Sống


- Phượng Hà, mau mau chào ông trẻ Long đi con.

Phượng Hà cũng học tôi lom khom lưng cất tiếng:

- Vâng, thưa ông trẻ Long.

Tôi thường nhớ Gia Trân, nhớ cả đứa con ở trong bụng vợ. Gia Trân đi được ba tháng, nhờ người nhắn tin về, bảo là đã ở cữ, đẻ một cậu con trai, bố vợ tôi đặt cho nó cái tên là Hữu Khánh. Mẹ tôi khẽ hỏi người nhắn tin:

- Hữu Khánh họ gì?

Người kia đáp:

- Họ Từ.

Lúc ấy tôi đang ở ngoài ruộng, mẹ tôi lật đật bước hai bàn chân nhỏ xíu dặt dẹo ra đồng báo tin. Mẹ chưa nói hết đã đưa vạt áo lau nước mắt, sau đó cứ rối rít bảo phải ra tỉnh thăm cháu nội. Vài ngày sau không thấy mẹ đi, tôi cũng không tiện hỏi. Theo tục lệ ở địa phương chúng tôi, Gia Trân bị người nhà mẹ đẻ bắt ép phải đi thì cũng nên do người nhà mẹ đẻ đưa về. Mẹ tôi bảo:

- Hữu Khánh họ Từ thì Gia Trân cũng về nay mai thôi.

Mẹ tôi còn nói:

- Gia Trân hiện giờ còn đang yếu, vẫn nên ở trên tỉnh thì hơn. Gia Trân phải được tẩm bổ tử tế.

Khi Hữu Khánh được sáu tháng thì Gia Trân trở về. Khi trở về cô ấy không ngồi kiệu, cô ấy địu Hữu Khánh ở sau lưng đi bộ hơn mười dặm về nhà. Hữu Khánh nhắm mắt, cái đầu bé tí tẹo tựa vào lưng mẹ, lắc bên này lư bên kia, trở về nhận bố.

Gia Trân mặc áo dài màu đỏ tươi, xinh xắn trở về. Đi đến cửa lều tranh nhà tôi, cô ấy không bước vào ngay mà đứng ở ngoài tươi cười nhìn mẹ tôi.

Mẹ tôi ngồi đan giày cỏ ở trong nhà, khi ngẩng mặt lên thì nhìn thấy một người đàn bà xinh đẹp đứng ở cửa. Người Gia Trân đã che mất ánh sáng, mẹ tôi không nhận ra con dâu, cũng không nhìn thấy Hữu Khánh ở sau lưng. Mẹ hỏi:

- Tiểu thư nhà nào vậy, cô tìm ai?

Nghe vậy, Gia Trân cười khanh khách, nói:

- Con đây, Gia Trân đây, thưa mẹ!

Lúc ấy, tôi và Phượng Hà đang ở ngoài đồng. Phượng Hà ngồi ở bờ ruộng xem tôi cấy. Tôi nghe thấy có tiếng gọi mình, giống tiếng mẹ tôi mà cũng có phần không giống. Tôi bảo con gái:

- Ai đang gọi thế con?

Phượng Hà quay người nhìn, rồi đáp:

- Bà nội, bố ạ.

Tôi đứng thẳng lên nhìn thấy mẹ đang đứng ở cửa lều tranh còng lưng gọi to, Gia Trân mặc áo dài màu đỏ tươi bế Hữu Khánh đứng bên cạnh. Phượng Hà vừa nhìn thấy mẹ đã co cẳng chạy đi. Tôi đứng giữa ruộng nước, nhìn dáng mẹ lưng còng gọi con, mẹ gọi khỏe quá, hai tay chống vào đùi để khỏi ngã gập người xuống. Phượng Hà chạy thục mạng, đứa con gái lên năm của tôi cứ chao chao đảo đảo trên bờ ruộng, rồi nó sà vào lòng mẹ. Gia Trân bế Hữu Khánh ngồi xuống ôm Phượng Hà. Lúc này tôi mới lên bờ, mẹ tôi vẫn đang gọi, càng đến gần nhà, đầu tôi càng choang choáng. Tôi đến trước mặt Gia Trân mỉm cười với vợ. Gia Trân đứng lên, cứ chằm chằm nhìn tôi. Lúc này tôi đã không còn là Phú Quí mặc áo lụa, tôi đang mặc quần áo vải thô rách rưới, toàn thân lấm bê lấm bết. Nhìn dáng tôi như vậy, Gia Trân cúi đầu sụt sịt khóc.

