Khổng Minh Dùng Trí Khích Châu Du
Tôn Quyền Quyết Chí Đánh Tào Tháo
Nhắc lại Ngô Quốc Thái thấy Tôn Quyền lo nghĩ phân vân, thì bảo rằng:
– Khi mẹ con sắp mất có dặn rằng lúc Bá Phù lâm chung đã trối trăn: “Việc trong không quyết thì hỏi Tử Bố, việc ngoài phân vân thì hỏi Công Cẩn.” Sao nay con không gọi Công Cẩn về mà hỏi?
Tôn Quyền nghe Ngô Quốc thái nói xong, mừng rỡ tươi tỉnh ngay, liền nói:
– Con vì bận trí nên đã quên lời di chúc, nếu chẳng có mẹ nhắc lại, con đã làm sai rồi.
Tôn Quyền lập tức viết thư đến Ba dương hồ mời Châu Du về thương nghị.
Châu Du ngày ấy đang ở tại Ba Dương Hồ tập luyện thủy binh, bỗng nghe có tin đại quân Tào Tháo đã đến Hán Thượng, Du bèn vội vã lên đường đi suốt đêm về Sài Tang để bàn việc quân cơ.
Thành ra sứ giả chưa kịp đi triệu thì Du đã về đến nơi.
Lỗ Túc vốn là bạn thân thiết với Du, nghe tin Du về nên lật đật tìm đến gặp trước, và đem đầu đuôi mọi việc thuật lại một lượt cho Du nghe.
Du nói:
– Tử Kính chớ lo, tôi đã có chủ trương rồi. Bây giờ việc cần kíp là mời ngay Gia Cát Lượng tới tương kiến.
Lỗ Túc lập tức lên ngựa đi mời.
Châu Du vừa nghỉ ngơi được chốc lát thì có tin báo:
– Trương Chiêu, Cố Ung, Trương Hoành, Bộ Chất bốn người đến thăm.
Du đón vào nhà mời ngồi. Thăm hỏi hàn huyên xong, Trương Chiêu hỏi:
– Ðô Ðốc có hay việc lợi hại ở đất Giang Ðông ta chăng?
Châu Du giả tảng đáp:
– Chưa hay!
Trương Chiêu nói:
– Hiện Tào Tháo xua binh hơn trăm vạn, đóng tại Hán Giang, lại sai người đem hịch qua mời Chúa công ta hội săn ở Giang Hạ. Tuy là có ý thôn tính đấy, nhưng chưa tỏ lộ hành động gì. Chúng tôi đây đều khuyên Chúa công nên nhận hàng đi, để tránh tai vạ cho Giang Ðông. Không ngờ Lỗ Tử Kính lại qua Giang Hạ dắt ngay quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng về đây. Vì Lượng có ý muốn rửa hờn cho chủ nên đem ba tấc lưỡi du thuyết, nói khích Chúa công, mà Tử Kính vẫn chấp mê chưa tỉnh! Chúa công hiện chỉ còn đợi Ðô Ðốc về đây quyết đoán việc này.
Châu Du hỏi:
– Các ông ý kiến có đồng nhau chăng?
Bọn Trương Chiêu đáp:
– Chúng tôi đã bàn kỹ, và đồng ý kiến.
Châu Du nói:
– Ý tôi cũng muốn hàng Tào đã lâu! Thôi, xin các ông cứ an lòng về nghỉ. Sáng mai vào ra mắt Chúa công, ta sẽ quyết nghị.
Bọn Trương Chiêu đi rồi, tiếp đến có bọn Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Ðương cùng các võ tướng lại vào thăm.
Du đón vào, ngỏ lời thăm hỏi xong, Trình Phổ nói:
– Ðô Ðốc có hay đất Giang Ðông nay mai sẽ về tay người khác không?
Châu Du cũng giả vờ đáp:
– Chưa hay!
Trình Phổ nói:
– Chúng tôi từ khi theo Tôn Tướng quân mở cơ lập nghiệp, lớn nhỏ trải trăm chiến trận, nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử mới có được sáu quận này. Nay Chúa công lại nghe lời các mưu sĩ muốn đem đất Giang Ðông mà hàng Tào Tháo. Ðó là mối hận ngàn kiếp, cái nhục muôn đời. Chúng tôi thà chết còn hơn chịu nhục. Mong Ðô Ðốc hãy khuyên Chúa công khởi binh. Chúng tôi thề quyết tử chiến.
Châu Du hỏi:
– Ý kiến các tướng có đồng nhau chăng?
Hoàng Cái hăng hái đứng dậy, vỗ ngực đáp:
– Ðầu này có thể chặt, thề quyết chẳng hàng Tào!
Các tướng cũng đều nói một lượt:
– Thà chết chứ không hàng!
Du nói:
– Ðược rồi. Ý ta cũng quyết chiến một phen với Tào Tháo, chớ có lý nào lại hàng tên giặc ấy được. Thôi xin các ông về nghỉ. Ngày mai ta vào yết kiến Chúa công, sẽ có nghị quyết…
Bọn Trình Phổ ra về chưa được bao lâu, lại đến bọn Gia Cát Cẩn, Lữ Phạm và bọn văn quan vào thăm.
Du đón vào, chào hỏi xong, Gia Cát Cẩn nói:
– Xá đệ Gia Cát Lượng từ Hán Thượng sang đây, ngỏ lời Lưu Dự châu muốn kết liên với Ðông Ngô cùng đánh Tào Tháo, các quan văn vỷ thương nghị chưa xong. Vì sứ giả là xá đệ, nên Cẩn không dám dự bàn. Chỉ chờ Ðô Ðốc về quyết định…
Châu Du hỏi:
– Còn ý ông thì sao?
Gia Cát Cẩn nói:
– Hòa thì dễ yên, chiến thì khó giữ.
Châu Du cười nói:
– Ta đã có chủ trương, ngày mai chúng ta đồng vào đô đường rồi sẽ nghị định.
Bọn Cẩn từ biệt lui ra, thì bọn Lữ Mông, Cam Ninh lại kéo một đoàn vào yết kiến.
Du tiếp đón, rồi cũng hỏi về việc ấy.
Người muốn đánh, kẻ lại muốn hàng… tranh luận chẳng quyết.
Châu Du nói:
– Các ông bất tất phải nói nhiều. Ngày mai cùng đến đô đường, chúng ta sẽ bàn định.
Mấy người ra về rồi, Châu Du cứ chúm chím cười mãi. Qua chiều tối lại có quân vào báo:
– Có Lỗ Tử Kính dẫn Gia Cát Lượng đến ra mắt.
Châu Du lập tức ra rước vào. Thi lễ xong, chi ngôi chủ khách mà ngồi, Lỗ Túc hỏi Châu Du trước:
– Nay Tào Tháo xua binh xâm lấn cõi Nam, một là đánh, hai là hòa, hai lẽ ấy Chúa công chưa quyết, còn để đợi Tướng quân, vậy Tướng quân ý kiến thế nào?
Châu Du nói:
– Tào Tháo lấy danh nghĩa Thiên tử mà xuất sư, ta kháng cự thì trái lẽ. Vả chăng thế quân Tào quá mạnh, ta đánh thì dễ thua, hàng thì yên ổn, ý tôi đã quyết, ngày mai tôi vào ra mắt Chúa công xin sai sứ đi cầu hàng.
Lỗ Túc sững sốt, liền hỏi:
– Lời Tướng quân nói sai rồi. Cơ nghiệp đất Giang Ðông đã trải qua ba đời, nay trong một phút lại bỏ cho người khác sao? Tôn Bá Phù khi chết có phó thác cho Tướng quân. Nay chính là lúc trông cậy vào Tướng quân ra tay bảo toàn quốc thổ như nương tựa vào núi Thái sơn. Sao Tướng quân lại nghe theo bọn dung phu hèn yếu mà làm như vậy?
Châu Du nói:
– Sinh linh ở sáu quận đất Giang Ðông này có tội tình gì, nếu khởi binh ắt làm cho bá tánh đồ thán. Rồi sau này lại quy tội cho một mình ta. Vì thế ta muốn cầu hòa cho an bá tánh.
Lỗ Túc nói:
– Không phải vậy đâu. Lấy cái việc anh hùng của Tướng quân, và cái việc hiểm trở của đất Giang Ðông này, cộng với sự binh hùng lương đủ thì binh Tào chắc gì đã xâm phạm được bờ cõi mà nản lòng như vậy?
Thế là hai bên tranh luận kịch liệt. Khổng Minh thấy thế chỉ khoanh tay ngồi cười. Châu Du thấy vậy hỏi:
– Sao tiên sinh lại cười?
Khổng Minh đáp:
– Nào Lượng dám cười ai đâu! Lượng chỉ cười Tử Kính không biết được thời thế đó thôi.
Lỗ Túc hỏi:
– Sao tiên sinh bảo tôi không hiểu thời thế?
