Lúc đầu, hai cánh tay Gia Trân còn quặp chặt cổ tôi. Đi được một quãng thì cánh tay vợ buông thõng xuống cứ đung đa đung đưa trước ngực tôi, trong vào tưởng như không có cánh tay trong ống tay áo. Nhìn vợ, tôi chua xót vô cùng.
Đi gần đến thành phố, tôi đã thấm mệt, liền để Phượng Hà cõng thay. Phượng Hà còn khỏe hơn bố, cõng mẹ trên lưng cứ đi tâng tâng. Nằm trên lưng con gái, Gia Trân đột nhiên cười, nói an ủi:
- Phượng Hà cũng lớn rồi.
Nói xong câu ấy, mắt Gia Trân đỏ hoe, lại bảo:
- Nếu Phượng Hà không bị trận ốm đó thì tốt quá.
Tôi gạt đi:
- Bao nhiêu năm nay rồi, còn nhắc lại làm gì nữa.
Bệnh viện tỉnh xác định Gia Trân bị bệnh nhũn xương. Họ bảo, không ai chữa được bệnh này, khuyên chúng tôi cõng Gia Trân về, có thể cho ăn ngon được chút nào thì cố gắng chút ấy. Có thể bệnh của Gia Trân ngày càng tồi tệ hơn, cũng có thể cứ như thế này. Trên đường về, Phượng Hà cõng mẹ, tôi đi bên cạnh lòng dạ rối bời, Gia Trân đã mắc phải chứng bệnh không ai chữa nổi. Càng nghĩ, tôi càng sợ. Cuộc đời này nhanh vậy đấy, nhìn khuôn mặt Gia Trân héo hon hốc hác, tôi nghĩ sau khi lấy tôi, Gia Trân chưa được sống một ngày ra sống.
Gia Trân, thì ngược lại, có phần tỏ ra vui vẻ, áp mặt vào lưng con gái, cô ấy khẽ nói:
- Chữa không nổi mới tốt, làm gì có tiền mà chữa bệnh.
Thầy thuốc đã nói đúng, bệnh của vợ tôi ngày càng tệ, về sau đi cũng không đi được, đành phải nằm trên giường cả ngày. Gia Trân không cam lòng, không làm được việc đồng thì làm việc nhà. Cô ấy vịn tường đến chỗ này lau lau, a chỗ kia chùi chùi, có một hôm Gia Trân ngã bổ chổng không sao bò dậy được. Khi tôi và Phượng Hà ở ngoài đồng về nhà, Gia Trân vẫn nằm quay lơ, trán va chảy máu. Tôi bế vợ lên giường, thân thể Gia Trân giống như một miếng thịt chết. Phượng Hà lấy khăn rửa mặt lau vết máu ở trán mẹ. Tôi bảo vợ:
- Từ nay trở đi mình đừng xuống đất nữa.
Gia Trân biết mình có lỗi, nhẹ nhàng nói:
- Anh Phú Quí ơi, em đâu biết mình không đứng dậy được nữa.
Gia Trân cứng rắn lắm, đến lúc này cũng không kêu khổ một câu. Không xuống đất được thì Gia Trân bảo tôi vơ hết quần áo rách để lên giường, cô ấy nói:
- Có việc làm thì trong lòng yên tâm hơn.
Gia Trân tháo tháo khâu khâu, sửa vá quần áo cho hai con. Phượng Hà và Hữu Khánh mặc vào trông cũng còn mới lắm. Sau đó tôi mới biết Gia Trân đã tháo gỡ hết quần áo của bản thân ra. Thấy tôi bực mình, Gia Trân mỉm cười bảo:
- Quần áo không mặc thì mau hỏng. Em không mặc đến những thứ ấy nữa, đừng để phí phạm của trời.
