Tôi là đứa con hư hỏng của gia đình họ Từ. Nói theo lối nói của bố tôi, thì tôi là đứa con nghiệp chướng của ông. Tôi đã học mấy năm trường tư thục. Thầy giáo trường tư thục mặc áo dài, khi thầy gọi tôi đọc một đoạn sách là lúc tôi vui vẻ nhất. Tôi đứng dậy, cầm quyển “Văn ngàn chữ” đóng bằng chỉ, nói với thầy giáo:
- Chú ý lắng nghe, bố đọc cho con nghe một đoạn nhé!
Thầy giáo tư thục mái tóc đã hoa râm, bảo với bố tôi:
- Cậu con trai nhà ông lớn lên chắc chắn sẽ là một tên lưu manh.
Ngay từ lúc còn bé tôi đã hết phương cứu chữa. Bố tôi bảo thế. Thầy giáo trường tư thục bảo tôi là gỗ mục không chạm trổ được. Bây giờ nghĩ lại, bố tôi và thầy giáo đều nói đúng. Thời đó tôi không nghĩ thế, tôi nghĩ tôi có tiền, hơn nữa bố tôi chỉ có tôi là đứa con trai duy nhất.
Lúc học trường tư thục, tôi không bao giờ đi bộ, ngày nào cũng có một người làm thuê cõng đến trường. Lúc tan học, anh ta đã ngồi xổm cong lưng cung kính chờ sẵn ở đó. Sau khi cưỡi lên, tôi vỗ vỗ vào đầu anh ta, bảo:
- Trưởng Căn, chạy đi.
Kẻ đi ở có tên là Trưởng Căn co chân chạy. Tôi ngồi trên lưng cứ ngật ngà ngật ngưỡng, ý như con chim sẽ đậu trên ngọn cây, tôi giục anh ta:
- Bay đi chứ!
Anh ta liền nhảy quớ từng bước ra vẻ đang bay.
Sau khi lớn, tôi thích lên tỉnh chơi, thường mười ngày nửa tháng không về nhà. Tôi mặc áo lụa trắng, mái tóc bôi va-dơ-lin bóng loáng; đứng soi trước gương, tôi nhìn thấy đầu tóc mình bóng nhẩy mượt mà, ra dáng con nhà lắm tiền.
Thời gian đầu tôi ưa vào các lầu xanh, nghe những cô gái ngứa nghề chơi suốt đêm cười cợt chí chóe; những âm thanh ấy nghe như đang gãi ngứa cho tôi. Về sau, tôi thích đánh bạc hơn. Đến nhà chứa chỉ là để thư giãn, còn đánh bạc thì hoàn toàn khác, tôi vừa sung sướиɠ vừa căng thẳng, nhất là khoản căng thẳng hồi hộp thì không thể miêu tả nổi.
Trước đây, tôi sống ngày nào hay ngày ấy, suốt ngày uể oải, sang sớm nào thức dậy cũng buồn tình không biết hôm nay sống ra sao. Bố tôi thường thở dài, mắng tôi không biết làm vẻ vang cho tổ tông họ hàng. Tôi nghĩ bụng, việc quái gì phải lo chuyện rạng rỡ tổ tông; tại sao phải bắt mình từ bỏ cuộc sống sung sướиɠ đi lo chuyện rạng rỡ tổ tông cho mệt xác. Hơn nữa lúc còn trẻ, bố tôi cũng như tôi, ông bà nội tôi có hơn hai trăm mẫu ruộng, khi chuyển sang tay bố tôi quản lý, thế quái nào chỉ còn hơn một trăm mẫu. Tôi nói với bố:
- Bố đừng buồn, con sẽ làm rạng rỡ tổ tông.
Cũng nên để cho đời con cháu chút ít vẻ vang chứ! Mẹ tôi nghe nói thế cười hì hì. Bà len lén bảo tôi, lúc còn trẻ bố tôi cũng nói với ông nội như thế. Tôi thầm nghĩ, phải rồi, việc bố không làm nổi lại bắt con phải làm, con làm thế nào được? Thời đó, con trai tôi Hữu Khánh chưa ra đời, con gái tôi Phượng Hà vừa tròn bốn tuổi. Gia Trân mang thai Hữu Khánh đương nhiên nom có phần ơn ớn, tôi chê cô ấy:
- Cô ấy à, hễ gió thổi một cái là bụng phưỡn ra.
Gia Trân chưa bao giờ đối chọi lại với tôi, nghe tôi gằn hắt thế, trong lòng không vui, nhưng cô ấy cũng chỉ thủ thỉ một câu:
- Đâu có phải có gió thổi mà to được?
Từ sau khi lao vào cờ bạc, đúng là tôi đã nghĩ đến chuyện làm rạng rỡ tổ tông, định lấy lại hơn một trăm mẫu ruộng bố tôi đã để tuột khỏi tay. Trong thời gian ấy, bố tôi hỏi tôi:
- Con làm những trò gì ở tỉnh thế?
Tôi trả lời:
- Con không làm trò ma gì đâu, hiện giờ con đi buôn.
- Buôn cái gì? - Bố tôi hỏi.
Tôi đáp:
- Buôn tiền đồng.
Vừa nghe xong, ông đã nổi giận. Lúc còn trẻ, bố tôi cũng đã từng trả lời ông tôi như thế. Bố tôi biết tôi đang đánh bạc, liền tụt giày vải ra đánh tôi. Tôi tránh bên này nấp bên kia, thầm nghĩ cứ để ông ấy đánh mấy cái cho xong chuyện. Những ông bố bình thường chỉ có ho mới có sức lực này, càng đánh càng dữ. Tôi cũng đâu chỉ là con ruồi, cứ để bố đánh đi đánh lại mãi. Tôi chộp luôn tay bố, nói:
- Mẹ kiếp, thôi đi bố ơi! Ta nể ông đẻ ra ta mà ta nhường nhịn ông đó. Thôi đi ông ơi, mẹ kiếp!
