Chương 43

Lý Đại học sĩ cầm quyển thi đã bị che tên, tấm tắc khen hay.

Các giám khảo khác cũng gật đầu liên tục, ai nấy tán thưởng. Một giám khảo nói: “Tuy hai bài đầu viết không có gì nổi trội, nhưng riêng bài cuối thì xứng đáng xếp hạng nhất trong hơn một vạn thí sinh.”

Có người hỏi: “Thế ta nên xếp hạng sao cho phải đây?”

Lý Đại học sĩ suy ngẫm một chút, nói: “Tuy bình thường dù xét đến mười bài xuất sắc cũng hiếm khi bóc tên thí sinh, nhưng hôm nay chúng ta sẽ phá lệ. Thời tiên đế đã có tiền lệ hai cử nhân văn chương xuất chúng ngang ngửa nhau, cuối cùng các quan quyết định bóc tên, xét chữ viết từng người, sau đó kết hợp với bài viết trong hai trường còn lại để chọn Hội Nguyên. Chư vị đồng liêu, lão phu đề xuất chúng ta chọn ra ba thí sinh đỗ đầu trước, sau đó bóc tên, rồi sắp xếp thứ hạng cho ba người ấy, các vị thấy sao?”

“Xin nghe theo Lý đại nhân.”

Vì thế, các quan chấm thi bèn chọn ra ba bài đứng đầu, rồi cho sai nha lấy bài thi hai trường còn lại của ba người ra. Đương nhiên là bản gốc với chữ thật của thí sinh.

Tuy những người được chọn để sao chép bài thi đều có nét chữ ngay ngắn chỉnh tề, nhưng dầu sao cũng chỉ là tú tài thôi. Vừa đem so với chữ gốc của ba thí sinh xuất sắc liền thấy khác biệt một trời một vực. Các giám khảo xem bản gốc cũng rất hào hứng.

Sau khi duyệt bài của ba thí sinh, một phó khảo nói: “Ta có kết luận rồi.”

Hai vị phó khảo còn lại cùng gật gù: “Tôi cũng thế.”

Cuối cùng mọi người nhìn về phía Lý Đại học sĩ.

Vị đại học sĩ nổi tiếng lập dị vuốt chòm râu dê bạc trắng khô queo: “Thế chúng ta bỏ phiếu quyết định. Lão phu tính làm ba phiếu, ba người các vị mỗi người được tính hai phiếu.”

“Vâng.”

Một ngày trước khi yết bảng, Đường Thận đã vứt toẹt chuyện thi cử ra sau đầu, ngủ đến là ngon lành. Ai ngờ hôm sau, cậu bị Phụng Bút đánh thức dậy từ lúc trời còn chưa sáng. Đường Thận giật mình, chợt nhớ ra hôm nay là ngày gì. Phụng Bút nói: “Hôm nay công tử vẫn đợi ở nhà, còn tôi đến trường thi xem kết quả chứ ạ?”

Đường Thận nghĩ ngợi một chút: “Để ta tự đi.”

Cậu mặc áo bông dày ấm, khoác thêm áo choàng, dẫn Phụng Bút và Diêu Tam đến trường thi Thịnh Kinh từ lúc trời vẫn còn mịt mờ.

Đã vào tháng Ba xuân về, nhưng Thịnh Kinh vẫn rét mướt, thở ra khói được. Chưa tới giờ Dần, trên đường cái hẵng còn vắng vẻ, ngoại trừ các vương công, đại thần lên triều sớm thì chỉ có các thí sinh chờ kết quả thi tụ tập ở trước cống viện. Bọn họ chịu khó dãi dầm sương gió, lặng lẽ đi lại hai bên đường, chẳng hề có chút hân hoan, tự tin nào.

Đường Thận vén rèm xe liền thấy đám thí sinh mặt nhăn mày nhó, bất đắc dĩ thở dài: “Đề mục thi Hội lần này đúng là trái khoáy thật!”

