Sống


Lúc còn trẻ hơn bây giờ mười tuổi, tôi được giao cho một nghề rong chơi nhàn lắm: Về các vùng quê thu thập ca dao dân gian. Cả mùa hè năm ấy, tôi như một con chim sẻ bay tung tăng, rong ruổi trên đồng quê thôn xóm ăm ắp tiếng ve sầu và ánh nắng. Tôi thích uống nước trà có vị đắng của nông dân. Họ để thùng nước trà ở dưới bóng cây bên bờ ruộng. Tôi cứ việc cầm cái bát bám cáu trà đen nhẻm múc nước uống tự nhiên, lại còn rót đầy một bình toong của mình, nói với cánh đàn ông trên ruộng dăm ba câu vớ vẩn, rồi đi thẳng trong tiếng cười khúc khích vì tôi của các cô gái. Tôi đã từng nói chuyện với một ông già coi ruộng dưa cả một buổi chiều. Đây là lần tôi được ăn dưa nhiều nhất trong đời. Khi tôi đứng lên chào tạm biệt, đột nhiên phát hiện mình bước đi khó khăn như người đàn bà chửa. Sau đó, tôi ngồi ở ngưỡng cửa với một người phụ nữ đã lên chức bà nội. Bà vừa bện giày cỏ, vừa hát cho tôi nghe bài “Tháng mười mang thai”. Tôi thích nhất là vào lúc chiều tối, ngồi trước nhà nông dân, nhìn họ té nước giếng lên sân cho bụi khỏi bay lên, ánh nắng cuối ngày lung lay nhè nhẹ trên ngọn cây; tôi cầm cái quạt họ đưa cho, nếm miếng dưa nén của họ mằn mặn như muối, nhìn cô gái nào đó, nghe mấy bà già kể chuyện ngày xửa ngày xưa.

Mùa hè ấy suýt nữa tôi còn lao vào một chuyện tình. Tôi gặp một cô thôn nữ xinh xinh thinh thích, mãi bây giờ khuôn mặt trái xoan bánh mật của cô ấy vẫn còn lấp lánh trước mắt tôi. Lúc tôi gặp cô ấy, thì cô ấy đang xắn ống quần ngồi trên bãi cỏ xanh bên bờ sông, tay cầm một cái roi tre, chăn đàn vịt béo mủm mĩm. Cô gái mười sáu mười bảy tuổi này đã e thẹn nói chuyện với tôi suốt một buổi chiều nóng nực. Tôi nhìn cô ấy len lén bỏ ống quần xuống, giấu che ngón chân đi đất của mình vào lùm cỏ. Chiều hôm ấy tôi tán dóc lắm, rêu rao kế hoạch sẽ đưa cô ấy đi chơi ở các nơi như thế nào. Cô ấy vừa ngạc nhiên vừa mừng. Lúc đang cơn say sưa, quả là tôi cũng đã nói những câu thật lòng. Có điều ở bên cô ấy, chỉ cảm thấy thâm tâm mình vui vẻ, chứ không suy nghĩ sau này sẽ ra sao. Nhưng sau đó, ba người anh trai lực lưỡng khỏe như trâu của cô ấy đi đến, tôi mới giật nảy người, cảm thấy mình nên vĩnh biệt cô gái đáng yêu này; nếu không, tôi sẽ chẳng thể tránh khỏi việc lấy cô ấy làm vợ.

Tôi bỏ đi với dáng dấp thế này: Đầu đội mũ lá rộng vành, chân đi dép lê, một cái khăn mặt giắt vào thắt lưng da ở đằng sau như cái đuôi đập vào mông. Tôi há to mồm ngáp một cái, bước tản mạn trên con đường mòn. Đôi dép lê của tôi cứ lạch bạch lạch bạch, hất tung bụi đường, y như cảnh lúc bánh xe lăn qua.

Một hôm sau buổi trưa, tôi đến dưới một cây cành lá sum suê, bỏ mũ lá xuống, rút chiếc khăn mặt đằng sau lau mồ hôi trên mặt. Tôi đưa mắt nhìn bốn phía, lúc đó các cánh đồng đã hái hết bông, có mấy người đàn bà khăn tay đội đầu đang nhổ cây bông trong ruộng, họ chốc chốc lại rung người rũ sạch bùn đất ở rễ cây. Đằng sau tôi là một cái ao, ánh nắng dát vàng lên mặt nước. Tôi ngồi dựa vào gốc cây nhìn ra ao. Tôi lục trong ba lô của mình, đang do dự trước mấy cuốn sách cùng tụt ra một lúc, thì rơi ra một bức thư; tôi liền cho hết sách vào trong ba lô, cầm bức thư bố tôi gửi mà tôi nhận được trước khi đi công tác. Bố tôi chỉ viết có hai câu như thế này: “Nhận được thư của con, bố mẹ vui vẻ cả một ngày. Nhưng lúc đó bố mẹ con đều còn trẻ, dễ xúc động”. Bố tôi châm biếm một cách có thiện chí, làm cho tôi cảm thấy hết sức vui vẻ khi đọc lại. Đã hơn một năm tôi không gửi thư về nhà; sau khi đọc bức thư này, tôi vẫn cảm thấy không có việc gì đáng kể để viết thư nói với bố mẹ. Tôi bỏ thư vào ba lô và nhanh chóng quên bố mẹ. Tôi cảm thấy mình buồn ngủ, liền nằm trên bãi cỏ xanh dưới bóng cây, úp chiếc mũ lá lên mặt, gối chiếc ba lô vào đầu, nhắm mắt lại.

