Tan Vỡ

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Truyện Tan Vỡ của tác giả Kinh Bích Lịch phản ánh thảm cảnh chiến tranh, người chết, kẻ bị thương, người tật nguyền, kẻ điên khùng, vợ mất chồng, con mất cha, người yêu bỏ trốn mang theo cái bào thai  …
Xem Thêm

Chương 11
Cái tin Lệ có bầu làm cho cả nhà Hùng mừng rỡ vô cùng. Nhất là Hùng! Thấy mặt anh rạng rỡ hẳn ra . Lệ cũng không ngờ là nàng lại “mắn” con như vậy: chỉ lần đầu thôi thì đã “dính” liền. Ba má Hùng cũng vui không kém, rủ ông bà sui gia đi chợ mua nhiều thức ăn và trái cây để bổ dưỡng cho cái thai .

Ngày Lệ lâm bồn cũng là ngày giỗ của Phong. Quyên lại lên cơn, Bệnh Viện Tâm Thần báo cho cả nhà Hùng biết là Quyên lại trở cơn đã bỏ ăn mấy ngày. Cả nhà lại chia làm hai: người đi thăm Quyên, người đi thăm Lệ .

Đứa con Lệ sanh ra nặng 3.1 kg, bụ bẫm dễ thương có phần giống Hùng nhiều hơn, được Hùng đặt cho cái tên Mạc Xuân Thương. Cũng bởi chữ Xuân này mà Lệ giận Hùng mấy ngày liền, nhưng vì thương chồng và quen chìu chuộng người khác Lệ cũng gác bỏ sự ghen tuông đó mà chấp nhận. Hùng hiểu sự cảm thông từ Lệ thì lại càng thương nàng hơn.

Một năm sau nữa, Quyên xuất viện. Bệnh tình của Quyên đã thuyên giảm rất nhiều . Con bé Lâm Yến Thơ vừa thấy mẹ nó thì lại khóc oà lên vì sợ . Có lẽ mặt mày Quyên hốc hác, tóc tai rũ rượi… Nhớ mấy năm về trước lúc Quyên còn tuổi đôi mươi, nhiều anh chàng si mê dòm ngó. Nghĩ lại thì thật tội cho nàng.

Đứa con của Hùng và Lệ đã vừa tròn một tuổi . Ngày ăn thôi nôi nó, ai cũng xúm xích quây quần. Con nhỏ vậy mà có phước hơn chị Thơ của nó nhiều. Quà cáp đủ thứ, ba má nó thiệt thương nó, ông bà nội ngoại cưng như trứng mỏng làm con nhỏ được nước lại càng lên chân. Nhõng nhẽo suốt ngày .

Khi con bé Thương vừa tròn hai tuổi thì miền Nam bị thất thủ, tháng 4 năm 1975 . Cái đêm Sinh Nhật của nó, ba nó tức là Hùng, phải bỏ trốn. Tiếng súng đạn giao tranh giữa hai phe làm con bé giật mình khóc thét cứ đòi phải được ba nó ẳm. Má nó, tức là Lệ, phải thức suốt đêm để vỗ về cho nó , bảo với nó là, “Ba con đi xa, đợi con ngủ một giấc xong thì ba con trở về…”

Hùng không trở về nữa, anh đã bị lệnh gọi tập trung. Ngôi trường trung học gần nhà anh được trưng dụng làm trại tập trung tạm giam Hùng nơi đó . Người ta bắt Hùng và một số anh em khác rất nhiều trong quân đội. Đêm đó Hùng còn nhớ Hùng nằm dưới đất, mắt ngó lên các vì sao nhớ tới con bé Thương ở nhà đang chờ mình về . Hùng ngồi dậy ngó ra ngoài, ở đó đã có vài tên lính canh tay lăm lăm khẩu AK47 thả khói thuốc phì phèo làm cho Hùng nổi cơn nghiện thuốc. Anh lân la hỏi thăm hai “đồng chí” và xin thuốc nhưng bị từ chối thẳng thừng. Hùng trở về chỗ cũ nằm ngẫm nghĩ , còn đang ngờ ngợ không biết tương lai anh sẽ về đâu, nghe nói là họ chỉ tạm thời bắt nhốt thôi rồi sẽ thả về sớm. Anh cũng hy vọng vậy .