Khổng Minh nói:
– Công Cẩn muốn đầu Tào Tháo, ấy là phải lẽ.
Châu Du nói:
– Khổng Minh là bậc sĩ thức thời vụ, đồng ý kiến với ta là phải.
Lỗ Túc nén giận nói:
– Tiên sinh sao lại nói như thế?
Khổng Minh nói:
– Tào Tháo dùng binh hay lắm, ai dám cự với nó. Ngày trước có Lữ Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu mới cự được. Nay những người ấy đã chết rồi, trong thiên hạ còn ai nữa đâu? Chỉ còn mình Lưu Dự Châu không biết thời vụ, miễn cưỡng tranh chọi, nay cô thân nơi Giang Hạ, chưa biết sống chết ra sao. Nếu Tướng quân thiệt kế hàng Tào thì bảo tồn được vợ con, không mất giàu sang. Còn vận nước có đổi dời ra sao, cứ phó mặc cho số trời! Mình có thiệt gì mà tiếc?
Lỗ Túc đùng đùng nổi giận, mắng Khổng Minh:
– Ngươi định xúi Chúa công ta uốn gối chịu nhục với thằng quốc tặc Tào Tháo à?
Khổng Minh vẫn thản nhiên nhưng không, bỗng dõng dạc nói:
– Lượng này có một kế, chẳng nhọc công dắt dê khiêng rượu, dâng đất và nạp ấn xin hàng, cũng khỏi phải đem thân qua sông bái yết Tào Tháo. Chỉ sai vài tên quân quèn, chèo một chiếc thuyền con, đưa hai người qua cho Tào Tháo. Tào Tháo được hai người ấy rồi, trăm vạn quân cũng đều bó giáp, hạ cờ mà lui về hết.
Châu Du ngạc nhiên hỏi:
– Dùng hai người nào mà lui binh Tào được như thế?
Khổng Minh còn văn hoa nói thêm:
– Ðất Giang Ðông mất hai người ấy, tỷ như cây lớn rụng đi hai chiếc lá, kho đầy bớt đi hai hạt thóc. Còn Tào Tháo được hai người ấy thì coi quý như ngàn vàng, sung sướиɠ vô cùng, ắt lui binh.
Châu Du càng lấy làm lạ, lại hỏi:
– Nhưng phải dùng hai người nào?
Khổng Minh khoan thai nói:
– Lúc Lượng này còn ở Long Trung, có nghe Tào Tháo lập một cái đài ở mé sông Chương Hà, gọi là đài Ðồng Tước. Ðài ấy cực kỳ tráng lệ. Tháo sai trang hoàng tô điểm lộng lẫy, rồi tuyển nhiều gái đẹp trong thiên hạ để đưa về đấy. Vả lại, Tào Tháo là đứa háo sắc, nghe nói bên Giang Ðông này có Kiều công nào đó sinh đặng hai người con gái, cô chị là Ðại Kiều, cô em là Tiểu Kiều, cả hai đều có dung nhan chim sa cá lặn với vẻ yểu điệu nguyệt thẹn hoa nhường. Nên Tào Tháo thề rằng: “Ta một là dẹp an bốn biển, lập nên Ðế nghiệp. Hai là lấy được hai nàng Kiều bên Giang Ðông đem về để vào đài Ðồng Tước, dùng vui lúc tuổi già, dầu có thác ta cũng chẳng hờn.” Nay Tào Tháo tuy dẫn binh trăm vạn, lườm lườm như cọp gầm, muốn nuốt Giang Ðông, chứ thật ra chỉ vì hai người con gái ấy mà thôi. Sao Tướng quân chẳng đi tìm Kiều công, bỏ ra ngàn lượng vàng, mua lấy hai người con gái ấy, rồi đem sang sông nạp cho Tào Tháo. Tháo được hai mỹ nữ ấy, ắt hả hê vui sướиɠ mà rút quân lập tức. Ðó là cái kế “Phạm Lãi dâng Tây Thi”, nên làm ngay đi thôi!
Châu Du nghe qua, tái mặt, vặn hỏi:
– Tào Tháo muốn được hai nàng Kiều, vậy có gì làm bằng chứng?
Khổng Minh nói:
– Con trai nhỏ của Tào Tháo là Tào Thực tự là Tử Kiến, có tài hạ bút thành văn. Khi xây xong đài Ðồng Tước, Tào Tháo có sai làm một bài phú gọi là Ðồng Tước đài phú. Trong bài phú ấy, ý hắn muốn làm Thiên tử, lại thề bắt hai nàng Kiều.
