Giữa đêm khuya thanh vắng, Thôi Hiểu cúi gằm mặt, thấp thỏm không yên, nói năng thẽ thọt. Chờ hồi lâu không thấy Đường Thận trả lời, hắn mới dè dặt ngẩng đầu lên. Dưới ánh nến, gương mặt Đường Cảnh Tắc như hòn ngọc quý, ánh mắt sắc lẻm, chỉ liếc một cái đã nhìn thấu lòng dạ hắn ta. Thôi Hiểu rụng rời tay chân, rõ ràng chàng trai trước mặt ít tuổi hơn hắn ta nhiều, nhưng oai thế của cậu ta đè bẹp hắn.
Đường Thận cười khẩy: “Tối nay Thôi đại nhân đến đây với mong muốn bản quan sẽ vì tình riêng mà làm trái pháp luật giúp ngươi hả?”
Thôi Hiểu vội đáp: “Tiểu nhân không dám.”
Đường Thận trợn mắt, nghiêm giọng mắng: “Không dám cơ đấy! Nếu không dám thì cớ gì ngươi lại đến đây? Như ngươi nói, đúng là bản quan có duyên gặp gỡ Lương Bác Văn – Lương đại nhân vài lần, được ông ấy chỉ điểm đôi điều, vậy thì đã làm sao? Lương đại nhân qua đời đã lâu, việc của ông ấy thì có can hệ gì đến bản quan? Ngươi có biết hiện giờ bản quan đang giữ chức gì không?”
Gần đây Thôi Hiểu bị “phiền phức cá nhân” dày vò đến héo mòn rệu rã. Làm sao mà hắn – một kẻ thấp cổ bé họng lặn lội từ phủ Kim Lăng đến Thịnh Kinh, biết được những thay đổi trong chốn quan trường hiện giờ? Thôi Hiểu ngỡ ngàng nhìn Đường Thận, chỉ nghe Đường Thận lạnh lùng quát: “Bản quan chính là Gián nghị đại phu của Ngự Sử đài!”
Như sét đánh ngang tai, Thôi Hiểu chết trân.
Ngự Sử đài là cơ quan giám sát tất cả quan lại, là thanh gươm sắc lẻm treo lơ lửng trên đầu quần thần.
Hôm nay vì phạm tội mà Thôi Hiểu đến cầu cạnh Đường Thận, nào ngờ lại thành chui đầu vào rọ. Thôi Hiểu hắng giọng: “Đường đại nhân, hạ quan là chỗ quen biết cũ với Lương đại nhân. Hạ quan từng giúp đỡ Lương đại nhân, ngài không thể như thế được.”
Đường Thận lạnh lùng lườm hắn ta, Thôi Hiểu run bắn, im bặt. Đường Thận gọi Diêu Tam vào, sai anh ta giải ngay Thôi Hiểu đến Đại Lý tự. Thôi Hiểu dù sao cũng là Phi kỵ úy, thấy Đường Thận muốn bắt giữ mình thì chống cự dữ dội. Không may thay, suốt mấy ngày vừa qua hắn ăn không ngon ngủ không yên, tâm thần mệt mỏi, sức lực cạn kiệt, còn Diêu Tam vừa đô con vừa dũng mãnh. Hai người xông vào đánh nhau, Diêu Tam tay không cũng tóm nghiến được Thôi Hiểu.
Mắt Thôi Hiểu đỏ vằn: “Đường đại nhân, ngài không thể qua cầu rút ván thế được.”
Đường Thận bảo Diêu Tam: “Giải hắn ta đến Đại Lý tự.” Nhưng sau một thoáng im lặng, Đường Thận lại nói: “Tôi đi với anh.”
Giữa đêm khuya, Đường Thận tự mình áp tải Thôi Hiểu đến Đại Lý tự.
Viên quan đang trực Đại Lý tự biết tin liền đến gặp Đường Thận ngay. Đường Thận tống giam Thôi Hiểu rồi nghiêm nghị nói với viên quan trực ban: “Đây là phạm quan do Ngự Sử đài phụ trách. Kể từ hôm nay, hãy canh gác hắn thật nghiêm ngặt. Nếu bản quan không đích thân triệu tập thì không được để bất kì ai gặp hắn. Việc này hết sức hệ trọng, ngươi có đảm đương được không?”
