Chương 2: Bức thư của người mẹ kế

Thu Nhẹ nghe Như Ý nói vậy thì cũng chỉ biết gật đầu, nàng còn khá lạ lẫm với nơi đây, nhưng nàng cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực của bọn trẻ đem lại, cũng như sự tôn trọng mà chúng dành cho Như Ý. Nàng cúi mặt nói.

"Vâng ạ."

Như Ý đảo mắt qua bọn trẻ, rồi lại nhìn về phía con bé mù, và tưởng tượng ra cuộc sống của những ngày sắp tới. Chắc chắn sẽ có sự xáo trộn không hề nhẹ ở đây.

Mỗi lần có thêm thành viên mới đến với hang ổ của cô, là cô lại phải vắt óc để sắp xếp lại công việc cho tụi nhỏ. Ví dụ như thấy một đứa yếu ớt, cô sẽ cho nó đi ăn xin.

Mà chắc chắn, ngay từ đầu, nó chưa thể quen với công việc ấy. Nên phải có một người đi cùng để chỉ cho nó quen với công việc đó. Cách xin như thế nào, quan sát xem trong dòng người tấp nập, thì ai là người có khả năng cao sẽ cho tiền chúng nó để tới xin. Như vậy sẽ không bị mất quá nhiều thời gian vô ích.

Đứa nào khoẻ và khôn lanh hơn một xíu, cô sẽ cho chúng đi bán vé số. Mà để bán được ngày mấy trăm vé, thì cũng cần phải chọn vị trí đắc địa, miệng mồm ráo hoảnh, nét mặt vui tươi để khách có cảm tình tốt, nhưng cũng phải có chút kham khổ để khách thương, rồi phải nhớ mặt để biết đâu, có ai đó trúng số thì sẽ tìm tới xin lộc. Được cái đàn con hờ này của cô được cô truyền cho những nguồn năng lượng tích cực vô giá, nên chúng lúc nào cũng vui tươi, mặt mày sáng sủa. Người ngoài nhìn thấy liền có cảm tình mà rủ lòng thương. Mà khách mua vé số của tụi nhỏ cũng hay trúng mấy cái giải nhỏ nhỏ. Nhà cô cũng hay được lộc từ họ.

Nhưng nói tóm lại, mỗi lần có thêm đứa con mới là cô cũng thấy đau đầu ra phết đấy. Lần này còn là một người mù. Nên cô càng đau đầu hơn. Vì ngoài việc cô phải giúp nàng làm quen với công việc ra, thì cô còn phải giúp cho nàng tự túc được sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, chứ không thể để người khác phải phục vụ nàng được. Như vậy sẽ vừa bất tiện cho người giúp nàng, mà nàng trưởng thành rồi nên những việc vệ sinh sẽ rất ái ngại.

Giống như hiện tại, cô thấy nàng lấm lem, mà ngồi ở ngoài cả ngày, chắc hẳn cũng có nhu cầu vệ sinh cá nhân, chỉ là không dám mở miệng ra thôi.

Cô nói tụi nhỏ.

"Bây giờ cũng muộn rồi, mấy đứa tranh thủ đi tắm đi rồi trả chỗ cho chị giúp chị Nhẹ đi tắm xong rồi còn ăn cơm nữa."

"Dạ"

Bọn trẻ hô lên rồi nhanh chóng lấy đồ đi tắm. Như Ý biết bọn trẻ không được đi học đoàng hoàng nên cô luôn phải dạy dỗ chúng từng chút một, kể cả việc giáo dục giới tính cho chúng cô cũng dạy chúng rất cẩn thận. Căn nhà họ ở có thể xập xệ nhưng ít ra cũng phải có một nơi đoàng hoàng để chúng vệ sinh cá nhân.

Cô xây sửa hai phòng vệ sinh cho nam riêng, nữ riêng. Buổi tối, đến giờ đi tắm, bọn trẻ sẽ lấy những cái phao bể bơi to tướng mà Như Ý hay nhặt nhạnh về để xả nước ra rồi tắm chung với nhau. Nam tắm ở một phòng riêng, nữ tắm một phòng riêng. Bọn chúng cũng tự ý thức được thân phận của mình nên mọi thứ đều rất tự giác. Trong lúc lũ trẻ tắm thì cô dọn cơm sẵn ở đó, chờ chúng vào là ăn thôi.

Hôm nay có thêm Nhẹ, nên Như Ý hơi bị lu bu. Cô tranh thủ dọn cơm nhanh một chút, rồi lại chỗ nàng hỏi.

