Vương Trăn suy nghĩ thoáng qua, cân nhắc từ đầu đến cuối những việc vừa xảy ra.
Hôm nay lâm triều, đột nhiên Triệu Phụ tuyên bố ý định mở đường và kênh đào. Tính khả thi của ý tưởng này thực sự không hề cao vì xây dựng kênh đào tốn kém vô cùng. Nhất là đào kênh về hướng Bắc thì xưa nay chưa có bao giờ, e là dốc cạn quốc khố cũng không làm nổi.
Triệu Phụ không phải hôn quân, trái lại, suốt hai mươi tám năm trị vì của ông ta, cục diện chính trị và thế lực các quyền thần trong triều được cân đối cực kì ổn định. Ban đầu rõ ràng Triệu Phụ không định đào kênh, ông ta muốn mở ba tuyến đường vận chuyển ở miền Bắc. Để làm được như vậy, trước hết ông ta đưa ra một quyết sách gần như phi lý, khiến quần thần phản bác, sau đó giả vờ nhượng bộ, đồng ý với phương án đơn giản hơn là xây dựng ba con đường.
Điều này không chỉ Vương Trăn mà các tể tướng trên triều hôm nay đều nắm trong lòng bàn tay. Vì thế mọi người cùng nhau hợp sức giúp Triệu Phụ diễn kịch, lôi kéo sự đồng thuận cho chính sách mở đường.
Mỗi tội Vương Trăn không ngờ, đằng sau việc này còn có bóng dáng của tiểu sư đệ nhà mình.
Sau khi rời khỏi điện Thùy Củng, Vương Trăn đánh tiếng để trao đổi với Quý Phúc, chàng hỏi thăm một chút là biết được chuyện năm ngoái Đường Thận từng dâng một cuốn sổ tấu lên. Liên hệ với việc Đường Thận đột nhiên được thăng lên thành ngũ phẩm Khởi Cư lang, Vương Trăn tháo miếng bạch ngọc và chiếc túi hương bên hông xuống, cầm trên tay ngắm nghía.
“Cảnh Tắc ơi là Cảnh Tắc ơi, đệ giỏi mang đến cho ta những bất ngờ đáng vui mừng lắm đấy!”
Triều đình muốn làm đường, lại còn là ba tuyến đường huyết mạch dẫn lên phía Bắc, thoắt cái đã tạo công ăn việc làm cho bá quan văn võ toàn triều.
Bộ Hộ thì lo chu cấp tiền bạc, bộ Lại thì chịu trách nhiệm điều phối nhân sự, bộ Binh phụ trách đảm bảo an toàn trên đường. Riêng bộ Công là bận rộn nhất. Cơ quan phụ trách việc tu bổ đường sá ở bộ Công chính là Ngu bộ, lo từ chuyện ao hồ đồi núi đến thuyền bè may mặc… Hoàng đế ban chiếu thư, các quan trong ban đều bị điều hết đi công tác trên cả ba tuyến đường. Do cùng lúc phải xây dựng đến ba con đường, nhân lực của Ngu bộ không đáp ứng được, phải bổ sung thêm một lô nhân tài từ bên Thủy bộ và viện Văn Tư sang.
Mai Thắng Trạch vốn là quan ở Thủy bộ, cuối năm ngoái đã ốm xác vì dự án trùng tu hồ Thái Dịch của ban này. Chưa kịp hoàn hồn, anh ta đã bị túm sang Ngu bộ.
Mười chín tháng Giêng, Mai Thắng Trạch chuẩn bị rời Thịnh Kinh, đi U Châu công cán.
“Chuyến này đi không biết bao giờ mới có ngày về, sớm nhất cũng phải sang năm!” Trong lầu Tế Hà, Mai Thắng Trạch đứng dậy nâng chén, buồn bã nói với các bạn học Quốc Tử Giám khi xưa. “Ai cũng bảo ta may mắn, tuy không đỗ đệ nhất giáp, nhưng sau kì thi quan lại thì được giữ lại ở Thịnh Kinh, không bị điều ra ngoài. Nhưng các bạn ơi, ta còn không bằng những người được điều đi nữa kia!”
Mai Thắng Trạch phải đi, các bạn học ở Quốc Tử Giám hẹn nhau ở lầu Tế Hà tiễn anh.