Thế là Hùng được đưa lên trại tập trung ở Cai Lậy chưa được một lời nói tự biệt với gia đình và vợ con. Lúc đầu không quen với sự kềm kẹp, tù túng, dớ dái và đói rét, Hùng bị bệnh liên miên và lên sốt nhưng dần dà Hùng cũng quen dần với lối sống mới, chấp nhận được cái thế của mình, cái thế của người lính bị thất trận còn biết làm gì hơn!. Hùng bắt đầu tin ở số phận: Anh sanh ra là phải bị thương tật và bị đi tù, xa vợ, xa con, và gánh chịu bao tủi nhục nhọc nhằng, chắc kiếp trước anh đắc tội gì đầy mà kiếp này lại phải trả nặng như thế .

Lệ vẫn đi thăm nuôi đều đều cho Hùng, lo cho anh chỉ đủ ăn qua ngày. Hùng nhớ con bé Thương mong được gặp, nhưng Lệ nói nó còn nhỏ không đặng được đường xá xa xôi vã lại nó còn phải đến trường.

Rồi Hùng được đưa tới trại Xuyên Mộc. Lệ càng vất vả thêm vì đường càng xa với những gói thức ăn cồng kềnh. Khi Hùng chuyển tới Bà Rịa thì tóc Hùng đã lấm tấm bạc. Con bé Thương đã đủ lớn để vượt đường xa đến thăm ba nó . Lúc gặp Hùng nó không nhận ra là ai, cứ đứng mấp mé len lén nhìn, má nó bảo: “Là ba con đó, con lại chơi với ba đi!”. Con bé e lệ suốt ngày cứ vùi đầu trong nách của má nó . Ba nó thấy tội cho nó sinh ra trong thời ly loạn thiếu đi người cha là nóc cho mái ấm gia đình. Con bé ốm nhách vì thiếu dinh dưỡng trông phát tội. Ba nó kéo tay nó ôm vào lòng, vuốt đầu nó, má nó bảo: “Con hun ba con đi”. Con bé chợt hôn Hùng lên má . Hùng súc động, lệ rơi hai hàng.

Năm năm sau kể từ ngày thất thủ, Hùng đột ngột trở về. Hùng cũng không ngờ với cái lon Đại Úy mà người ta thả Hùng ra sớm hơn cả lon Trung Úy . Hùng nghĩ chắc họ cho rằng anh tàn tật chẳng làm nên trò trống gì , thả cho rồi nuôi tốn cơm.

Cả nhà mừng hơn bắt được vàng khi thình lình thấy Hùng xuất hiện trước nhà với bộ đồ nhàu nát, lạt phai theo năm tháng. Lệ ôm chồng sụt sùi khóc nhưng dường như không còn giọt nước mắt nào vì nàng đã khóc quá nhiều . Đã cạn rồi ! Con bé Thương bây giờ cũng được bảy tuổi cứ đứng nhìn ba nó lôm lôm, một ông già chỉ mới gần 40 tuổi thôi và da nhăn đen thui như Chà Dà. Tuy nó không dám chào ba nó nhưng nó biết người này sẽ thương nó lắm, nó e ấp khép nép nhưng chờ Hùng chủ động trước. Hùng kéo Thương vào lòng hôn lên má nó nói:

– Con học lớp mấy ?

Con bé Thương được dịp nãy giờ chờ ba nó lên tiếng trước, nhanh nhẩu trả lời:

– Dạ . Con học lớp hai trường An Cư .

– Con giỏi quá, có nghe lời mẹ không đó .

– Dạ, có !

