Sống


Sau đó,chẳng ai nói gì thêm,anh nào nghĩ đến việc của anh nấy.

Tôi luôn luôn nghĩ đến nhà mình,nghĩ đến Phượng Hà đang bế Hữu Khánh đứng ở cửa,nghĩ đến mẹ tôi và Gia Trân…Cứ nghĩ,cứ nghĩ miên man,trong lòng y như bị đút nút chặt,thở không nổi,y như bị ai đó bịt chặt mồm chặt mũi.

Vào khoảng nửa đêm, tiếng gào khóc của thương binh ở ngoài hầm đã nhỏ dần; tôi nghĩ phần đông bọn họ đã ngủ, chỉ còn vài ba người đang kêu rên. Những tiếng kêu rên ấy đứt đoạn, cứ văng vẳng, y như đang nói chuyện, người này hỏi một câu, người kia đáp một lời, tiếng kêu thảm thương tới mức không giống người sống nói ra. Được một lúc nữa thì chỉ còn lại một tiếng đang nức nở, nghe nhỏ như tiếng muỗi kêu vo ve qua lại trên mặt tôi. Tôi cứ nghe cứ nghe, đã không giống đang kêu rên, mà trái lại như đang hát điệu gì đó, bốn chung quanh im phăng phắc, chỉ có một tiếng này cứ quanh đi quẩn lại mãi ở đó. Tôi nghe đến nỗi phát khóc, tuyết trên mặt tan ra chảy vào cổ, y như gió lạnh thổi đến.

Lúc trời sáng, chẳng còn tiếng gì nữa. Chúng tôi thò đầu ra xem, mấy ngàn thương binh hôm qua còn gào khóc, giờ đã chết hết, nằm ngổn ngang ra đó không nhúc nhích, một lớp tuyết mỏng phủ lên người. Bọn người nằm trong chiến hào vẫn còn sống chúng tôi cứ ngây người ra mà nhìn. Chẳng ai nói một lời, ngay đến Lão Toàn là lính cũ đã nhìn thấy không biết cơ man nào là người chết cũng thừ người ra rất lâu, cuối cùng anh ấy thở dài, lắc lắc đầu nói với chúng tôi:

- Thảm quá!

Nói rồi, anh Toàn bò ra đường hào đi vào giữa đám người chết rộng mông mênh, lật người này nhấc người kia. Anh Toàn lom khom bước qua bước lại giữa đống xác, thỉnh thoảng ngồi xổm lấy tuyết xoa xoa mặt cho ai đó. Lúc này tiếng súng tiếng pháo lại rộ lên, một số viên đạn bay về phía này. Tôi và Xuân Sinh sực tỉnh, vội vàng gọi Lão Toàn:

- Mau mau quay về, anh Toàn ơi!

Lão Toàn tỉnh bơ, cứ tiếp tục xem đi xem lại. Một lúc sau, anh ấy đứng lên, nhìn ngó qua lại mấy lần nữa, rồi mới đi về phía chúng tôi. Khi đến gần, anh ấy giơ ra bốn ngón tay, lắc lắc đầu bảo chúng tôi:

- Mình nhận ra bốn người.

Vừa nói xong, anh Toàn đột nhiên trợn tròn mắt với chúng tôi, hai chân anh đứng tại chỗ như đông cứng, sau đó cả người quỳ sụp xuống. Chúng tôi không biết tại sao anh lại thế, chỉ nhìn thấy có đạn pháo bay đến liền hét toáng lên:

-Anh Toàn, mau mau lên!

Gọi mấy lần mà anh Toàn vẫn cứ thế, chúng tôi mới nghĩ ra: Hỏng rồi, anh Toàn có chuyện rồi. Tôi vội vàng bò khỏi đường hào, chạy đến chỗ Lão Toàn, chạy đến trước mặt nhìn thì lưng anh Toàn đã đẫm máu. Mắt tôi nảy đom đóm, rối rít gọi Xuân Sinh. Sau khi Xuân Sinh đến nơi, hai chúng tôi khiêng anh Toàn xuống hào, mảnh đạn bay vèo vèo sát ngay bên chúng tôi.