Lưu Phóng cũng được ở lại Thịnh Kinh, làm quan kinh thành ở bộ Hộ. Anh ta nâng ly: “Thắng Trạch huynh nói gì thế, việc làm đường lần này là cơ hội làm ăn lớn đấy.”
Mai Thắng Trạch sầu não: “Cơ hội lớn nào đến lượt quan lục phẩm nhãi nhép như ta?”
Mọi người đành gắp thức ăn và châm rượu cho Mai Thắng Trạch liên tùng tục. Mai Thắng Trạch đau lòng quá, tu rượu như nước lã, chẳng mấy chốc đã say bí tỉ. Đường Thận sai quản lý Lục đưa anh ta vào nghỉ trong một nhã gian trống suốt buổi chiều. Đến tối, Mai Thắng Trạch tỉnh dậy, đầu váng mắt hoa, các bạn học Quốc Tử Giám đều đã ra về cả, chỉ còn lại Đường Thận ngồi với mình.
Ở Quốc Tử Giám, Mai Thắng Trạch thân với Đường Thận nhất. Giờ chỉ còn hai người, anh không ngần ngại mà trút hết nỗi lòng với Đường Thận: “Cảnh Tắc ơi, đệ nói xem huynh đã tạo nghiệp gì chứ! Người bình thường thì được quan kinh thành, tiền đồ như gấm. Còn huynh, mới chân ướt chân ráo đã phải vào bộ Công, sửa xong cái ao lại bị người ta bắt đi làm đường. Uổng cho mười năm học tập gian khổ, nếu biết cơ sự thế này, huynh còn đọc sách Nho làm gì, thà đọc sách xây dựng còn hơn!”
Đường Thận rót cho anh ta một chén trà giải rượu: “Không đến nỗi bi đát như huynh nói đâu.”
Mai Thắng Trạch: “Không bi đát như huynh nói á? Quả thực, việc thông đường về phía Bắc chắc chắn là công trình lớn nhất năm nay. Từ quy mô điều động thợ thuyền đến các kế hoạch dự trù, đều rất nghiêm chỉnh và bài bản.”
Đυ.ng tới công trình to thế này, dù không tham ô, các quan nhúng tay vào đều vợt được miếng ngon.
“Nhưng thế thì có liên quan gì đến ta chứ!” Mai Thắng Trạch ngửa mặt lên trời than: “Rốt cuộc tại sao thánh thượng tự dưng muốn làm đường? Thằng trời đánh nào hiến kế cho bệ hạ vậy? Nó hót mỗi một câu mà đám quan tiểu tốt như chúng ta phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời đằng đẵng cả năm!”
Đường Thận cũng lên án kịch liệt: “Dám đề xuất xây đường, cái ngữ ấy đúng là vô nhân tính!” Cậu nói hùng hồn như thể ôm mối thù chung.
Tiễn Mai Thắng Trạch, Đường Thận bất ngờ nhận được một tấm thiệp mời.
Thiệp này là của Trương Tư – người trước đây còn là Khởi Cư lang ngũ phẩm. Khởi Cư lang vốn có ba người, khi Đường Thận thăng chức, Trương Tư đã được điều sang làm chức Lang trung Ngu bộ, hàm tứ phẩm. Ban đầu Trương Tư tưởng vụ bổ nhiệm này là giáng chức trá hình, cay đắng khổ sở biết bao lâu. Đến khi triều đình tuyên bố làm ba tuyến đường, gã một bước lên tiên ngay tắp lự.
Mai Thắng Trạch là lục phẩm tép riu, chuyện cầu đường anh chỉ có thể được chia phần bèo bọt chứ chẳng được dự phần chính. Song Trương Tư thì khác, nên gã được thể huênh hoang vô cùng, mở tiệc chiêu đãi đồng liêu rầm rộ trước khi đi U Châu.
Trong tiệc rượu, Trương Tư chủ động mời Đường Thận một chén, Đường Thận cung kính đáp lễ.
Trương Tư nói: “Thì ra bệ hạ mưu tính sâu xa như vậy, trước đây ta hạn hẹp quá, còn đố kị với cậu nữa. Cảnh Tắc, ta thật lòng xin lỗi.”
Đường Thận: “Chúc Trương đại nhân thuận buồm xuôi gió.”
Nếu việc mở đường thành công tốt đẹp, Trương Tư chẳng những kiếm được một khoản kếch xù cho riêng mình, mà có khi còn được thăng quan tiến chức.
