Chương 12: Dãy núi Vòi Voi

Trương Cáp Tử? Trùng Khánh?

Trường đại học của tôi ở Trùng Khánh, tôi không quá quen thuộc Trùng Khánh nhưng chắc chắn không xa lạ gì. Vì vậy, tôi nói với ngài Trần: “Bác cho cháu địa chỉ của Trương Cáp Tử, cháu đi mời ông ấy.”

Không ngờ ngài Trần lại xua tay: “Không gấp, trước tiên đưa thợ nề Trần lên núi đã. Dù sao cái chết của thợ nề Trần cũng có quan hệ với nhà cháu, ông ấy lại không có con nối dõi. Mấy chuyện như đưa tang này, nhà cháu vẫn nên đứng ra làm.”

Ngài Trần nói không sai, dù nguyên nhân cái chết của thợ nề Trần là đau tim nhưng trên thực tế ai cũng biết vì xuống dưới sửa lại mộ cho ông nội, chọc trúng thứ không sạch sẽ nên ông ấy mới bất ngờ qua đời. Lúc trước ngài Trần cũng từng nói, những năm gần đây thợ nề Trần thường sửa mộ cho người chết, lâu lắm rồi không sửa nhà cho người sống. Âm khí vốn đã tích lũy tới một trình độ nhất định rồi. Mà mộ ông nội tôi chính là cọng rơm cuối cùng đè chết thợ nề Trần.

Tôi nhớ ngài Trần từng nói, trên đời này, bất kể là người nào hay làm việc gì đều phải chú ý cân bằng âm dương. Vì vậy những người có thể giao tiếp với người chết đều thích tiếp xúc với người sống, mục đích là để dính hơi người. Giống như ngài Trần, ông ta là thợ đóng giày, làm giày âm cho người chết hơn ba mươi năm. Thế nhưng trong xã hội, nghề nghiệp của ông ta lại là ông chủ tiệm giày, đóng giày rồi bán cho người sống, mục đích để trung hòa âm khí trên người.

Thợ nề Trần thì khác, hiện tại xã hội phát triển quá nhanh, nghề thợ xây của ông ấy chỉ có ở trong thôn mới cần dùng đến. Thế nhưng nông thôn nào có nhiều người cần xây nhà chứ? Vì vậy vì kiếm sống, thợ nề Trần không thể không sửa chữa mộ người chết, dường như đây chính là duyên trời định.

Tôi còn nhớ rõ sau khi ngài Trần nói lời này xong, ông ta thở dài một hơi, than một câu: Sống trên đời, ai cũng không dễ dàng!

Trong khi suy nghĩ những chuyện này, chúng tôi đã đi theo bác cả quay về sân nhà thợ nề Trần. Cả ba ngừng nói chuyện, cẩn thận theo dõi những động tác tiếp theo của bác cả.

Chỉ thấy ông ấy đẩy cổng sân nhà thợ nề Trần ra, nhấc chân phải bước vào. Sau khi đi vào, ông ấy đi thẳng tới phía trước linh đường, ngồi xuống ghế, sau đó cơ thể mềm nhũn xuống, giống như đang ngủ say. Chúng tôi cũng vào trong, lúc này phía động đã lóe lên vài tia sáng, xem ra không lâu sau trời sẽ sáng.

Ngài Trần đứng dậy đi đến linh cữu thợ nề Trần, thắp ba nén nhang, sau đó lấy mấy đồng xu dán trên di ảnh xuống, nói một câu: “Chết rồi thì yên ổn chút đi, lần này phong ấn ánh mắt của ông, lần sau còn kiếm chuyện nữa là tôi phong ấn cả người luôn đấy.”

Tôi không biết có phải bản thân xuất hiện ảo giác không nhưng cảm giác bị theo dõi lúc trước không còn nữa. Hơn nữa, khi tôi nhìn lại di ảnh của thợ nề Trần, ánh mắt của ông ấy đang nhìn về phía trước, không phải phía tôi.

Trời đã rạng sáng, sau khi thầy tu làm lễ cúng bái cho thợ nề Trần tới, bác cả tôi cũng tỉnh lại. Ông ấy thấy bọn tôi thì hỏi: “Sao mọi người lại đến đây?”

Tôi đáp: “Bọn cháu tới đón bác về nhà.”

Bác cả cười đáp: “Bác cũng không phải con nít ba tuổi, còn có thể không biết đường về à?”

Nói xong, ông ấy bước ra ngoài sân.

Quả nhiên, bác cả không nhớ được những chuyện đã xảy ra đêm qua.

Bác hai đuổi theo đi bên cạnh ông ấy, không biết bọn họ đang nói chuyện gì. Tôi tụt lại phía sau đi cùng với ngài Trần. Nói thật, bây giờ tôi vô cùng tò mò với người trong giới ngài Trần, cảm thấy bọn họ có thể giải quyết những chuyện kỳ quái là một việc rất thần kỳ.



Tôi hỏi ngài Trần: “Bác Trần, tại sao bác cả tôi cũng bị chọn đi làm ngũ thể đầu địa?”

Tôi đã định hỏi câu này từ tối hôm qua. Nếu chỉ là chọn hai mươi tám thanh niên cường tráng kia thì tôi sẽ hiểu đơn giản là do bọn họ đã đào mộ của người ta, vị kia không vui trong lòng nên muốn báo thù. Thế nhưng bác cả tôi lại không hề làm chuyện đó.

Ngài Trần nói: “Nguyên nhân chính là lúc trước ông nội cháu trộm vận thế của vị kia, đối phương không đối phó ông nội cháu được nên đành ra tay với người nhà ông cụ là mấy người.”

Tôi hỏi lại: “Vậy tại sao không phải là bác hai, không phải ba cháu, cũng không phải cháu?”

Ngài Trần nghe được câu hỏi này thì cười gằn một tiếng, điệu cười của ông ta khiến tôi khẽ run lên. Sau đó tôi bỗng nghe ông ta nói: “Bác hai của cháu là cảnh sát, là nghề nghiệp đặc biệt, có nghề che chở, đoán chừng vị kia không dám tìm đến. Bác cũng không hiểu được nguyên nhân tại sao không tìm ba cháu, có thể là do may mắn. Về phần tại sao không đi tìm cháu là bởi vì ngày hôm qua cháu ở cùng với ông nội. Nếu không buổi tối hôm nay cháu thử ngủ một mình xem? Để coi sáng mai cháu có ngủ trên mộ ông nội không.”

Nghe xong lời này của ngài Trần, trong đầu tôi bỗng vẽ ra một hình ảnh:

Trong màn đêm đen kịt, tôi đứng dậy khỏi giường, nhắm mắt mở cửa bước ra ngoài sân, rồi một mình bước đi trên con đường tối thui như mực, mục tiêu chính là ngôi mộ của ông nội tôi. Dọc theo đường đi, có lẽ sẽ có rất nhiều cặp mắt nhìn chằm chằm vào tôi, thậm chí có những thứ không sạch sẽ chỉ trỏ tôi, nhưng tôi lại không gì cả, cứ thế đi về phía trước. Sau khi đến mộ ông nội, tôi bò lên phía trên ngôi mộ, nằm xuống và ngủ tiếp. Đến sáng ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy và phát hiện bản thân đang nằm trên mộ...

Tôi vội rùng mình, cảnh tượng này quá đẹp, tôi vẫn không nên nghĩ tới. Vì vậy, tôi nhanh chóng tâng bốc bản lĩnh của ngài Trần, nhờ ông ta che cho tôi vào ban đêm.

Dựa theo suy nghĩ của ngài Trần, sau khi nhìn thấy vạn chuột vái mộ, ông ta đã quyết định sẽ rời đi vào rạng sáng ngày hôm nay. Tuy nhiên tối hôm qua lại xảy ra chuyện như vậy, ông ta quyết định chờ sau khi thợ nề Trần lên núi mới rời đi.

Sau khi ăn sáng xong, bác cả, bác hai và ba tôi cầm gàu xúc và cuốc làm cỏ đến mộ ông nội, nơi đang có hàng ngàn hàng vạn xác động vật nhỏ cần xử lý. Ngài Trần kêu bọn họ gom hết xác chết lại một nơi rồi đốt đi, tránh gây ra dịch bệnh.

Mà tôi thì dẫn ngài Trần đi lên ngọn núi gần đó xem xét theo yêu cầu của ông ta.

