Sống


- Phú Quí ơi, tao chết thay mày đấy.

Nghe hắn nói vậy, tôi đâm hoảng, nghĩ bụng rời khỏi đây vẫn hơn, đừng có xem anh ta chết như thế nào nữa. Tôi chen khỏi đám đông, lủi thủi đi ra ngoài. Đi được chừng mười bước thì nghe “đoàng” một tiếng, nghĩ bụng Long Nhị đi đời hẵn rồi; nhưng lại nghe thấy “đoàng” một phát nữa, tiếp theo là ba phát liền, cả thảy bắn năm viên đạn. Tôi thầm nghĩ hay là còn những người khác cũng bị xử bắn. Trên đường về, tôi hỏi một người cùng làng:

- Bắn mấy người?

- Chỉ có một mình Long Nhị.-Anh ta đáp.

Long Nhị xúi quẩy hết mức, anh ta đã ăn năm phát súng, cho dù anh ta có năm mạng sống cũng rồi đời.

Sau khi Long Nhị chết, trên đường về nhà, cổ tôi cứ lạnh toát, tôi càng nghĩ càng sợ, nếu hồi đó bố tôi và tôi không là hai đứa con hư hỏng, thì biết đâu kẻ bị xử tử hôm nay sẽ là tôi. Tôi vuốt vuốt mặt mình, lại nắn nắn bóp bóp cánh tay của mình, tất cả vẫn còn nguyên. Tôi nghĩ, kẻ đáng chết là tôi lại không chết, từ chiến trường tôi đã sống sót trở về; về đến nhà, Long Nhị lại trở thành kẻ chết thay tôi. Mồ mả nhà tôi đã chôn đúng chỗ. Tôi nhắc nhở bản thân: “Phen này phải sống cho tử tế”.

Khi tôi về nhà, Gia Trân đang bện đế giày cho tôi. Nhìn sắc mặt tôi, cô ấy giật nảy người, cứ tưởng tôi ốm. Tôi nói lại, những điều vừa nghĩ với vợ, cô ấy sợ tím tái mặt mày mồm lẩm bẩm:

- Nguy hiểm quá!

Sau đó tôi đã nghĩ ra, cảm thấy khỏi cần tự dọa mình, đây là số phận cả thôi. Thường nghe nói: Nạn lớn không chết tất sẽ có hạnh phúc về sau. Tôi nghĩ, nửa đời về cuối của mình sẽ mỗi ngày một khấm khá. Tôi đã nói với Gia Trân như thế. Gia Trân lấy răng cắn đứt sợi chỉ, nhìn tôi nói:

- Em cũng không muốn phải có hạnh phúc gì, chỉ cầu năm nào cũng làm được cho anh một đôi giày mới.

Tôi hiểu lời của vợ, cô ấy đang cầu mong chúng tôi từ nay trở đi không bao giờ phải sống xa nhau. Nhìn khuôn mặt già đi nhiều của Gia Trân, tôi cay đắng trong lòng, Gia Trân nói đúng đấy, chỉ cần người trong nhà ngày nào cũng sống bên nhau, thì chẳng bận tâm đến hạnh phúc làm gì nữa…

Ông già kể đến đây thì dừng lại. Tôi nhận ra chúng tôi đã ngồi dưới ánh nắng. Mặt trời di chuyển khiến bóng cây từ từ rời xa chúng tôi, chuyển sang chỗ khác. Ông già vặn mình mấy cái rồi mới đứng lên. Ông vỗ vỗ vào đầu gối, nói với tôi:

- Toàn thân tôi đều càng ngày càng cứng, chỉ có mỗi một chỗ càng ngày càng mềm.

Nghe xong, tôi tự dưng cười phá lên, nhìn vào chỗ đũng quần thõng xuống của ông già, ở đó có dính mấy sợi cỏ non. Ông già cũng cười hì hì, tỏ ra rất vui bởi tôi đã hiểu ý của ông. Sau đó ông quay người gọi con trâu:

- Phú Quí!

Con trâu đã lên khỏi ao nước, đang gặm cỏ non ở bờ ao. Con trâu đứng ở dưới hai cây liễu, cành liễu trên lưng trâu đã mất dáng rủ xuống, bị cong vênh đi, cọ sát trên lưng trâu, mấy chiếc lá liễu chậm chạp rơi xuống. Ông già lại gọi một tiếng:

- Phú Quí!

Mông con trâu giống như một hòn đá to từ từ quay về hướng ao, sau đó đầu nó chui ra khỏi cành liễu, hai con mắt tròn xoe nhìn chúng tôi, nó đủng đỉnh bước đến. Ông già bảo con trâu:

- Bọn Gia Trân đã đi làm từ đời nảo đời nào, mày cũng nghĩ đủ rồi. Ta biết mày còn đói, ai bảo mày ngâm ở ao lâu thế hả?

Ông già dắt trâu ra ruộng, lắp vạy cày vào vai. Ông nói với tôi:

- Trâu già cũng như người già, đói bụng hãy nghỉ một lúc mới ăn được.

Tôi ngồi trở lại chỗ bóng râm, lấy ba lô đệm vào lưng dựa vào gốc cây, dùng mũ lá làm quạt. Da bụng con trâu già sệ hẳn xuống hẳn một vệt dài. Khi nó kéo cày, chỗ da bụng ấy y như cái túi nước to cứ quăng đi quăng lại. Tôi lại để ý đến chỗ đũng quần thõng xuống của ông già, đũng quần của ông ấy cũng đang lắc qua lắc lại, giống da bụng con trâu lắm.

Ngày hôm ấy, tôi ngồi dưới bóng cây cho đến mãi chiều tối. Tôi không đi bởi vì câu chuyện ông già kể chưa kết thúc. Mùa hè năm ấy, tôi lăng quăng đây đó trong ánh nắng và bụi đất. Tôi đã được nghe các bài ca dao và truyền thuyết, đồng thời cũng được chứng kiến nhiều chuyện khác. Tôi đã từng gặp một người già như ông Phú Quí, mắt sưng mũi tím ngồi ở bờ ruộng. Tôi hỏi ai đánh ông thế này, ông nói sang sảng: “Thằng con trai tôi nó đánh đấy”. Khi tôi hỏi cụ thể hơn vì sao nó đánh ông, thì ông cứ ấp a ấp úng nói không rõ. Tôi biết ngay đích thị ông này chim chuột vụиɠ ŧяộʍ với con dâu. Còn một buổi tối, tôi cầm đèn pin đi đường, soi thấy hai tấm thân lõα ɭồ ở cạnh một bờ ao, cái này đè lên cái kia. Khi tôi rọi đèn vào, thì cả hai nằm im thin thít không động đậy, chỉ có một tay đang gãi nhẹ vào đùi. Tôi vội vàng tắt đèn pin đi thẳng. Một buổi trưa vụ gặt, tôi đi vào một ngôi nhà mở toang cửa tìm nước uống; kết quả, một người đàn ông mặt quần đùi hốt ha hốt hoảng dẫn tôi ra cạnh giếng nước, rất ân cần múc cho tôi một xô nước, sau đó lại lủi vào trong nhà như một con chuột… Những chuyện tương tự như thế nhiều lắm, nhiều gần bằng những bài ca dao tôi nghe được, thế là khi tôi nhìn mảnh đất đâu đâu cũng mượt mà màu xanh này, tôi cũng rõ hơn vì sao hoa màu cây cối ở đây tốt tươi như vậy.