Viên quan Đại Lý tự nghe thế vội đáp: “Hạ quan tuân lệnh.”
Đường Thận quay đầu liếc nhìn Thôi Hiểu – kẻ chưa hết bàng hoàng, đoạn xoay gót ra về.
Về tới nhà, Đường Thận liền nói với Diêu Tam: “Sớm mai, anh hãy cầm theo quan lệnh của tôi xuôi nam về Kim Lăng, tôi có việc cần anh điều tra.”
Chỉ trong chốc lát mà có quá nhiều sự việc phát sinh trong tối nay, Diêu Tam đâm hoảng sợ và hoang mang vô cùng. Anh ta hỏi: “Tiểu đông gia muốn tôi làm việc gì?”
Đường Thận: “Viên quan trong ngục Đại Lý tự tên là Thôi Hiểu, làm chức Phi kỵ úy ở phủ Kim Lăng. Anh hãy đến phủ Kim Lăng dò la xem hắn phạm phải tội gì, khẩn trương tra xét thật rõ ràng rồi về bẩm báo lại cho tôi.”
“Vâng.” Diêu Tam quay đầu chực đi.
“Khoan đã.”
Diêu Tam quay lại nhìn Đường Thận.
Đường Thận suy tính trong thoáng chốc: “Các quan ở phủ Kim Lăng không có ai là người quen của tôi cả, anh cầm quan lệnh của tôi đi, chỉ e gặp khó khăn cũng không ai giúp đỡ. Nếu vướng phải chuyện ngoài ý muốn, anh hãy đến Lang Gia Vương thị xin người nhà họ Vương trợ giúp. Song hãy nhớ rằng nếu không phải trường hợp bất khả kháng thì tuyệt đối không được nhờ.”
Diêu Tam: “Tôi hiểu, xin tiểu đông gia yên tâm.”
Phái Diêu Tam đến Kim Lăng, nhốt Thôi Hiểu vào đại lao, Đường Thận mới tạm yên lòng.
Sự xuất hiện của Thôi Hiểu quá đáng ngờ. Lương Tụng qua đời đã năm năm nay, từ trước đến giờ không ai nhắc đến ông trước mặt Đường Thận cả. Vậy mà bỗng dưng nảy đâu ra tên Thôi Hiểu này, Đường Thận kiểu gì cũng phải đề phòng. Cậu không biết Thôi Hiểu có đúng là Phi kỵ úy phủ Kim Lăng không, càng không rõ liệu hắn ta biết được bao nhiêu về mối quan hệ giữa cậu và Lương Tụng.
Việc Lương Tụng từng là thầy của Đường Thận không phải bí mật. Triệu Phụ cũng ngầm biết nhưng không đả động đến bao giờ.
Đường Thận đã tôn Phó Vị làm thầy, trở thành sư huynh đệ đồng môn với Vương Trăn từ lâu, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Lương Tụng. Chuyện ba mươi mốt năm trước Lương Tụng là thành viên đảng Tùng Thanh và chuyện Triệu Phụ không ưa những ai thuộc đảng này đều là sự thật. Mặc dù vậy, Triệu Phụ không hề diệt trừ tận gốc đảng Tùng Thanh. Những người như Lương Tụng hay La đại học sĩ vẫn được làm quan và vẫn sống đến thời điểm năm năm về trước.
Vì muốn giữ tiếng thơm, Triệu Phụ chỉ bắt giữ thủ lĩnh của đảng Tùng Thanh là Chung Thái Sinh. Cách ông ta trừng phạt những thành viên khác của đảng Tùng Thanh cũng rất cẩn trọng và kín đáo, tỷ như “lưu đày” Lương Tụng đến Cô Tô, khiến ông xa rời trung tâm quyền lực, an hưởng tuổi già ở phủ Cô Tô nho nhỏ.
Vì Đường Thận chủ động cắt đứt quan hệ với Lương Tụng và cậu còn nhỏ tuổi khi bái Lương Tụng làm thầy, Triệu Phụ sẽ không vin vào cớ này để giáng tội cho cậu.
Vậy mà thình lình vụt đâu ra một Thôi Hiểu, khiến Đường Thận phải sợ toát mồ hôi.
Không lâu sau, Diêu Tam đã khởi hành đến Kim Lăng.
Đường Thận sang thăm nhà Vương Trăn, cố tình cầm theo một hộp bánh Trung thu. Gần đến dịp Trung Thu, cậu lấy cớ tặng bánh cho Vương Trăn để ở chơi phủ Thượng thư cả ngày. Cậu bầu bạn với Vương Trăn chăm bẵm chim chóc, ngắm nghía hoa cỏ. Vương Trăn viết thư pháp đã có cậu mài mực, Vương Trăn đánh đàn đã có cậu lắng nghe.
Đàn xong một khúc, Vương Trăn giữ yên những dây cầm còn rung, nghiêng đầu nhìn Đường Thận. Chàng dịu dàng hỏi: “Sao hôm nay tiểu sư đệ lại có nhã hứng nghe ta chơi đàn thế?”
Đường Thận: “Xưa nay đệ vẫn mến tiếng đàn của sư huynh, sư huynh đừng nghĩ oan cho đệ chứ. Sư huynh gẩy khúc đàn này vừa cao nhã vừa mượt mà, đệ nghe mà say sưa mê mẩn.”
Vương Trăn nhẹ nhàng “Ồ” một tiếng, hỏi: “Đúng là non cao nước chảy gặp người tri âm. Ta được gặp gỡ tiểu sư đệ, ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây
TruyenHD. Đã vậy, đệ có biết khúc nhạc ta mới đàn vừa xong là khúc gì không?”
TruyenHD Ba sinh: kiếp trước, kiếp này, kiếp sau.Đường Thận giật mình, nhưng cậu chợt nhớ hai canh giờ trước, lúc giở cầm phổ, Vương Trăn đã nấn ná hồi lâu ở một bản nhạc cổ. Cậu bèn đáp: “Lá táo non, hoa hạnh thắm, nét thuyền nan. Làn nước xanh trong uyên ương lội, vang điệu hò. Nước xuân sóng êm gió lặng, trời xuân thoáng tạnh thoáng mưa. Hồng nhan bầu bạn chiều cửa bể, đượm bao tình…” Sư huynh vừa gảy khúc Hạc Trùng Tiêu
TruyenHD, đệ nói có đúng không?”
Chỉ một cái liếc mắt là Đường Thận nhớ được hết nội dung nên giờ cậu rất tự tin, cứ như thể mình đã nghe hiểu khúc nhạc vậy.
Vương Trăn nhìn cậu đầy ẩn ý: “Đúng thế, đệ hiểu bài này thật đấy à?”
Đường Thận: “Đệ đã ngâm cả lời ca lên, sư huynh còn cho là đệ không hiểu sao?”
Vương Trăn cười: “Được rồi, vậy đệ hiểu.”
Lúc ăn cơm tối, Đường Thận khơi chuyện về phủ Cô Tô: “Lâu rồi đệ chưa về Cô Tô, hôm nay chợt ngẫm cũng đã hai năm trôi qua, quả thật hơi nhớ nhà. Sư huynh có nhớ Lang Gia Vương thị, có nhớ phủ Kim Lăng không? Sư huynh xa nhà đã lâu, sợ rằng lúc về lại thấy cảnh còn người mất, nơi nào cũng lạ lẫm.”
Vương Trăn dừng đũa, đưa mắt quan sát Đường Thận, nhìn chăm chú như thể muốn soi ra điều gì đó. Nhưng dù sao chàng cũng không phải thần tiên, chỉ nhìn một lúc rồi cười bảo: “Tết năm nay ta đã về Kim Lăng, sang năm sau, ta và tiểu sư đệ cùng về Giang Nam đón Tết có được không?”
Đường Thận cười nói: “Dĩ nhiên rồi. Mấy năm trước đệ từng đến Lang Gia Vương thị một lần, phủ nhà họ Vương vừa kì vĩ vừa lâu đời, khiến đệ nhớ mãi.”
Ăn tối xong xuôi, Đường Thận cáo từ. Hai người hẹn tết Trung thu Đường Thận lại sang ngắm trăng ở phủ Thượng thư.
Rời khỏi phủ Thượng thư, nét mặt Đường Thận liền thay đổi. Cậu kết luận: “Vương Tử Phong không biết chuyện Thôi Hiểu!”
