“TEENS” VÀ “HỘI CHỨNG CHÁN GHÉT BỐ MẸ”
Không chịu thừa nhận công ơn của bố mẹ, nhiều teen tự cho rằng mình “từ trên trời rơi xuống” và chỉ “uống nước lã, hít khí trời” để lớn khôn. Những teens đó đang rơi vào “hội chứng” vô lý – “chán ghét bố mẹ".
▪ “Những đứa con từ trên trời rơi xuống”
3 tháng gần đây, Trung (15t - VĐ) hiếm khi nói được với bố mẹ 1 câu nào tử tế.
Trung hạn chế tối đa việc giao tiếp với bố mẹ, khi bắt buộc phải nói thì cũng chỉ là những câu ậm ừ gắt gỏng. Mẹ Trung dù cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sự thay đổi tính nết của Trung nhưng vẫn đành chịu thua.
Cô giáo chủ nhiệm và bạn bè của Trung khẳng định mọi chuyện vẫn hoàn toàn bình thường, ở trên lớp Trung vẫn rất sôi nổi, hòa đồng với mọi người. Nguyên nhân sâu xa của điều này thì chỉ có mình Trung biết. “Dạo này em thấy không có hứng nói chuyện với bố mẹ. Em cảm thấy chán nản mệt mỏi khi cứ phải giáp mặt hàng ngày. Giá không phải ở cùng bố mẹ thì thoải mái biết bao nhiêu…” – Trung nói.
Trung chỉ là 1 trong số những teen rơi vào “hội chứng chán ghét bố mẹ”. Nguyên nhân có thể bắt đầu từ mọi thứ từ những lí do quen thuộc kiểu như: bố mẹ không quan tâm, chia sẻ , ép buộc làm những việc không theo ý thích hay đủ các loại lí do vụn vặt: bị bố mẹ mắng, không được cho tiền tiêu…vv… hoặc những lí do hết sức vô lí kiểu : “tự nhiên thấy ghét”, “chán chẳng buồn nói”….
Đa số những teen này đều không muốn và không chịu thừa nhận việc bố mẹ là người sinh ra và nuôi nấng, chăm sóc mình hàng ngày. Đặc biệt là khi teens cảm thấy chán ghét bản thân mình và cho rằng mình quá xấu xí, kém cỏi thì teens cũng quay sang “ghét” bố mẹ vì đã sinh ra mình.
Teens muốn khẳng định rằng mình đã lớn, không lệ thuộc vào ai và đòi quyền bình đẳng, dân chủ với bố mẹ nhưng lại bằng thái độ hỗn láo. N.Hà (17t - ĐĐ) từng hùng hồn tuyên bố trước mặt mọi người: “ Không có ông bà ấy tao vẫn sống tốt” và thể hiện thái độ “xa lánh” với bố mẹ.
Tuy nhiên, Hà đã quên mất rằng sáng sáng mình vẫn phải lấy tờ 10k mà mẹ lặng lẽ để trên bàn học để đi ăn sáng. Mọi người cũng không khỏi sửng sốt khi biết rằng “nó” trong câu chuyện và V.Oanh (16t - QT) nhắc đến là dùng để chỉ bố mẹ. Theo Oanh thì “nó" cũng chả là cái gì mà được phép lên mặt với mình. Nhìn cái mặt đã thấy hãm…”
Tuy nhiên đối với nhiều teen rơi vào “hội chứng” này điều làm cho họ thích thú nhất là việc đi nói xấu bố mẹ với người khác. Họ gán ghép cho bố mẹ đủ thứ tội và có khi còn bịa đặt ra 1 câu chuyện để mong tìm được sự đồng cảm.
“1 đứa bạn của tớ rất thích đi kể xấu bố mẹ với mọi người. Mà những điều nó nói thì chẳng bao giờ chính xác được đến 50%. Khi tớ hỏi “tại sao mày lại nói thế?” thì nó chỉ trả lời đơn giản là “ghét thì thế” ”
Teens tự cho rằng mình và bố mẹ là những người “chẳng có gì liên quan” tuy rằng hàng ngày vẫn nhận được sự chăm sóc từ phía bố mẹ. Đ. Vinh (16t) không thèm quan tâm đến bố mẹ ngay cả khi mẹ bị sốt cao không thể dậy được. Vì theo Vinh “việc ai nấy lo”.
▪ Nỗi đau giấu trong lòng của bố mẹ
Bố của Vinh đã phải giấu không dám cho mẹ Vinh biết rằng trong suốt những ngày phải nằm viện tiếp nước Vinh chưa hề đến thăm mẹ được 1 lần. “Bác cứ phải bảo là nó đến lúc em đang ngủ.”- bố Vinh chia sẻ.
Nhiều bậc phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng và đau lòng khi vô tình nghe được những lời con cái mình nói về mình. Mẹ Oanh bàng hoàng không tin khi nghe những lời con gái mình nói được người khác kể lại : “ Tuy rằng nhà không giàu nhưng cô cũng chưa để Oanh phải thiếu thốn gì. Từ bé đến giờ có việc gì cô cũng luôn chủ động tâm sự chia sẻ với con. Càng nghĩ càng thấy buồn vì không hiểu mình đã làm gì để con cái nói như vậy.”
Mẹ của Hà cũng đã phải hết lời can ngăn để Hà không phải chịu trận đòn của bố vì tội bố láo. Mẹ Hà nói: “Dù biết rằng nó hư, nó hỗn nhưng cũng chẳng đành lòng nhìn con phải chịu đòn roi”.
▪ Giải pháp nào cho tình trạng này?
“Hội chứng chán ghét bố mẹ” phần nào bắt nguồn từ sự biến động tâm sinh lí của teens trong độ tuổi dậy thì. Những hành động, lời nói của bố mẹ đều được teens cho là “chướng tai, gai mắt” và nảy sinh ra những hành động, lời nói hỗn láo.
Điều nãy cũng giải thích cho sức chịu đựng kém của teens trước những sự thay đổi và tâm lí thích “đổ lỗi” cho người khác.
Các bậc phụ huynh nên quan tâm, lắng nghe và chia sẻ kịp thời để uốn nắn những suy nghĩ, hành động sai của teens.
Tuy nhiên, điều cần thiết là mỗi teen cần tự ý thức và chịu trách nhiệm về hành động của mình. “Chán ghét bố mẹ” thực ra là “hội chứng của những teen yếu đuối”.
Quan trọng nhất là teens luôn luôn phải ghi nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ vì nếu không có bố mẹ thì sẽ không có bạn ngày hôm nay.