- 🏠 Home
- Kiếm Hiệp
- Cổ Đại
- Tam Quốc Diễn Nghĩa
- Chương 25: Núi Thổ San, Quan Công Giao Ba Việc Thành Bạch Mã, Tào Tháo Mở Trùng Vây
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Chương 25: Núi Thổ San, Quan Công Giao Ba Việc Thành Bạch Mã, Tào Tháo Mở Trùng Vây
Lúc ấy Trình Dục dâng kế:
– Vân Trường sức đánh muôn người, không dùng kế khó thắng. Nay phải sai quân của Lưu Bị mới đầu hàng vào Hạ Bì ra mắt Quan Công, và nói dối là: “Trốn được mà về”, rồi dùng chúng làm nội ứng. Lại sai người khiêu chiến dụ hắn đến một chỗ xa, chận đường về mới mong dụ hắn được.
Tào Tháo nghe theo kế ấy liền sai mấy mươi binh Từ Châu trở về Hạ Bì đầu Quan Công.
Quan Công thấy binh của mình, lưu dùng ngay không nghi ngờ gì cả.
Hôm sau, Hạ Hầu Ðôn dẫn năm ngàn binh đến khiêu chiến, Quan Công không thèm ra.
Hạ Hầu Ðôn truyền quân sĩ đứng ngoài thành kêu Quan Công nhiếc mắng cả ngày.
Quan Công tức giận dẫn ba ngàn quân ra thành đánh.
Ðánh được chừng vài mươi hiệp, Hạ Hầu Ðôn quày ngựa bỏ chạy.
Quan Công rượt theo được chừng hai mươi dặm, sợ Hạ Bì sơ thất nên quày ngựa trở lại không theo nữa. Nhưng đã muộn!
Một tiếng pháo lệnh nổ vang.
Bên tả có Từ Hoảng đổ ra, bên hữụ có Hứa Chữ đánh chận. Hai cánh quân bít hẳn đường về.
Quan Công mở đường máu thoát thân, nhưng hai bên cung nỏ đã chực sẵn, bắn như mưa, không sao qua thoát.
Quay binh lại thì Từ Hoảng, Hứa Chữ lại tiếp chiến kịch liệt.
Quan Công ráng sức đánh vùi, hai tướng phải lui, rồi toan dẫn quân về Hạ Bì.
Nhưng Hạ Hầu Ðôn lại chận đường tiếp đánh Quan Công đánh từ sáng đến tối, không tìm ra đường về, đành lên chót núi Thổ San đóng binh lại đó tạm nghỉ.
Binh của Tào Tháo trùng trùng điệp điệp kéo đến vây chặt Thổ San.
Quan Công đứng trên núi, trông về Hạ Bì thấy trong thành ánh lửa rực trời.
Thì ra, lúc ấy quân trá hàng đã mở trộm cửa.
Tào Tháo thân hành đem đại quân tiến vào thành, sai đốt lửa, cốt làm cho Quan Công nao lòng rối ruột.
Quả nhiên, Quan Công thấy lửa cháy ở Hạ Bì rất sợ hãi, một đêm xung sát mấy lần xuống núi, nhưng đều bị loạn tên từ dưới bắn lên không sao thoát khỏi vòng vây.
Ðến lúc mờ sáng, lới toan xông xuống phá vây nữa, bỗng thấy một người cỡi ngựa chạy lên.
Nhìn ra mới biết là Trương Liêu, Quan Công đón hỏi:
– Ngươi là tướng của Tào Tháo, đến đây đánh với ta chăng?
Trương Liêu liền bỏ thương xuống đất, bước xuống ngựa thi lễ, trả lời:
– Không phải.
Quan Công lại hỏi:
– Như vậy thì ngươi đến đây để giúp ta chăng?
Trương Liêu trả lời:
– Không phải.
Quan Công lại hỏi:
– Như vậy ngươi đến đây để dụ ta chăng?
Trương Liêu nói:
– Cũng không phải nữa.
Quan Công đang ngạc nhiên chưa biết ý định của Trương Liêu như thế nào, Trương Liêu đã nói:
– Vì cảm nghĩ ngày trước anh cứu tôi nên tôi đến đây đem tin cho anh rõ.
Quan Công hỏi:
– Tin gì vậy?
