Đài truyền hình thành phố Bình Hải.
Kỳ thực tập kết thúc, sau khi Kiều Uyển Lâm nhận được giấy chứng nhận thực tập thì được phân công đến bộ phận phỏng vấn tin tức, nhóm phóng viên số hai.
Trung tâm tin tức chia thành bảy bộ phận, thực hiện gần mười chương trình, trong đó bộ phận phỏng vấn là bôn ba vất vả nhất. Suốt ba tháng thực tập, đến nay Kiều Uyển Lâm vẫn chưa lần nào có cơ hội ăn một bữa cơm đàng hoàng ở căn tin.
Hôm nay rỗi rãi rồi đấy, nhưng mà cậu phải tham dự lễ thành hôn… lần thứ hai của ba mình.
Thật ra từ trước Kiều Uyển Lâm đã trở mặt với Kiều Văn Uyên rồi. Mấy năm học đại học và nghiên cứu sinh cậu không chịu về nhà, Kiều Văn Uyên cũng chẳng nói chẳng rằng, cả hai cha con đều không qua lại với nhau nữa.
Khi chuyện tái hôn là đinh đã đóng cột, hai người kia đăng ký kết hôn luôn rồi thì Kiều Uyển Lâm mới nhận được thông báo của Kiều Văn Uyên. Hơn nữa ông vẫn còn độc tài như xưa, bắt buộc cậu phải đi.
Kiều Uyển Lâm rề rà xuất phát.
Đài truyền hình có ba lô nhà cao tầng, trung tâm tin tức độc chiếm hẳn một lô. Bên trong mới vừa được tân trang, lắp thêm nhiều tấm gương, nghe nói làm như vậy là vì để các nhân viên sau khi thức khuya tăng ca thấy bộ dạng mình nhếch nhác thì kịp thời soi gương sửa soạn, không làm ảnh hưởng đến hình tượng đài truyền hình.
Cậu soi gương một lát, áo thun là kiểu dáng năm ngoái, quần bò giặt tẩy đến bạc màu, được cái giày thể thao là phiên bản giới hạn, nhưng dây giày mới giặt chưa khô nên chỉ buộc kiểu thông thường nhất. Từ đầu tới chân cậu đều hết sức đơn giản, cậu cảm thấy bộ đồ này vô cùng thích hợp để tham dự lễ thành hôn của ba ruột mình.
Điện thoại đổ chuông, Kiều Văn Uyên gọi tới thúc giục.
Trong thang máy tín hiệu kém, Kiều Uyển Lâm bắt máy nhưng không nghe, bỏ lại vào túi quần, đến lầu một ra khỏi thang máy mới móc ra bảo: “Được rồi, biết rồi.”
Kiều Văn Uyên hỏi: “Con biết cái gì?”
Bên đường có một chiếc xe Audi đỗ lại, Kiều Uyển Lâm tắt điện thoại, mở cửa xe ra ngồi vào ghế phụ lái. Tài xế là một cô nàng thanh tú, cô là người chị họ lớn hơn cậu bốn tháng tuổi, Diêu Phất.
Kiều Uyển Lâm mở bản đồ ra: “Chị, khách sạn Vienna.”
Trước khi khởi động xe, Diêu Phất đưa cho cậu một bao lì xì đỏ và một bó hoa tươi, nói: “Em đưa tiền mừng cho cậu đi.”
“Tái hôn mà cũng đi tiền mừng nữa hả?” Kiều Uyển Lâm nói, “Chị tự đưa ổng đi.”
Diêu Phất nói: “Mẹ chị đi công tác, lát nữa chị còn đi gặp khách hàng, không tham dự lễ cưới được.”
Kiều Uyển Lâm hỏi: “Vậy em đi một mình à?”
Diêu Phất cười hả hê khi thấy cậu gặp họa: “Tuy là không thể chia sớt nỗi lúng túng cùng em, nhưng chị đã chuẩn bị cho em một bó hoa rồi nè.”
Kiều Uyển Lâm hỏi: “Em cầm hoa làm gì?”
Diêu Phất đạp chân ga tiến vào đường lớn Tây Tân: “Chị cố ý chọn hoa lưu ly mang ý nghĩa ‘Xin đừng quên tôi’, em tặng cho cậu, ám chỉ ba cưới vợ mới rồi cũng đừng quên con trai ruột.”
Bên đường, những ngọn bá hương cao vυ"t phất phơ trong gió, Kiều Uyển Lâm tựa đầu vào cửa sổ xe ngắm cảnh. Khi sống mũi thẳng tắp chạm vào ô cửa kính nóng hầm hập, cậu mới nhận ra thời tiết hôm nay thật đẹp, rất thích hợp tổ chức đám hỉ.