Tôi bóp chặt tay phải của bố, ông lại giơ tay trái tụt giày vải ở chân phải ra định đánh tiếp. Tôi lại bóp chặt tay trái của ông, thế là bố tôi hết động đậy, ông tức đến mức cứ ú ớ mãi mới nói được một tiếng:
- Thằng mất dạy!
- Mẹ kiếp!
Tôi đẩy mạnh hai tay một cái, bố tôi liền ngã bổ chửng ngồi vào góc tường.
Thời còn trẻ, rượu chè, cờ bạc, gái trai… việc gì tôi cũng làm. Nhà chứa mà tôi thường lui tới còn gọi là lầu xanh. Ở đấy có một con điểm béo phốp pháp khiến tôi ưa thích. Khi cô ta đi, hai cái mông to như cái đèn l*иg treo ở trước cửa nhà, cứ vặt bên nọ vặt bên kia. Khi cô ta nằm ngửa tênh hênh không động đậy trên giường, tôi nằm sấp lên trên như nằm trên thuyền, cứ tròng trà tròng trành trong nước. Tôi thường sai cô ta cõng tôi đi dạo phố, tôi cưỡi lên người cô ta như cưỡi trên lưng ngựa.
Bố vợ tôi - ông chủ hãng gạo - mặc áo lụa đen đứng ở sau quầy. Mỗi lần đi qua đây, tôi đều túm tóc con điếm bảo nó dừng lại, bỏ mũ chào bố vợ:
- Gần đây có khỏe không?
Khuôn mặt của bố vợ tôi lúc ấy như quả trứng muối, còn tôi thì cười ha ha đi qua. Sau đó bố tôi bảo, bố vợ tôi đã bị tôi làm cho mấy lần phát ốm. Tôi nói với bố tôi:
- Đừng có nói dóc, bố là bố con mà không tức giận đến phát ốm, thì bản thân ông ấy ốm đau lại đẩy lên thân con?
Ông ấy sợ tôi, tôi biết lắm chứ. Từ đó trở đi, lần nào tôi cưỡi lưng gái điếm đi qua cửa hàng gạo, bố vợ tôi cũng vội vàng chuồn vào trong nhà y như con chuột chạy trốn. Ông ấy không dám gặp tôi. Nhưng làm thân thằng con rể đi qua cửa hàng của bố vợ cũng phải tỏ ra lễ độ chứ, tôi liền cất tiếng rõ to chào ông bố vợ bỏ trốn.
Gia Trân, vợ tôi đương nhiên biết rõ những chuyện lăng nhăng của tôi ở thành phố. Cô ấy là một người đàn bà tử tế, đời tôi kiếm được một người vợ thảo hiền như vậy, có lẽ do kiếp trước làm chó sủa một đời đánh đổi lại. Gia Trân xưa nay bao giờ cũng chịu nhịn chồng; tôi ra ngoài ăn chơi bậy bạ như thế, cô ấy chưa khi nào ca cẩm tôi một lời. Giống mẹ tôi, cô ấy chỉ nuốt nước mắt vào bụng.
Ở tỉnh thành tôi làm những việc quả thật quá quắt, đương nhiên trong lòng Gia Trân rối như tơ vò, hết sức phiền muộn không thể nào yên. Một hôm tôi từ tỉnh về, vừa ngồi xuống, Gia Trân tươi cười bưng ra bốn món thức ăn bày trước mặt tôi, lại còn rót cho tôi một chén rượu đầy ăm ắp, rồi ngồi luôn ở bên cạnh hầu hạ tôi ăn uống. Nụ cười tươi rói của vợ khiến tôi cảm thấy là lạ, không biết cô ấy gặp chuyện tốt lành gì; tôi nghĩ mãi không ra hôm nay là ngày gì, hỏi thì cô ấy cứ im lặng, chỉ tươi cười nhìn tôi. Bốn món thức ăn kia đều là rau xanh. Gia Trân làm mỗi món một khác, nhưng ăn xuống dưới thì bát nào cũng có một miếng thịt lợn to gần bằng nhau. Lúc đầu tôi không để ý lắm, ăn đến món cuối cùng thì ở dưới bát lại là một miếng thịt lợn. Tôi ngần người một lát, sau đó cười hì hì. Tôi hiểu ý của Gia Trân. Cô ấy đang gợi ý cho tôi, đàn bà trông vào thì ai chả giống ai, nhưng bên dưới thì đều thế cả. Tôi nói với Gia Trân:
- Anh cũng biết cái lý này.
Lý lẽ tôi cũng biết, nhìn thấy đàn bà ở trên khác nhau thì điều tôi nghĩ ở trong lòng cũng khác nhau. Đây là việc quả thật không biết làm thế nào.
Gia Trân là một người đàn bà như vậy, trong lòng rất bất mãn với tôi, song không để tôi nhìn thấy trên nét mặt, đã bày ra cái trò quanh co vòng vèo ấy để uốn nắn tôi. Tôi cứ thế đấy, mềm chẳng chịu, rắn không nghe; giày vải của bố, món ăn của vợ đều không giữ nổi chân tôi. Tôi cứ thích lên tỉnh, tôi cứ mò vào lầu xanh. Vẫn là mẹ tôi hiểu tâm địa cánh đàn ông chúng tôi. Mẹ tôi bảo Gia Trân: