- 🏠 Home
- Đô Thị
- Việt Nam
- Seoul Đến Và Yêu
- Quyển 2 - Chương 43: Canh đậu tương
Seoul Đến Và Yêu
Quyển 2 - Chương 43: Canh đậu tương
Cậu mình có người bạn thân là người Hàn, thân đến mức ông ấy coi mình như con gái ruột trong nhà, dạy cho từng li từng tí một. Ông chú ấy hói đầu, vì thế kể cả khi ở trong nhà cũng đội mũ, đeo một cặp kính dày cộp và khi nói chuyện thì thường có cái điệu "ái sìiiiii!" rất Hàn Quốc. Họ của ông chú là Kang, người Hàn khi tôn trọng nhau thì chỉ gọi hoi thôi, nên trong những câu chuyện này chúng ta hãy gọi là ông Kang nhé.
Ông Kang có khả năng ngôn ngữ kì diệu. Hồi ấy mới sang thì mình lẫn cậu mình làm gì biết tiếng Hàn, chỉ biết mấy từ mọi người hay nói ở quán ăn thôi, lúc đi chợ thì vẫn phải chỉ trỏ và nhìn máy tính để mặc cả giá. Thế mà cứ mỗi lần cậu mình đứng ở giữa nhà hét lên "Kang ơi, đi chợ mua thịt!" Thì ông ấy vẫn có thể trả lời được là "Ok, ok... Lotte!" Lúc ấy mình chỉ biết nghệt mặt ra nhìn hai ông chú lấy xe đi chợ, mỗi người nói một thứ tiếng và cứ sau một nhịp thì cả hai cùng cười ha hả.
Hồi đó đi chợ, cậu mình vẫn sẽ tìm cách mua đồ để nấu cơm Việt Nam, nhưng đến lúc mình "đủ lớn" để đi chợ thì ông Kang bắt đầu dạy mình mua đồ Hàn, nấu cơm Hàn Quốc để ăn. Đi Lotte thì thích thật, cái gì cũng đẹp và trông ngon nhưng sẽ không vui bằng đi chợ. Chợ ở Hàn Quốc có nhiều đồ hơn, và bạn cũng sẽ phải biết mặc cả để không phải mua giá đắt quá. Hàng tuần, ông Kang dẫn mình đi tàu điện hơn một tiếng đồng hồ để tới chợ, và cho dù chợ mở 24/7 thì nếu muốn mua đồ ngon, bạn vẫn nên đến từ sáng sớm.
Hình như đàn ông ở Hàn ai cũng biết nấu ăn thì phải, không chỉ ông Kang mà bạn bè mình ở trường đại học sau này đều có thể tự nấu cho bản thân những món truyền thống trong bữa cơm nhà của người Hàn. Trong đó, nổi tiếng phải nói đến canh kimchi và canh tương. Mình nghĩ, trẻ con ở Hàn Quốc chắc ai cũng lớn lên bằng hai món canh này. Điểm đặc biệt là với hai món canh này, bạn sẽ phải ăn kèm rất nhiều cơm, nên lúc nào ăn xong cũng no lặc lè, dù chỉ có bát canhl đun đến gần cạn nước và cơm trắng thôi. Mỗi nhà đều có cách nấu của riêng họ, cũng như canh dưa ở Việt Nam vậy. Ông Kang dạy mình nấu hai món canh đó, nấu cho đến khi nào nhuần nhuyễn thì thôi, ăn thật quen thì thôi. Lý do đơn giản lắm: "Sau này đi học đi làm vất vả lại sống một mình, lúc nào không có tiền mua đồ ăn ngon thì cứ nấu một trong hai loại canh này, bạn bè chia nhau ra ăn cũng được. Rẻ mà lại no, lại không hại sức khoẻ như nấu mì..."
Bát canh trông vậy mà đơn giản, có đậu tương đun với chút nước sôi, ít đậu phụ và bí ngò nữa là ăn được. Còn đơn giản hơn cả canh kimchi, và mình cũng thích canh đậu tương hơn. Người Hàn ngày xưa rất nghèo, thường xuyên phải chịu đói. Chính vì thế đối với họ, ăn no quan trọng hơn ăn ngon. Trong những bữa cơm của các gia đình khó khăn, lúc nào cũng có món canh này, để họ có thể ăn nhiều cơm và không bị đói, còn có sức học và làm. Họ ăn nhiều đến mức ngấm vào máu, sau này có điều kiện thì vẫn thích ăn canh đậu tương.
Mình từng hẹn hò với một người Hàn và anh ấy rất yêu quý mình, chỉ vì một lý do rất đơn giản: Mình là cô gái ngoại quốc duy nhất biết nấu và thích ăn canh đậu tương. Cảm giác gần gũi, và thân quen giống như gia đình vậy, cùng nhau chia sẻ một bát canh tương giữa trời đông lạnh, ăn thật nhiều cơm và cảm thấy no đủ cùng nhau, cho dù không có gì trong tay đi nữa.
- 🏠 Home
- Đô Thị
- Việt Nam
- Seoul Đến Và Yêu
- Quyển 2 - Chương 43: Canh đậu tương