Trương Liêu nói:
– Hoàng thúc hiện nay lưu lạc nơi đâu chưa rõ, còn Trương Phi chẳng biết mất còn. Hôm qua Tào Tháo lại lấy được thành Hạ Bì rồi, binh dân đều không bị hại. Gia quyến của Hoàng thúc lại được Tào Tháo bảo vệ tử tế, nên em đến đây đưa tin.
Quan Công nổi giận hét lớn:
– Người lại dám đến đây dụ ta sao? Ta thà chết chớ nhất định không đầu hàng ai cả. Ngươi hãy lập tức về đi, nếu nói một lời nào nữa, ta chém đầu ngay đấy.
Trương Liêu cười, nói:
– Anh nói như vậy anh không sợ người ta cười hay sao? Tôi vì thiên hạ cười anh, đến đây nói cho anh rõ chứ đâu dám dụ anh hàng.
Quan Công hỏi:
– Ngươi nói thiên hạ cười ta việc gì?
Trương Liêu nói:
– Tôi biết anh dõng lực có thừa, song hiện nay thế binh của anh đã tan vỡ, nếu liều chết thật là có tội.
Quan Công hỏi:
– Ta bình sanh không chịu nhục, nay ta ra trận quyết ăn thua với địch, nếu chẳng may thất cơ, ta liều chết để đền nợ nước, sao lại có tội?
Trương Liêu nói:
– Nếu anh liều chết, anh sẽ phạm ba tội.
– Là tội gì, nói thử ta nghe?
Trương Liêu bắt đầu thuyết:
– Anh thử nghĩ xem, Hoàng thúc hiện nay thất lạc, nhưng chí cả chưa đoạt, thế nào cũng cần người nghĩa dũng, nếu sau này Hoàng thúc cần đến mà không có anh tức là anh có tội thứ nhất. Hoàng thúc đã phó thác gia quyến cho anh, nay anh liều chết để mất chỗ nương tựa, không có ai bảo vệ, ấy là tội thứ hai. Anh là một kẻ võ nghệ siêu quần há lại không khuôn phò nhà Hán để danh muôn thuở lại liều thác như thế phỏng có ích gì, đó là tội thứ ba vậy.
Quan Công nghe Trương Liêu nói, thở dài, suy nghĩ giây lát rồi hỏi:
– Ngươi nói ta có ba tội, vậy anh bảo bây giờ ta phải làm thế nào?
Trương Liêu nói:
– Nay bốn phía đều có binh của Tào Công, nếu chống cự e sơ thất, chi bằng hãy tạm đầu hàng Tào Công để nghe ngóng tin tức của Hoàng thúc. Nếu người còn ở nơi nào, anh sẽ đến đó tìm người. Như vậy, một là bảo vệ được hai vị phu nhân, hai là chẳng phụ lời ước thệ ngày xưa, ba là để dành được cái thân hữu dụng này ngày sau giúp nhà Hán. Ba điều ấy xin anh xét lại.
Quan Công nói:
– Ngươi nói ba điều tiện, ta lại có ba điều ước. Nếu Thừa Tướng bằng lòng khứng chịu, ta sẽ cởi giáp hàng, bằng thiếu một điều, ta quyết liều chết mà thôi.
Trương Liêu nói:
– Thừa Tướng độ lượng lắm, có điều chi mà người chẳng chịu.
Quan Công nói:
– Một là, ta với Hoàng thúc có thề với nhau một lòng giúp nhà Hán, nay ta có đầu là đầu Hán đế chớ chẳng phải đầu Tào Tháo. Hai là, xin lấy bổng lộc của Hoàng thúc cấp cho nhị tẩu của ta, lại không một ai được bén mảng đến chỗ ở của nhị tẩu ta. Ba là, khi nào hay được tin anh ta ở đâu, ta lập tức đến đó, dù đường xa ngàn dặm.
Trương Liêu ưng chịu, liền trở về ra mắt Tào Tháo và nói:
– Quan Công chịu đầu song bắt buộc Thừa Tướng nhận chịu ba điều: Thứ nhất là “Ðầu Hán chứ chẳng đầu Tào”.
Tào Tháo cười:
– Ta làm Thừa Tướng cho nhà Hán, đầu Hán tức là đầu ta, việc ấy không can hệ gì.
