Chương 11

Mùa đông ngắn ngày dài đêm, trời âm u lạnh lẽo, trong làng không ngớt vang lên những tiếng gọi nhau:

—Ăn cơm đi!

—Tới liền!

Lũ trẻ con nằm rạp trên mặt đất chơi bi, vừa nhặt nhạnh những viên bi lấp lánh đủ màu vương vãi khắp nơi vừa bụng đói cồn cào mà còn sợ bị la mắng vì bỏ cuộc chơi nửa chừng.

Trần Dũng Dương hai tay đầy bùn đất, đầu gối, cổ tay áo, khuỷu tay dính bẩn. Chẳng bận tâm, cậu nhào lên bàn. Chu Mai thấy thế liền quát: “Trần Dũng Dương, đi rửa tay ngay!”

Mỗi khi bị gọi cả họ lẫn tên thế này, cậu bé biết là mẹ đã tức giận. Trần Dũng Dương nhảy phắt xuống ghế, thụt người lại.

“Mẹ đã nói bao nhiêu lần là không được nằm dài dưới đất rồi, cứ thế này thì tự giặt quần áo đi nhé!” Chu Mai đau đầu lắc đầu, nghĩ sao mà mình sinh ra hai đứa con trai mà đứa nào hồi bé cũng nghịch ngợm không chịu nghe lời, chẳng biết là giống ai nữa.

Nhìn Trần Lộ ngoan ngoãn dọn bát đũa, lòng Chu Mai như được an ủi, may mà hai đứa con gái không giống anh em chúng, ngoan ngoãn hiểu chuyện.

Như thường lệ, bữa tối là cơm khoai lang, món canh củ cải trưa nấu còn lại, Chu Mai còn nấu thêm nửa quả bí đỏ ngọt, thêm ít khoai tây bào và một chút cải bắp xào tóp mỡ.

Trần Vãn bị đau họng, bát cơm của cậu được Chu Mai nấu mềm thành cháo cho dễ nuốt.

Trần Dũng Dương tò mò hỏi vì sao chú lại ăn cháo, khi biết chú bị cảm liền xị mặt ra, tỏ vẻ rất thương chú nhỏ.

Trong bàn, Trần Vãn là người ăn chậm nhất. Khi cậu còn đang ăn, Trần Dũng Dương đã ăn xong từ lâu. Chu Mai thu dọn chén đũa chồng lên nhau chuẩn bị đem vào bếp thì thấy Dũng Dương mắt cứ đảo qua đảo lại giữa mẹ và chú, như thể muốn kiếm cớ lẻn đi chơi.

“Đứng lại” Trần Vãn chỉ buông hai chữ mà cậu nhóc lập tức đứng im, rồi quay sang Chu Mai nói “Chị dâu, bữa tối để chén đĩa cho em và Dũng Dương rửa.”

“Không cần đâu, mấy cái chén đĩa thì có tốn bao nhiêu công, chị làm cũng được mà” Chu Mai cười, không để lời của cậu vào lòng.

“Em nhớ lần đầu Dũng Phi rửa chén là lúc chín tuổi, Dũng Dương chắc không thua kém anh đâu nhỉ?” Trần Vãn buông đũa, khuyến khích Dũng Dương học theo anh.

“Đúng vậy ạ!” Trần Dũng Dương hớn hở gật đầu, vươn tay về phía mẹ: “Mẹ, đưa chén cho con đi.”

Chu Mai còn đang phân vân thì Trần Tiền Tiến xen vào: “Dũng Dương muốn rửa chén thì để nó làm đi. Hồi xưa tôi mới bảy tuổi đã biết trèo lên ghế đứng nấu cơm rồi đấy, Dũng Dương giờ chín tuổi, nên cho nó học dần thôi.”

Vậy là Chu Mai giúp đem chén đĩa vào bếp, rồi buông tay để hai chú cháu tự lo liệu. Dù sao có Trần Vãn trông chừng, chắc Dũng Dương sẽ không đến mức đập vỡ bát đĩa.

Dù nghĩ vậy, nhưng nàng vẫn căng tai nghe ngóng bên bếp.

Nước rửa chén đựng trong nồi đặt trên bệ bếp cao đến ngang eo Trần Vãn, khoảng một mét và cao hơn vai Trần Dũng Dương một chút.

“Có cần cậu đem ghế đẩu cho không?” Trần Vãn thấy cậu bé kiễng chân vất vả, quay đầu cười, dùng nắm tay che miệng để khỏi bật cười.

“Không cần!” Việc này liên quan đến lòng tự tôn, Trần Dũng Dương cắn răng từ chối.

Trần Vãn xắn tay áo lên, để lộ cánh tay trắng nõn, thử chạm vào nước trong nồi, thấy hơi nóng nên cho thêm chút nước lạnh vào.

Trần Dũng Dương cũng bắt chước, xắn cao tay áo. Áo của nhóc rộng thùng thình, vừa mới xắn lên đã trượt xuống. Trần Vãn bảo cậu bé giơ tay, giúp cậu xắn gọn lại rồi đẩy cao đến tận khuỷu tay. Trần Dũng Dương thử lắc lắc tay, lần này áo không trượt xuống nữa.

Trước đây Trần Vãn đã có kinh nghiệm rửa chén, lớn lên ở nông thôn, đâu có việc gì mà không biết làm.

Cậu bỏ đôi đũa vào nồi nước ấm, chuẩn bị có động tác thì Trần Dũng Dương đẩy tay ra, nói bằng giọng điệu làm ra vẻ người lớn: “Cậu út chỉ cho con cách làm là được rồi, người bị cảm không nên chạm nước.”

Rửa chén và nghịch nước thì liên quan gì nhau nhỉ? Trần Vãn dở khóc dở cười, nhưng trong lòng cảm thấy xúc động.

“Được thôi” cậu thu tay về, đứng sau Trần Dũng Dương chỉ dẫn: “Cầm đũa lên, chà chà… Nhẹ tay một chút, đúng rồi…”

Chén đũa của sáu người trong nhà, hai chú cháu loay hoay rửa mất hơn hai mươi phút. Trần Vãn kiểm tra kỹ, lần đầu Dũng Dương rửa chén mà đã rửa khá sạch sẽ dù có hơi chậm một chút.

Trần Vãn khen ngợi vài câu, Chu Mai nhìn cũng không tiếc lời khen “con trai mẹ giỏi quá”, khiến Dũng Dương cười hớn hở, phấn khởi đến mức gần như muốn nhảy cẫng lên.

Bên cạnh bếp vẫn còn một nồi nước lớn, nước từ bữa ăn còn lại hơi ấm, tiện cho cả nhà rửa mặt.

Sau cơn sốt, mồ hôi lạnh khiến Trần Vãn thực ra rất muốn một chậu nước nóng để tắm cho sảng khoái, nhưng điều kiện thiếu thốn, đành phải dùng khăn nhúng nước lau sơ người.

Thu xếp xong xuôi thì trời đã tối đen, ánh đèn pin loé lên ở cổng sân, Chu Mai quay đầu hỏi: “Ai đó?”

“Dì ơi, con là Trương Nghị.” Cửa sân mở ra, Trương Nghị tắt đèn pin, theo sau là hai nữ thanh niên trí thức. “Dì ơi, bọn con đến thăm anh Trần Vãn.”

“Giờ tối thế này còn phải làm phiền các con, mau vào đi! Ăn cơm chưa?” Chu Mai nhanh nhẹn mời họ vào nhà, gọi to: “Lục Nhi, Trương Nghị đến thăm em này.”

Trần Vãn vừa nuốt xong thuốc cảm, mặt nhăn nhó vì đắng, đang nhai một múi quýt cho đỡ miệng. Thấy Trương Nghị và hai người nữa, cậu vội nuốt xuống rồi chào đón họ vào ngồi.

Chu Mai lại hỏi họ có ăn cơm không, Trương Nghị vốn dặn mọi người ăn no trước khi đến để khỏi phải làm phiền, nên vội từ chối, nhưng Chu Mai vẫn rót cho mỗi người một cốc nước đường nóng để ấm bụng.

Ba người không ngồi lại lâu, thấy Trần Vãn không quá mệt mỏi như đã nghĩ nên cũng nhẹ nhõm. Họ động viên cậu rằng còn nhiều cơ hội phía trước, dặn nếu cần giúp gì thì cứ tìm họ, rồi khuyên cậu nghỉ ngơi và ra về.

Tiễn ba người đi xong, Trần Vãn đóng cổng, tắt đèn trong nhà. Buổi tối ở đây không có gì để giải trí, ngoài việc đi ngủ chẳng còn lựa chọn nào khác.

Trần Vãn định dành thời gian suy nghĩ về tương lai của mình, nhưng càng nghĩ lại càng thấy thương Hứa Không Sơn trong câu chuyện gốc. Cuối cùng, cậu chán nản ngồi ôm chăn, không tài nào ngủ nổi.