Chúng tôi đặt anh Toàn nằm xuống. Tôi lấy tay bịt chỗ chảy máu trên lưng anh ấy, vết thương vừa ướt vừa mỏng, máu vẫn đang chảy lọt qua kẽ tay tôi. Mắt anh Toàn từ từ mở ra, có lẽ là để nhìn chúng tôi một lát, sau đó động đậy mồm, giọng khản đặc hỏi chúng tôi:

- Đây là đâu nhỉ?

Tôi và Xuân Sinh ngẩng lên nhìn chung quanh, chúng tôi làm sao biết được đây là đâu, đành phải nhìn lại anh Toàn. Anh Toàn nhắm chặt mắt lại, rồi từ từ mở ra, càng mở càng to, mồm anh đã méo xệch trông y như nhăn nhó. Chúng tôi nghe thấy giọng anh khàn khàn:

- Ngay đến chết ở đâu ta cũng không biết nữa.

Nói xong câu này được một lúc thì anh tắt thở. Anh Toàn chết, đầu ngoẹo sang một bên. Tôi và Xuân Sinh biết anh đã chết, chúng tôi đang nhìn nhau thì Xuân Sinh khóc trước, Xuân Sinh đã khóc thì tôi cũng không cầm được nước mắt.

Sau đó, chúng tôi nhìn thấy đại đội trưởng, ông ta đã thay áo lính mặc quần áo dân thường, trong thắt lưng buộc toàn tiền là tiền, xách một cái túi đi về hướng Tây. Chúng tôi biết là ông ta định bỏ chạy. Buộc tiền trong quần áo, nên khi ông ta đi người cứ vặn vọ như bà ba béo. Có một người lính họ Oa gọi ông ta:

-Thưa đại đội trưởng, Ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch có còn cứu chúng ta không?

Đại đội trưởng quay lại bảo:

-Thằng ngốc, mẹ cậu lúc này cũng chẳng đến cứu cậu đâu, vẫn là mình tự cứu lấy mình thôi.

Một lính cũ bắn ông ta một phát, đạn không trúng, đại đội trưởng vừa nghe thấy tiếng đạn bay về hướng mình, liền co cẳng chạy thục mạng, mất hết vẻ oai phong ngày trước. Mấy người lính đều giơ súng bắn ông ta, ông ta kêu oai oái, chạy qua chạy lại trong cánh đồng tuyết rồi mất hút.

Tiếng súng tiếng pháo đã nổ đến trước mặt chúng tôi. Chúng tôi đều đã nhìn thấy bóng người bắn súng ở phía trước, trong khói đạn cứ từng người từng người ngã xuống. Tôi tính toán thấy mình không sống nổi đến tuổi trung niên, chưa bước sang tuổi trung niên đã đến lượt mình bị chết. Một tháng nay quần đảo trong bom đạn, tôi không còn sợ chết cho lắm, chỉ có điều cảm thấy mình chết không rõ ràng minh bạch. Thế này quả thật là oan uổng. Mẹ tôi và Gia Trân đều không biết tôi chết ở đâu. Tôi nhìn Xuân Sinh, một tay cậu ta còn gác lên người anh Toàn, cũng nhìn tôi và nét mặt buồn rười rượi. Chúng tôi đã ăn gạo sống mấy hôm, mặt Xuân Sinh bị phù, cậu ấy thè lưỡi liếʍ liếʍ môi bảo tôi:

- Em muốn ăn bánh nướng.

Đến bây giờ thì chết chóc đã không quan trọng nữa. Trước khi chết được ăn bánh nướng là cũng biết đủ rồi. Xuân Sinh đứng lên, tôi cũng không bảo cậu ấy cẩn thận với tiếng súng đạn. Cậu ấy nhìn rồi bảo:

- Có lẽ ở ngoài còn bánh nướng. Em đi tìm thử xem.

