Vì có nhiều người nên trong sân bày hai cái bàn, mỗi bàn một cái nồi hầm cách thủy, cộng thêm mấy đĩa đồ ăn đầy ắp. Trong nồi là chân giò hun khói hầm rau khô nóng hôi hổi, trong đĩa là thịt khô xào tỏi và rau diếp xào. Rau quả và thịt đều là của nhà mình, không tốn nhiều tiền, nhưng đối với một bữa cơm bao mà nói thì đã khá phong phú rồi.
Ăn cơm bao sẽ không ai uống rượu, tổng cộng cũng chỉ mất mười mấy phút. Mọi người lần lượt ăn xong, tự chuyển ghế đi ngồi nghỉ ngơi nói chuyện phiếm ở xung quanh. Lúc này bà nội mới vẫy tay với Phùng Tiểu Hà và Giai Tuệ, ba người đi vào phòng.
Bà cụ cất vẻ mặt tươi cười đi, kéo Giai Tuệ ngồi xuống mép giường, nhỏ giọng hỏi: "Tuệ Nhi, cháu nói cho bà biết, những gì mẹ Hồ Xuân Bình nói đều là sự thật?"
Giai Tuệ và Phùng Tiểu Hà nhìn nhau một cái, còn chưa mở miệng thì bà cụ đã lườm cháu trai, nói: "Cháu không cần phải để ý đến nó, nói thật với bà!"
"... Bà nội, bà ấy nói gì với bà ạ?" Phùng Tiểu Hà đứng dựa vào bàn, nói chen vào.
"Còn nói thế nào được?" Bà cụ không kìm được cơn tức giận, cất cao giọng: "Nói cháu và Hồ Xuân Bình nợ tiền nhà nước, phải bán nhà bán đất để đền. Hai đứa nói đi, lời cô ta nói là thật?"
Giai Tuệ thấy không giấu diếm được nữa, bèn dứt khoát kể hết đầu đuôi mọi chuyện cho bà ấy. Bao gồm cả chuyện mấy năm trước hai người mua nhà tìm Hồ Xuân Bình vay tiền, sau đó anh ta chuyển sang đầu tư bất động sản rồi Phùng Tiểu Hà làm người bảo lãnh cho anh ta, chỉ không nói rõ số tiền vay cụ thể, cuối cùng lại nói: "Chúng cháu bán nhà ở thành phố Hải rồi, cũng đã trả tiền cho ngân hàng, bà đừng lo lắng."
Bà cụ nghe xong một hồi lâu vẫn không lên tiếng, nhất thời trong phòng rất yên tĩnh. Một lúc lâu sau, bà cụ mới thở dài một tiếng: "Bà đã nói mà! Đang yên đang lành, lần trước hai đứa lại đột nhiên nói muốn trở về."
Lần trước về quê, đương nhiên bọn họ cũng trở về nhà cũ thăm bà nội, sợ bà cụ lo lắng nên Phùng Tiểu Hà chỉ hé lộ một chút, nói công việc ở thành phố quá vất vả, có khả năng sẽ trở về quê. Lúc ấy bà cụ còn mắng anh một trận, nói anh "Ăn trong bát nhìn trong nồi", suýt nữa đã giảng cho anh nghe bài học "Nhắc lại đắng cay ngọt bùi".
"Nợ tiền nhà nước thì nên trả!" Bà cụ vén áo khoác ca rô xanh lên, móc ra một cái túi ni lông từ trong túi áo, mở túi ra, bên trong là một quyển sổ tiết kiệm được bọc trong khăn tay hoa. Bà cụ đưa sổ tiết kiệm cho Giai Tuệ: "Mỗi lần hai đứa trở về thăm bà đều đưa tiền, bà cũng không dùng đến, đều giữ lại giúp hai đứa. Bây giờ đang là lúc cần dùng tiền, chút tiền này tuy ít nhưng cũng bù cho hai đứa được một ít."
Giai Tuệ nhìn sổ tiết kiệm mà mắt hơi cay cay. Trong đó tiết kiệm hơn một triệu, tiền tích góp cả đời của bà cụ đều ở đây.
Đời trước bà cụ cũng là người mà Giai Tuệ kính trọng nhất. Tuy bà cụ không được học hành nhiều nhưng tính cách lại kiên cường, dù là trung niên mất chồng, tuổi già mất con, đều không thể quật ngã bà cụ. Năm đó sau khi cha của Phùng Tiểu Hà qua đời không lâu, mẹ anh đã muốn đi bước nữa, tất cả mọi người đều không thể chấp nhận, cũng là bà cụ đã cố hết sức làm chủ cho bà ấy, để bà ấy mang theo phần lớn tiền trợ cấp gả cho người chồng hiện giờ.
"Làm người công bằng" là điều mà nhiều người đánh giá về bà cụ. Trước khi lâm chung bà cụ cũng như thế, giao mấy căn phòng cũ cho con gái và con rể, bởi vì bà cụ ở trong thôn nên con gái chăm sóc nhiều; giao sổ tiết kiệm cho cháu trai cháu dâu, bởi vì tiền trong đó đều là bọn họ đưa, bà cụ không nỡ tiêu một đồng nào.
"Bà nội, chúng cháu có tiền mà!" Đã sắp đến tuổi trung niên mà còn phải để người lớn giúp đỡ, giờ phút này Phùng Tiểu Hà cảm thấy rất thảm hại. Nhưng may mắn thay, ba ngàn tệ mà mấy hôm trước kiếm được đã giúp anh lấy lại sự tự tin, anh hít sâu một hơi, đè nén sự tức giận trong lòng, kể lại những chuyện đã trải qua ở trong thành phố cho bà cụ và Giai Tuệ nghe, đương nhiên cũng cố gắng phóng đại sự tốt đẹp trong tương lai: "Bà xem, chỉ hai ba ngày mà cháu đã kiếm được ba ngàn! Tuy cháu về quê nhưng cũng đâu phải là không thể kiếm tiền được nữa! Chút tiền này bà cứ giữ lại mà dùng, ai cần của bà chứ!"