Hùng muốn ôm con thêm một lát nữa, nhưng Lệ hối thúc Hùng đi tắm: “Mình mẩy anh chua lè bộ không sợ con bé chê ba nó ở dơ sao !” . Hùng lên lầu tắm rửa, giật mình thấy điều gì thiếu vắng. Anh lao mình chạy vào phòng má. Tấm hình ba Hùng được gắn ở trên vách, ba cây nhang còn đang cháy dang dở . Hùng bóp tay vào chui cửa, khóc như mưa . Thì ra người nhà đã dấu anh. Ba Hùng mất lúc Hùng bị bắt đi được ba năm. Nhưng vì không muốn Hùng lo lắng nên Lệ không muốn nói . Nói chi cũng vậy thôi, chỉ làm cho Hùng ở trong đó không được yên lòng.

Má Hùng thấy Hùng về mừng rỡ vội vã lên phòng đốt mấy nén hương báo tin cho chồng hay là con mình đã về . Hùng ôm má vào lòng, cả hai má con cùng khóc.

Bắt đầu một cuộc sống mới , mọi thứ đều khởi sự mới mẻ đối với Hùng. Cảnh vật thay đổi, nhà cửa thay đổi, kể cả tư cách thái độ của con người chung quanh cũng thay đổi , nhưng Hùng không ngại bản tánh Hùng không đến nỗi tệ . Lúc trong tù anh có hứa là sẽ bù đắp lại cho vợ con những ngày tháng thiếu vắng anh. Anh nguyện làm hết mình để kiếm tiền lo cho vợ con đỡ vất vả . Ngày ngày Hùng đi bán dạo, anh bán đủ thứ hết bánh trái hết: kẹo kéo, bánh trái và cà rem cho mấy đứa học sinh. Lệ cũng vất vả bán cà phê và vé số kiếm ba đồng ba cọc đủ nuôi cơm cho gia đình. Cuộc sống cứ thế trình tự trôi qua …

Một năm sau, trong một lần tình cờ gặp lại người bạn tù, Hùng bắt được tin có chuyến vượt biên. Vội vã trở về nhà để rước vợ con đi cùng. Hùng chỉ thấy có con bé Thương đang ngồi chơi ngoài ngõ, má nó không biết đi đâu . Suy nghĩ nát óc, cuối cùng Hùng quyết định bồng con bé Thương đi, chỉ để lại vài lời nhắn nhủ trong thư nhờ Quyên chuyển dùm cho Lê, bảo : vì thời gian cấp bách, số phận đành chia cách, anh đi trước.

Hùng không mang theo gì cả chỉ bộ đồ trong mình. Hùng biết đây là thời cơ để anh trả hiếu và bù đắp cho gia đình bấy năm qua , anh quyết định tìm đến thế giới tốt hơn nằm ở bên kia nửa địa cầu .

Chiếc tàu cá 1 lốc 8 đã đưa Hùng ra khỏi hải phận miền Nam năm 1980. Lênh đênh vật lộn trên biển cả gần nửa tháng với cái đói và khát lúc nào cũng canh cánh bên lòng, ai nấy cũng kiệt sức, cuối cùng tàu của Hùng đi vào được hải phận quốc tế . Tài công cho tàu hướng về phía đảo Subic của Phi Luật Tân. Lương thực đã cạn hết, nước cũng chỉ còn lại rất ít cho mọi người . Hùng lo cho đứa con của anh hãy còn nhỏ . Mấy ngày qua nó cứ khóc hoài đòi mẹ, có lúc than đói , có lúc than khát, Hùng không biết nói sao cho con yên lòng chỉ đành ôm con mà khóc trong lòng. Thêm mấy ngày nữa, nước đã cạn. Mọi người chỉ biết nằm chờ thần chết đến với mình. Con bé Thương bị sốt rét, co giật hoài . Người nó càng lúc càng yếu đi. Xanh xao. Hùng biết nếu tình hình cứ kéo dài thì không bao lâu con bé chịu hết nỗi.