Phủ Kim Lăng là gốc gác của Lang Gia Vương thị, cũng coi như địa bàn của Vương Trăn. Nếu quả thực Thôi Hiểu có mưu đồ bất chính, hắn ta không thể che mắt Lang Gia Vương thị được, mà nhà họ Vương cũng sẽ báo tin cho Vương Trăn. Nhưng lúc này Vương Trăn vẫn không hề hay biết, chứng tỏ là Thôi Hiểu gặp rắc rối thật nên mới cầu cạnh Đường Thận chứ không có âm mưu gì khác.
Đường Thận đã thầm phán đoán xong xuôi, nhưng cậu vẫn giam Thôi Hiểu trong ngục, chờ Diêu Tam về.
Ngày mười hai tháng Tám, Diêu Tam còn ở Kim Lăng chưa về, minh thọ của Thái hậu đã tới.
Trước lễ minh thọ, Triệu Phụ cho ba hoàng tử mười ngày để chuẩn bị thọ yến.
Lần đầu tiên được Triệu Phụ giao phó trọng trách bực này, còn giao cho cả ba anh em, các hoàng tử đều ý thức được tầm quan trọng của sự việc. Ai nấy đều dốc hết bản lĩnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Thọ yến của Thái hậu không phải việc khó, ba hoàng tử phân công đâu ra đấy, lo liệu công việc chu toàn tươm tất, không chê vào đâu được. Song trong quá trình chuẩn bị có một sự kiện nhỏ xảy ra. Một hôm trong lúc đang chơi với chim vàng anh, Vương Trăn đã mang chuyện ấy ra kể cho Đường Thận, nói như đùa.
Chuyện rằng vào ngày thứ hai sau khi các hoàng tử nhận việc, Nhị hoàng tử Triệu Thượng đã đến điện Cần Chính tìm Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng.
Được hoàng tử tôn quý ghé thăm tận nơi, Mạnh Lãng cũng bất ngờ hết sức.
Triệu Thượng nói rõ ý đồ của mình: “Năm ngoái, Mạnh đại nhân là người phụ trách thọ yến của bà nội ta. Hiện giờ ta đảm nhận công việc này, song ngẫm bản thân còn trẻ người non dạ, không hiểu hết ý nghĩa sâu xa, e sẽ phạm phải một vài điều cấm kỵ. Triệu Thượng hổ thẹn vì học thức kém cỏi, không hiểu thấu đáo Chu lễ mà chỉ biết sơ sơ đôi điều. Thế nên, ta đến đây cầu kiến Mạnh đại nhân, mong được Mạnh đại nhân chỉ điểm những chỗ thiếu sót.”
Mạnh Lãng thở phào nhẹ nhõm: “Thì ra là việc này, hạ quan là Thượng thư bộ Lễ, đương nhiên phải giúp sức điện hạ rồi.”
Triệu Thượng đã lo liệu mọi chuyện thỏa đáng, không khiến Mạnh Lãng phải lo lắng, mà Mạnh Lãng cũng không thể tìm ra sai sót nào. Mặc dù vậy, cuộc nói chuyện mang tính hình thức này vẫn diên ra, vì anh ta muốn thắt chặt quan hệ với Mạnh Lãng. Nhờ việc đoàn sứ nước Liêu năm ngoái mà Triệu Thượng có thời gian cộng tác với Mạnh Lãng; giờ ba hoàng tử được giao việc lớn, Triệu Thượng lại đến viếng thăm Mạnh Lãng, quan hệ giữa hai người càng thêm thân thiết.
Vương Trăn rắc thức ăn cho con chim vàng anh, giọng chàng vừa êm ái vừa sáng sủa: “Giờ tiểu sư đệ nghĩ nhị hoàng tử là người thế nào?”
Đường Thận cũng quá đỗi ngạc nhiên: “Xem ra đệ đã đánh giá thấp Nhị điện hạ rồi.”
Vương Trăn gõ nhẹ một cái giữa đôi mày Đường Thận, cậu giơ tay lên xoa xoa trán.
Vương Trăn: “Con người ai chẳng có lòng tư lợi. Một khi đã nảy sinh ham muốn làm lợi cho bản thân, tức là có mưu đồ. Mạnh Lãng cũng thế, mà Triệu Thượng càng thế.”
“Sư huynh cũng có lòng ích kỷ ư?”
Vương Trăn im lặng một thoáng, thản nhiên cười: “Đương nhiên rồi.”
Đường Thận tò mò: “Sư huynh muốn điều gì cho bản thân vậy?”
“Xưa có câu, tam thập nhi lập. Năm sau, ta sẽ bước sang tuổi ba mươi.”
Đường Thận: “…?” Hể?
Vương Trăn mỉm cười, không nhiều lời thêm.
Tam thập nhi lập, tức là người đàn ông phải xây tổ ấm trước tiên rồi mới gây dựng cơ nghiệp.
Về phương diện này Vương Trăn luôn cảm thấy hổ thẹn, chàng nghĩ mình đã đổ sông đổ bể hai mươi năm nghiền ngẫm thi thư. Những tưởng rằng không thẹn với trời đất, không thẹn với quân vương, nhưng rốt cuộc chàng không sống đúng với răn dạy của tổ tiên, làm trái ngược lễ nghi. Đã lập nghiệp trước, còn trễ nải việc thành gia. Một hành động vi phạm lễ phép như vậy, dĩ nhiên Vương đại nhân sẽ không đời nào để yên, chàng phải chấn chỉnh cho bằng được. Giờ vẫn còn kịp để sửa chữa.
Ngày mười hai tháng tám, trong lễ minh thọ của Thái hậu, Triệu Phụ mặc lễ bào, dẫn quần thần đến chùa Định Quốc cầu phước tế trời cho Thái hậu.
Đường Thận là Gián nghị đại phu nên được đứng trên các quan, sau lưng cậu, các quan tứ phẩm quỳ đông nghìn nghịt. Lúc tế trời, cả Triệu Phụ cũng quỳ. Triệu Phụ mặc lễ phục cầu kì và nặng trịch, bước từng bước tới Đàn Trời. Ông ta ngước nhìn linh vị Thái hậu, rưng rưng nước mắt, quỳ xuống, cầu phúc cho Thái hậu.
Thiên tử quỳ, chúng quan dập đầu.
Toàn thể quần thần cúi rạp xuống đất, không ai dám ngẩng lên.
Trong ngôi chùa Định Quốc rộng thênh thang có đến mấy trăm người, nhưng lặng lẽ đến nỗi cây kim rơi cũng nghe rõ tiếng.
Lúc ấy, Đường Thận nghe thấy tiếng tụng kinh trầm bổng cất lên, như tiếng nhạc thiền vọng về từ phương Tây cực lạc, hễ ngân lên là trăm loài chim ngừng hót, muôn bầy trùng thôi kêu. Vị tăng ấy đều đặn lần tràng hạt làm từ gỗ đàn hương, lầm rầm tụng kinh chúc phúc cho Thái hậu. Khi ông ta tụng xong bài kinh
Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện thì thiên tử chậm rãi đứng dậy từ đệm cói, toàn thể các quan cũng được phép ngẩng đầu.
Đường Thận chăm chú nhìn lên phía trên, cuối cùng cũng thấy được vị hòa thượng đó.
Trên Đàn Trời, Giám chính Khâm Thiên Giám quỳ ở bên trái hoàng đế, còn sư thầy thì đứng ở bên phải. Vị hoà thượng này có khuôn mặt tròn trịa và hiền hậu. Chỉ một ánh mắt tình cờ cũng khiến người ta cảm nhận được sự thông thoáng yên ả trong lòng và sự biến ảo khôn lường của muôn vàn giới hạn.
Đường Thận ngây ra nhìn hồi lâu, trong tâm trí bỗng lóe lên một cái tên.
Đây là hòa thượng Thiện Thính.
Sau khi cầu phúc lành cho Thái hậu ở chùa Định Quốc, trăm quan theo hoàng đế trở về cung dự thọ yến.
Khi mọi người ra khỏi chùa Định Quốc, có một kẻ mặc đạo bào lấm la lấm lét chạy ù đến chỗ xe ngựa của quan nhị phẩm. Đợi mãi, Lý Tiêu Nhân mới thấy Vương Trăn. Mắt y sáng ngời, vội vàng bước tới gọi: “Vương đại nhân.”
Vương Trăn quay lại thì thấy Lý Tiêu Nhân. Vị quan Thượng thư với gương mặt điển trai bèn nở nụ cười ấm áp, lịch thiệp nói: “Thì ra là Lý đại nhân.”