Đi tới cổng trường thi, dưới ánh trăng là đám đông học sinh đen kìn kịt. Nhiều người thế mà chỉ nghe thấy tiếng hít thở với đôi ba tiếng ho húng hắng, còn lại thì lặng ngắt như tờ.

Rốt cuộc, cổng chính trường thi mở ra, làn sóng thí sinh bắt đầu động đậy.

Đường Thận đứng giữa đoàn người, cậu thấy hai sai nha giơ cao tấm bảng son, dán lên danh sách những người lọt vào Hạnh bảng. Danh sách được dán từ dưới lên trên, kì thi Hội lần này có tổng cộng hai trăm chín mươi mốt thí sinh thi đỗ. Đường Thận phát hiện Lưu Phóng thế mà đỗ hạng hai trăm mười bảy. Cậu cứ tưởng là trùng tên, nhưng nhìn kỹ lại thì đúng là Lưu Phóng – Lưu Khắc Kỷ, học trò Quốc Tử Giám được tất cả đặt kì vọng đoạt Hội Nguyên.

Cũng có học trò Quốc Tử Giám khác phát hiện tên Lưu Phóng, bèn hô: “Lưu Phóng, sao huynh lại đứng hạng hai trăm mười bảy thế kia? Ơ, Lưu Phóng huynh, làm sao vậy…Hầy, không ngờ huynh ấy thiếu kiên nhẫn thế, chẳng đợi danh sách dán hết đã phất tay áo bỏ đi rồi!”

Đường Thận nghĩ thầm: Nếu không phải tại Lý Đại học sĩ ra đề kì quặc, thì có lí nào ba ngôi đầu bảng lại không gọi tên Lưu Phóng kia chứ? Phất tay áo bỏ đi còn tốt chán, phải người nóng tính thì chắc đã chửi đổng lên ngay tại chỗ rồi.

Chờ thêm một lúc, Đường Thận lại nhận ra một vài cái tên quen thuộc. Có mấy học trò tham dự Giải Nguyên yến lần trước ở phủ Cảnh Vương, hầu hết đều có tên trong một trăm hạng đầu, xếp hạng không chênh lệch quá nhiều. Xem lên tiếp, Đường Thận tìm thấy tên Mai Thắng Trạch, đứng hạng ba mươi tư.

Đường Thận ngó ngay về phía Mai Thắng Trạch cách đó không xa.

Mai Thắng Trạch chắp tay với cậu, cười méo xẹo: “Thế là thỏa mãn lắm rồi, Cảnh Tắc đừng chê cười ta nhé.”

Đường Thận vô cùng thông cảm: “Đệ hiểu mà, vô sỉ thấy ớn.”

Phần sau của danh sách, Đường Thận cũng thấy hai người mình quen. Sau hai khắc, chỉ còn ba cái tên đứng đầu là chưa được công bố.

Diêu Tam nín thở hồi hộp, Đường Thận cũng trừng trừng nhìn Hạnh bảng, không dám chớp mắt.

Khai Bình năm hai mươi bảy, kì thi Hội tại Thịnh Kinh, đệ tam danh: Diêu Thiện – Diêu Vấn Cơ.

Đệ nhị danh: Đường Thận – Đường Cảnh Tắc.

Đệ nhất danh: Vương Tiêu – Vương Đại Nhạc.

Bỗng có người vỗ vai, Đường Thận ngơ ngác ngoái lại, hóa ra là Mai Thắng Trạch hớn hở hò reo: “Cảnh Tắc, đệ đỗ đệ nhị kìa!”

Diêu Tam cũng vỡ òa sung sướиɠ: “Tiểu đông gia, cậu đỗ đệ nhị danh rồi!”

Đường Thận sửng sốt, cố ý hỏi: “Tên ta là Đường Thận à?”

