Chương 10: Ngũ thể đầu địa

Ngài Trần thấy tôi không đi theo, quay đầu lại nhìn tôi một cái, tôi phát hiện di ảnh của thợ nề Trần lập tức trở lại bình thường. Tôi không nói chuyện này ra, bởi vì dù tôi có nói, ngài Trần cũng sẽ không tin. Vì vậy tôi cúi đầu, đi theo sát bên cạnh ngài Trần, không dám rời dù chỉ nửa bước.

Ngay khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi sân nhỏ, cánh cổng bị đẩy ra, là bác hai tìm kiếm cả nửa ngày trời vẫn không thấy tăm hơi bước vào. Ông ấy hỏi: “Sao hai người trở về rồi? Nhưng mà hai ngươi về đúng lúc lắm, không thấy anh cả đâu.”

Vừa nghe xong tôi đã nghĩ thầm, liệu bác cả có lại bị bắt vào quan tài giống ba tôi bị bắt vào trong mộ không?

Ngài Trần hỏi: “Xảy ra chuyện gì?”

Bác hai đáp: “Sau khi đưa hai người trở về, lúc quay lại thì không thấy anh cả đâu. Tôi nghĩ anh ấy đi tiểu nên đợi trong sân một lát. Khoảng chừng hơn mười phút sau, anh ấy vẫn chưa quay lại. Tôi nghĩ có đi nặng thì giờ cũng xong rồi, chắc chắn anh ấy đã xả ra chuyện. Vì vậy tôi đi tìm kiếm xung quanh, không thấy người, định quay về lấy cây gậy rồi đi tìm tiếp thì thấy hai người.”

Ngài Trần cúi đầu suy nghĩ, nói: “Cầm gậy cũng vô dụng, hai người các ông mỗi người cầm một chiếc giày âm.”

Nói xong, ngài Trần móc ra một đôi giày âm từ trong ngực giống như làm ảo thuật, đưa cho tôi và bác hai mỗi người một cái. Ông ta nói: “Đây là giày âm, nếu gặp được thứ không sạch sẽ thì hai người cứ cầm cái này đánh, nhớ kỹ phải đánh vào đầu đấy!”

Bác hai tôi hỏi: “Vậy bây giờ chúng ta đi đâu?”

Ngài Trần cúi đầu suy nghĩ rồi bảo: “Đi tới mộ ba ông.”

Bác hai dẫn đường, một tay tôi cầm đèn dầu, tay kia nắm chặt chiếc giày ngài Trần đưa đi ở chính giữa, ngài Trần đi cuối cùng. Ông ta vẫn giống như trước, đi ba bước thì vỗ giày một lần, dường như còn lẩm bẩm gì đó trong miệng. Thế nhưng tôi nghe không rõ lắm nên không biết ông ta đang nói gì.

Hơn nữa, tôi vẫn luôn tò mò, rõ ràng ánh trăng ban đêm lớn như vậy, có thể nhìn rõ cảnh vật trên đường, tại sao còn phải mang theo đèn dầu bên mình? Tôi rất muốn hỏi ngài Trần, nhưng hình như hiện tại có chút không đúng lắm, thế nên tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc im lặng tiến về phía trước.

Khoảng cách từ đầu thôn đến mộ ông nội tôi không dài hơn khoảng cách từ đầu thôn về nhà tôi mấy, theo lý mà nói dù đường ban đêm không dễ đi, nhiều nhất là mười phút sau là tới nơi rồi. Thế nhưng không biết tại sao, chúng tôi đi chừng mười lăm phút, thế mà lại quay về sân nhà thợ nề Trần.

Rất rõ ràng, lại là quỷ đập tường!

Ngài Trần không thể không đi trước dẫn đường, phương pháp giống như cũ, vỗ một cái đi ba bước. Tuy nhiên cách này chỉ có hiệu quả lúc trước, hiện tại nó đã thất bại. Chúng tôi đi về phía bên trái từ cổng sân nhà thợ nề Trần, nhưng không ngờ một lúc sau lại quay về từ phía bên phải sân nhỏ.