Tôi không biết mục đích của ông ta là gì, vì vậy tôi tùy tiện dẫn ông ta đến ngọn núi phía sau nhà. Ngọn núi này có tên là ‘Dãy Vòi Voi’, bởi vì hình dáng của nó giống hệt một con voi lớn. Hơn nữa dãy núi rất dài, giống y như mũi voi nên mới được gọi là ‘Dãy Vòi Voi’.

Sau khi nghe tôi giới thiệu về ngọn núi này xong, ngài Trần bỗng nhiên hỏi tôi: “Cháu đã thấy voi bao giờ chưa?”

Tôi bảo đã từng nhìn thấy trên ti vi.

Ngài Trần hỏi lại: “Trong thôn có ti vi không?”

Tôi đáp không có, sau khi lên đi học tôi mới thấy.



Thật sự rất đúng, vấn đề giao thông của thôn chúng tôi thường bị tắt nghẽn, là một thôn làng nghèo nàn, lạc hậu tiêu biểu. Cách đây ít năm mới có điện, thế nhưng tất cả mọi người đều quen dùng đèn dầu. Đối với những người chỉ nghỉ ngơi khi mặt trời lặn như bọn họ mà nói, đồ vật như ti vi toàn là những thứ vô dụng.

Ngài Trần trầm ngâm gật đầu, rồi nói với tôi: “Tức là thật ra người trong thôn chưa từng nhìn thấy voi đúng không?”

Tôi suy nghĩ, gật đầu: “Chắc vậy, sinh viên đại học như cháu ra ngoài rồi mới nhìn thấy loại động vật này, càng đừng nói đến bà con chỉ sống trong thôn gần như không hề ra ngoài nhỉ?”

Ngài Trần lại hỏi tôi: “Người trong thôn chưa từng nhìn thấy voi, vậy tên núi được đặt bằng cách nào? Sao đối phương lại biết ngọn núi trông giống như một con voi?”

Câu hỏi của ngài Trần khiến tôi bối rối. Tôi chưa từng nghĩ tới vấn đề này, lúc trước đều là ông nội tôi kể lại ngọn núi này gọi là dãy Vòi Voi, hơn nữa người trong thôn cũng gọi như vậy nên tôi cũng kêu như thế thôi. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến, rốt cuộc là ai đã đặt tên cho ngọn núi này.

Tôi nói: “Chúng ta đi hỏi trưởng thôn xem, chắc bác ấy biết.”

Ngài Trần gật đầu, không vội đi tìm thôn trưởng mà tiếp tục đi lên núi. Khi đến lưng chừng núi, ông ta dừng lại, rồi nhìn xuống núi, từ đây nhìn xuống núi có thể thấy toàn cảnh ngôi làng. Khi tôi còn nhỏ, ông nội thích đưa tôi đến đây, ông cụ để tôi ngồi ở chỗ này, còn bản thân ông thì ra đồng trồng khoai lang. Nhà tôi ở ngay sát sườn núi.

Sau khi xem một hồi, ngài Trần không nhịn được lắc đầu: “Chậc chậc, bác còn đang khó hiểu tại sao bác Đình lại chọn nơi đó để chôn cất, hóa ra là như vậy!”

Nghe xong tôi như lọt trong sương mù, vội hỏi: “Bác Trần, nghĩa là sao?”

Ngài Trần chỉ tay về một hướng, hỏi tôi: “Cháu nhìn xem, ngọn núi đó có hình dáng gì?”

Tôi nhìn theo ngón tay của ông ta, đó là ngọn núi đối diện với chúng tôi. Tôi quan sát, không chắc chắn lắm: “Giống như, một con sư tử đang nằm sấp?”

Ngài Trần vỗ đùi, nói: "Đúng là sư tử! Cháu lại nhìn ngọn núi này xem, giống cái gì?”

“Cũng giống sư tử.” Tôi đáp.

Sau đó ngài Trần lại chỉ mấy ngọn núi, đều hỏi tôi giống cái gì.

Tôi đếm, ông ta chỉ tổng cộng chín ngọn núi, tất cả đều giống sư tử.

Ngài Trần hơi kích động hỏi tôi: “Tiểu Thiên, cháu xem, những con sư tử này đang quay đầu về hướng nào?”

Tôi tưởng tượng những rặng núi đó thành từng đường, rồi kéo dài nó ra. Ngay sau đó, tôi ngạc nhiên phát hiện vậy mà những đường cong này lại hội tụ tại một điểm. Mà điểm đó lại chính là mộ của ông nội tôi!