Gia Trân bảo đang khâu cho tôi một bộ. Nào ngờ chưa khâu xong quần áo thì ngay đến kim cũng không cầm nổi. Lúc ấy, Phượng Hà và Hữu Khánh đã ngủ say, Gia Trân vẫn ngồi dưới đèn khâu áo cho tôi. Cô ấy mệt tới mức mặt toát mồ hôi. Mấy lần tôi khuyên vợ mau mau đi ngủ, cô ấy đều thở dài lắc đầu bảo sắp xong ngay đây, thế rồi đánh rơi mất kim, tay cô ấy run run sờ kim, mấy lần cầm kim đều không cầm nổi. Tôi nhặt kim đưa cho vợ, Gia Trân vừa cầm lại rơi xuống, cô ấy đã khóc. Đây là lần đầu tiên vợ tôi hóc sau khi bị ốm. Gia Trân đau khổ vì không bao giờ làm việc được nữa. Cô ấy nói:
- Em đã thành người thừa, chẳng còn trông mong được gì nữa.
Tôi lấy ống tay áo lau nước mắt cho vợ. Cô ấy gầy hốc hác, bao nhiêu xương ở mặt nhô cả lên. Tôi an ủi vợ, tôi bảo Phượng Hà đã lớn, công điểm làm đuợc còn nhiều hơn mẹ trước kia, chẳng còn phải lo đến chuyện tiền nong nữa. Gia Trân bảo:
- Nhưng Hữu Khánh thì còn nhỏ.
Đêm ấy, Gia Trân cứ khóc suốt, cô ấy mấy lần dặn tôi:
- Sau khi em chết, đừng bó xác em bằng bao tải, trên bao tải có nhiều gút chết, ở dưới âm ty em không gỡ nổi; cứ gói bằng mảnh vải sạch sẽ là được. Trước khi chôn, nhớ tắm rửa cho em. -Cô ấy còn nói- Phượng Hà đã lớn, nếu tìm được cho nó bà mẹ chồng thì có chết em cũng yên lòng nhắm mắt, Hữu Khánh còn bé, có những việc con không hiểu, anh cũng đừng thường xuyên đánh nó, chỉ dọa thôi.
Vợ tôi đang dặn dò những việc sau khi chết. Nghe vậy, lòng tôi chua xót đau khổ vô cùng, tôi nói với Gia Trân:
- Đáng lý ra anh đã chết từ đời nảo đời nào, lúc đánh nhau bao nhiêu người bị chết, chỉ có anh lại không chết, ngày nào cũng thầm mong phải sống để về với vợ con, lẽ nào em nỡ bỏ bố con anh mà đi?
Lời tôi nói có tác dụng đối với Gia Trân. Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy Gia Trân đang nhìn mình. Cô ấy nói khe khẽ:
- Anh Phú Quí ơi, em không muốn chết, em muốn ngày nào cũng nhìn thấy anh và các con.
Gia Trân ngày ngày nằm trên giường, còn mệt hơn ra đồng làm việc, toàn thân không cựa quậy được. Vào lúc hoàng hôn, tôi cõng vợ đi lại trong làng. Dân làng nhìn thấy Gia Trân ai cũng thân mật hỏi thăm. Gia Trân cũng thấy vui vui. Cô ấy ghé sát vào tai tôi nói:
- Họ không cười chúng mình chứ anh?
Tôi đáp:
- Anh cõng vợ mình chứ cõng ai mà cười.
Gia Trân bắt đầu thích nhắc lại những chuyện cũ; đến chỗ nào, cô ấy cũng nói chuyện của Phượng Hà và Hữu Khánh trước đây. Cô ấy cứ kể, kể mãi rồi cười. Tới đầu làng, Gia Trân liền nhắc đến chuyện hôm tôi trở về, Gia Trân đang làm việc ở ngoài đồng, nghe thấy có ai gọi to Phượng Hà và Hữu Khánh, ngẩng đầu lên thì nhìn thấy tôi, lúc đầu còn không dám nhận. Nói đến đây, Gia Trân cười rồi khóc, nước mắt nhỏ xuống cổ tôi. Cô ấy nói:
- Anh trở về là mọi việc đều tốt.