Ngài Trần mắng một câu rồi xỏ giày trái, tay cầm giày phải (chiếc giày bên trái là giày dương, chiếc bên phải là giày âm).

Tôi đang đi tuốt ở phía trước, trong đầu vẫn luôn nghĩ không được rẽ phải đi thẳng, không được rẽ phải đi thẳng. Thế nhưng sau khi đi được một đoạn, chúng tôi vẫn quay trở lại sân nhà thợ nề Trần từ phía bên phải.



Ngài Trần tức giận nói: “Đi tiếp, không được dừng lại!”

Tôi hơi khó hiểu, rõ ràng tôi vẫn đi theo một đường thẳng, tại sao lại quay về nhà thợ nề Trần?

Sở dĩ tôi chắc chắn mình đi trên một đường thẳng là bởi vì tôi nhìn chòm sao Bắc Đẩu trên trời để xác định vị trí. Sao Bắc Đẩu nằm ở phía Bắc, mộ ông nội tôi cũng nằm ở hướng đó, vì thế chỉ cần đi theo sao Bắc Đẩu, chắc chắn sẽ không sai.

Thế nhưng nếu đúng là tôi đi thẳng thật thì chỉ có một cách giải thích, trên con đường này có vô số căn nhà của thợ nề Trần. Thật ra căn nhà thợ nề Trần mà chúng tôi vừa đi qua kia không phải là căn chúng tôi nhìn thấy trước mà là một căn mới.

Chúng tôi lại vòng trở về, bác hai kêu ngài Trần trước tiên đừng vội đi, cứ tiếp tục như vậy không có kết quả, không ai chịu đựng nổi.

Tôi hiểu được ý của bác hai, ông ấy nói không chịu đựng nổi không phải về mặt cơ thể mà là về mặt tâm lý. Bởi vì mỗi lần chúng tôi đi qua nhà thợ nề Trần, năng lực chịu đựng của chúng tôi sẽ giảm đi một phần, hy vọng rời khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn này cũng sẽ giảm đi. Thay vào đó, còn không bằng không đi.

Ngài Trần đồng ý, sau đó ba người chúng tôi đứng trước cổng sân nghĩ cách. Không ai có ý định tiến vào sân, dường như trong tiềm thức đã bài xích cái sân nhỏ vẫn luôn không vòng qua được này.

Đột nhiên ngài Trần mở miệng hỏi tôi: “Tiểu Thiên, lúc trước cháu nói di ảnh thợ nề Trần liếc cháu là cháu thật sự nhìn thấy hay chỉ là hoa mắt?”

Tôi nói: “Cháu nhìn thấy thật.”

Lúc này, bác hai cũng lên tiếng: “Tôi cũng có cảm giác này. Sau khi hai người trở về, tôi và anh cả ngồi trước linh đường luôn cảm thấy có một đôi mắt đang nhìn mình. Tôi không dám hỏi anh cả, không biết lúc đó anh ấy có cảm giác này không.”

Ngài Trần bảo: “Tôi biết vấn đề nằm ở đâu rồi.”

Nói xong ông ta đá bay cửa sân nhà thợ nề Trần, vội vàng bước vào.

Tôi và bác hai nhìn nhau, cũng đi vào theo.

Chỉ thấy ngài Trần lấy ra hai đồng xu từ dưới đế giày bên trái, cầm trong lòng bàn tay bằng một tư thế rất lạ, trong miệng lẩm nhẩm vài thứ. Sau khi niệm xong, ông ta đi đến trước di ảnh thợ nề Trần, dán đồng tiền lên mắt thợ nề Trần. Theo lý mà nói, bên ngoài di ảnh có một lớp kính thủy tinh, đồng tiền phải không dính lên được mới đúng. Thế nhưng sau khi ngài Trần thả tay, đồng kia giống như có lực từ, dính chặt trên lớp kính thủy tinh, không hề rơi xuống.

Chuẩn bị xong, ngài Trần bảo: “Đi!”



Chúng tôi rời khỏi sân nhỏ nhà thợ nề Trần, một lần nữa xuất phát.

Ước chừng mười phút sau, nhịp tim tôi bắt đầu đập thình thịch, bởi vì mỗi khi đến lúc này, tôi rất lo lắng sân nhà thợ nề Trần lại xuất hiện. Tuy nhiên nỗi lo của tôi thành dư thừa, bởi vì tôi đã nhìn thấy mộ ông nội nằm cách đó không xa.

Đúng vậy, chúng tôi đã ra ngoài.

Tôi hỏi ngài Trần: “Sao có thể như vậy?”

Ngài Trần đắc ý: “Khi còn sống thợ nề Trần tiếp xúc với mồ mả quá nhiều, ánh mắt dính âm khí. Sau khi ông ấy chết, cặp mắt kia lại giở trò quỷ. Vừa nãy chúng ta nghĩ rằng đang nhìn đường bằng mắt của mình nhưng thật ra là đang nhìn bằng mắt của thợ nề Trần. Nói trắng ra là chúng ta vẫn đang lượn vòng quanh sân nhỏ nhà ông ấy. Hừ, cái người này, chết rồi còn không chịu yên, chờ bác tìm được bác cả cháu rồi quay về chỉnh đốn ông ấy.”

Trong khi nói chuyện, chúng tôi đã đến phần rìa của mộ ông nội.

Tuy nhiên, cảnh tượng trước mắt khiến cho đạo sĩ dày dặn kinh nghiệm như ngài Trần cũng bị sốc đến mức khó thở.

Mộ ông nội có đường kính chục mét, xác chuột rậm rạp chằng chịt. Tất cả chúng nó đều nằm sấp, đầu quay về hướng ngôi mộ, hai chân sau duỗi thẳng, song song với đuôi. Mà hai bàn chân trước lại chắp vào nhau để bên cạnh chòm râu, bộ râu chỉ lên trời giống như những tín đồ thành kính đang quỳ gối dâng hương những vị thần linh mà bọn họ tin tưởng. Tuy nhiên, tất cả đám chuột này đều đã chết hết rồi.

Trong xác chuột còn có cả xác đủ loại côn trùng, nhiều vô số kể.

Nếu chỉ có những thứ này thì vẫn có thể chấp nhận được. Đáng tiếc, cảnh tượng hiện lên trước mắt chúng tôi lại không chỉ có như vậy.

Ngoài xác của đám chuột và côn trùng, ở lớp trong cùng của vòng tròn có hai mươi tám thanh niên khỏe mạnh. Tư thế của bọn họ giống y hệt đám chuột: Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, mu bàn chân dán đất, trán cũng áp sát xuống đất, hai tay duỗi về phía trước qua trán, lòng bàn tay lật úp. Hai mươi tám người bọn họ vừa khóe vây quanh ngôi mộ ông nội tôi một vòng.

Ngoại trừ tư thế giống hệt nhau, hai mươi tám người này có một điểm chung, đó là bọn họ đều từng đào mộ ông nội tôi!

Bên ngoài vòng vây của đám người, tôi thấy bác cả tôi. Ông ấy đang quỳ gối ngay trước bia mộ của ông nội, đầu cúi xuống, không nhúc nhích.

Ánh trăng nhợt nhạt chiếu xuống những người này, tôi không nhìn thấy bất kỳ sự thành kính nào trên người họ, chỉ có một loại cảm giác duy nhất, chuộc tội!

Tôi dám đảm bảo rằng nếu không phải bác hai và ngài Trần đang ở bên cạnh tôi, chắc chắn tôi sẽ bị cảnh tượng quỷ dị trước mặt hù chết. Tôi biết bản thân ngừng hít thở khoảng hơn mười giây, bởi vì quá sợ hãi!

“Ngũ thể đầu địa! Thế mà lại là ngũ thể đầu địa!” Ngài Trần đứng bên cạnh tôi run rẩy lẩm bẩm.