Sống


- Chào ông trẻ.

Tôi bảo anh ta:

- Đừng gọi tôi là ông trẻ nữa, cứ gọi là đồ súc vật.

Anh ta lắc đầu nói:

- Hoàng đế ăn xin cũng là Hoàng đế, ông trẻ không có tiền cũng vẫn là ông trẻ.

Nghe nói vậy, nước mắt tôi lại ròng ròng. Anh ta cũng ngồi xổm bên cạnh tôi, tay úp mặt khóc hu hu. Chúng tôi khóc một trận, rồi tôi bảo anh ta:

- Trời sắp tối rồi, Trưởng Căn về nhà tôi đi.

Trưởng Căn đứng lên, lê từng bước. Tôi nghe thấy anh ta nói ồm ồm:

- Tôi làm gì còn có nhà mà về, thưa ông trẻ.

Sau khi Trưởng Căn đi, tôi cũng đứng lên đi về nhà. Khi tôi về đến nhà thì trời đã tối mịt. Người ở và con hầu trong nhà trước kia đều đi hết. Mẹ tôi và Gia Trân đang ở trong bếp, một người đốt lửa, một người nấu cơm. Bố tôi vẫn còn nằm trên giường, chỉ có con gái Phượng Hà vẫn vui vẻ như ngày thường. Nó đâu có biết từ nay trở đi sẽ phải khổ phải nghèo. Nó hớn hở chạy đến sà vào lòng tôi hỏi:

- Tại sao bọn họ bảo con không phải là tiểu thư nữa hả bố?

Tôi vuốt ve khuôn mặt bé nhỏ của nó, không nói nổi câu nào. Được cái Phượng Hà không hỏi nữa, nó lấy móng tay cạy hết vết bùn trên quần tôi, vui vẻ nói:

- Con giặt quần cho bố nhé!

Đến giờ ăn cơm, mẹ tôi đến cửa buồng bố tôi hỏi:

- Tôi bưng cơm vào buồng cho ông nhé?

Bố tôi đáp:

- Tôi ra ăn.

Bố tôi xách cây đèn dầu trong ba ngón tay từ trong buồng đi ra, ánh đèn chiếu vào mặt ông nửa sáng nửa tối. Ông còng lưng ho sù sụ, ngồi xuống hỏi tôi:

- Trả hết nợ rồi chứ?

Tôi cúi đầu trả lời:

- Trả hết rồi.

Bố tôi bảo:

- Thế là tốt. Thế là tốt.

Nhìn thấy vai tôi rớm máu, bố tôi lại hỏi:

- Vai cũng toạc ra ư?

Tôi im lặng, len lén nhìn mẹ tôi và Gia Trân. Cả hai người đều nhìn vai tôi, rơm rớm nước mắt. Bố tôi ăn chậm rãi, mới ăn được mấy miếng đã bỏ đũa bát xuống không ăn nữa. Một lúc sau, bố tôi nói:

- Ngày trước, ông bà tổ tiên họ Từ nhà mình chẳng qua là nuôi một con gà con, nuôi to rồi biến thành ngỗng, ngỗng nuôi to rồi biến thành dê, dê nuôi to rồi dê biến thành trâu. Gia đình họ Từ nhà mình phất lên như thế đấy.

Giọng bố tôi khò khè, ông dừng một lát rồi nói tiếp:

- Đến tay tôi, thì con trâu nhà họ Từ biến thành con dê, dê lại biến thành ngỗng; truyền đến anh, thì ngỗng biến thành gà, bây giờ thì ngay đến gà cũng không có.

Nói đến đây bố cười hì hì, cứ cười, cứ cười rồi khóc hu hu. Bố tôi giơ hai ngón tay nói với tôi:

- Nhà họ Từ đẻ ra hai thằng con hư đốn.

Chưa đầy hai ngày, Long Nhị đến nhà. Dáng anh ta khác hẳn. Trong mồm anh ta đã gắn hai cái răng vàng, há rõ to, cười khì khì. Anh ta đã mua nhà và ruộng đất chúng tôi thế chấp, anh ta đến xem tài sản của mình. Long Nhị giơ chân đá đá vào chân tường, lại dí sát tai vào tường, giơ lòng bàn tay vỗ vỗ, nói rối rít:

- Chắc lắm, chắc lắm!

Long Nhị đến một cái là chúng tôi phải dọn khỏi ngôi nhà đã từng ở mấy đời, dọn ra lều tranh.

Hôm dọn đi, bố tôi chắp hai tay ra đằng sau, đi đi lại lại trong mấy gian nhà, sau đó nói với mẹ tôi:

- Tôi vẫn cứ muốn sẽ chết ở trong ngôi nhà này.

Nói xong, bố tôi phủi bụi trên áo lụa, vươn cổ bước ra ngoài. Chưa bước ra khỏi ngưỡng cửa, bố tôi đã đâm đầu xuống đất. Bố tôi tắt thở trước khi trời tối. Ông là người cuối cùng chết trong ngôi nhà này của gia đình họ Từ chúng tôi.

Sau khi bố tôi chết, mẹ tôi và Gia Trân đều không dám khóc to, sợ tôi không chịu nổi cũng đi theo bố. Thỉnh thoảng tôi vô ý va vào cái gì đó, hai mẹ con lại giật nẩy người; thấy tôi không ngã gục ra đất như bố, mẹ tôi và vợ tôi mới yên tâm lên tiếng hỏi:

- Không sao đấy chứ?

Những ngày ấy tôi rã rời toàn thân như bị ôn dịch, suốt ngày ngôi trên đất trước lều tranh, khóc lóc chán lại thở dài thườn thượt. Mẹ tôi bước đến bảo:

- Chỉ cần còn người là vui rồi, nghèo cũng không sợ.

Mẹ an ủi tôi, mẹ cứ tưởng tôi bị cảnh nghèo hành hạ thành ra thế này. Thật ra trong lòng tôi đang nghĩ đến người bố đã chết. Bố tôi đã chết trong tay tôi. Mẹ tôi, Gia Trân, cả cháu Phượng Hà nữa sống khổ sống sở theo tôi.

Ngày thứ ba sau khi bố tôi chết, bố vợ tôi đã đến. Ông thuê một cái kiệu bốn người khiêng từ ngoài đường xồng xộc đi vào. Lúc ấy tôi đang làm việc ở ngoài đồng, vừa nhìn thấy đôi chân của bố vợ tôi bước lập cập, tôi đã biết ngay ông ấy đến đón Gia Trân về nhà. Ông bảo người khiêng đặt kiệu trước lều tranh nhà tôi, tay phải nhấc áo dài bước vào. Đầu tiên tôi nghe thấy tiếng ông giận dữ, sau đó là tiếng khóc của Gia Trân, không nghe thấy tiếng của mẹ tôi. Chẳng bao lâu Gia Trân ưỡn cái bụng to đi ra. Cô ấy đứng ở bên kiệu nhìn tôi. Bố vợ tôi nói với con gái mấy câu, cô ấy bước lên kiệu. Người mẹ đáng thương của tôi đứng ở một bên, không nói sao. Khi kiệu lên vai khiêng đi, mẹ tôi vẹo vọ bước đôi chân bé xíu đi theo ra mãi đầu làng, đứng ở ngoài đó lâu lắm.

Bố vợ tôi tay nhấc áo dài, đi nhanh như kiệu. Sau khi họ đi xa, mẹ tôi lau nước mắt tập tễnh quay về.

Lúc này Phượng Hà chạy đến, mở to mắt nói với tôi:

- Bố ơi, mẹ con ngồi kiệu cơ đấy.

Cái dáng hớn hở của Phượng Hà khiến tôi đau khổ. Tôi bảo con gái:

-Phượng Hà ơi, con đừng quên bố là bố của con đấy nhé!

Nghe tôi nói vậy, Phượng Hà cười khanh khách, nói:

- Bố cũng đừng quên con là Phượng Hà.

Sau khi Gia Trân đi, mẹ tôi thường ngồi ở một bên len lén lau nước mắt. Tôi muốn nói mấy câu an ủi mẹ, nhưng cứ nhìn bóng dáng bà như thế, tôi chẳng nói được câu nào. Ngược lại, mẹ thường bảo tôi:

- Gia Trân là vợ của con, không phải của ai cả, chẳng người nào cướp đi được.

Long Nhị trở thành địa chủ ở đây, tôi liền đi cày thuê cấy rẽ cho anh ta.

Ngồi ở trên ghế thái sư trong nhà tôi, Long Nhị há mồm có cái răng vàng, cười tít mắt hỏi tôi:

- Anh cần mấy mẫu? (Ghi chú luôn là mỗi mẫu TQ bằng 667 m2)

Tôi đáp:

- Thuê năm mẫu.

- Năm mẫu à? -Anh ta rướn lông mày mấy cái, hỏi -Sức anh thế này, được ư?

Tôi đáp:

- Rèn luyện thì sẽ được.

Anh ta suy nghĩ rồi bảo:

- Chúng ta là chỗ quen biết cũ, tôi để cho anh năm mẫu ruộng tốt.

Long Nhị vẫn còn giữ chút ít tình bạn cũ, anh ta cho tôi cấy rẽ năm mẫu ruộng tốt thật. Một mình tôi cày cấy năm mẫu ruộng. Lúc nào còn nhìn thấy, tôi đều ở ngoài ruộng. Phượng Hà ngày nào cũng theo tôi ra ngồi ở bờ ruộng. Nó hái những bông hoa dại cài lên đầu, luôn mồm hỏi bố nó giống cái gì. Lúc mùa vụ bận rộn, mẹ tôi cũng ra đồng làm giúp tôi một số việc.

Long Nhị thường mặc áo tơ lụa, tay phải cầm ấm trà đi đi lại lại ở bờ ruộng, trông ra vẻ lắm. Lúc nào anh ta cũng cười, khi nhìn thấy người nông dân không ưng ý, mẹ kiếp, anh ta cũng cười. Lúc đầu, tôi cứ tưởng anh ta đối xử thân mật với mọi người, dần dần tôi mới biết anh ta muốn ai ai cũng nhìn thấy cái răng vàng của mình.

Một hôm tôi đang gặt lúa, Phượng Hà đi mót ở đằng sau, Long Nhị khệnh khạng bước đến bảo:

- Phú Quí ơi, tôi chừa đánh bạc rồi, để sau này khỏi phải đến nỗi như anh.

Tôi khom lưng kính cẩn:

- Vâng,thưa ông trẻ Long.

Long Nhị chỉ vào Phượng Hà, hỏi:

- Con gái anh đây à?

Tôi lại khom lưng lễ phép đáp:

- Vâng, thưa ông trẻ Long.

Tôi nhìn thấy Phượng Hà đứng ở đó, cầm bông thóc trong tay, mắt cứ nhìn chòng chọc vào Long Nhị, liền vội vàng giục con:

Thêm Bình Luận