Có nhiều lúc anh vớ vẫn nghĩ bậy là người ta sẽ đem gϊếŧ con anh để nuôi sống cho cả tàu . Trong tình trạng đó anh không biết phải làm sao cho phải .

Vào rạng sáng một ngày kia, ngày thứ 25 trên lênh đênh trên biển. Khi mặt trời mọc chồm lên khỏi mặt biển phía Đông chóa vào mắt Hùng làm anh bừng tỉnh dậy . Chuyện đầu tiên là anh thăm bệnh con bé Thương. Thật không thể ngờ, chuyện gì tới cũng phải tới, con bé Thương đuối sức mà chết đi tự hồi khuya rồi. Hùng kêu gào thảm thiết cho tới khan cổ họng. Anh hối hận vô cùng vì chính anh gián tiếp gϊếŧ chết con mình. Tiếng anh la hét đánh thức mọi người dậy . Người ta thấy anh định làm chuyện dại dột thì vội đè anh xuống, dùng dây trói anh lại.

Chiếc tàu chạy không biết bao lâu nữa, đến khi máy tàu nỗ sình sịt những tiếng sau cùng rồi tắt ngấm để cho chiếc tàu chòng chềnh trên sóng biển làm ai cũng ói mữa, nhưng chẳng còn gì trong bụng nữa đâu mà ói ! Thêm một ngày nữa trôi qua, cái xác con bé Thương đã cứng còng. Có người lắm lét nhìn con bé như thèm thuồng một miếng ăn, cái đói kinh niên quả thật là khó chịu vô cùng, Hùng biết được điều đó nên không trách họ, nhưng Hùng gườm mắt ra vẻ hơi chống đối . Thuyền trưởng khuyên anh hãy vì mọi người mà hy sinh thân xác con bé. Anh khóc mướt và xin mọi người cho anh thêm một ngày nữa để ôm con. Người ta đồng ý…, cởi trói anh ra .

Sáng hôm sau Hùng thức dậy thật sớm, sớm hơn cả mọi người . Anh cố lết ra boong tàu mang xác đứa con gái định quăng xuống biển rồi mặc kệ người ta có đối xử với anh ra sao, anh không nhẫn tâm thấy thân xác con mình bị xẻ đôi, cắt nhỏ bỏ vào lọ nồi.

Bỗng anh thấy lờ mờ phía trước một vật lù lù đang tiến về mình. Không tin vào mắt, anh dụi hai ba lần. Khi khẳng định đó là sự thật thì anh mừng rỡ la to: “Có tàu tới vớt”. Mọi người ùa ra bong tàu để thấy sự vĩ đại của nó . Ai nấy cũng mừng rỡ như được sinh ra lần thứ hai : “Được cứu rồi !”.

Sau đó Hùng biết được đó là chiếc tàu chiến Mỹ thuộc Đệ Thất Hạm Đội .

Cả tàu bình an tới vịnh Subic, Phi Luật Tân. Vừa đặt chân tới đây Hùng liền đánh điện tín về cho cả nhà hay . Anh dấu nhẹm cái chết của bé Thương. Lệ được tin mừng rỡ cho chồng thoát nạn, nhưng lại buồn vì từ nay phải xa chồng xa con. Tưởng đâu những ngày tháng xa nhau, lúc Hùng ở tù, từ nay sẽ không còn nữa, ai dè sự chia ly lại tái diễn…

Một năm sau thì Hùng tới được Hoa Kỳ và định cư tại tiểu bang California. Người sponsor là một người đàn bà góa phụ tên Loan , chồng chết lúc miền Nam bị chiếm đóng. Bà rất thông cảm và hiểu biết về nỗi khổ của Hùng, xa vợ mất con, nên đã hướng dẫn giúp đỡ Hùng về mọi mặt. Trong vòng chỉ có hai tháng thì Hùng đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội . Ngoài số tiền thương tật, Hùng còn đi làm kiếm tiền thêm mong gởi được đồng nào hay đồng nấy về cho gia đình, cho Lệ .





Thêm Bình Luận