Trương Liêu lại nói:
– Thứ nhì là xin bổng lộc của Hoàng thúc cấp dưỡng cho nhị tẩu của hắn, lại cấm không cho một kẻ nào được bén mảng đến chỗ ở của nhị tẩu hắn.
Tào Tháo cũng cười, nói:
– Ta sẽ cấp cho gấp hai lần bổng lộc của Hoàng thúc! Còn như việc nghiêm cấm trong ngoài, thì gia pháp xưa nay vẫn thế. Còn phải nghi ngại gì nữa?
Trương Liêu kể tiếp:
– Ðiều thứ ba là lúc nào hắn nghe được Lưu Bị ở đâu, hắn đi ngay dù cho đường xa muôn dặm.
Tào Tháo ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Ðiều ấy thực là khó! Nếu hay được tin Huyền Ðức ở đâu, hắn ra đi, như thế ta nuôi hắn có ích gì?
Trương Liêu lại nói:
– Quan Công sở dĩ trung thành với Huyền Ðức là vì hắn cảm cái tình đối xử của Huyền Ðức mà thôi! Nay nếu Thừa Tướng đối đãi với hắn cũng như Huyền Ðức thì hắn ắt mến phục Thừa Tướng như đã mến Huyền Ðức vậy.
Tào Tháo suy nghĩ một hồi rồi nói:
– Lời Văn Viễn nói rất hay! Ta ưng thuận ba điều ấy.
Tào Tháo liền sai Trương Liêu đến thỉnh Quan Công về.
Trương Liêu liền đến thuật hết các việc cho Quan Công nghe, Quan Công liền nói:
– Tuy vậy, xin Thừa Tướng hãy lui binh, để ta trở về thành hỏi ý kiến của nhị tẩu ta đã rồi sẽ đầu hàng.
Trương Liêu về nói lại. Tào Tháo truyền lui binh hơn hai mươi dặm.
Tuân Húc thất kinh, vào nói với Tào Tháo:
– Không nên, tôi e nó trá hàng chăng?
Tào Tháo nói:
– Vân Trường là người nghĩa khí, hắn chẳng dối gạt đâu.
Quan Công dẫn binh về Hạ Bì thấy nhân dân đâu đó bình yên liền đi thẳng vào phủ ra mắt nhị tẩu.
Cam phu nhân và My phu nhan hỏi:
– Chẳng hay Hoàng thúc nay ở chỗ nào?
Quan Công nói:
– Chưa biết anh ấy chạy về đâu.
Rồi Quan Công đem hết đầu đuôi việc Tào Tháo dụ hàng kể cho nhị tẩu rõ, và lại kể ba điều ước hẹn cho nhị tẩu nghe. Rồi hỏi ý kiến.
Cam phu nhân nói:
– Hôm qua, quân Tào vào thành, chúng tôi tưởng đã không toàn thân. Không ngờ chúng không phạm đến cái tơ cái tóc. Không một tên quân nào dám tại cửa. Nay thúc thúc đã hứa với họ, cứ việc mà làm. Hà tất phải hỏi chúng tôi là bọn đàn bà đâu biết việc lợi hại trong quân binh. Song chúng tôi e ngày sau biết được tin của Hoàng thúc rồi, Tào Tháo không cho đi thì làm sao?
Quan Công nói:
– Việc ấy em đã có cách.
Quan Công từ tạ lui ra, dẫn vài tên quân kỵ vào ra mắt Tào Tháo.
Tào Tháo bổn thân ra khỏi viên môn nghinh tiếp.
Quan Công xuống ngựa thi lễ rồi nói:
– Tôi là tướng bại binh, mong ơn ngài không gϊếŧ.
Tháo nói:
– Tôi ái mộ Vân Trường đã lâu, nay được gặp nhau, thật phỉ tình hoài vọng.
Vân Trường nói:
– Tôi nhờ Văn Viễn xin Thừa Tướng ba điều, ngài đã khứng rồi chớ?
Tào Tháo nói:
– Tôi đã hứa thì có bao giờ nuốt lời?
Quan Công nói:
– Sau này, nếu tôi nghe tin đại ca tôi ở đâu, dù vùi thân trong chỗ nước lửa, tôi cũng phải theo, chừng ấy sợ từ tạ không kịp, cúi xin miễn chấp.