Châu Du hỏi:
– Tiên sinh có nhớ bài phú ấy không?
Khổng Minh đáp:
– Vì lời văn rất hoa mỹ, tôi đọc thấy cũng thích, nên đã thuộc lòng.
Châu Du liền nói:
– Xin tiên sinh đọc thử xem nào.
Khổng Minh liền hắng giọng đọc bài ” Ðồng tước đài phú” một thôi như sau:
Noi gương đức Thánh quân sáng rỡ,
Lên đài cao hớn hở mộng tình.
Xưa kia Thái Thú hòa mình,
Chăn dân đem lại thái bình nơi nơi.
Dựng lên giữa lưng trời bát ngát,
Một đài cao uy khí hiên ngang.
Trập trùng một vẻ mỹ quang,
Gác cao, hồ rộng nhìn sang hướng Ðoài.
Giòng Chương thủy chảy dài uốn khúc,
Dưới vùng cây hoa quả tốt tươi.
Hai bên sừng sững hai đài,
Ngọc long, kim phượng sáng ngời ánh dương.
Tìm hai Kiều phương Nam về sống,
Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân.
Trên cao nhìn xuống cõi trần,
Ðế đô mấy lớp, mây tầng bao quanh.
Mừng thấy cảnh hùng anh tụ họp,
Nhớ tích xưa, uy dũng Văn Vương.
Ðài cao, ngọn gió đưa hương,
Muôn chim chào đón, gió sương chan hòa.
Cảnh đẹp tợ một tòa cung điện,
Phúc nhà may ứng hiện về sau.
Huy hoàng vũ trụ nhiệm màu,
Hết lòng cung kính, nguyện cầu thế nhân.
Noi Tần, Tấn nghĩ mình hưng thịnh,
Phò Thánh minh cùng sánh công lao.
Ðẹp như hoa gấm, trời sao,
Ơn sâu nhuần thấm, đức cao xa đồn.
Phò tán đấng chí tôn gìn giữ,
Xây thái bình thịnh trị muôn nơi.
Phép trời không vẻ đổi đời,
Âm dương chiếu rọi, nơi nơi an hòa.
Tôn quý ấy truyền xa mãi mãi,
Vẫn trường tồn mãi với chúa Xuân.
Long kỳ ngự buổi an nhàn,
Hoặc khi vội vã, xe loan trở về.
Ơn giáo hóa tràn trề bốn biển,
Vui mừng thay quốc thái, dân an.
Ðài cao mãi mãi hiên ngang,
Ðiểm tô kim cổ son vàng thắm tươi.
Bài phú này thực ra đã bị Khổng Minh sửa đổi câu thứ bảy. Nguyên văn câu này của Tào Thực là:
Bắc hai cầu Ðông, Tây nối lại,
Như cầu vồng sáng chói không gian…
Nhưng Khổng Minh muốn chọc tức Châu Du nên đã đã đổi ra là:
Tìm hai Kiều phương Nam về sống,
Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân…
Châu Du nghe xong bài phú, đùng đùng nổi giận, đứng phắt dậy trỏ tay về phía Bắc, nghiến răng trợn mắt mắng lớn:
– Thằng giặc già dám khinh ta như thế à! Ta thề gϊếŧ nó!
Khổng Minh làm bộ đứng dậy can:
– Xin ngày đừng nóng giận. Xưa mọi Ðơn Vu mấy phen xấm lấn bờ cõi, Thiên tử nhà Hán còn phải đem công chúa mà hòa thân thay, huống chi nay chỉ có hai người con gái của dân gian, giá đáng là bao nhiêu mà tiếc như vậy?
Châu Du uất ứ nói:
– Ông có nhiều chỗ chưa hiểu, Ðại Kiều là chính phối của Tôn Bá Phù tướng quân, còn Tiểu Kiều chính là vợ của tôi đấy!
Khổng Minh giả bộ sợ hãi, vội chắp tay nói:
– Quả tình Lượng không biết! Trót mở miệng nói càn, tội thật đáng chết! Ðáng chết!
Châu Du căm gan tím ruột, nghiến răng nói:
– Ta thề không đội trời chung với thằng Tào tặc!
Khổng Minh còn cố khích thêm một câu:
– Việc này phải nghĩ cho chính đã. Chớ nóng nảy mà hối về sau.
Châu Du hăng máu lên, nói:
– Ta vâng lời Bá Phù ký thác, lẽ nào đi uốn mình hàng giặc Tháo! Những lời ta nói hồi nãy là để thử ý nhau đấy chứ! Ngay từ lúc rời Ba Dương Hồ về đây, ta đã có chủ trương Bắc phạt rồi. Dẫu dao búa kề đầu, ta quyết không đổi chí. Mong tiên sinh giúp cho một tay, cùng phá giặc Tháo.
Khổng Minh lòng vui như mở cờ, liền nói:
– Nếu như Ðô Ðốc đã quyết lòng, tôi nguyện ra sức khuyển mã, sớm tối bày mưu dưới trướng để trừ Tào tặc.
Châu Du nói:
– Ngày mai vào yết kiến Chúa công, lập tức thương nghị việc khởi binh vấn tội Tào Tháo.
Khổng Minh và Lỗ Túc đều từ tạ Châu Du mà lui ra, rồi chia tay nhau về.
Hôm sau, trời vừa hừng sáng, Tôn Quyền thăng đường tụ tập các quan văn võ. Bên tả có bọn quan văn Trương Chiêu hơn ba mươi người sắp hàng. Bên hữu có bọn võ tướng Trình Phổ, Hoàng Cái, cũng trên ba mươi người, ai nấy đều áo mũ chỉnh tề, gươm đeo sủng soảng, theo thứ tự mà đứng.
Ðược một lát, Châu Du vào bái kiến.
Tôn Quyền hỏi thăm ủy lạo mấy lời xong, Châu Du liền hỏi:
– Vừa rồi, nghe Tào Tháo đem quân đóng nơi Hán Thượng, lại sai người đem hịch sang đây chiêu dụ. Chẳng hay tôn ý của Chúa công như thế nào?
Tôn Quyền nói:
– Văn võ nghị kế không đồng, còn ta thì chưa quyết nên mới mời Tướng quân về đây để thương nghị.
Nói rồi Tôn Quyền liền đưa tờ hịch cho Châu Du xem.
Châu Du đọc xong, rồi cười nhạt, nói:
– Tào tặc coi Giang Ðông không người sao mà dám vô lễ làm nhục chúng ta thế này?
Tôn Quyền hỏi:
– Ý khanh thế nào?
Châu Du hỏi lại:
– Chúa công đã thương nghị với các quan văn võ chưa?
Tôn Quyền nói:
– Có, nhưng kẻ thì khuyên hàng, người lại khuyên đánh, ta chưa biết nên thế nào, nên phải chờ Công Cẩn về quyết định cho.
Châu Du nét mặt hơi giận nói:
– Ai khuyên Chúa công hàng?
Tôn Quyền nói:
– Bọn Trương Tử Bố đều một ý khuyên thế.
Châu Du quay lại vặn hỏi Trương Chiêu:
– Xin cho nghe cái lý luận chủ hàng ra sao?
Trương Chiêu nói:
– Tào Tháo hϊếp Thiên tử để đánh dẹp bốn phương, động một chút là lấy danh nghĩa triều đnh. Mới đây, Tào Tháo lại chiếm được Kinh châu, oai thế lừng lẫy. Giang Ðông ta chỉ trông cậy sông Trường giang để chống Tháo. Nay Tháo đã có trăm ngàn chiến thuyền, hai mặt thủy lục cùng tiến, ta chống sao nổi? Chi bằng hãy cứ cầu hàng, rồi sau sẽ tính kế.
Châu Du nói như mắng vào mặc Trương Chiêu:
– Ấy là lời luận của bọn hủ nho đó. Ðất Giang Ðông kế nghiệp đã ba đời rồi, lẽ nào không đánh một trận lại dâng cho kẻ khác?
Tôn Quyền hỏi:
– Như vậy ý khanh như thế nào?