Trên con đường đi vào giấc ngủ, khi màn đêm buông xuống, tôi nhìn thấy bố mẹ mình ngồi trong chăn trên giường, chiếc radio kiểu cũ để ở nóc tủ đầu giường phủ một tấm vải lụa có hình vẽ lá tre. Bố mẹ tôi bàn luận về tôi với một giọng như khi bàn luận về chiếc máy radio. Trên mặt bố mẹ tôi nở nụ cười nhàn nhạt. Cảnh tượng này khiến tôi bừng tỉnh, tôi mở mắt, cảm thấy ánh nắng lọt qua kẽ lá và khe nan mũ chiếu vào mình.

Trẻ hơn bây giờ mười tuổi, tôi nằm giữa bãi cỏ và lá cây ngủ liền hai tiếng đồng hồ. Trong lúc nằm ngủ, có mấy con kiến bò lên chân; tuy ngủ say tôi vẫn búng trúng những con kiến ấy. Sau đó hình như tôi đã đến gần bờ sông, một ông già chống bè nứa từ xa quát lanh lảnh. Tôi giật mình ngồi dậy, nhìn thấy một ông già đang dạy bảo con trâu già ở thửa ruộng bên cạnh.

Có lẽ con trâu già cày ruộng đã thấm mệt, nó cứ cúi gằm đầu xuống đứng ì tại chỗ. Ông già lưng trần cầm cày ở đằng sau, hình như bất bình trước thái độ lì lợm của con trâu. Tôi nghe rõ cái giọng sang sảng của ông nói với nó:

- Làm thân con trâu thì phải kéo cày, làm thân con chó thì phải giữ nhà, làm ông hòa thượng thì phải đi xin của bố thí, làm thân con gà sống thì phải gáy sáng, làm thân đàn bà thì phải dệt cửi. Thử hỏi có con trâu nào không phải kéo cày? Cái lý này có từ ngày xửa ngày xưa. Đi! Đi nào!

Sau khi nghe ông già nói vậy, hình như con trâu già mệt mỏi đã biết sai. Nó ngẩng đầu kéo cái cày đi lên phía trước.

Tôi thấy lưng ông già đen thủi đen thui như lưng trâu. Hai cái mạng sống già nua lật từng luống đất của thửa ruộng khô cứng lên kêu sần sật, trông như những con sóng nổi lên trên mặt nước. Tiếp theo đó, tôi nghe giọng ông già hát khan khan thô thô mà hết sức cảm động. Ông hát một bài ca dao cổ, đầu tiên là một chuỗi lời dân í a í ơi, sau đó là hai câu:

Hoàng để cho ta làm con rể.

Đường xa vời vợi ta không đi.

Bời vì đường xa thăm thẳm, không muốn đi làm con rể vua. Lời hát đắc ý của ông già khiến tôi cười không thành tiếng. Có lẽ con trâu đã đi chậm lại, ông già nói to:

- Nhị Hỷ, Hữu Khánh, không được chây lười. Gia Trân, Phượng Hà cày tốt lắm. Khổ Căn cũng được.

Một con trâu lại có nhiều tên gọi thế sao? Tôi hiếu kỳ đi đến bờ ruộng, hỏi ông già đang đến gần:

- Con trâu này rút cuộc có bao nhiêu tên, thưa ông?

Ông già vịn cày đứng lại, ngắm ngía tôi từ đầu đến chân một lúc rồi hỏi:

- Cậu là người ở tỉnh phải không?

- Vâng ạ! - Tôi gật gật đầu.

Ông già đắc ý:

- Tôi nhìn một cái là nhận ra ngay.

- Con trâu này có bao nhiêu tên, thưa ông? - Tôi hỏi lại.

- Nó chỉ có một tên, gọi là Phú Quí. - Ông già trả lời.

- Vừa giờ ông gọi những mấy tên cơ mà?

- Ồ! - Ông già cười hềnh hệch, vẫy vẫy tay với tôi tỏ vẻ bí mật.

Khi tôi bước đến gần, ông định nói lại thôi. Ông nhìn con trâu đang ngẩng đầu nghe ngóng, liền quát:

- Mày đừng có nghe trộm, cúi xuống!

Con trâu quả nhiên cúi xuống. Lúc này, ông già mới khe khẽ bảo tôi:

- Tôi sợ nó biết chỉ có mình nó kéo cày, nên đã gọi ra vài cái tên để đánh lừa nó. Nghe thấy còn có những con trâu khác cũng đang kéo cày, nó sẽ vui lên, kéo khỏe hơn.

Trong ánh nắng, nụ cười trên khuôn mặt đen sạm của ông già trông rất tươi, những nếp nhăn trên mặt uốn lượn một cách vui vẻ, bám đầy bùn đất ở bên trong, trông như những con đường mòn ngang dọc trên đồng ruộng.

… Bốn mươi năm trước, bố mẹ tôi thường đi đi lại lại ở đây. Thời đó, cảnh nhà còn chưa lụn bại, gia đình họ Từ chúng tôi có hơn một trăm mẫu ruộng; từ đây cho mãi đến chỗ ống khói của nhà máy đằng kia đều là đất của gia đình tôi. Bố tôi và tôi là ông bố và ông con giàu có nức tiếng gần xa. Khi chúng tôi đi đường, tiếng giày vang lên như tiền đồng kêu xủng xoảng. Vợ tôi là Gia Trân, con gái ông chủ buôn gạo ở thành phố; cô ấy cũng xuất thân từ gia đình có tiền của, nghĩa là xếp tiền lên, tiền rơi trên tiền kêu leng keng. Đã bốn mươi năm nay tôi không còn nghe những tiếng kêu ấy.

Thêm Bình Luận