Chương 1: Sơn Đông hữu Tứ phụng - Tế Nam hiện Nhất long
Thời Chiến Quốc, nước Tề trên bán đảo Sơn Đông, có một nhân vật rất nổi tiếng về lòng hiếu khách và hào phóng.
Tên tuổi của ông ta sau này đã trở thành danh từ để tượng trưng cho tính cách của bậc Đại Thiện Nhân. Người ấy chính là Mạnh Thường Quân, Quân Điền Văn, em trai của quan tướng quốc Điền Kỵ!
Cùng thời với Mạnh Thường Quân còn có ba nhân vật nữa như Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ nước Ngụy, Xuân Thân Quân Hoàng Yết nước Sở và Bình Nguyên Quân Triệu Thắng nước Triệu.
Ba người này cũng cư xử, hành động như Mạnh Thường Quân, nghĩa là trong nhà lúc nào cũng chứa hai ba ngàn khách cả văn lẫn võ. Tuy nhiên, không hiểu sao hậu thế lại chỉ tôn sùng Mạnh Thường Quân?
Gương sáng cổ nhân được con cháu noi theo, nên giờ đây, ở đất Tế Nam tỉnh Sơn Đông, có một người xưng là Võ Lâm Mạnh Thường Quân!
Lão này có lẽ đúng là hậu duệ của Mạnh Thường vì cũng ở họ Điền, tên gọi Đông Giám, tuổi độ năm mươi hai. Do lão rất giỏi kiếm pháp nên đã thêu hai chữ võ lâm vào danh hiệu của tổ phụ.
Điền Đông Giám giàu nứt đố đổ vách, sở hữu mấy vạn mẫu ruộng tốt ở quanh thành Tế Nam, cùng hàng chục tiền trang ở khắp tỉnh Sơn Đông. Với gia tài cự vạn ấy, Điền Đông Giám thừa sức nuôi ngàn khách cho xứng với cái danh hiệu Mạnh Thường Quân!
Khách của nhà họ Điền đa số là hào kiệt võ lâm, chỉ có vài chục mống học trò nghèo đến ăn nhờ ở đậu, chờ ngày ứng thi!
Gần ngàn hào kiệt đến làm khách của Điền gia trang đều thuộc hạng áo vải, mới xuất đạo thanh danh chưa nổi, nhưng thỉnh thoảng cũng có những cao thủ lẫy lừng ghé qua chơi vài ngày rồi đi.
Khi đọc sử hoặc
truyện võ hiệp, chúng ta thường gặp lời tự khiêm là hai chữ “áo vải” hoặc “bố y”. Bố y chính là quần áo được dệt, may bằng vải gai dầu.
Gai dầu là loại thực vật thân thảo một năm, thuộc họ dâu tằm, được trồng rộng rãi ở Trung Hoa, từng là nguyên liệu chủ yếu để may y phục. Sợi gai dầu dài mà dai, khó mục, có thể dệt vải bạt, vải buồm, vải chống thấm nước, thảm trải nền nhà... Tất nhiên, người nghèo mới mặc loại vải này. Còn lụa là, gấm vóc để dành cho kẻ sang giầu!
Tóm lại, dù văn hay võ thì cũng vì nghèo nên mới đến Điền gia trang mà ăn chực, ở nhờ!
Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, vì trong số thực khách của nhà họ Điền nổi bật lên mấy chục chàng thiểu hiệp xuất thân đại phú, thế gia. Họ đến đây không phải vì đói, mà vì nhan sắc bốn cô con gái của Điền Đông Giám!
Điền phu nhân đẻ sàn sàn năm một, cho ra đời bốn ả tố nga rồi từ trần. Họ đều xinh đẹp như hoa, có tuổi từ mười chín đến hai mươi hai. ước mơ của người nghèo thường mãnh liệt hơn kẻ giàu, do vậy, đám thanh niên áo vải chưa vợ kia chắc cũng rắp ranh bắn sẻ, mong mỏi trở thành rể họ Điền!
Hai năm qua, kẻ đến người đi cũng nhiều, nhưng bốn cặp mắt xanh kia vẫn chưa ghé vào ai. Và quan trọng nhất là cặp mắt của đại tiểu thư Điền Ngọc Trâm. Theo phong tục Trung Hoa thì trưởng nữ phải xuất giá trước rồi mới đến các em!
Khốn nỗi, Điền đại tiểu thư tuy đẹp nhất nhà nhưng tính tình kiêu kỳ, ngạo mạn, nóng nảy dữ dằn như Trương Phi, xem nam nhân trong thiên hạ như cỏ rác!
Ngọc Trâm được chân truyền pho Tích Lịch kiếm pháp của cha, võ nghệ cao siêu, được giới võ lâm Sơn Đông đặt cho danh hiệu Hổ Hồng Nhan (nàng hổ cái).
Họ Điền không có con trai nối dõi, nên rể đầu sẽ là người hưởng thừa kể lớn nhất. Điều này đã khiến Ngọc Trâm trở thành mục tiêu số một của các chàng trai.
Nhưng ngoài dung mạo, Hổ Hồng Nhan còn ra điều kiện rằng ứng viên phải dưới hai mươi lăm tuổi, và có võ công cao hơn nàng! Võ lâm nhiều gã đẹp trai song không ai trong lứa tuổi ấy đánh bại nổi Ngọc Trâm.
Khoảng cách không hơn ba tuổi từ đâu mà có trong đầu mỹ nhân thì chẳng ai biết được, mọi người chỉ đoán rằng lão thầy bói chết tiệt nào đấy đã nhét vào đầu Ngọc Trâm ý niệm đáng ghét này!
