Những ngọn cỏ hè xanh mướt, trắng bệch vì hơi nóng, chói sáng dưới ánh trăng như những cánh đồng tuyết. Chúng dần dần trở nên xám và già, như một bộ lông thú bờm xờm. Những cơn mưa đầu thu rơi xuống, và dưới màn xám cỏ non mềm mại lại xuất hiện.
Đó là thời gian cừu đẻ con, ông Charles hải ra những bãi cỏ nuôi cừu đến nữa đêm vì có chồn và quạ gần đó.
Dù cẩn thận như thế, cũng mất hết mấy con cừu, cho nên phải mang mấy con cừu con vào nhà bếp, đặt bên cạnh lò sưởi ấm áp. Delie phụ đưa chai sữa cho cừu con bú, và sau đó dạy chúng thọc mồm vào xô mà uống.
Rồi mùa đông đến với sương giá lạnh cắt da cắt thịt, đến nỗi sáng sáng nhà bếp rộng ấm áp chật người là nơi vui vẻ nhất. Lửa đỏ nhảy múa trong lò sưởi, nắp ấm nhảy tưng bừng vui vẻ.
Delie thêm vào phòng trưng bày tranh của mình bức hình phác họa Minna (cô muốn bảo cô ta ngồi mẫu khỏa thân) và một bức phác họa khác về cụ láng giềng Sarah, nhưng phần lớn là các tranh vẽ cô Barrett, cô dã lén phác họa cô giáo nhiều lần, cái thì trông nghiêng, cái thì nhìn trước mặt, cái thì nhìn phía sau, với một vài sợi tóc quăn từ búi tóc xổ ra.
Cô Barrett nhận thấy rằng công việc giảng dạy của cô ngày càng tệ hơn, và cô rùng mình, đỏ mặt khi nói tới chuyện đó. Vì Delie cũng bắt đầu mơ mộng và thiếu tập trung như Adam, chỉ có những bài học về hội họa và vẽ khiến cô chú
Adam đứng lên khỏi bàn ăn sáng, buồn bã nhìn những tấm màn vải lông xanh lục, mấy ngón tay không yên cứ vặn vẹo một cục tua vàng. Những đám mây xám từ hướng nam bay lên trời, trên các bụi cây trong vườn, các cây tiêu, các cây chanh có màu xanh sậm, báo hiệu sẽ có mưa. Cô Barrett đến phía sau cậu, nhẹ nhàng kéo cục tua bị xoắn. Cô ta chạm vào cậu, cậu đỏ bừng mặt, rút vội tay và nói với Delie:
- Trước giờ học, mình xuống sông đi, em Del. – Cậu vặn cái nơ đen ở phía sau mái tóc dài của cô. – Anh phải giăng lưới sẵn để bắt cá thu.
Delie nhìn người dì xin phép. Bà Hester gật đầu. Cô Barrett vào góc phòng tìm vài quyển sách; khi còn lại một mình với ông Charles, bà Hester nhìn chồng đầy hàm ý.
Bà dịu dàng nói:
- Ông có nghĩ là thằng Adam nghiêm túc không?
Ông Charles có vẻ bối rối:
- Nghiêm túc à? Bà muốn nói gì thế? Tôi muốn thằng bé quan tâm tới công việc trang trại, để tôi có thể để lại sản nghiệp cho nó sau này. Nó không chịu phụ tôi làm cỏ khô, bảo rằng lúa mì làm nó bị sốt, bây giờ ngay lúc mình cần nó phụ coi đàn cừu thì nó cũng không làm, viện lý do mùi cừu làm nó khó chịu!
- Nó phải học hành…
- Ừ, bà cứ bào chữa cho nó Bà sẽ làm hỏng nó; ngày nào đó bà sẽ ân hận. Nó biết lúc nào bà cũng bênh nó chằm chặp và nó cứ nguầy nguậy không chịu vâng lời tôi. Kiểu đó tới chừng hai mươi tuổi nó sẽ lông bông không ra tích sự gì hết cho bà coi.
- Ông nói làm tôi nhức đầu thêm. Tôi định nói chuyện này, ông ghe giùm chút…Theo ông, nó và con Philadelphia có xứng đôi không? Chuyện này tự nhiên thôi vì hai đứa cùng trưởng thành chung với nhau. Với số tiền của con bé, nó sẽ mua nhà mua đất, sẽ thành một nông trang viên quý phái, nếu muốn thì nó cứ ở Melbourne, còn ở đây thì thuê người làm quản lý. Tất nhiên là sau khi ông và tôi nhắm mắt. Con bé có mười hai nghìn bảng, số tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm lúc đó nó được hai mươi mốt tuổi.
Ông Charles nhìn bà ta chằm chằm. Ông chưa bao giờ có ý nghĩ đó.
- Nhưng…nhưng hiện chúng còn con nít mà. Và tôi không biết anh em họ mà cưới nhau, người ta có đàm tiếu gì không. Tôi nghĩ con bé như là em gái của nó.
Nhưng bà Hester mĩm cười, nghĩ rằng bà ta khôn ngoan hơn ông.
°
Mỗi lần có thư từ mới, ông Charles lại buồn bã hơn. Ông thường ngồi đó; trước mặt là những số báo trong tuần của tờ báo ở Echuca – tờ “Tin tức dòng sông”. Lần nào nhìn qua vai ông, Delie cũng thấy nghiên cứu một đề tài tựa là KHỦNG HOẢNG KINH TẾ.
Một hôm cô đọc những dòng sau:
“Không đầy một tháng, sáu ngân hàng lớn mà người ta cho rằng ù khách hàng đổ xô đến rút tiền đông bao nhiêu cũng vững như bàn thạch, đã tạm ngưng công việc. Tuy nhiên, vẫn không có sự sợ hãi thông thường nào cả. Chính phủ đã phải dùng đến biện pháp mạnh là đống cửa tất cả các ngân hàng trong năm ngày để những người quản lý có thời gian để thở”.
Cô hỏi:
- Thưa dượng, như vậy có nghĩa là khi cần dượng cũng không thể rút tiền khỏi ngân hàng, phải không?
- Đúng thế, cháu ạ. Nếu họ không làm vậy, chẳng mấy chốc sẽ không còn tiền trong ngân hàng nữa.