Chương 3

Sau này Hứa Đức Mậu lại vay thêm tiền người thân và bạn bè, ngoài ra còn có cô con gái lớn sau khi đi làm thì mỗi tháng đều phụ cấp cho gia đình, nên ông cắn răng xây thêm ba tầng, biến căn nhà hai tầng mái ngói ban đầu thành một tòa nhà năm tầng kiểu phương Tây.

Tầng một mở siêu thị, tầng hai là khu vực sinh sống của gia đình, còn từ tầng ba đến tầng năm thì làm khách sạn.

Khi thôn Cây Sồi được sát nhập vào thành phố, khách sạn nhà họ Hứa cũng trở nên phát đạt ngay từ khi khai trương. Công việc kinh doanh tốt đến mức chưa đến một năm đã trả hết phân nửa số nợ bên ngoài, hoàn cảnh gia đình bấy giờ thực sự không tồi.

Hai vợ chồng nhà họ Hứa không muốn con gái thứ vào đại học, ngoại trừ tiếc tiền, còn có tính toán khác. Bởi vì kế hoạch hóa gia đình, nên cô con gái lớn Hứa Hồng Giao khi còn nhỏ đã bị bọn họ đưa đến sống với nhà họ hàng ở nông thôn, phải ở đó cho đến khi con trai út Hứa Tuấn Văn học tiểu học mới được trở về, cũng bởi vậy mà Hồng Giao vẫn luôn không thích gần gũi với gia đình. Vừa thi đỗ đại học đã dọn ra ngoài sống, sau này học xong đi làm thì cũng chọn nơi làm việc cách nhà khá xa, một năm nhiều nhất cũng chỉ trở về một hai lần.

Theo suy tính của hai vợ chồng thì hai cô con gái ít nhất cũng phải giữ lại một người ở bên cạnh, bằng không sau này về già ngay cả một người chăm sóc cũng không có. Bé hai đã luôn ở bên cạnh bọn họ từ khi mới lọt lòng cho đến bây giờ, tính cách ôn hòa ngoan ngoãn, không có lạnh lùng lãnh đạm giống như chị gái mình. Hai vợ chồng nghĩ giữ bé hai lại bên cạnh là tốt nhất, hơn nữa bọn họ đều đã lớn tuổi rồi, Tuấn Văn còn đang đi học, trong nhà có sản nghiệp lớn như vậy, cần phải có người phụ giúp.

Nếu sau này có bé hai ở bên cạnh thì việc kinh doanh và trông coi cửa hàng cũng sẽ có thêm một người gánh vác, như vậy thì hai vợ chồng bọn họ cũng không còn phải cật lực vất vả nhiều nữa, quan trọng là không cần phải tốn nhiều tiền như thế để vào đại học. Huống hồ, tuổi tác của bé hai và Tuấn Văn chênh nhau không lớn, còn chưa tới hai năm nữa thì Tuấn Văn cũng phải vào đại học, đến lúc đó trong nhà phải đồng thời nuôi hai sinh viên đại học cùng một lúc, gánh nặng này thực sự quá nặng nề.

Về chuyện này, Hứa Đức Mậu và Ngô Quế Phân đã sớm thống nhất ý kiến, một người sẽ mềm, một người cứng. Mấy hôm nay Ngô Quế Phân không ngừng ở trên giường rêи ɾỉ, khi thì kêu “đau đầu”, khi thì kêu “eo đau”. Hứa Thanh Linh là đứa ăn mềm không ăn cứng, vốn dĩ cô luôn cảm thấy đau lòng mẹ mình sinh ra ba đứa con khiến một thân bệnh tật yếu ớt, làm lụng vất vả cả trong lẫn ngoài, vậy mà còn phải liên tục hứng chịu cơn thịnh nộ của bố cô.

Sau nhiều ngày náo loạn, Hứa Thanh Linh cuối cùng cũng phải đầu hàng.