Chương 37: Bắt đầu cuộc sống mới (2)

Nhờ có anh ta mà có tôi của ngày hôm nay.

Hoàng Gia Huy nhìn mấy thứ đồ trong tay tôi, hất hàm hỏi. “Nếu tôi đến muộn, cô tính dùng mấy dụng cụ nhà vệ sinh đó xử lý ông khách kia thật à?”

“Đúng thế, tôi phòng vệ chính đáng mà, có vấn đề gì sao?”

Tự vệ là một việc nên làm mà, sao anh ta hỏi như thể người mắc lỗi là tôi vậy?

Nhưng Hoàng Gia Huy không cho là vậy, anh ta ôn tồn nói một thôi một hồi.

“Ừ cô không sai, vậy cô có tính đến trường hợp mình bị người ta hành hung và ảnh hưởng tới đứa con trong bụng cô không?”

Tôi cứng họng, không thể phản bác lại câu nào vì anh ta nói rất có lý.

“Thôi cô quay qua phòng khác dọn dẹp đi, ông khách kia bị đánh thể nào cũng quay lại tìm cô gây sự tiếp. Chuyện này vẫn chưa kết thúc được đâu, phòng này để tôi dọn thay cho.”

Tôi nghe lời, đứng dậy nhanh chóng đẩy xe sang phòng khác dọn dẹp.

Mấy tháng làm ở đây tôi nhẫn nhịn và chịu đựng mọi ánh mắt soi mói lên người mình từ khách hàng cho đến đồng nghiệp. Tuy không phải là tất cả, nhưng vẫn có một số người không thiện cảm mấy với tôi, dường như tư tưởng phong kiến lỗi thời vẫn ăn sâu vào trong máu họ.

Nhẹ nhàng vỗ về cái bụng bầu hơi nhô lên, tôi rủ rỉ thầm thì với đứa nhỏ. “Đừng sợ con à! Tất cả mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua được.”



Tối đến.

Tôi bê đĩa xoài đã gọt vỏ đi ra ngoài hiên nhà. Nơi tôi đang ở hiện tại là nhà của chú Hoàng Gia Huy, một căn nhà cấp bốn nằm lọt thỏm giữa một làng chài nhỏ bé.

“Hạnh Chi, con mau ngồi xuống đây.” Là giọng của cô Nụ, vợ chú Tuấn. Thấy bóng dáng thận trọng bê đĩa xoài của tôi từ trong đi ra, cô mỉm cười dịu dàng gọi tôi ra ăn cơm.

Mai Hạnh Chi là cái tên tôi tự đặt cho mình khi đến đây. Vì không biết liệu có ai đó đi tìm tung tích của mình hay không, để phòng hờ tôi đã thay tên đổi họ.

Ở đây mọi người đều nói tiếng địa phương, tôi gặp chút khó khăn khi giao tiếp với mọi người.

May cho tôi là gặp đúng một gia đình từ trong Bắc vào đây lập nghiệp.

Vào ngày đầu đến đây tôi chẳng quen biết một ai cả, một thân một mình lang thang tìm nơi thích hợp để dừng chân. Đúng chiều tối ngày hôm đó, khi đi loanh quanh gần một làng chài, tôi bị dính mưa.

Đang chẳng biết mình nên làm gì, tôi tình cờ gặp Hoàng Gia Huy và chú Tuấn. Tôi không rõ họ đi đâu về, nhưng trên tay họ là mấy xô đựng cá biển thì phải. Vừa mệt lại còn bị mắc mưa, tôi mấp máy môi muốn cất tiếng gọi nhưng tầm mắt mờ dần đi. Tới lúc tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong một hộ dân lọt thỏm trong làng chài nhỏ.

Từ đó tôi tá túc tại gia đình chú Tuấn cho đến tận ngày hôm nay.

Mới đầu, tôi gặp khó khăn trong việc cố gắng hòa nhập vào cuộc sống ở đây. Nhưng dần dà, dưới sự giúp đỡ tận tình của gia đình chú Tuấn tôi đã thích nghi.

Đến ngày thứ tư, tôi ngỏ lời muốn tìm một công việc, không thể cứ mãi ăn bám gia đình họ như thế này được. Ai ai cũng phản đối, ngay cả bé Hoa (con gái vợ chồng chú Tuấn) nài nỉ tôi ở nhà chơi với nó.

“Chị Chi ơi, chị ở nhà chơi với em được không? Em hứa sẽ dẫn chị đi chơi cùng các bạn.”

“Rất tiếc phải nói với em là không được. Chị biết là ba mẹ em không tính toán gì khi trong nhà có thêm một miệng ăn từ trên trời rơi xuống như chị, nhưng chị phải đi kiếm tiền để ba mẹ em đỡ vất vả chứ, đúng không nào?”

Cô bé tiu nghỉu cụp mắt nhìn xuống đất, ủ rũ đáp.

“Vâng…”

Tôi bèn xoa đầu an ủi bé.

“Đi chơi với bạn ngoan nhé, tối về chị dạy em học bài, ok không?”

“Ok!”

Cô bé chào tôi xong rồi vụt chạy theo chúng bạn đang thập thò ngoài cửa.

“Cô tính tìm việc?” Hoàng Gia Huy là người mở lời hỏi khi hai chúng tôi ra ngoài bờ biển nói chuyện.

Tôi gật đầu, không chút e ngại đưa ra chủ kiến.

“Đúng thế, tôi muốn tìm công việc nào đó ở quanh đây, đặc biệt là trong khách sạn nhà hàng thì càng tốt.”

Trái với mong đợi, Hoàng Gia Huy lạnh lùng đưa ra lời khuyên, một lời khuyên đầy thành ý nhưng lại làm tôi không vui.

“Quanh vùng biển Đề Gi này dịch vụ khách sạn, nhà hàng chưa nhiều do du khách chưa biết đến đây. Họ đến là để xem Cá Ông là chủ yếu và không nghĩ đến việc lưu lại như những điểm du lịch khác. Cô nghĩ thử đi, nếu cô muốn tìm một công việc gắn bó về lâu về dài, tôi khuyên cô nên tìm một công việc khác.”

“Vậy anh thử đưa ra một vài gợi ý khác đi, biết đâu tôi lại ưng.”

“Thôi, thà rằng cô cứ ngồi không thế này chẳng ai nói gì tới cô đâu.”

Rõ ràng anh ta không có ý xấu, nhưng câu nói bâng quơ đó của anh ta khiến tôi cảm thấy không được tôn trọng.