Xuân Sinh bò ra chiến hào, tôi không ngăn cậu ấy. Dù sao thì chẳng đến trưa nay đâu, chúng tôi sẽ đều phải chết, nếu cậu ấy được ăn bánh nướng thật thì tốt quá. Tôi nhìn cậu ấy uể oải bước qua các xác chết, đi được vài bước còn quay lại bảo tôi:

- Anh đừng đi đâu nhé! Tìm được bánh em sẽ quay về.

Cậu ta buông thõng hai tay, cúi đầu đi vào chỗ khói lửa mù mịt ở phía trước. Lúc này trong không khí đầy mùi khét lẹt và bụi bẩn, hít thở vào họng đều cảm thấy có từng viên từng hạt như đá nhỏ.

Chưa đến trưa, thì những người còn sống trong đường hào đều bị bắt làm tù binh. Khi quân Giải phóng cầm súng xông đến, có một lính cũ bảo chúng tôi giơ hai tay lên. Anh ta căng thẳng đến mức tái mặt đi, hò hét bảo chúng tôi chớ có động vào khẩu súng ở bên cạnh. Anh ta sợ đến lúc ấy ngay cả anh ta cũng xúi quẩy. Một người lính Giải phóng trạc tuổi Xuân Sinh chĩa thẳng nòng súng đen ngòm vào tôi; tôi sững sờ, nghĩ thầm lần này thì chết thật. Nhưng anh ta không nổ súng, nói với tôi câu gì đó, tôi nghe thấy tiếng bảo tôi bò ra, trong lòng bỗng hồi hộp, tôi lại có ý mong được sống. Sau khi tôi bò ra khỏi hầm, anh ta bảo:

- Bỏ tay xuống.

Tôi bỏ hai tay xuống, cũng hết hồi hộp. Một hàng hơn mười hai tù binh chúng tôi do anh ta áp giải đi về hướng Nam, đi được một quãng thì nhập vào một đội tù binh lớn hơn. Khắp nơi chỗ nào cũng có những cột khói cao vυ"t, đổ nghiêng về một phía. Trên mặt đất chi chít hố bom, xác chết ngổn ngang, những cỗ xe quân sự cháy đen vẫn còn đang nổ lép bép. Sau khi chúng tôi đi được một chặng, thì hơn hai mươi bộ đội giải phóng gánh bánh bao từ hướng Bắc đi thẳng đến; bánh bao nóng hôi hổi, tôi nhìn thấy thèm rỏ cả nước dãi. Một sĩ quan áp giải chúng tôi bảo:

- Các anh tự xếp hàng vào tử tế.

Không ngờ họ đã đem bánh bao đến cho chúng tôi ăn. Nếu Xuân Sinh còn ở đây thì hay quá. Tôi nhìn ra xa xa, không biết thằng bé này còn sống hay đã chết. Chúng tôi tự động xếp thành đội hình hơn mười hai hàng dọc, cứ lần lượt mỗi người nhận hai cái bánh bao. Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng ăn rào rào to đến thế, còn to hơn vài trăm con lợn ăn xốc. Người nào cũng ăn rất nhanh, có một số người cứ ho thục mạng, tiếng ho sau cao hơn tiếng ho trước. Một người ở cạnh tôi ho dữ hơn ai hết, anh ta cứ ôm lưng, ho chảy cả nước mắt. Nhiều người đã bị nghẹn, ai cũng ngẩng mặt trợn mắt, không nhúc nhích.

Sáng hôm sau, chúng tôi được tập hợp trên một bãi trống, ngồi thành từng hàng ngay ngắn. Ở trước mặt có hai cái bàn, một người có dáng sĩ quan nói chuyện với chúng tôi. Ông ta nói một thôi một hồi về lí lẽ giải phóng Trung Quốc, cuối cùng tuyên bố:

Thêm Bình Luận