Tào Tháo nói:
– Nếu Huyền Ðức còn, chừng đó ông sẽ đi, nhưng tôi e Hoàng thúc bị loạn quân rồi, xin ông an lòng thủng thỉnh lo liệu.
Quan Công bái tạ.
Tào Tháo liền bày yến tiệc thết đãi.
Hôm sau, Tào Tháo liền truyền lệnh thâu quân về Hứa Xương.
Quan Công liền thỉnh nhị tẩu lên xe rồi tự mình đi theo hộ vệ.
Khi quân đi đến trạm dịch, Tào Tháo truyền quân đóng lại nghỉ ngơi, lại truyền Quan Công ở chung một nhà với nhị tẩu. Ý muốn để cho Quan Công loạn nghĩa quân thần.
Nhưng đêm ấy, Quan Công cầm đuốc đứng trước cửa suốt đêm canh chừng cho nhị tẩu.
Tào Tháo biết được kính phục vô cùng.
Về đến Hứa Xương, Tháo truyền dọn một tư dinh cho gia quyến Huyền Ðức ở.
Quan Công liền phân ra hai viện.
Phía cửa trong đặt mười tên quân canh giữ, còn Quan Công ở nơi nhà ngoài.
Tào Tháo lại dắt Quan Công vào triều yết kiến Hiến Ðế.
Hiến Ðế phong cho làm chức Thiên Tướng quân.
Quan Công tạ ơn rồi lui ra.
Hôm sau, Tào Tháo lại truyền bày tiệc lớn thết đãi.
Bá quan tề tựu đủ mặt.
Tháo liền mời Quan Công ngồi trên.
Tiệc tan; lại sai đem gấm vóc, vàng bạc và đồ trang hoàng ra tặng.
Quan Công đem về giao hết lại cho nhị tẩu.
Từ đó, cứ cách ba ngày Tào Tháo bày một tiệc nhỏ, bảy ngày một tiệc lớn khoản đãi Quan Công.
Lại đưa hai mươi người con gái đẹp đến hầu hạ.
Quan Công liền sai đem vào cho nhị tẩu.
Cứ ba ngày, Quan Công vào một lần đứng vòng tay nơi phía ngoài cửa hỏi:
– Nhị tẩu mạnh chăng?
Nhị tẩu hỏi thăm tin tức của Hoàng thúc xong, rồi nói:
– Thúc thúc cứ tự tiện.
Chừng ấy Quan Công mới lui ra. Tào Tháo hay được việc ấy khen phục Quan Công vô cùng.
Một hôm, Tào Tháo thấy Quan Công mặc chiếc áo màu lục đã bạc màu, liền sai thợ phỏng theo vóc của Quan Công, lựa gấm tới may một chiếc cẩm bào rồi đem cho Quan Công.
Quan Công lãnh lấy đem về rồi mặc vào trong, còn chiếc áo cũ mặc ở ngoài.
Tháo thấy vậy hỏi:
– Sao Vân Trường tiết kiệm thế?
Vân Trường nói:
– Chiếc áo cũ này là của anh tôi cho. Tôi mặc nó ra ngoài cũng như thấy mặt anh tôi vậy. Chẳng dám vì cái áo mới Thừa Tướng vừa ban, mà quên cái cũ của anh cho! Vì thế tôi mặc áo mới vào trong.
Tào Tháo nghe qua khen:
– Thật là nghĩa sĩ!
Tuy ngoài miệng nói thế chớ trong lòng chẳng vui.
Một hôm Quan Công đang ngồi ở Phủ, bỗng có tin báo:
– Hai vị phu nhân chẳng biết có chuyện chi mà khóc lóc nằm lăn dưới đất.
Quan Công vội chỉnh tề khăn áo, vào quỳ phía ngoài cửa hỏi:
– Bẩm nhị tẩu, chẳng hay có việc gì mà bi thương như vậy?
Cam phu nhân sụt sùi nói:
– Ðêm hôm qua, ta nằm chiêm bao thấy Hoàng thúc bị sa dưới hầm, e người đã chết rồi, nên ta buồn và khóc than đó thôi.
Quan Công tìm lời khuyên giải:
– Việc trong mộng mị không thể tin được. Chẳng qua là chị quá tưởng nhớ anh nên mộng mị như vậy. Xin hai chị chớ ưu sầu có hại cho sức khỏe.
Ðang lúc trò chuyện có quân Tào Tháo đến mời Quan Công đi dự yến.
Quan Công từ giã nhị tẩu rồi đến nơi yến đình.
Tào Tháo thấy Quan Công buồn bã liền hỏi:
– Vân Trường có việc chi chẳng được vui.
Quan Công nói:
– Lâu ngày xa cách nên hai chị tôi nhớ anh tôi mà khóc lóc, cho nên tôi cảm động trong lòng.
Tào Tháo nghe nói liền cười, rồi kiếm lời khuyên giải cho khuây lãng, và mời uống rượu.
Qua vài tuần rượu, Vân Trường ngồi nhìn trời, tay vuốt râu nói:
– Sống làm trai mà chẳng được phụng sự quốc gia, bội nghĩa cùng anh, thật uổng thay một đời người!
Tháo thấy Vân Trường buồn liền khéo léo tìm câu hỏi cho khuây:
– Vân Trường có đếm thử râu ước độ được bao nhiêu sợi chăng?
Vân Trường nói:
– Ước chừng vài trăm sợi. Qua tiết đông thiên thường hay rụng nên phải lấy cái túi the bọc ngoài cho nó khỏi rụng.
Tào Tháo liền lấy gấm bông may cho Vân Trường một cái đảy để bọc râu.
Ngày nọ trong buổi chầu, vua thấy trước ngực Vân Trường có đeo một cái đảy gấm, làm lạ hỏi:
– Thiên Tướng quân đeo cái đảy ấy chi vậy?
Vân Trường thưa:
– Râu thần dài lắm nên Thừa Tướng ban cho cái đãy để bọc lại.
Vua bảo mở ra cho xem, Vân Trường mở ra, thấy chòm râu dài khỏi bụng.
Vua khen:
– Ðúng là Mỹ nhiệm công!
Bởi thế Vân Trường có tên Mỹ nhiệm công (ông râu đẹp).
Một ngày kia, Tào Tháo mời Vân Trường đến dự yến, Tháo thấy ngựa Vân Trường ốm mới hỏi duyên cớ.
Vân Trường đáp:
– Vì người tôi hơi nặng, nên cỡi con nào cũng chóng gầy.
Tào Tháo lập tức sai quân dẫn đến một con ngựa sắc đỏ như than lửa, hình thù cực kỳ hùng vĩ, chỉ cho Vân Trường xem và nói:
– Vân Trường biết con ngựa này chăng?
Quan công xem rồi nói:
– Nó là con Xích Thố của Lữ Bố.
– Chính là nó đấy.
Nói rồi sai đem yên cương ra đóng, tặng cho Quan công, Quan công phục lạy tạ ơn.
Tháo tỏ vẻ không bằng lòng, hỏi:
– Ta đã bao phen trao tặng nào là mỹ nữ, nào là vàng bạc, nào là gấm vóc, sao chẳng thấy Vân Trường vui, nay cho con ngựa này mà Vân Trường lại tạ ơn hậu như vậy?
Quan công nói:
– Tôi biết con ngựa quý này ngày đi ngàn dặm. Nay được ơn ban, nếu biết anh tôi ở đâu, tôi có thể đi một này là gặp.
Tháo nghe qua sực tỉnh, bấy giờ mới thấy hối tiếc.
Quan công từ tạ lên ngựa ra về.
Người sau có thơ khen: ????
Sau khi cho ngựa, Tháo hối hận, buồn rầu hỏi Trương Liêu:
– Ta chẳng hề bạc đãi Vân Trường, sao hắn cứ nghĩ đến chuyện ra đi mãi là cớ chi?
Trương Liêu nói:
-Xin để tôi dọ hỏi thử lòng hắn coi.
Hôm sau, Liêu đến thăm Quan công, thi lễ xong, Liêu hỏi:
– Từ khi tôi tiến cử anh với Thừa Tướng, anh có điều gì bất như ý chăng?
Quan công đáp:
– Tôi rất cảm hậu ân của Thừa Tướng, chẳng còn thiếu gì. Chỉ hiềm thân tuy ở đây, mà lòng quá nhớ Hoàng thúc không phút nào quên được!