Mọi người cười phá lên, bè bạn Quốc Tử Giám xung quanh đều xúm lại chúc mừng.

Mai Thắng Trạch trêu: “Trông cái mặt này, đắc chí thấy ghét.”

Đường Thận cười hí ha hí hửng, không nén được kích động: “Người hiểu ta chỉ có Thắng Trạch huynh thôi! Các bạn học, trưa nay tại lầu Thiên Lý, Đường Thận xin chiêu đãi tất cả mọi người!”

“Sao mà lỡ tiệc chúc mừng của Cảnh Tắc huynh được!”

“Ta nhất định sẽ có mặt!”

Đỗ thi Hội hoàn toàn nằm trong dự kiến của Đường Thận, nhưng đỗ hàng đệ nhị hoàn toàn nằm ngoài dự kiến. Cậu sung sướиɠ suốt một ngày một đêm, ngẫm nghĩ kĩ càng rồi kết luận: “Hừm, hẳn là tám mươi phần trăm nguyên nhân đỗ cao là nhờ ta đây có tài năng trời phú, lại được phụ trợ bởi bàn tay vàng xuyên không đọc gì cũng nhớ. Ngoài ra, bài đầu viết không tệ, bài thứ hai lại khá tầm thường, chỉ được cái chặt chẽ. Được đỗ hạng nhì ắt là nhờ bài thứ ba, “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”. Chu Hy tiên sinh giúp ta rồi!”

Đoán vẩn vơ mà cũng gần như trúng phóc.

Đạt thành tích tốt, Đường Thận đi báo tin mừng ngay cho Phó Vị và Vương Trăn. Song lần này cậu không gặp được Vương Trăn, bởi chàng có việc nên đã rời kinh mấy ngày chưa về. Sau đó, Đường Thận gặp lại Vương Trăn trong một hoàn cảnh khá bất ngờ.

Thi Hội mỗi khóa đều diễn ra vào tháng hai, yết bảng vào tháng ba, đầu tháng tư thì thi Đình.

Nhân tài Quốc Tử Giám nhiều như lá mùa thu, mỗi lần thi Hội phải có một phần sáu thí sinh thi đỗ là học trò Quốc Tử Giám. Khi ấy, Lâm Tế tửu sẽ mời đại thần trong triều tới giảng bài ở Quốc Tử Giám, những tiết giảng này gọi là “Quan khóa.” Hôm ấy Đường Thận nghe giảng tập thông báo, người đứng lớp Quan khóa ngày mai là Thượng thư bộ Hộ Vương Tử Phong, cậu ngạc nhiên muốn rớt quai hàm.

Mai Thắng Trạch cũng nói: “Cảnh Tắc, sư huynh của đệ kìa! Chắc là đệ biết trước rồi chứ gì.”

Đường Thận kêu oan: “Nào có, sư huynh của đệ về kinh từ bao giờ đệ còn chẳng biết nữa là!”

Hôm sau, Lâm Tế tửu dẫn các đệ tử đến Suất Tính đường. Giờ Mùi một khắc, Vương Trăn mặc quan bào đỏ thuần tiến vào từ cổng chính giảng đường. Tuy chàng mặc quan phục nhưng không đội mão quan. Đứng trước bục giảng, chàng nhìn lướt qua toàn bộ học sinh trong giảng đường bằng ánh mắt ôn hòa, cũng trông thấy Đường Thận, nhưng chỉ thoáng qua thôi.

Trong số học trò Quốc Tử Giám phải có một nửa là con nhà quan lại, thế gia, cũng biết đôi chút về Vương Trăn. Nửa còn lại là học trò nghèo, chưa từng gặp quyền thần trong triều như chàng. Thấy Vương Trăn trẻ như thế, các đệ tử hàn môn, đại diện là Lưu Phóng, đều lấy làm kinh hãi, ngạc nhiên trưng hết lên mặt.

Nhưng mọi người đều hết sức trật tự.

Vương Trăn cất tiếng nói: “Tên ta là Vương Trăn, tự Tử Phong. Hôm nay mở Quan khóa ở Quốc Tử Giám, chúng ta thảo luận với tư cách thầy-trò, không liên quan đến vai vế trong quan trường.”

Các học trò đáp: “Xin nghe Vương tiên sinh giảng.”

Vương Trăn liền bắt đầu giảng bài.

Lâm Tế tửu cố ý mời Vương Trăn đến giảng, nội dung bài giảng chính là tình hình thời sự, việc triều chính, chứ hoàn toàn không phải Tứ thư Ngũ kinh. Dĩ nhiên, Vương Trăn không thể để lộ việc nước; song bài giảng của chàng là những chuyện từ thời tiên đế, phong cách giảng cũng hết sức thoải mái ung dung, chuyện trò vui vẻ với tất cả. Các học trò đều thông minh nên tiếp thu nhanh chóng, càng hiểu rõ hơn về quan trường, coi như chuẩn bị cho kì thi Đình sắp tới.

Thi Đình đầu tháng Tư không thi bát cổ chế nghệ mà thi sách vấn về tình hình chính trị đương thời!

Quan khóa kết thúc, các học trò hẵng còn say sưa đắm chìm trong bài giảng.

Giọng Vương Trăn thanh như tiếng chuông ngân: “Còn trò nào thắc mắc không?”

Vài học sinh dè dặt đặt câu hỏi, Vương Trăn tận tình giải đáp cặn kẽ.

Từ đầu tới cuối giờ học, Vương Trăn hoàn toàn không nhìn Đường Thận lấy một cái. Đường Thận bắt đầu thắc mắc, chẳng lẽ rằng sư huynh mình đến đây chỉ để dạy học thôi sao?

“Vương Tử Phong mà tốt bụng thế ư?” Đường Thận luôn cảm thấy cái từ này không hợp với con người Vương Tử Phong xíu nào cả.

Cậu vừa ra khỏi Suất Tính đường, một giảng tập đứng ngoài bảo: “Cảnh Tắc, Vương đại nhân chờ cậu ở Sùng Chí đường đấy!”

Đường Thận ù ù cạc cạc đi sang Sùng Chí đường. Cậu gõ cửa khe khẽ, Vương Trăn nói: “Vào đi.”

Đường Thận vào phòng, liền thấy Vương Trăn đang ngẩng đầu ngắm nghía một bức ông lão cưỡi trâu treo trên mặt tường phía Tây của Sùng Chí đường. Khi Đường Thận đi vào, chàng quay ra nhìn cậu, ánh mắt lưu lại trên gương mặt một chút, rồi liếc xuống mỏm vai Đường Thận.

Đường Thận: “Tử Phong sư huynh.”

Vương Trăn bước tới, đưa tay nhón lấy cánh hoa màu nhạt trên bờ vai Đường Thận.

Đường Thận ngỡ ngàng.

Vương Trăn: Hoa hạnh.”

Đường Thận: “Chắc lúc nãy đệ đi từ hậu viện Quốc Tử Giám sang đây thì hoa rụng lên vai đấy.”

Vương Trăn cười: “Chúc mừng tiểu sư đệ đề danh Hạnh bảng, đạt hạng nhì thi Hội.”

Mấy bữa nay nhận vô số lời chúc mừng tán tụng, Đường Thận đã miễn dịch với khen ngợi. Nhưng không hiểu sao khi nghe câu nói rất đỗi bình thường này, nhìn nét mặt vui vẻ của Vương Tử Phong, Đường Thận lại thấy hơi thẹn thùng. Cậu thật thà đáp: “Như sư huynh nói ấy à, thi Hội không quan trọng mấy, quan trọng là…thi Đình.”

Vương Trăn gật đầu, chợt quay phắt sang một vấn đề khác hẳn: “Đệ luyện chữ đến đâu rồi?”