Trương Tư đi rồi, không ngờ người tiếp theo lên đường lại là Vương Tiêu.
Năm Khai Bình thứ hai mươi bảy, Trạng Nguyên Diêu Thiện, Thám Hoa Đường Thận đều vào Trung Thư tỉnh, trở thành Khởi Cư lang ngũ phẩm. Riêng Bảng Nhãn Vương Tiêu thì như bị Triệu Phụ quên mất, dậm chân mãi ở chức Hàn Lâm viện Biên tu thất phẩm suốt cả năm. Hôm nay, triều định muốn mở đường, anh ta mới bất ngờ được giao trách nhiệm mới, thăng làm Viên ngoại Ngu bộ ngũ phẩm, lập tức sửa soạn đến Ninh Châu làm đường ngay.
Quả nhiên tẩm ngầm tầm ngẩm mà đấm chết voi.
Quá nửa tiến sĩ khoa bọn họ đã rời khỏi Thịnh Kinh, còn non nửa hội họp với nhau ở lầu Thiên Lý.
Đường Thận và Diêu Thiện đã sáu tháng không gặp Vương Tiêu, hôm nay tái ngộ, cả ba người đều xúc động vô cùng.
Vương Tiêu như già thêm năm tuổi, rõ ràng chưa đến tuổi băm mà tóc mai đã điểm bạc. Anh nâng chén mới Đường Thận và Diêu Thiện, ba người không nhiều lời, chỉ uống rượu. Đến nửa đêm, Vương Tiêu phấn chấn ra về. Ba ngày sau, anh ta đóng gói hành lí, chuẩn bị khởi hành về phía Bắc đến Ninh Châu. Trước khi đi, bỗng có một người khách đến thăm.
Vương Tiêu đích thân đón tận cổng, người ấy là quản gia phủ Thượng thư bộ Hộ.
Vương Tiêu mời quản gia của Vương Trăn vào nhà, quản gia đưa một phong thư cho Vương Tiêu, nói: “Thượng thư đại nhân công vụ bề bộn, không thể đích thân đến tiễn. Ngài viết phong thư này dặn tôi trao cho anh. Khi nào Vương công tử đến Ninh Châu, nếu gặp việc cấp bách, cứ đem thư này đến chỗ Công bộ Tả thị lang đại nhân là được.”
Ở Thịnh Kinh hai năm, Vương Tiêu đã sớm hết hi vọng với người bà con xa là Vương Trăn rồi, hôm nay cầm lá thư, bất giác ứa hai hàng lệ.
“Đa tạ Thượng thư đại nhân!”
Mười năm đằng đẵng mài kinh sử, đế đô mấy bận nhạt tình người.
Hôm nay, anh lên đường tới phương Bắc, khởi đầu một trang mới trong cuộc đời mình.
Triều đình muốn mở ba con đường lớn, lần lượt nối về U Châu, Thứ Châu và Ninh Châu. Ba châu này đều giáp với nước Liêu ở ba hướng Tây Bắc, chính Bắc và Đông Bắc. Thực tế mà nói, kế hoạch xây dựng cả ba tuyến đường chỉ là để tung hỏa mù. Mục tiêu quan trọng của Đại Tống chính là làm đường thông đến châu U.
Công tác làm đường ở U Châu do Thượng thư bộ Công Viên Mục đích thân giám sát.
U Châu là chốt phòng ngự quân Liêu trọng yếu của Đại Tống, việc kiến tạo một con đường đâm thẳng đến U Châu không chỉ giúp thông tin kịp thời về việc quân tình mà còn giúp đẩy nhanh tốc độ vận lương cho tiền tuyến một khi chiến tranh nổ ra.
Ninh Châu nằm ở khu vực Đông Bắc bộ của Đại Tống, trấn Lạc Hà thuộc về khu vực phía Bắc Ninh Châu.
Con đường đến Ninh Châu là dễ làm nhất vì khoảng cách ngắn nhất. Chỉ cần có con đường này thì dù lầu Tế Hà không tự mở lối đi cho mình được, cứ chờ đến cuối năm là có thể vận chuyển thịt dê, bò bằng tuyến quan đạo này, đỡ phải nhún nhường trước gã thương nhân người Liêu Gia Luật Cứu kia.