– Anh nghĩ thế là sai. Bậc trượng phu xử thế phải biết cân nhắc khinh trọng. Huyền Ðức đãi anh vị tất đã hậu bằng Thừa Tướng. Sao anh chỉ nghĩ đến việc ra đi?
Quan công nói:
– Tôi vẫn biết Tào công đãi tôi quá hậu, hiềm vì tôi đã chịu ơn Hoàng thúc từ xưa, thề cùng sống chết, không thể đổi lòng. Thế nào rồi tôi cũng không ở đây lâu, nhưng tôi phải lập chút công báo đáp Thừa Tướng đã, rồi mới ra đi.
Trương Liêu vội hỏi:
– Nếu Huyền Ðức đã qua đời thì anh về đâu?
– Ðành theo xuống tuyền đài!
Liêu biết không thể nào giừ nổi Vân Trường, liền cáo từ, trở về nói lại với Tào Tháo. Tháo tuy chẳng vui song lòng khâm phục. Tháo nói:
– Thờ chúa chẳng quên căn bổn, ấy thật là người nghĩa sĩ trong thiên hạ.
Tuân Húc nói:
– Vân Trường nói sẽ lập công rồi mới đi. Vậy ta đừng để hắn trả ơn thì hắn chưa đi được.
Tào Tháo khen phải. Sau đó bá quan ai về dinh nấy.
Nói về Huyền Ðức từ khi về ở với Viên Thiệu, ngày ngày buồn bực không an. Viên Thiệu thấy vậy hỏi:
– Huyền Ðức có gì buồn bực vậy?
Huyền Ðức đáp:
– Hai em tôi lâu nay chẳng biết tin tức, vợ con lại ở trong tay Tào tặc chẳng biết lành dữ ra sao. Trên chẳng được đền nợ nước, dưới giữ chẳng được cửa nhà lẽ nào lại không lo.
Viên Thiệu nói:
– Nay tiết xuân hòa hườn, tôi muốn cử binh đi đánh Tào Tháo ước có được chăng?
Ðiền Phong nghe nói liền bàn:
– Lúc trước Tào Tháo mắc đi đánh Từ châu, Hứa Ðô bỏ trống, sao không nhân cơ hội ấy mà đánh. Nay nó đã lấy được Từ châu rồi, tướng sĩ thêm mạnh, ta chớ nên khinh động.
Viên Thiệu nói:
– Ðể ta nghĩ lại xem thế nào!
Rồi hỏi Huyền Ðức:
– Ðiền Phong khuyên ta cố thủ, nên chăng?
Huyền Ðức nói:
– Tào Tháo là đứa khi quân, nếu Minh công không đánh để giành lấy đại nghĩa, tôi e mất cơ hội?
Viên Thiệu khen phải, liền muốn hưng binh.
Ðiền Phong lại cản nữa.
Thiệu tức giận mắng:
– Bọn ngươi cứ khoe việc văn không kể gì đến việc võ. Ngươi làm cho ta mất việc đại nghĩa.
Ðiền Phong cứ cản mãi, Viên Thiệu nổi giận toan đem chém.
Huyền Ðức can rằng:
– Xin Minh công chớ nóng giận, làm hại mưu sĩ không hay.
Viên Thiệu liền truyền đem hạ ngục.
Thư Thọ thấy Ðiền Phong bị hạ ngục, liền về hội họp cả nhà cùng anh em họ hàng, rồi đem gia sản chia hết cho mọi người, dặn dò như vĩnh biệt:
– Tôi theo đại quân đi phen này, nếu thắng uy danh lừng lẫy, còn như bại ắt không có đất chôn.
Cả họ đều ứa nước mắt tiễn đưa.
Bấy giờ Viên Thiệu sai đại tướng Nhan Lương làm tiên phong đến đánh thành Bạch Mã.
Thư Thọ lật đật cản ngăn:
– Nhan Lương tánh không được rộng rãi, tuy có sức mạnh song gánh vác việc lớn một mình không được.
Viên Thiệu đáp:
– Ta biết tài của tướng ta lắm, ngươi làm sao biết được?
Quan Thái thú Ðông quận là Lưu Giêng hay được tin ấy liền sau người về Hứa Xương cấp báo với Tào Tháo.
Tào Tháo liền thương nghị hưng binh cự địch.
Quan Công vào trướng phủ thưa cùng Tào Tháo:
– Nghe Thừa Tướng khởi binh nên xin đi tiền bộ.
Tào Tháo nói:
– Tôi chưa dám phiền đến Tướng quân. Vậy lúc nào cần thì sẽ nhờ đến.
Quan Công liền lui về.
Tháo liền dẫn binh mười lăm vạn, chia ra làm ba đội kéo đi. Ði dọc đường lại gặp thơ của Lưu Giêng cấp báo liền liền. Tháo vội đem năm vạn quân đi trước đến thành Bạch Mã.
Khi đến nơi thấy tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương bày binh bố trận, binh giáp đâu đó chỉnh tề.
Tào Tháo khen thầm, rồi hỏi:
– Hàng tướng sĩ có ai dám ra đánh với Nhan Lương chăng?
Tống Hiến bước tới xin đi, Tào Tháo mừng rỡ nói:
– Ngươi là đại tướng của Lữ Bố, nếu ra trận ắt thành công.
Tống Hiến lãnh mạng đề thương lên ngựa xông ra trước trận gặp Nhan Lương đánh chưa đầy hai hiệp, Nhan Lương đã chém Tống Hiến một đao rơi đầu xuống đất.
Quân chạy về phi báo, Tào Tháo thất kinh nói:
– Nhan Lương quả là một tay dũng tướng, lời đồn chẳng sai.
Ngụy Tục bước ra nói:
– Nó đã gϊếŧ bạn của tôi, vậy xin cho tôi ra báo thù.
Tháo liền cho đi. Ngụy Tục lên ngựa xông ra trước trận.
Ðánh chưa đầy hai hiệp, Nhan Lương cầm đao nhắm ngay đầu Ngụy Tục xáng xuống.
Ngụy Tục đỡ không nổi nhào xuống ngựa chết.
Tào Tháo kinh hãi nói:
– Thật là dũng tướng đó.
Rồi quay lại hỏi các tướng:
– Còn ai dám ra trận nữa không?
Từ Hoảng bước tới xin đi. Tào Tháo nhận lời.
Từ Hoảng liền cầm thương lên ngựa xông ra.
Nhan Lương cũng chẳng thèm hỏi tên họ cứ việc cầm đao xông tới đánh.
Ðánh vừa được mười hiệp Từ Hoảng cũng không chịu nổi phải quày ngựa chạy tuốt vào thành.
Tào Tháo thấy thiệt luôn hai tướng trong lòng buồn bực, nói:
– Nếu có Nhan Lương cầm binh, e binh ta khó thắng được.
Trình Dục nói:
– Tôi xin tiến cử một người ắt trừ Nhan Lương được:
Tào Tháo hỏi ai, Trình Dục liền nói:
– Nếu không sai Quan Công đi thì chẳng ai dám đánh.
Tào Tháo nói:
– Người ấy có hứa là khi lập được công rồi sẽ đi, nay nếu sai người ấy ra trận mà thắng được, ắt người ấy không chịu ở.
Trình Dục lại nói:
– Huyền Ðức nếu còn ắt đầu Viên Thiệu. Ta sai Quan Công ra trận gϊếŧ tướng của Viên Thiệu, thế nào Viên Thiệu cũng nghi mà gϊếŧ Huyền Ðức.
Nếu Huyền Ðức không còn, sợ gì Quan Công đi nữa.
Tào Tháo khen phải vỗ tay cười, rồi liền cho người đi thỉnh Quan Công đến.
Quan Công tiếp được lệnh liền vào từ giã hai chị. Hai vị Phu nhân nói:
– Thúc thúc đi chuyến này, nhớ dò la tin tức Hoàng Thúc nhé!
Quan Công vâng dạ rồi lui ra, tay cầm Thanh Long đao, lên ngựa Xích Thố dẫn vài người tùy tùng thẳng đến thành Bạch Mã ra mắt Tào Tháo.
Tào Tháo nói:
– Nhan Lương gϊếŧ luôn hai tướng, chẳng ai dám đánh nên phải mời Vân Trường đến đây bàn định.
Quan Công nói:
– Ðể tôi nhìn qua một chút xem sao.