Châu Du nói:
– Chúa công đừng lo. Tào Tháo tuy mang danh nghĩa Hán tướng, nhưng kỳ thực là Hán tặc. Với hùng tài thần võ, Chúa công nối nghiệp của cha anh, có sẳn đất Giang Ðông binh tinh lương đủ, đáng lý còn phải vùng vẫy dọc ngang thiên hạ, trừ tàn diệt bạo cho xã tắc nữa, lẽ nào lại hàng giặc bao giờ? Vả lại, Tháo đem quân đến đây, đã phạm nhiều điều kỵ của nhà binh. Nhất là phía Bắc chưa yên, Mã Ðằng, Hàn Toại đang chờ cơ hội để đánh úp Hứa Ðô, Tào Tháo lại quên mối lo ấy, kéo đi Nam chinh lâu ngày, đó làm một điều kỵ. Binh Bắc không quen thủy chiến, Tào Tháo lại bỏ yên cương xuống thuyền khai chiến với Ðông Ngô, đó là hai điều kỵ. Nay lại đến tiết đông lạnh lẽo, ngựa thiếu cỏ ăn, ấy là ba điều kỵ. Lùa hết sĩ tốt bên Trung quốc sang đây, lặn lội sông hồ, bất phục thủy thổ, bệnh tật sẽ phát sinh truyền nhiễm, đó là bốn điều kỵ. Binh Tào chịu bốn điều kỵ như vậy, dầu có mạnh đến đâu cũng không đáng lo. Lúc này chính là cơ hội để Chúa công bắt sống Tào Tháo. Du này quyết vì Chúa công, xin dẫn ít vạn quân tiến đóng nơi Hạ Khẩu mà phá tan quân giặc.
Tôn Quyền nghe xong, vùng đứng dậy, lớn tiếng nói:
– Tào Tháo là đứa nghịch thần, muốn phế bỏ nhà Hán để tự lập từ lầu, nhưng còn sợ có hai nhà họ Viên, Lữ Bố, Lưu Biểu, và Cô Gia này, nên nó chưa dám. Nay mấy tay hùng lược kia đã mất, chỉ còn một mình Cô Gia. Cô Gia thề không cùng đứng trên đời với tên giặc Tháo. Khanh nói nên đánh, rất hợp ý Cô Gia. Thật là trời đã đem khanh mà ban cho Cô Gia vậy.
Châu Du nói:
– Tôi nguyện vì Chúa công, quyết một trận huyết chiến với giặc để bảo vệ bờ cõi, dù muôn thác cũng không nề. Chỉ sợ Chúa công còn hồ nghi chưa quyết mà thôi.
Tức thì Tôn Quyền rút thanh bảo kiếm đang đeo, chém sạt một góc cái bàn trước mặt, nói:
– Từ nay nếu ai có ý muốn hàng Tào Tháo thì như cái bàn này!
Nói rồi trao cho Châu Du thanh gươm ấy, lại phong cho Châu Du làm Ðại Ðô Ðốc, Trình Phổ làm Phó Ðô Ðốc, Lỗ Túc làm Tham Quân Hiệu Úy, còn các văn quan võ tướng, ai mà chẳng tuân theo hiệu lệnh, cứ dùng gươm ấy mà chém đi hết.
Châu Du thọ lãnh gươm rồi liền quay lại nói với các tướng:
– Nay ta vâng lệnh Chúa công xuất quân đánh Tào, ngày mai các tướng phải tề tựu đủ mặt tại hành dinh ngoài bờ sông để nghe lệnh. Nếu ai trái lệnh hoặc sơ sót, cứ chiếu theo bảy điều cấm lệnh với năm mươi bốn tội tử hình trong đó mà thi hành.
Nói rồi Châu Du liền từ tạ Tôn Quyền, ra khỏi Tướng phủ, còn các quan văn võ cũng đều làm thinh, ai về dinh nấy.
Châu Du về dinh sai người mời Khổng Minh đến bàn việc.
Khổng Minh vừa đến nơi, Du hỏi:
– Hôm nay cuộc công nghị tại Tướng phủ đã xong. Xin tiên sinh giúp cho kế sách phá Tào Tháo.
Khổng Minh nói:
– Trong lòng Tôn Tướng quân còn chưa yên, thì chưa thể quyết định mưu kế gì bây giờ được.
Châu Du hỏi:
– Thế nào là lòng chưa yên?
Khổng Minh đáp:
– Lòng Tôn Tướng quân còn ngại binh Tào nhiều, binh mình ít, nên sợ địch không lại. Vậy Ðô Ðốc hãy vào phủ, nói rõ quân số của Tào Tháo cho hết nghi ngờ, thì việc lớn mới thành được.
Châu Du nói:
– Lời tiên sinh rất phải. Tôi phải vào nói lại mới xong.
Liền vào ra mắt Tôn Quyền trong lúc đêm khuya. Tôn Quyền hỏi:
– Công Cẩn có việc chi cần lại vào lúc này?
Châu Du nói:
– Ngày mai xuất binh đánh Tào Tháo, Chúa công có điều gì nghi ngại không?
Tôn Quyền thực thà đáp:
– Ta chỉ lo một điều là binh số ta kém hơn Tào Tháo, e đánh không lại. Ngoài ra không còn điều chi nghi ngại nữa.
Châu Du mỉm cười nói:
– Thật quả như lời tôi dự đoán. Bởi Chúa công thấy hịch văn của Tào Tháo nói binh bộ, binh thủy của hắn hơn trăm vạn, nên Chúa công cứ nghi ngại mãi trong lòng. Nếu xét ra cho đúng, bên Trung quốc, hắn đem qua độ mười lăm vạn mà thôi, nhưng vì đi xa quá nhiều, nay binh đó đã mệt mỏi hết sức lực. Còn binh Viên Thiệu được bảy, tám vạn là cùng, nhưng chúng chưa thật hàng phục. Xét hai điều ấy, dù binh Tào có nhiều đi chăng nữa cũng không đáng sợ. Ta xuất năm vạn binh cũng dư sức thủ thắng. Xin Chúa công an dạ.
Tôn Quyền vỗ vào lưng Châu Du mà nói:
– Lời Ðô Ðốc thật đáng ngàn vàng, nay ta đã hết lo ngại rồi. Bọn Tử Bố vô mưu, làm cho ta thất vọng quá. Duy có khanh và Tử Kính là đồng tân với ta thôi. Vậy khanh hãy cùng với Tử Kính, Trình Phổ cứ phát binh tiến trước ngay đi. Ta sẽ đem quân mã tiếp viện và tải nhiều lương thảo tới làm hậu ứng cho khanh. Nếu như tiền quân của khanh gặp điều gì bất như ý thì đã có ta. Ta quyết liều thân tử chiến với Tào tặc một phen cho hắn hết khinh dễ.
Châu Du từ tạ lui về và thầm nghĩ:
– Gia Cát Lượng biết tận đáy lòng Ngô Hầu, tài trí lại hơn ta, sau này ắt là mối nguy cho Giang Ðông. Chi bằng ta gϊếŧ quách hắn đi thì hay hơn.
Nghĩ rồi ngay đêm ấy Châu Du liền cho người mời Lỗ Túc đến và nói:
– Ta xem Gia Cát Lượng là người tài năng xuất chúng, nếu để hắn ắt sau này có hại cho Ðông Ngô. Chi bằng gϊếŧ quách hắn đi để khỏi sanh hậu hoạn.
Lỗ Túc nói:
– Không nên đâu. Binh Tào chưa trừ được, nay Ðô Ðốc lại đòi gϊếŧ hiền sĩ thì có khác gì mình tự chặt cánh tay?
Châu Du do dự:
– Nhưng để hắn giúp Lưu Bị, ắt gây hậu hoạn cho Giang Ðông.
Lỗ Túc vội nói:
– Tôi có một kế ắt chinh phục Khổng Minh về giúp ông Ngô được.
Châu Du hỏi:
– Kế ấy như thế nào?
Lỗ Túc nói:
– Nay Ðông Ngô có Gia Cát Cẩn là anh của hắn, đang lãnh chức Tham mưu. Vậy phải sai Gia Cát Cẩn đến đó dùng tình cốt nhục mà dụ hắn về giúp cho chúng ta thì hay hơn.
Châu Du nói:
– Nếu kế ấy thành công thì hay lắm.
Sáng hôm sau, Châu Du tới hành dinh, bước lên ngồi cao trên trướng trung quân, quân đao phủ đứng dàn hàng hai bên. Các quan văn võ tề tựu dưới trướng nghe lệnh.
Bấy giờ chỉ có Trình Phổ vì lớn tuổi hơn Châu Du mà phải ở dưới quyền Du nên trong lòng bất bình, hôm ấy cáo bệnh không đến, sai con trưởng là Trình Tư đi thay.
Châu Du hạ lệnh cho chư tướng:
– Quân pháp không kể tình thân, chư tướng ai phải giữ bổn phận nấy. Hiện nay Tào Tháo lộng quyền quá Ðổng Trác ngày trước, giam cầm Thiên tử ở Hứa Xương, kéo bạo quân tới bờ cõi. Nay ta vâng mệnh chinh phạt, các tướng phải cố gắng quyết chiến. Ðại quân đến đâu, không được nhiễu dân, thưởng công phạt tội, nhất nhất đều phải công minh, không được tư vị ai cả.
Châu Du truyền lệnh xong rồi liền sai Hàn Ðương, Hoàng Cái làm Tiền bộ tiên phong, thống lãnh bản bộ chiến thuyền, nhổ neo ngay hôm ấy, kéo đến Tam giang khẩu hạ trại trước để chờ tướng lệnh.
Lại sai Tưởng Khâm, Châu Thái lãnh đội thứ hai.