Bó hoa nằm trên đùi rung rung theo nhịp xóc nảy của xe, tấm thiệp kẹp ở giữa lung lay suýt rớt, cậu dùng một ngón tay nhét lại vào trong.
Diêu Phất đánh vô lăng để rẽ, rồi hỏi: “Gặp mẹ kế của em chưa?”
Kiều Uyển Lâm đáp: “Dạ chưa.”
Diêu Phất nói: “Vậy em đừng có ủ rũ nữa, dù gì cũng phải tới xem thử mẹ kế là người như thế nào chứ.”
Kiều Uyển Lâm có nghe nói, mẹ kế là một bác sĩ sản khoa, độc thân nhiều năm, có một người con trai lớn hơn cậu vài tuổi.
Đúng lúc đi ngang phố Ninh Duyên, Kiều Uyển Lâm lẳng lặng nhìn bên đường. Cậu học đại học và nghiên cứu sinh đều ở Bắc Kinh, trong thời gian đó chưa từng trở về, nhìn những con phố cũ của Bình Hải cảm thấy vừa thân thuộc vừa xa lạ.
Bệnh viện tư nhân cao cấp nhất thành phố nằm ở cuối con đường này, tòa nhà trắng tinh trông rất hoành tráng, Kiều Uyển Lâm còn nhớ Kiều Văn Uyên từng nói bệnh viện này cũng được.
Thân là phó viện trưởng bệnh viện trung ương (*), lời khen của Kiều Văn Uyên luôn luôn có giới hạn, “cũng được” đã được tính là một đánh giá tương đối tốt rồi.
(*) Nguyên gốc là “bệnh viện tam cấp giáp đẳng”, tam cấp giáp đẳng chỉ những bệnh viện quy mô lớn trên 501 giường, có đầy đủ cơ sở vật chất, y tế, đào tạo, nghiên cứu cao cấp, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắt khe mà nhà nước đề ra. Từ đây xin được gọi tắt là bệnh viện trung ương
Diêu Phất hỏi: “Không phải em ghét nhất là bệnh viện sao, đang ngắm cái gì ở đó?”
“Không có gì.” Kiều Uyển Lâm kể, “Lãnh đạo ở bộ phận em cũng từng là người hướng dẫn của em, hôm nay ba ông ấy vừa chuyển đến bệnh viện này.”
Trong tòa nhà cao tầng, tổ trưởng Vạn phòng y vụ đã ở trên hành lang đợi mười phút rồi. Gã chuyên phụ trách xử lý các khiếu nại, có biệt hiệu là “Dầu Cù Là” (dầu Vạn Kim).
Lương Thừa mới vừa phẫu thuật xong, thay đồ xong bước ra khỏi phòng, chuẩn bị tan tầm.
Tổ trưởng Vạn giữ anh lại: “Bác sĩ Lương, vất vả cả buổi sáng rồi, mình cùng đi ăn trưa chứ.”
Năm tiếng đồng hồ trong phòng phẫu thuật chưa uống ngụm nước nào, cổ họng Lương Thừa khản đặc, tính tình cũng lỗ mãng không dịu dàng được nữa: “Mẹ tôi kết hôn, tôi dẫn anh đi ăn tiệc, thấy sao?”
Tổ trưởng Vạn ngớ người: “Vậy… thay tôi chúc mừng bác gái nhé!”
Lương Thừa cởi cúc áo thứ hai ra, ho khan một tiếng: “Có gì nói thẳng, ai lại kiện cáo nữa?”
Tổ trưởng Vạn phủ nhận: “Đâu có đâu có, tôi chỉ đến nói với anh một tiếng, ông Tôn từ bệnh viện trung ương chuyển sang đây đấy.”
Lương Thừa thầm nhớ lại, ông tổng biên tập tám mươi tuổi đã nghỉ hưu kia không tin tưởng bác sĩ, không phối hợp điều trị, chỉ một lòng đam mê mỗi thực phẩm chức năng, giày vò tổng cộng hết ba bệnh viện rồi.
Những điều dưỡng bị chọc tức đến phát khóc có thể gom đủ bàn mạt chược nhưng vẫn không dám than phiền oán trách, nếu không sẽ bị ông ta “đăng báo” uy hϊếp.
Lương Thừa nói: “Nghỉ hưu rồi đăng báo gì nữa.”
“Thì cáo mượn oai hùm.” Tổ trưởng Vạn nói nhỏ, “Người nhà ổng làm trong đài truyền hình, ban tin tức đó.”