Tháo truyền bày rượu thết đãi. Ðang uống, bỗng có tin báo Nhan Lương kéo quân ra thách đánh.
Tháo liền dẫn Quan Công lên núi để quan sát.
Tháo mời Quan Công cùng ngồi, các tướng đều đứng hai bên.
Tháo thấy Nhan Lương đã bày trận thế, cờ bay rợp trời, bào giáp rực rỡ, đao thương sáng loáng, người như rừng gươm, liền trỏ tay xuống bảo Quan Công:
– Tướng quân coi, binh mã Hà Bắc hùng tráng thế đấy!
Quan Công khẽ nghiêng mắt nói:
– Theo ý tôi thì đó cũng chỉ như loại thảo mộc có chi phải lo.
Tháo lại trỏ tay lần nữa nói:
– Người mặc áo vàng, cầm đao dừng ngựa dưới đám tàn lộng kia, chính là Nhan Lương đấy.
Quan Công đưa mắt nhìn qua một chút rồi bảo Tháo:
– Tôi xem Nhan Lương như đứa dựng nêu bán đầu vậy.
Tháo nói:
– Nó tài lắm đó, chớ có khinh thị.
Quan Công liền đứng dậy nói:
– Tôi tuy bất tài song cũng xin ra trận lấy đầu Nhan Lương đem về nạp cho Thừa Tướng.
Trương Liêu nói:
– Giữa chốn ba quân không nên nói đùa!
Quan Công hăng hái nhảy phóc lên ngựa chạy thẳng xuống núi, trợn đôi mắt phụng, dựng cặp mày tằm, vẹt dùa quân Hà Bắc dường như sóng ngã, gió tan.
Nhan Lương đang đứng dưới cây lọng, thấy Quan Công đến vừa muốn hỏi thì ngựa Xích Thố đã đến trước mặt rồi. Nhan Lương chưa kịp trở tay, Quan Công đưa lưỡi Thanh Long đao chém một đao, Nhan Lương ngã lăn xuống ngựa. Quan Công nhảy xuống đất, cắt lấy thủ cấp, treo dưới cổ ngựa, rồi lại phi thân lên yên, vung đao ra khỏi trận, dễ dàng như vào chỗ không người.
Binh tướng Hà Bắc sợ nhốn nháo cả lên, chưa đánh đã rối loạn.
Quân Tào thừa thế đánh tràn sang, chém gϊếŧ tơi bời, cướp được lừa ngựa, khí giới vô số.
Quan Công phi ngựa lên núi, các tướng đều hết lời khen mừng.
Tào Tháo nói:
– Tướng quân thật là thần nhân đó.
Quan Công nói:
– Tôi đây đã thấm vào đâu. Em tôi là Trương Dực Ðức, nơi chốn trăm muôn binh sĩ, lấy đầu thượng tướng như thò tay vào túi lấy đồ.
Tào Tháo nghe nói thất kinh, liền day lại dặn các tướng sĩ:
– Nếu sau có gặp Trương Dức Ðức, chớ nên đánh với hắn.
Lại truyền mỗi người lấy viết biên nơi bâu áo cho nhớ.
Bấy giờ quân tàn bại của Nhan Lương bỏ chạy về giữa đường, gặp Viên Thiệu liền báo cáo:
– Bẩm Chúa công, có một dũng tướng mặt đỏ râu dài, cầm đạo đao cỡi ngựa xông vào trận, chém mất Nhan Tướng quân rồi!
Thiệu thất kinh hỏi:
– Kẻ nào thế?
Thư Thọ nói:
– Mặt đỏ râu dài, hẳn là Quan Vũ, em Huyền Ðức chứ ai? Thiệu đùng đùng nổi giận, trỏ mặt Huyền Ðức nói:
– Em người gϊếŧ mất tướng yêu của ta, hẳn các ngươi đồng mưu với nhau rồi! Còn để ngươi làm gì nữa?
Mắng rồi thét đao phủ lôi Huyền Ðức ra chém!
- 🏠 Home
- Kiếm Hiệp
- Cổ Đại
- Tam Quốc Diễn Nghĩa
- Chương 25: Núi Thổ San, Quan Công Giao Ba Việc Thành Bạch Mã, Tào Tháo Mở Trùng Vây