Lăng Thống, Phan Chương lãnh đội thứ ba.
Thái Sử Từ, Lữ Mông lãnh đội thứ tư.
Lục Tốn, Ðổng Tập lãnh đội thứ năm.
Lã Phạm, Chu Trị làm Tứ phương tuần cảnh sứ, đi đốc thúc quan quân khắp sáu quận.
Quân thủy lục cùng tiến, hẹn ngày hội họp đông đủ.
Ðiều khiển xong rồi, các tướng ai lo phần nấy, về sắm sửa chiến thuyền và quân cụ để lên đường.
Trình Tư về nhà thuật lại cho cha biết:
– Châu Ðô Ðốc điều động binh tướng đúng phép tắc như thế.
Trình Phổ nghe qua, giật mình nói:
– Trước nay ta vẫn coi Châu lang là kẻ thư sinh nhu nhược, không thể làm chủ tướng, thế mà nay biết điều bát như vậy thật giỏi thay! Thật đáng tài đại tướng, lẽ nào ta chẳng phục tùng?
Liền thân hành tới dinh tạ tội. Châu Du cũng khiêm tốn tạ lại.
Hôm sau, Châu Du cho mời Gia Cát Cẩn tới, nói:
– Lệnh đệ Khổng Minh thật có tài đồ vương định bá, sao lại khuất thân đi thờ Lưu Bị, thật là đáng tiếc! May thay, nay đã tới Giang Ðông, vậy muốn phiền ông tới thuyết dụ cho lệnh đệ bỏ Lưu Bị, về thờ Ðông Ngô. Như thế Chúa công được người tài phò tá, mà anh em ông được sớm tối gần nhau, há chẳng hay lắm ru? Xin ông đi giúp cho việc này.
Gia Cát Cẩn nói:
– Từ khi Cẩn này đến Giang Ðông, hổ vì chưa lập được chút công. Nay Ðô Ðốc đã sai khiến, há dám không hết sức?
Gia Cát Cẩn nói rồi liền từ giữ Châu Du, lên ngựa đi thẳng đến quán dịch tìm gặp Khổng Minh.
Khổng Minh hay được tin, rước vào khóc lạy. Anh em vừa hàn huyên mấy câu, Cẩn đã rưng rưng nước mắt, sụt sịt khóc, hỏi rằng:
– Em biết việc Bá Di, Thúc Tề chăng?
Khổng Minh thầm nghĩ:
– Ðây chắc là Châu Du sai anh ta đi dụ ta đây!
Nghĩ rồi liền đáp:
– Thưa anh, Di, Tề là hai người hiền xưa.
Gia Cát Cẩn lại nói:
– Bá Di, Thúc Tề tuy phải chết đói dưới núi Thủ Dương mà anh em không n ỡ lìa nhau. Nay anh em ta cùng ruột cắt ra, cùng chung sữa mẹ, mà mỗi người lại thờ một chúa, cách biệt đôi nơi, sớm tốt không được thấy mặt nhau, sánh với Bá Di, Thúc Tề thì chẳng hổ lắm sao?
Khổng Minh đáp:
– Lời anh nói đó là tình, còn việc em giữ đây là nghĩa. Anh với em đều là tôi của nhà Hán. Nay Lưu Hoàng thúc là con cháu tôn thất, nếu anh bỏ được Ðông Ngô về làm tôi Hoàng thúc, thì trông lên không hổ thẹn là kẻ bề tôi nhà Hán, mà trông lại thì anh em chúng ta sẽ được gần gũi nhau, tình nghĩa vẹn toàn cả hai. Chẳng hay ý anh ra sao?
Gia Cát Cẩn ngao ngán nghĩ thầm:
– Ta đến dụ hắn, té ra ta lại bị hắn dụ!
Ðành ngồi im, chẳng biết nói sau nữa. Lát sau, Cẩn đứng dậy từ biệt, về gặp Châu Du, cứ thật thà kể lại những lời Khổng Minh đã nói.
Châu Du hỏi:
– Ý ông như thế nào?
Cẩn thưa:
– Tôi thọ ơn Tôn Tướng quân rất hậu, lẽ đâu lại bội phản?
Châu Du nói:
– Ông có lòng trung thờ chúa như thế là hay lắm rồi. Thôi, chẳng phiền ông phải khó nhọc nữa. Ta đã có kế thu phục Khổng Minh…
Ðó chính là:
Trí với trí, dễ bề hòa hợp,
Tài gặp tài, khó nỗi dung nhau.