quân Trịnh đánh tới, rồi sai người về Quảng Nam phi báo cùng Nguyễn Nhạc.
*
* *
Hôm ấy Hoàng tôn Dương, Nguyễn Nhạc và Trương Văn Hiến đang đàm đạo trong trướng. Quân canh vào báo:
- Hai tướng Văn Dũng và Đình Tú bắt được Chữ Đức sai quân giải về đang ở ngoại đợi lệnh.
Nhạc truyền:
- Mau dẫn vào!
Quân lôi Chữ Đức đến, Đức hai tay bị trói chặt vẫn đứng trơ trơ. Nguyễn Nhạc quát:
- Không được vô lễ. Trước mặt Hoàng tôn sao dám không quỳ?
Võ sĩ đè Chữ Đức quỳ xuống, Hoàng tôn Dương hỏi:
- Chữ Đức, ngươi đã biết tội của mình chưa?
Đức hỏi lại:
- Tôi có tội gì?
Phúc Dương gằn giọng:
- Ngươi còn hỏi tội gì ư? Ta hỏi ngươi mười năm trước ai đã nghe lệnh Phúc Loan hạ ngục Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và Thái úy Trương Văn Hạnh rồi ép uống thuốc độc cho chết? Ai đã bắt gϊếŧ cả nhà quan Trương Văn Hạnh và Đô thống Ngô Mãnh? Ai đã giam lỏng ta suốt mười năm trời? Rồi mới đây ngươi lại bắt Quốc phó Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh? Bao nhiêu việc ấy ngươi chẳng phải là phường bán chúa cầu vinh đó sao?
Chữ Đức bình thản đáp:
- Mười năm trước tôi nghe lệnh Phúc Loan vì Phúc Loan có gươm lệnh và chiếu chỉ của Tiên vương. Còn mới đây tôi bắt Phúc Loan là làm theo ý chúa Định Vương. Xét các việc tôi làm là làm theo lệnh chúa, thì sao lại bảo là bán chúa cầu vinh!
Phúc Dương ấp úng chưa biết trả lời làm sao, Trương Văn Hiến xen vào hỏi Chữ Đức:
- Năm xưa không biết chiếu chỉ của Phúc Loan là giả sao?
Chữ Đức đáp:
- Không biết!
Hiến lại hỏi:
- Nhưng gia quyến của Trương Văn Hạnh tội gì mà ngươi tàn sát từ già đến trẻ?
Chữ Đức đáp:
- Ấy cũng là theo lệnh Phúc Loan!
- Lúc ngươi tàn sát cả nhà Trương Văn Hạnh có ai thoát chết không?
- Có một người tùy tướng của Trương Văn Hạnh là Trương Văn Hiến võ nghệ siêu quần thoát khỏi trùng vây chạy thoát!
- Ngươi có biết Trương Văn Hiến nay ở đâu không?
- Không biết!
Hiến vả vào mặt Chữ Đức một tát như trời giáng, nghiến răng nói:
- Ta chính là tùy tướng của quan Thái úy Ý Đức Hầu Trương Văn Hạnh!
Phúc Dương mừng rỡ nói:
- Thì ra quân sư chính là Trương Văn Hiến. Thảo nào các khanh dấy nghĩa tôn phò. Nay ta xử Chữ Đức thế nào?
Văn Hiến nói với Chữ Đức:
- Theo ý ngươi những việc ngươi làm là trung quân phải vâng lệnh chúa, nay đến lúc chết mà không run sợ cũng đáng khen thay. Nhưng ngươi thờ chúa bằng trí óc ngu si và lương tâm độc ác của loài cầm thú. Loài cầm thú như ngươi còn để sống làm gì?
Nói rồi truyền võ sĩ lôi ra chém. Võ sĩ lôi Chữ Đức ra ngoài, bỗng có quân vào báo:
- Thưa Chúa công, lúc Chữ Đức dẫn quân chạy về thành Quảng Nam, tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đã tiến chiếm Hải Vân quan đang bỏ trống, rồi sai Hoàng Đình Thể làm tiên phong tiến vào chiếm lấy hòn núi nhỏ cách Hải Vân quan hai mươi dặm. Tướng quân Vũ Văn Dũng và Võ Đình Tú đánh lui quân Hoàng Đình Thể chiếm lại núi này. Hiện quân Trịnh đã lui về đóng ở Hải Vân quan. Hai tướng Dũng và Tú xin tướng quân đem đại binh tiếp viện.
Nguyễn Nhạc truyền lệnh:
- Hãy cho mời các tướng đến thương nghị!
Vũ Văn Nhậm, Lý Tài, Tập Đình đến, Nhạc nói:
- Nay tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đem quân bốn vạn vào chiếm Hải Vân quan. Lý Tài vừa nhuốm bệnh hãy ở lại cùng Hoàng tôn giữ thành Quảng Nam. Ta với quân sư, Tập Đình và Vũ Văn Nhậm đem toàn quân ra trợ chiến với Văn Dũng và Đình Tú. Các tướng chỉnh đốn binh mã, sáng ngày mai lập tức xuất quân.
- 🏠 Home
- Văn Học Việt Nam
- Tây Sơn Bi Hùng Truyện
- Chương 16