"Quần áo ở trong ba lô à".

Nhẹ mò mò vào cái ba lô, rồi lần đến cái khoá, Như Ý quan sát thấy tay nàng có vẻ cũng khá linh hoạt, nên nhận định, người này chắc là trực giác tốt. Cứ hy vọng là vậy, để việc chỉ dạy nàng không quá khó khăn. Nàng nói với cô.

"Cái ba lô này, mẹ kế nói em giữ kỹ lấy để đưa cho người cầm đầu ở đây, còn mọi thứ ở trong, em cũng không rõ là gì nữa."

Nàng mù, nên không biết cô như thế nào? Già hay trẻ? Chỉ nghe mẹ kế nói là nàng sẽ lên đây ở với một người chị, nên nàng nói lại như vậy. Như Ý nghe vậy thì thắc mắc. Mẹ kế nàng thì có gì liên quan đến cô chứ? Cô chẹp miệng cầm lấy cái ba lô ở tay nàng và nói.

"Đâu, đưa coi."

Cô mở ra thì thấy vài bộ quần áo gấp gọn, và có một cái phong bì, có mười triệu bên trong với vài dòng chữ nhoè lệ. Có lẽ khi viết bức thư này, người phụ nữ kia đã khóc rất nhiều.

"Như Ý à.

Chị xin lỗi vì lại một lần nữa phiền tới em, nhưng chị cũng đường cùng ngõ tận rồi em ạ.

Em còn nhớ năm năm trước, có một người phụ nữ bị đuổi ra khỏi nhà chồng trong đêm mưa gió, rồi được em đưa về ở tạm. Sau đó, em còn cho họ tiền để về quê không? Người đó là chị đó.

Chị về quê thì gặp cha của bé Nhẹ, rổ rá cạp lại, chị làm vợ hai của ông ấy, rồi sinh được hai đứa con, một đứa lên ba, một đứa mới được một năm tuổi.

Trước đây cha của Nhẹ đi lái xe, còn có tiền để nuôi mấy mẹ con chị, nên chị cũng có thời gian chăm sóc được cho Nhẹ và các con, nhưng tháng trước, ông ấy bị tai nạn qua đời. Giờ đây, chị phải gồng gánh nuôi hai đứa con nhỏ, chị không đủ sức để chăm sóc cho Nhẹ được. Chị biết chị sai, chị không bằng loài cầm thú. Chị chiếm đoạt nhà cửa của Nhẹ. Nhưng chị không còn cách nào khác, con chị còn quá nhỏ.

Nhẹ ở dưới nhà chị chỉ làm gánh nặng cho chị. Nó khổ, ba mẹ con chị cũng khổ. Nhưng chị tin, nếu để con bé cho em, em sẽ giúp nó trở thành người có ích. Nên chị đã làm một việc vô cùng thất đức, đó là đưa nó lên để bấu víu vào em. Khoản tiền này là một phần tiền tiết kiệm của cha nó. Chị gửi em để tạm thời xoay sở cho cuộc sống mới của con bé ở nơi xứ người.

Từ một đứa có nhà có cửa đoàng hoàng, mà chị đẩy nó thành một đứa vô gia cư. Chị biết tội chị trời không dung, đất không tha. Nhất định khi con chị lớn, chị có công việc đoàng hoàng, chị sẽ tới tạ lỗi với em và Nhẹ.

Một lần nữa chị xin lỗi em, tất cả xin nhờ cậy vào em."

Như Ý đọc xong thì không buồn, cũng chả vui. Cô chỉ nghĩ đơn giản, là do nàng có duyên nên tới đây, hết duyên thì sẽ rời đi như những người khác thôi. Cô gấp lại bức thư rồi nói với Nhẹ.

"Mẹ kế của em có phải người xấu không?"

Nàng lắc đầu.

"Không đâu ạ, chỉ là cha ra đi bất ngờ quá, hai đứa em thì còn quá nhỏ nên dì ấy mới phải đưa em lên đây thôi."

Cô gật đầu theo phản xạ, rồi nhận ra nàng đâu có thấy cô gật đầu đâu. Cô nói.

"Ừ, nghĩ được vậy là tốt rồi. Coi như em đi xa gia đình để tự lập thôi, ngày mai tôi sẽ giúp em tự sinh hoạt cá nhân, còn hôm nay muộn rồi, tôi sẽ dẫn em đi tắm rồi vào ăn cùng tụi nhỏ luôn."

"Dạ".