Đường Thận là người hiện đại mà cũng không hiểu nổi cách não bộ Vương Tử Phong vận hành.

Sao đang nói chuyện thi Hội lại nhảy sang chuyện luyện chữ?

Đường Thận lẩm nhẩm trong bụng thế, ngoài miệng chỉ đáp: “Lâu nay vẫn luyện đều ạ.”

“Còn có mười ngày nữa là thi Đình, mấy hôm tới cứ giờ Thân thì đệ sang phủ ta nhé.”

“Sư huynh?”

“Ta hướng dẫn đệ luyện chữ.”

“…”

Hôm nay Vương Tử Phong kì quặc quá mức bình thường rồi!

Mãi về sau Đường Thận mới biết, Vương Trăn căn bản không tin học lực của cậu đủ để tự thi đỗ đệ nhất giáp!

Thi sách vấn nói thì dễ, nhưng viết còn khó hơn văn bát cổ! Đề văn bát cổ lúc nào cũng nằm trong Tứ thư Ngũ kinh, dù các đệ tử hàn môn không mấy quen thuộc với chính trị cũng có thể trích dẫn, lí luận, viết được bài văn xuất sắc. Nhưng sách vấn thì sao?

Đường Thận năm nay mới mười sáu tuổi, luận về độ từng trải thì cậu kém Diêu Thiện – người đỗ đệ tam, luận xuất thân từ gia đình có truyền thống khoa bảng thì cậu kém xa Hội Nguyên Vương Tiêu. Ngoại trừ hai người này ra, trong số những thí sinh có tên trên bảng hạnh, ối người là con nhà quan lại, quý tộc, dòng dõi thư hương, ai cũng giỏi giang hơn cậu! Đường Thận nhắm hai mươi hạng đầu còn có cơ hội, nhắm mười hạng đầu thì rất khó, mong đỗ tam khôi nữa thì khó như lên trời!

Nhưng, thành sự tại nhân.

Chủ khảo thi Đình chỉ có duy nhất một người là đương kim hoàng đế, các khảo quan đều chỉ được gọi là “Quan đọc quyển.” Trong hai trăm chín mươi mốt quyển thi, các quan đọc quyển sẽ lọc ra mười bài, xếp sẵn thứ tự rồi trình lên hoàng đế để ngài khâm điểm ba người đỗ đầu.

Đường Thận nếu không lọt vào mười hạng đầu thì khỏi được hoàng đế nhìn đến luôn.

Mùng hai tháng tư, chưa tới giờ Mão, các thí sinh đã tiến vào hoàng cung từ cửa bên cổng Tuyên Võ, tập trung ở điện Minh Ý. Giờ này, hoàng đế đương nhiên chưa có mặt. Gần ba trăm thí sinh hành lễ trước ngai rồng trống không, mười quan đọc quyển phát đề và coi thi.

Đường Thận đỗ hạng hai trong kì thi Hội, được ngồi ở vị trí thứ hai trên hàng đầu.

Dù cậu đã chuẩn bị từ trước, nhưng gặp bốn đề sách vấn vẫn thấy hoang mang vô cùng. Đường Thận kiếp trước không có kinh nghiệm chính trị, đời này xuyên không chưa được ba năm, ngay cả vấn đề “chiến loạn biên cương” trong đề thứ tư cậu cũng mới chỉ nghe chung chung chứ chưa nắm vững, nữa là bắt cậu tư duy bằng lập trường của một quan viên, đề xuất sách lược giải quyết!

Nhưng Đường Thận không vì thế mà căng thẳng, cậu hít sâu thở đều, bình tĩnh làm bài thi.

Không biết viết gì thì cứ bắt đầu bằng kính tâu thánh thượng, thỉnh an bệ hạ các kiểu. Đường Thận tỉ mỉ viết từng câu từng chữ theo đúng quy cách thi Đình, viết xong thì chép lại từng bài cho sạch đẹp.