Lương Thừa cầm chìa khóa xe quẹt một cái sau tai, nhấc chân bước ra ngoài, vờ như chưa từng nghe thấy câu này: “Đi đây, khi nào tôi về rồi nói.”
Tổ trưởng Vạn vội vàng bảo: “Bác sĩ Lương, bệnh viện nhiều gánh nặng lắm rồi, lần này anh nhớ phải chú ý thái độ đó nghen!”
Lương Thừa chả thèm ngoái đầu lại: “Biết rồi, để buổi chiều tôi xem thử ông ta là thần thú phương nào.”
Khách sạn Vienna nghe thì cao cấp nhưng đẳng cấp cũng chỉ ở tầm trung mà thôi. Kiều Văn Uyên có cấp bậc hành chính nên từ xe cộ đến tiệc tùng đều không nên quá phô trương.
Kiều Uyển Lâm cầm hoa đến sảnh tiệc lầu bốn, đứng mãi ở cửa không muốn đi vào, điện thoại lại réo, Kiều Văn Uyên gọi tới thúc lần hai.
Cậu chỉnh lại cổ áo rồi tiến vào, trong sảnh tiệc chỉ bày mười mấy bàn, khách đến được hòm hòm rồi. Họ đều là đồng nghiệp và bạn bè của Kiều Văn Uyên, thêm vài ba gương mặt xa lạ bên phía nhà gái.
Kiều Văn Uyên mặc một bộ đồ tây màu đen tuyền trang trọng, sải chân bước tới. Dù là lễ cưới của mình nhưng mặt ông vẫn ra chiều nghiêm túc: “Sao mà lề mề thế.”
Kiều Uyển Lâm nói: “Lần đầu tham dự tiệc tái hôn, hơi căng thẳng.”
Kiều Văn Uyên không so đo với cậu, chỉ tay về phía một bàn trống, nói: “Qua đó ngồi đi, không cần con tiếp khách đâu.”
Kiều Uyển Lâm hỏi: “Một mình con một bàn?”
“Con và con trai của dì Hạ.” Kiều Văn Uyên sợ cậu kêu ca, “Bác sĩ khó điều chỉnh thời gian riêng tư, người ta vẫn chưa tới đâu.”
Kiều Uyển Lâm vốn đã bất mãn, nhưng nhiều hơn là kinh ngạc: “Cái gì, con trai kế của ba cũng là bác sĩ á?”
Kiều Văn Uyên tỏ vẻ không vui: “Lát nữa người ta tới con nhớ phải khách sáo một tí, người ta học đại học ngành sinh vật học ở Anh, sau này chuyển sang học y, tốt nghiệp trường danh tiếng, bây giờ tiền đồ rộng mở lắm đấy.”
Kiều Uyển Lâm nghe mà nhức cả đầu. Lúc này một người phụ nữ trung niên mặc váy đỏ đi tới, không đến mức quá xinh đẹp nhưng phong thái vẫn rất thu hút người khác.
Người phụ nữ đó đi đến bên cạnh Kiều Văn Uyên, ngắt ngang: “Lão Kiều, đây là Uyển Lâm phải không?”
Kiều Văn Uyên nhẹ giọng lại ngay: “Là nó. Uyển Lâm, đây là dì Hạ Tiệp, mau chào hỏi đi.”
Kiều Uyển Lâm nói: “Con chào dì.”
Hạ Tiệp giữ gìn nhan sắc cũng tàm tạm thôi, khi cười lên đuôi mắt hằn vết chân chim rất sâu: “Chào con, thường nghe ba con khen con xuất sắc, không ngờ cũng đẹp trai ra phết đấy.”
Kiều Uyển Lâm không có sở trường vẽ vời những lời khách sáo, nên chỉ cười cười cho qua.
Khi bầu không khí sắp lắng xuống thì có một bóng dáng tiến vào sảnh tiệc, Hạ Tiệp vẫy tay dịu dàng gọi: “Lương Thừa, ở bên này con.”
Nụ cười của Kiều Uyển Lâm sượng cứng: “Dì nói… là ai cơ?”
Lương Thừa đến trễ mười phút, chân bước vội vã, tay áo sơ mi xắn lên cũng quên bỏ xuống. Anh nhìn theo tiếng gọi thấy Hạ Tiệp và Kiều Văn Uyên, còn có một bóng lưng cao gầy.
Anh đi được nửa đường thì người kia quay lại.
Lương Thừa khựng chân, đứng như trời trồng, móc chìa khóa trên ngón tay từ từ trượt xuống, vừa ngứa vừa tê.
Kiều Uyển Lâm nhìn anh bằng một đôi mắt sóng êm biển lặng. Không hoảng hốt, cũng không vui mừng, cứ như chỉ đang nhìn một vị khách không quen biết tới muộn mà thôi.