Sau khi Gia Trân ốm không dậy được, gia đình thiếu đi một người làm công điểm, đời sống đương nhiên là khổ đi nhiều. Phượng Hà càng mệt, ngoài việc đồng áng không hề giảm, việc trong nhà trước kia mẹ làm thì nay dồn hết cho con gái. Được cái nó còn trẻ, làm việc quần quật cả ngày, ngủ một giấc sáng mai lại có sức lại hăng hái. Hữu Khánh cũng phải làm việc nặng, nó không thể chỉ trông coi hai con dê mãi, ruộng phần trăm của nhà cũng cần nó gánh vác ít việc. Năm Hữu Khánh mười ba tuồi, nghĩa là sau khi Gia Trân không còn khâu vá được, chiều tối hôm ấy tôi đi làm về, Hữu Khánh đang xới cỏ ở thửa ruộng phần trăm, nó gọi tôi một tiếng. Tôi bước lại gần, thằng bé tay giữ cán cuốc, cúi đầu nói:
- Con đã học được rất nhiều chữ, bố ạ!
Tôi đáp:
- Tốt lắm.
Nó cúi đầu nhìn tôi một cái rồi nói tiếp:
- Những chữ này đã đủ để con dùng một đời.
Tôi nghĩ bụng khẩu khí thằng này lớn thật; không để ý đến ý tứ gì khác của con, tôi nói luôn:
- Con vẫn phải chịu khó học tập.
Lúc này nó mới nói thật:
- Con không muốn đi học nữa.
Tôi vừa nghe đã sa sầm nét mặt:
- Không được!
Thật ra tôi cũng đã từng nghĩ để Hữu Khánh thôi học. Tôi bỏ ý định này là vì Gia Trân.Hữu Khánh không đi học, Gia Trân cũng chẳng sống được bao lâu. Gia Trân biết nhà nghèo quá mới không cho Hữu Khánh đi học, cô ấy sẽ cảm thấy mình đã làm khổ Hữu Khánh. Tôi bảo với Hữu Khánh:
- Mày không chăm chỉ học tập, ông sẽ chọc tiết!
Nói xong câu ấy, tôi có phần hối hận. Chẳng phải vì cái gia đình này mà Hữu Khánh mới có ý định bỏ học đấy ư? Đứa con mười ba tuổi đã hiểu biết như vậy, khiến tôi vừa vui mừng vừa đau khổ, tôi thầm nhủ từ nay trở đi không thể đánh con một cách tùy tiện nữa.
Một hôm, tôi vào thành phố bán rau, bán xong tôi bỏ ra năm xu mua năm cái kẹo cho Hữu Khánh. Đây là lần đầu tiên trong đời làm bố, tôi mua quà cho con. Tôi cảm thấy nên thương yêu Hữu Khánh hơn nữa.
Tôi quẩy quang gánh đi vào trường học. Trường học chỉ có hai dãy nhà, các em đang học bài trên lớp. Tôi đi hết lớp nọ đến lớp kia tìm Hữu Khánh. Hữu Khánh ở lớp học ngoài cùng. Cô giáo đang giảng bài gì đó trước bảng đen. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy Hữu Khánh. Hễ nhìn thấy Hữu Khánh tôi lại bực, thằng bé không chăm chỉ học tập, nó đang cầm cái gì đó ném lên đầu một em ở bàn trước. Để nó đi học, Phượng Hà đã chịu cảnh phải đem cho người ta, Gia Trân ốm đau đến mức này cũng không để nó phải bỏ học, vậy mà nó lại hỉ hỉ hả hả đến lớp học đùa nghịch. Lúc ấy tôi tức đến bất chấp tất cả, quăng luôn quang gánh, xông vào lớp, nhằm trúng Hữu Khánh tát một cái. Hữu Khánh ăn đòn xong mới nhìn thấy tôi. Nó sợ bệch mặt ra. Tôi bảo: