Chương 14: Ngoại truyện 1 - Bức thư của tác giả
Số đặc biệt ngày Thất Tịch
Đầu tiên, cảm ơn mọi người đã kiên nhẫn đọc hết tác phẩm đầu tay của tôi. Cũng cảm ơn sự yêu thích của mọi người dành cho Tô Uyển và Nguyễn Chính Ý.
Thật ra ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết này chỉ là cảm hứng nhất thời mà thôi. Cứ viết như vậy, đặt trọn cả tâm tư và cảm tình vào nó. Đôi khi tôi còn cảm thấy đây chính là một câu chuyện xưa chân thật.
Tôi không định viết một câu chuyện cẩu huyết mà ngược lại muốn viết một câu chuyện hiện thực ấm áp. Nhưng không ngờ kết quả lại là một câu chuyện cổ tích dành cho người lớn. Nhiều người hỏi tôi, thế gian này làm gì có ai giống Nguyễn Chính Ý? Làm gì có ai chờ đợi được như Nguyễn Chính Ý?
Cũng đúng thôi, trong cuộc sống hiện thực, làm gì có một người đàn ông nào thâm tình như thế?
Không có. Mà cho dù có thì cũng ít đến đáng thương.
Sau tất cả, cuộc sống của người trưởng thành nào phải chuyện cổ tích.
Nhưng tôi thật lòng muốn nói cho mọi người, Nguyễn Chính Ý không phải là nhân vật do tôi bịa đặt ra. Anh ấy có ít bóng dáng của một người, mà người kia là người tôi thích tròn sáu năm.
Anh ấy có tất cả những phẩm chất tốt đẹp của Nguyễn Chính Ý. Nhưng dĩ nhiên không có sự thâm tình như đồng chí Tiểu Nguyễn nhà tôi.
Nhưng mà người đàn ông ấy rất dịu dàng lương thiện, ngay thẳng chính trực. Tôi cảm thấy nếu lấy một người đàn ông như anh ấy thì cuộc sống về sau cũng không khác gì Tô Uyển Uyển.
Ngoại hình của anh ấy không phải “đại soái ca”, nhưng đem lại cảm giác mới mẻ trong trẻo, giống như làn gió mát đêm trăng. Mỗi khi anh cười rộ lên như chứa cả bầu trời sao.
Tôi rất thích anh ấy. Nhưng chúng tôi không thể ở bên nhau.
Tôi từng thổ lộ, anh cũng từng từ chối. Sáng sớm mùa hè năm nay chính là năm thứ sáu chúng tôi quen biết nhau.
Tôi nói, “Thật ra em biết anh chắc chắn sẽ từ chối, nhưng em vẫn muốn tự mình nói cho anh biết rằng em thích anh, không phải vì anh giỏi giang, ưu tú. Chỉ đơn giản là thích một người như anh.”
Anh ấy hơi bối rối, anh không biết cách từ chối một cô gái, cũng không giỏi nói lời dễ nghe, anh chỉ im lặng nhìn tôi, sau đó chân thành đáp: “Cảm ơn em.”
Chúng tôi nói rất nhiều, chỉ là không tiện kể cho mọi người.
Cuối cùng, tôi nói: “Chúc anh tiền đồ như gấm, một đời bình an khoái lạc.”
Không hề có cảm giác ngượng ngùng, giống như anh vẫn còn là chàng thiếu niên ngồi bàn trước tôi thuở đó.
Tạm biệt, thiếu niên của tôi.
Anh rốt cuộc vẫn mang theo hoài bão tương lai mà đi đến phương bắc xa xôi, tôi ôm niềm tiếc nuối ở lại phương nam. Từ đây trời nam đất bắc, mỗi người đi theo con đường của riêng mình.
Tôi không hối tiếc, tự mình tỏ tình với người thầm thương, cũng đã nhận được lời chúc phúc chân thành từ anh.
Cuộc sống thực vốn không phải chuyện cổ tích, chuyện của chúng tôi không có kết thúc tốt đẹp.
Khi tôi viết về Nguyễn Chính Ý, tôi đã mang tiếc nuối ấy gửi gắm vào nhân vật này. Tôi rất hâm mộ người con gái nào có thể lấy anh, có thể nhận được sự săn sóc dịu dàng từ anh. Bạn bè vẫn hay đùa giỡn với tôi, bảo rằng năm dài tháng rộng, liệu câu chuyện giữa chúng tôi sẽ có một kết thúc khác?
Tôi lắc đầu.
Các chị em, tôi hi vọng chị em có thể gặp được Nguyễn Chính Ý của đời mình. Một người đàn ông hiền lành, ngay thẳng và tốt bụng, một người đàn ông biết yêu bản thân mình và yêu thương bạn.
Ngay cả khi bạn không gặp được người như vậy, cũng phải biết yêu bản thân mình, trở nên tài giỏi hơn, xinh đẹp hơn, khoẻ mạnh hơn, hào phóng hơn.
Tình yêu chính là thứ chỉ có thể gặp mà không thể cầu.
Hi vọng tôi cũng có thể gặp được Nguyễn Chính Ý của chính mình. Cũng hi vọng anh ấy có thể gặp được Tô Uyển Uyển của riêng anh.
Tôi từng nói với anh, “Sau này nhất định anh phải cưới người nào anh thực lòng thích.” Nếu may mắn, tôi cũng hi vọng có thể chứng kiến hôn lễ của anh. Tôi sẽ thật lòng nói ra lời chúc phúc từ tận đáy lòng.
Hôm nay là Thất Tịch, chúc các chị em vĩnh viễn vui vẻ hạnh phúc, nếu cảm thấy điều ấy quá khó thì tôi chúc chị em cả đời bình an.
Mọi người phải giữ gìn sức khoẻ, sống thật tốt, yêu chính mình, yêu người khác.
Tôi sẽ kiên trì viết xong câu chuyện này.
Cảm ơn vì đã cho tôi gặp được mọi người.
Sử dụng mũi tên trái (←) hoặc phải (→) để chuyển chương