Buổi chiều hôm đó tôi cứ ngồi nhìn ông Phú Quí cày ruộng. Ngay từ đầu tôi đã biết mình khó mà quên được người đàn ông này. Lúc ấy, trên cánh đồng ở chung quanh, tiếng nói chuyện của bà con nông dân cứ vang qua vang lại. Ồn ào nhất là trên bờ ruộng gần đó, hai người đàn ông lực lưỡng đưa thùng nước trà lên thì uống nước, một đám thanh niên ở bên vừa kêu vừa hét, họ vui vẻ bởi họ đứng ngoài cuộc. Còn chỗ ông Phú Quí ở bên này tỏ ra vắng vẻ hơn nhiều. Trong ruộng nước ở bên cạnh ông có hai người đàn bà đầu chít khăn đang cấy lúa. Họ nói chuyện về một người đàn ông tôi hoàn toàn không quen biết, người đàn ông này hình như là một người rất khỏe mạnh, có thể anh ta là người kiếm được nhiều tiền nhất trong thôn. Qua câu chuyện của họ, tôi biết anh ta làm công việc bốc vác vận chuyển ở trên tỉnh. Một người đàn bà đứng thẳng lưng lên, giơ tay đấm đấm vào lưng;tôi nghe thấy chị ta bảo:

- Tiền anh ta kiếm được dùng trên người vợ một nửa, còn nửa kia dùng trên thân người đàn bà khác.

Lúc này,ông Phú Quí vịn cày đi đến cạnh họ, nói chen vào:

- Làm người không được quên bốn điều: Không nói lời sai, không ngủ nhầm giường, không bước nhầm ngưỡng cửa, không được sờ nhầm túi.

Vịn cày đi qua rồi,ông còn quay đầu lại nói:

- Anh chàng ấy đã quên điều thứ hai, ngủ nhầm giường.

Hai người đàn bà cười hì hì. Tôi nhìn thấy nét mặt ông già tỏ ra đắc ý, ông quát to một tiếng với con trâu. Thấy tôi cũng cười, ông nói với tôi:

- Đấy đều là những đạo lí làm người.

Sau đó, chúng tôi lại ngồi dưới bóng cây. Tôi đề nghị ông tiếp tục kể về mình, ông nhìn tôi có phần cảm động, phảng phất như thể tôi đang làm việc gì đó vì ông, bởi vì thân thế của ông được người khác coi trọng nên ông tỏ ra vui vẻ.

…Bắt đầu kể từ đâu nhỉ? Sau khi tôi về nhà, khổ thì có khổ, song cuộc sống coi như yên ổn. Phượng Hà và Hữu Khánh mỗi ngày một khôn lớn, còn tôi thì càng ngày càng già đi. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy thế, Gia Trân cũng không cảm thấy thế. Tôi chỉ cảm thấy sức lực kém xa ngày trước. Đến một hôm, tôi quẩy một gánh rau lên tỉnh bán, đi qua chỗ cửa hàng lụa trước kia, một người quen nhìn thấy tôi, liền gọi:

- Phú Quí ơi, tóc anh bạc rồi đấy.

Thật ra tôi và anh này cũng chỉ sáu tháng chưa gặp nhau. Anh ấy nói như vậy, tôi mới cảm thấy mình đã già đi nhiều. Về đến nhà, tôi cứ nhìn Gia Trân mãi, nhìn tới mức cô ấy không biết đã xảy ra chuyện gì, cúi đầu nhìn mình, lại quay nhìn sau lưng, rồi mới hỏi:

- Anh nhìn cái gì vậy?

Tôi cười, trả lời vợ:

- Tóc em cũng bạc rồi.

Năm đó Phượng hà mười bảy tuổi, con bé đã ra dáng thiếu nữ, nếu nó không vừa câm vừa điếc thì cũng đã có nơi ăn hỏi. Dân làng ai cũng khen con bé xinh.Phượng Hà hao hao giống Gia Trân thời trẻ. Hữu Khánh cũng đã bước sang tuổi mười hai, cháu học tiểu học ở trên tỉnh.

Thêm Bình Luận