Bỗng nhiên, Hạ Tiệp “Ô” một tiếng.
Bó hoa lưu ly rớt xuống sàn, không biết cậu đã buông tay từ giây phút nào.
Lương Thừa kịp thời chặn lại móc chìa khóa đã rơi xuống đầu ngón tay, trên dây có thắt một nút kết bình an màu xanh lam nhạt, anh nắm vào lòng bàn tay, đi tới.
Kiều Uyển Lâm khom người nhặt hoa, ngẩng đầu lên thì bắt gặp ánh mắt Lương Thừa đang nhìn xuống. Hai tầm mắt va chạm nhau rồi dời đi, sau đó không ai nhìn ai nữa.
Hạ Tiệp vui mừng: “Bây giờ đông đủ rồi.”
Lương Thừa nói: “Con xin lỗi, trò chuyện với đồng nghiệp vài câu nên tới trễ.”
“Không cần vội, công việc quan trọng hơn.” Ở trước mặt người ta Kiều Văn Uyên luôn rất rộng lượng, “Hôm nay lần đầu tiên gặp mặt, hay là giới thiệu các con với nhau trước nhé?”
Hạ Tiệp liền nói: “Lương Thừa, đây là Uyển Lâm, nhỏ hơn con…”
Lương Thừa nối lời: “Bốn tuổi.”
Kiều Văn Uyên thấy Kiều Uyển Lâm không có phản ứng gì bèn bảo: “Cuối năm đón sinh nhật là hai mươi lăm rồi mà vẫn còn ngô nghê thế này đây.”
Lương Thừa hạ giọng: “Cuối năm?”
Kiều Uyển Lâm chớp mắt, đáp không đầu không đuôi: “Đừng làm trễ nải thời gian của buổi lễ.”
Hạ Tiệp điều đình: “Lão Kiều, để bọn trẻ ngồi xuống cái đã.”
Ai cũng đang quan sát bọn họ, Kiều Uyển Lâm và Lương Thừa ngồi xuống cái bàn còn trống duy nhất, vì phép lịch sự “ăn coi nồi ngồi coi hướng” nên họ ngồi kế bên nhau, bó lưu ly đặt ở giữa bàn.
Lương Thừa vươn tay giữ mép bàn xoay, trên ngón tay khẳng khiu không đeo bất kì vật trang sức nào, chỉ có mùi nước rửa tay sát trùng thoang thoảng. Anh xoay bàn, hỏi: “Uống nước ép hay là nước trà?”
Kiều Uyển Lâm thả lỏng đầu gối đang khép chặt, bưng ấm trà lên. Rượu phải đầy, trà phải cạn (*), trước tiên cậu rót cho Lương Thừa nửa tách, sau đó mới rót cho mình.
(*) rượu phải đầy trà phải cạn: một câu thành ngữ ở bên TQ, rót rượu phải rót đầy, rót trà thì phải rót lưng lưng
Lương Thừa nốc một hơi cạn sạch.
Kiều Uyển Lâm chạm môi vào viền tách, cứ nhấm nháp đến khi món ăn được bưng lên. Cậu lau tay, bắt đầu lột tôm đập cua, gặm dẻ sườn bò nướng, vớt nghêu ra xì xụp hết nửa đĩa.
Lương Thừa cầm một bát cơm chiên trứng, giản dị như đang ăn cơm căn tin, vừa vươn đũa ra là Kiều Uyển Lâm lại xoay món anh muốn gắp đi.
Cứ như vậy vài lần nên suốt buổi anh chẳng gắp được món nào cả, bèn học theo cách nói của Kiều Văn Uyên: “Sắp hai mươi lăm rồi, em tinh ý chút được không?”
Kiều Uyển Lâm trả lời: “Chua đó, anh không thích ăn đâu.”
Lương Thừa nói: “Anh nhớ là cái gì em cũng thích ăn.”
Cô dâu chú rể ở trên sân khấu đọc diễn văn, tiếng pháo tay vang lên hết tràng này tới tràng khác, Kiều Uyển Lâm nghiêng đầu sang nhìn một lúc, đoạn hỏi: “Dì Hạ thật sự là mẹ anh à?”
Lương Thừa: “Ừ.”
Kiều Uyển Lâm nói: “Anh có biết Kiều Văn Uyên là ba em không?”
Lương Thừa nói: “Bây giờ thì biết rồi.”
Lần đầu tiên Kiều Uyển Lâm cảm thấy thế giới này thật bé nhỏ. Lúc trước cậu cảm thấy thế giới này quá lớn, Bình Hải cũng quá lớn, tìm một người quả là khó khăn, chỉ biết dựa vào vận may, hoặc là duyên phận mà thôi.