Gia Trân trở về, gia đình lại đông đủ, tôi đi làm cũng có người giúp việc. Tôi bắt đầu thương vợ mình. Gia Trân bảo tôi như vậy, chứ tôi có cảm thấy gì đâu. Tôi thường nói với Gia Trân:

- Em lên bờ nghỉ một lúc đi.

Gia Trân là cô gái thành thị, da mịn thịt non, chân yếu tay mềm, nhìn cô ấy làm việc đồng áng, tôi cứ thấy thương thương. Nghe tôi giục đi nghỉ, Gia Trân vui vẻ cười và bảo:

- Em không mệt.

Mẹ tôi nói đúng, chỉ cần con người sống vui vẻ là không sợ nghèo. Gia Trân cởi bỏ áo dài, cũng mặc áo vải thô như tôi, suốt ngày cô ấy làm việc mệt thở không ra hơi, mà vẫn cứ tươi cười. Phượng Hà là con bé ngoan, chúng tôi từ nhà ngói dọn ra ở lều tranh, mà cháu vẫn vui vẻ, ăm cơm độn ngô độn khoai mà cũng không nhổ đi. Sau khi em trai về, nó càng vui hớn hở, không còn theo bố ra đồng nữa, cứ luôn luôn ở nhà bế em. Hữu Khánh mới ở tỉnh được sáu tháng đã phải về bên bố chịu khổ. Tôi cảm thấy mình rất có lỗi với con trai.

Cứ như thế sống được một năm thì mẹ tôi bị ốm. Mới đầu chỉ là chóng mặt, mẹ tôi bảo nhìn con cháu cứ lờ mờ; tôi cũng không để ý lắm, nghĩ bụng mẹ đã cao tuổi, mắt mờ là chuyện đương nhiên. Sau đó có một hôm, lúc đun bếp đột nhiên mẹ tôi gục đầu vào tường như đang ngủ. Khi hai vợ chồng tôi từ ngoài đồng về, mẹ tôi vẫn gục như vậy. Gia Trân gọi mẹ, mẹ cũng không đáp; đưa tay lay người mẹ, thì mẹ trượt theo bờ tường. Gia Trân sợ quá gọi tôi, khi tôi vào bếp thì mẹ đã tỉnh, mẹ trân trân nhìn chúng tôi. Chúng tôi hỏi mẹ, mẹ cũng không trả lời. Một lúc sau, mẹ ngửi thấy mùi khét, biết nồi cơm đã cháy, mới cất tiếng:

- Ái chà, sao mẹ lại ngủ thế nhỉ?

Mẹ tôi hốt hoảng định đứng lên, mới đứng được nửa người thì chân thõng ra, người ngã xuống. Tôi vội vàng bế mẹ lên giường, mẹ tôi cứ luôn mồm nói mình đã ngủ say, mẹ sợ chúng tôi không tin. Gia Trân kéo tôi ra một bên, bảo:

- Anh lên tỉnh mời thầy lang về xem sao.

Mời thầy lang thì phải có tiền, tôi cứ đứng lặng thinh. Gia Trân lật nệm lấy ra hai đồng bạc gói trong khăn mùi xoa. Nhìn hai đồng tiền bằng bạc, tôi có phần đau lòng, đó là số tiền Gia Trân đem từ tỉnh về, chỉ còn lại hai đồng này. Sức khỏe của mẹ tôi càng khiến tôi lo lắng, tôi liền cầm lấy tiền. Gia Trân gấp ngay ngắn chiếc khăn mùi xoa lại nhét vào dưới nệm, lấy ra một bộ quần áo sạch sẽ bảo tôi mặc vào. Tôi bảo vợ:

- Anh đi nhé.

Gia Trân không đáp, cô ấy đi theo tôi ra cửa. Đi được mấy bước tôi quay đầu nhìn vợ, vợ tôi vuốt vuốt tóc về đằng sau gật gật đầu chào tôi. Từ sau khi Gia Trân trở về, đây là lần đầu tiên tôi xa nhà. Tôi mặc bộ quần áo tuy rách nhưng sạch sẽ, chân đi giày cỏ mẹ tôi bện để vào thành phố. Phượng Hà ngồi ở sân trước cửa bế Hữu Khánh đang ngủ. Nhìn thấy bố mặc gọn gàng sạch sẽ, nó hỏi:

- Bố ơi, bố ra đồng đấy à?

Tôi đi nhanh lắm, chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đã đến tỉnh. Đã hơn một năm rồi tôi không lên tỉnh, bây giờ vào thành phố trong lòng có phần ngỡ ngàng. Tôi liền nghĩ đến Gia Trân, nghĩ đến vợ cũng không sợ gặp người quen nữa. Tôi ăn mặc có rách rưới một chút, nhưng Gia Trân vẫn tốt với tôi như trước. Tôi biết hết mấy thầy thuốc trong thành phố trình độ khám chữa thế nào, ai lấy đắt, ai lấy vừa phải. Suy nghĩ một lát, tôi quyết định vẫn nên đến tìm thầy lang Lâm ở cạnh cửa hàng lụa. Ông lang này là bạn của bố vợ tôi, thấy người nhà của Gia Trân có lẽ ông ta cũng không nỡ lấy quá đắt.

Khi đi qua phủ cụ huyện, tôi nhìn thấy một em bé mặc áo lụa đang kiễng chân cố sức định nắm lấy cái vòng đồng gõ cổng. Cậu bé suýt soát tuổi con gái tôi, tôi bảo nó:

- Để ta gõ giúp cháu.

Cậu bé vui vẻ gật đầu, tôi liền móc tay cầm vòng đồng gõ thật mạnh mấy cái, ở bên trong có người nói vọng ra:

- Có đây.

Lúc này cậu bé mới nói với tôi:

- Chúng ta mau mau chạy đi thôi.

Tôi chưa hiểu ra sao, thì cậu bé nép sát bờ tường chuồn mất. Sau khi mở cổng, một người đàn ông ăn vận kiểu đầy tớ vừa nhìn thấy bộ quần áo của tôi, chẳng nói năng chi, giơ tay đẩy tôi một cái. Tôi không ngờ anh ta lại làm thế, loạng choạng ngã từ bậc thềm xuống. Tôi bò dậy, vốn định cho qua, song thằng cha kia lại bước xuống đá tôi một phát, còn bảo:

- Đi ăn mày thì cũng phải xem xem chỗ này là chỗ nào chứ.

Tôi cáu tiết, chửi luôn:

- Ta có phải gặm xương mục trong mộ tổ nhà người, cũng không thèm đến ăn xin nhà ngươi đâu nhé!

Hắn xô đến đánh liền, tôi bị một quả đấm vào mặt, hắn cũng bị tôi đá một cú, hai chúng tôi túm đánh nhau trong phố. Thằng nhãi này gớm ra phết, xem chừng không thắng nổi tôi, liền túm chặt đũng quần nhấc chân, còn tôi cho hắn mấy cái đá đít. Cả hai đứa chúng tôi không biết đánh nhau, quần đảo nhau một lúc thì nghe có ai đó ở đằng sau quát:

Thêm Bình Luận