Biết chuyện triều đình làm đường, Diêu Tam và quản lý Lục mừng quýnh.
Ba tháng sau, Diêu Tam định một mình đến trấn Lạc Hà để nghe ngóng tình hình làm đường. Đường Hoàng ở Thịnh Kinh nửa năm nay đã chán lắm rồi, nằng nặc đòi Diêu Tạm phải dắt đi theo. Diêu Tam không thuyết phục nổi, đành dẫn theo Đường Hoàng lên phương Bắc.
Tháng tư, hai người trở về từ trấn Lạc Hà.
Diêu Tam nói: “Tiểu đông gia, quan đạo ở Ninh Châu xây nhanh lắm! Tuyến đường này cũng không có núi sông cách trở gì cả, phần lớn là bình nguyên. Tính đến hôm nay, tôi quan sát thấy đã xây được một phần sáu rồi. Dự kiến đến cuối năm nhất định sẽ hoàn thành!”
Đường Thận làm Khởi Cư lang, trong lúc ghi chép về hoàng đế cũng nghe được nhiều tin tức phương xa được các quan bên bộ Công báo về, tiến độ công trình không khác với những gì Diêu Tam quan sát lắm. Đường đi U Châu là khó xây nhất, xong đến Thứ Châu, rồi cuối cùng là Ninh Châu.
Đường Hoàng: “Thực ra Đại Tống vẫn có đường lên phía Bắc, nhưng ba con đường mới này thì khác. Ba tuyến đường này chạy thẳng lên miền Bắc, không có đường rẽ đường cắt, hơn nữa chiều rộng mặt đường rất lớn, ở những khu vực mưa nhiều còn rải đá vụn để lót đường.”
Đường Thận giờ mới nhìn sang Đường Hoàng.
Cậu đến thế giới này đã được bốn năm, Đường Hoàng cũng từ một cô nhóc chín tuổi trở thành cô gái mười ba tuổi hôm nay.
Con gái nhà khác thích ở khuê phòng, thêu hoa cỏ, Đường Hoàng thì từ khi đến Thịnh Kinh suốt ngày đến lầu Tế Hà.
Lần này Đường Hoàng muốn đến trấn Lạc Hà, ban đầu Đường Thận định ngăn cản, nhưng thấy ánh mắt kiên định và gương mặt khác hẳn với những khuê nữ được nuông chiều, thì cậu không ngăn cản nữa.
Dân thường không được sở hữu bản đồ quốc gia, Đường Hoàng bèn trải giấy Tuyên, phác thảo lại tuyến đường theo trí nhớ của mình trong hành trình lên phía Bắc. Cô bé nói: “Người Liêu qua lại buôn bán với người Tống chủ yếu ở châu Ninh. Đường ở châu Ninh chậm nhất là đến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Sau đó, trừ trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt ra, chỉ cần một ngày là hàng hóa từ Ninh Châu có thể vận chuyển thẳng đến Thịnh Kinh. Giờ hãy xét đến phía Nam…”
Bàn tay cô bé dẻo dai, linh hoạt chứ không hề yếu ớt, lia bút vẽ một nét dài ngoằn ngoèo: “Về phía Nam Thịnh Kinh có Đại Vận Hà. Thuyền chở khách bình thường chỉ cần đi nửa tháng là có thể đi từ Thịnh Kinh đến Tiền Đường. Nhưng đấy là là đi với tốc độ chậm, đi cẩn thận, nếu cần gấp, đi nhanh thì chỉ tối đa năm ngày là có thể từ miền Nam lên miền Bắc.
Đường Thận nhìn em gái mình, nghiêm túc hỏi: “Thế nên?”
Tự nhiên bị hỏi, Đường Hoàng ngơ ra, miệng há hốc, lại biến thành một cô nhóc tuổi mười ba.
Nghĩ ngợi hồi lâu, cô bé mới ấp úng: “Anh à, chẳng qua em thấy điều kiện vận tải tốt quá, có thể kinh doanh gì đó… Chẳng phải anh bảo, ưu thế lớn nhất của lầu Tế Hà và Trân Bảo Các nhà chúng ta ở phủ Cô Tô không phải là xà phòng, mà là Hậu cần Đường thị sao?”
Đường Thận chăm chú nhìn Đường Hoàng hồi lâu mới cười: “Em nói đúng, điều kiện tốt như vậy, không tận dụng thì phí của giời!”