Chính Võ Lâm Mạnh Thường Quân cha nàng, cũng bực mình tiếc rẻ khi thấy con gái loại bỏ những chàng trai tuyệt diệu, chỉ vì họ quá hăm lăm. Ông từng giận dữ mỉa mai :
- Trâm nhi ráng chờ đến năm tam thập rồi lấy đại lão già góa vợ nào đấy! Lúc ấy thì khỏi cần điều kiện gì hết!
Ngọc Trâm hung dữ với người ngoài nhưng lại rất hiếu thuận, chỉ cười đáp :
- Sau này phụ thân sẽ biết Trâm nhi có lý!
Điền lão thở dài :
- Tính tình ngươi như thế làm sao chọn được bậc chính nhân? Chẳng qua thiên hạ háo sắc, háo tài nên mới quy lụy ngươi đó thôi!
Ngọc Trâm giận dỗi, ngoe nguẩy bỏ đi, lo việc nhà. Nàng chính là người quán xuyến Điền gia trang, phụ trách tiếp đón và nuôi nấng cả ngàn thực khách!
Sáng ngày Thất Tịch, mùng bảy tháng bảy, Điền gia trang có thêm khách mới, người này là chàng trai độ quá hai mươi, áo học trò bằng vài xấu, màu xanh bạc phếch. Trên đầu chàng ta là chiếc nho cẩn (khăn nhà nho) màu đen cũ kỹ, có dải dài rũ xuống lưng.
Tuy y phục là của đám thư sinh, song vai chàng lại mang trường kiếm, ra dáng con nhà võ. Điều này sẽ khiến chủ nhân phải phân vân, không biết để chàng ta ở với bọn hào khách hay học trò.
Chàng ta xuống ngựa, được gã gia nhân gác cổng Điền gia trang đưa vào Nghênh Tân đình gần đấy chờ đợi.
Lát sau, Điền đại tiểu thư ra đến, khách vội đứng lên vòng tay kính cẩn nói :
- Tại hạ là Tần Nhương Thư, quê đất Sơn Tây!
Điền Ngọc Trâm thản nhiên ngồi xuống sau án thư, mở sổ, đổ chút nước vào nghiên mực, chuẩn bị ghi chép. Nàng lạnh lùng hỏi :
- Phiền Tần túc hạ cho xem thẻ đinh!
Thời xưa, thẻ đinh là loại giấy tờ tùy thân duy nhất của Trung Hoa. Trong ấy không có hình ảnh, dấu tay, chỉ ghi tên họ, nguyên quán, trú quán và chiều cao hoặc thêm vài đặc điểm như: răng hô, mắt lé, cụt chân.. do nội dung sơ sài vậy nên những người có dung mạo, tầm vóc tương tự có thể lấy của kẻ khác mà dùng!
Trong trường hợp này thì chẳng có gì đáng ngại bởi vì đôi tai của Tần Nhương Thư rất đặc biệt, chúng lớn và đầy đặn như tai của những pho tượng Như Lai trong các chúa chiền. Và gương mặt chàng cũng mang nét đẹp nhân từ, phúc hậu, khiến cho người đối diện yên tâm.
Ngay trong thẻ đinh cũng miêu tả diện mục Nhương Thư bằng hai chữ: “Phật nhĩ” Tuy nhiên, chẳng ai khen Phật tổ là người anh tuấn như Phan An, Tống Ngọc, nên nhan sắc của Nhương Thư không làm cho trái tim các mỹ nhân rung động. Cái đẹp và cái thiện chẳng phải bao giờ cũng giống nhau!
Hơn nữa, Tần Nhương Thư sinh năm Mậu Thìn, nay đã hai mươi sáu, vượt ngoài tiêu chuẩn của Ngọc Trâm, nên nàng không hề để tâm đến.
Điền đại tiểu thư ghi xong phần lai lịch, liền hờ hững hỏi thêm :
- Tần túc hạ học nghệ môn phái nào?
Nhương Thư điềm đạm đáp :
- Bẩm tiểu thư! Tại hạ là đệ tử tục gia của chùa Phật Quang, núi Ngũ Đài sơn!
Ngọc Trâm bỡn cợt :
- Tướng mạo trang nghiêm như túc hạ sao không xuất gia, còn lưu luyến hồng trần làm gì nữa?
Nhương Thư thật thà đáp :
- Tại hạ vốn có ý nguyện ấy nhưng gia sư không cho. Người bảo rằng tại hạ mang nặng sát nghiệp và tình nghiệp, không có duyên với cửa Phật!
Hổ Hồng Nhan che miệng cười khanh khách và chế nhạo :
- Nực cười thực! Bổn cô nương cho rằng lệnh sư đã quá lời rồi đấy! Chỉ có đám ni cô mới ái mộ túc hạ mà thôi!
Câu nói của Ngọc Trâm xem ra cũng chẳng có gì quá đáng, nhưng không hiểu sao lại tác động mãnh liệt tới Nhương Thư. Đôi mắt chàng trai hiền lành kia bỗng lóe sáng những tia thù hận và tàn nhẫn ánh mắt ấy sắc bén, lạnh lùng chụp lấy gương mặt kiều diễm của Ngọc Trâm, khiến nàng khϊếp sợ đến nỗi toàn thân đông cứng lại.
Cô gái ngang tàng, ngược ngạo này rơi vào trạng thái kinh hoàng, tựa kẻ lữ hành bất ngờ đối diện mãnh hổ vậy!
Khi nét mặt Nhương Thư dịu đi nàng mới hoàn hồn, phát hiện lòng bàn tay ướt đẫm. Nàng líu ríu gọi ả tỳ nữ Tiểu Lan đang quét dọn ngoài cửa Nghênh Tân đình, bảo cô bé đưa khách vào khu nhà mé hữu. Lạ thay, nàng lại dặn Tiểu Lan dành cho Nhương Thư tòa tiểu viện đẹp nhất!