Người vừa có vận may vừa có duyên phận thì đang ở trên sân khấu “vợ vợ chồng chồng” rồi.
Cậu cũng vỗ tay, cũng cùng xem cảnh tượng tưng bừng theo.
Trong khóe mắt của Lương Thừa là sườn mặt của Kiều Uyển Lâm. Đuôi mày và khóe mắt đều nhòn nhọn, sống mũi vừa thẳng vừa cao, là tướng sắc sảo, nhưng chóp môi tròn đầy lại thêm phần ngây thơ.
Trà thanh đạm trôi tuột qua cổ họng lại thấy khô khốc, Lương Thừa rót cốc thứ hai. Anh liếc đồng hồ, hóa ra chỉ mới qua nửa tiếng.
Kiều Uyển Lâm đã ăn no rồi: “Anh ăn thong thả, em phải về đi làm.”
Lương Thừa không can mà hỏi: “Có cần tiễn em không?”
“Không cần, em gọi xe cũng tiện.” Kiều Uyển Lâm nói, “Phải rồi, bây giờ anh còn lái mô tô không?”
Lương Thừa lắc đầu, một vài hình ảnh xa xăm thoắt hiện lên. Kiều Uyển Lâm khi đó mới mười mấy tuổi, suốt ngày thích tót lên ngồi mô tô của anh.
Bất thần anh nói: “Đã bao lâu rồi chúng ta không gặp nhau?”
Kiều Uyển Lâm làm thinh một giây rồi trả lời: “Cũng không lâu lắm, mới tám năm thôi.”
Lương Thừa hỏi: “Hóa ra tám năm cũng tính là ngắn sao?”
Kiều Uyển Lâm nhìn anh: “Trước khi đi anh từng nói sẽ không bao giờ quay lại Bình Hải, so với cả đời thì tám năm cũng chỉ là chuyện một bữa cơm mà thôi.”
Xung quanh đương hồi náo nhiệt, Kiều Uyển Lâm lặng lẽ rời khỏi sảnh tiệc, cậu không muốn đợi thang máy nên đi vào lối cầu thang thoát hiểm.
Xuống hai ba bậc thang, Kiều Uyển Lâm dừng lại vịn cầu thang.
Cậu nghĩ, cả thế giới có biết bao nhiêu người, tại sao Kiều Văn Uyên lại cứ phải cưới mẹ Lương Thừa?
Một hạt cơm cuối cùng chui vào trong miệng, Lương Thừa đặt bát đũa xuống, mặt ghế nhung bên cạnh đàn hồi trở lại bằng phẳng, không hề có dấu vết ai đó đã từng đặt mông.
Anh không cảm thấy ngồi một mình có gì lúng túng cả, chỉ hơi nhàm chán thôi, đặng anh vươn tay gẩy bó hoa lưu ly Kiều Uyển Lâm để lại.
Tấm thiệp kẹp giữa những cánh hoa rơi ra, in dòng ngôn ngữ của hoa mà chưa ai từng kiểm chứng:
Xin hãy nhớ đến tôi, xin hãy hoài mong tôi, xin hãy đợi tôi quay lại mang hạnh phúc về cho người.Lương Thừa xoay đầu lại. Sảnh tiệc rộng thênh thang nhưng số bàn ăn chỉ chiếm chưa đến một phần hai, hơn nửa khoảng trống không mở đèn, được che phủ bởi tầng ánh sáng hắt vào từ ngoài cửa sổ sát đất.
Anh đứng dậy rời khỏi bàn. Vóc dáng anh cao lớn rất nổi bật, mọi người đều dồn mắt nhìn về phía con trai của cô dâu.
Lương Thừa băng qua mười mấy bàn tiệc chứa đầy quan khách, đi đến khoảng không trống trơn kia, dán sát vào cửa kính nhìn vọng xuống dưới.
Bên ngoài là ngày hè oi bức và ánh nắng chói chang của thành phố Bình Hải, Kiều Uyển Lâm đứng trên vỉa hè trước cổng khách sạn, chóp tóc ánh lên vầng hào quang dịu dàng.
Thật là ảo mộng, tất cả giống như một tấm ảnh cũ mù mờ.
Kiều Uyển Lâm vẫy tay gọi một chiếc taxi, ngồi vào khoang xe, đáng lẽ phải về đài truyền hình, nhưng cậu lại nói: “Bác tài, tôi muốn đến… phố Trường Lâm.”
Tác giả:
Không phải gương vỡ lại lành đâu