Viết bài sách vấn không khó, viết sao cho đẹp, sao cho đúng quy cách thì khó kinh khủng! Mãi đến khi mặt trời lặn đằng Tây, Đường Thận mới viết xong chữ cuối cùng. Cậu thổi khô mực, dừng bút ở đây.

Nửa canh giờ sau, toàn bộ thí sinh dừng bút, nộp quyển, rời khỏi hoàng cung.

Đường Thận đi nửa đường thì Mai Thắng Trạch đuổi kịp. Hai người nhìn nhau, sầu như trái bầu.

Mai Thắng Trạch: “Cảnh Tắc, thi thế nào?”

Đường Thận thật thà đáp: “Viết kín giấy, mỗi bài một ngàn năm trăm từ.”

Mai Thắng Trạch: “Đường Cảnh Tắc đệ ghê thật, ta chỉ viết được có một nghìn hai trăm từ thôi. Tiêu rồi, kiểu này thứ hạng thi Đình của ta lại thấp hơn đệ.”

Hai người cười phá lên.

Các sĩ tử thi xong nối đuôi rời khỏi cung theo cửa bên cổng Tuyên Võ. Các quan đọc quyển thì chia nhau mỗi người ba chục bài thi đã dán tên, bắt đầu chấm điểm. Quan đọc quyển đều là trọng thần trong triều, một nửa số đó là Thượng thư lục bộ hàm nhị phẩm, trừ Vương Trăn vắng mặt để tránh hiềm nghi.

Thượng thư bộ Lễ là một người đàn ông trung niên cao gầy, nuôi một chòm râu đen mướt vô cùng phong cách.

Đến thi Đình thì các quan đọc quyển đều chấm thẳng vào bài thi gốc của thí sinh. Thượng thư bộ Lễ vừa chấm hết một quyển, mở quyển tiếp theo thì khựng lại ngay từ hàng chữ đầu tiên. Hồi lâu, ông ta mới vẫy Tả thị lang bộ Lễ ra, chỉ quyển thi bảo: “Trông quen không?”

Tả thị lang bộ Lễ vừa nhòm vào đã không dứt mắt được. Đọc xong bài thi, ông ta phải phì cười, ới Hữu thị lang bộ Hộ: “Tần đại nhân, ra đây xem cái này, nhanh.”

Ông ta nói câu đấy làm cả phòng chấm thi tò mò lắm.

Các quan xúm lại một chỗ. Tần Tự chạy sang đọc bài, thiếu điều dán luôn mắt lên bài thi.

Thượng thư bộ Lễ vuốt râu, cười híp mắt: “Phải chữ Vương đại nhân không nào?”

Tần Tự cười gượng: “Phải có đến bảy phần thần vận của Vương đại nhân ấy. Chắc là quyển của Đường Cảnh Tắc, tiểu sư đệ Vương đại nhân chẳng sai rồi!”

Thượng thư bộ Lễ giả vờ nghiêm giọng: “Nét chữ này ít nhất phải luyện một năm rưỡi mới giống được đến mức ấy! Tên Vương Tử Phong quả thực gan cùng mình, hành vi này là cố ý đánh dấu bài, làm rối kỉ cương để mưu lợi riêng đây mà!”

Trong phòng chấm thi, các quan đại thần rường cột nước nhà đều cúi đầu đếm kiến, nghĩ bụng: Ông có giỏi thì nói thẳng câu này vào mặt Vương Tử Phong ấy!

Thượng thư bộ Lễ hừ một tiếng, chuyển bài của Đường Thận cho Tả thị lang.

“Lập luận chặt chẽ, văn hay chữ tốt, xếp bài này vào mười hạng đầu.”

“Vâng.”

Tấm lòng này của sư huynh, Đường Thận hỡi, liệu có thấu chăng?