Chương 1: Thi nặng như núi

Người có ba bảy loại,

Thi phân tam cương ngũ thường!

Có xác chết tha hương, sẽ có người hiệu lệnh khởi thi, đấy gọi là cản thi.

Từ xưa đến nay, từ cản thi đã không còn xa lạ gì với người dân nữa, mà ở khu vực Tương Tây lại có người nổi tiếng chuyên môn cản thi, được liệt vào di sản văn hóa phi vật thể, ngành nghề này từ xưa đã vô cùng thần bí, đến nay vẫn còn được lưu truyền trong các câu chuyện phiếm nơi thôn quê, tràn ngập sắc thái thần thoại vừa hoang đường lại quỷ dị.

Tôi tên Bạch Tiểu Hiên, làm nghề cản thi.

Nhưng tôi làm nghề này hoàn toàn là vì tình cờ.

Bởi vì từ đời ông bà tôi đến nay, nhà họ Bạch chúng tôi đều làm nghề thợ mộc, tới đời tôi đương nhiên cũng không ngoại lệ.

Vốn dĩ, tôi sẽ tiếp nhận cửa hàng gỗ của cha tôi, xem như thừa kế nghiệp cha.

Nhưng nào ngờ, một lần nảy lòng tham khiến tôi bị cuốn vào dòng xoáy thị phi, vì bảo vệ bản thân, tôi chỉ có thể bỏ nghề gia truyền, đổi sang làm nghề cản thi này.

Mọi chuyện phải bắt đầu kể từ ba năm trước.

Đó là một mùa hè oi bức, sau khi ăn tối, tôi ngồi cắt dưa hấu, vừa định hưởng thụ cảm giác sung sướиɠ khi ăn tráng miệng sau bữa tối.

Không ngờ đúng 9 giờ, có người gõ cửa nhà tôi, anh Hứa què đầu đầy mồ hôi, từng giọt to như hạt đậu chảy dài xuống.

“Anh Hứa, anh sao thế, nhà cháy hay người chết à, chuyện to bằng trời gì mà làm anh chạy cả chặng đường xa tít từ huyện bên tới thế, sao không gọi điện cho nhanh?”

Hứa què trừng tôi một cái, cũng chẳng xem mình là người ngoài, cầm một miếng dưa hấu lên ăn ngon lành.

“Chú mày rảnh rỗi gớm nhỉ, ai mà rỗi rãi được như chú? Không nghe tin gì à? Hôm qua Thiết Trụ nhà ông Vương chết rồi, mới chiều qua thôi. Anh mới tới tìm mày đặt quan tài đây, nhà ông Vương giàu nứt đố đổ vách, yêu sách lắm quá, gọi điện nói không hết được, anh mới phải chạy tới một chuyến thế này.”

Nghe vậy, tôi cũng phải giật bắn mình.

Nhưng tôi giật mình vì thôn này chỉ có nhà chúng tôi làm nghề mộc, tay nghề gia truyền, bình thường chuyện lớn chuyện bé gì cũng nhận cả, đến cả làm quan tài cũng nhận nốt.

Tôi chỉ tò mò, mới hôm trước tôi còn gặp Vương Thiết Trụ kia, sao nói đi là đi ngay như thế?

Tôi bèn tò mò hỏi thử, nhưng Hứa què lại không đáp.

“Đừng hỏi lắm thế, cũng không phải chuyện chúng ta nên hóng, nhưng nghe đâu Vương Thiết Trụ chết thảm lắm, đồn như thật luôn. Nhà chú mày có sẵn quan tài đáy đen sơn đỏ không, phải là loại bảy thước sáu, tốt nhất là làm bằng gỗ du ấy.”

Tôi vừa nghe yêu cầu này thì bật cười.

“Chà, nhiều yêu cầu gớm nhỉ, Vương Thiết Trụ kia quá lắm chỉ chừng 160cm thôi, lấy cái quan tài bảy thước sáu làm gì. Sao, bên đấy định nhét cả họ vào hay gì? Hơn nữa, làm quan tài thì tôi biết, nhưng tôi cũng chẳng làm chuyên cái này, sao mà có sẵn ngay được.”

“Anh Hứa, anh cũng biết mà, quan tài không dám dùng loại đáy đen sơn đỏ như thế đâu, khéo lại có chuyện đấy.”

Nghe vậy, Hứa què trừng tôi một cái.

“Cần chú mày lo chắc, người ta trả tiền, chú quan tâm người ta mua quan tài bảy thước sáu hay tám thước sáu làm gì, Hiên à, đây là mối ngon đấy. Nhà ông Vương không thiếu tiền, bọn họ bảo làm xong còn gửi thêm 1000 đấy.”

“Anh cũng chẳng chia chác gì nhiều, anh em mình chia chín một, chú chín anh một, đến lúc đó tiền vào túi rồi, chú quan tâm người ta nhét bao nhiêu người vào làm gì, nói không chừng đồ bồi táng nhiều thì sao?”

Vừa nghe Hứa què nói thế, hai mắt của tôi bắt đầu tỏa sáng.

Thời buổi này, vừa mới qua khỏi thời đại nhà nhà phải lo cơm áo gạo tiền, nhưng không nghe nói nhà ai giàu có gì nhiều, có chục ngàn trong túi đã xem như to lắm rồi. Nhà ông Vương điên rồi mới ra giá cả ngàn đồng cho một cái quan tài như thế.

Bấy nhiêu đủ cưới vài cô vợ bé ấy chứ.

Dù có cộng hết cửa hàng gỗ cha tôi để lại cũng chẳng đáng giá nhiều như thế, tôi phải hỏi đi hỏi lại vài lần, đợi đến khi chắc chắn rồi thì lập tức hưng phấn hẳn ra.

Tôi chẳng buồn ngủ nghỉ gì nữa, người tỉnh như sáo, lập tức chạy ra sau nhà chặt cây ngay trong đêm.

Làm từ nửa đêm đến sáng, trời mới vừa tờ mờ sáng, tôi quét sơn xong thì lập tức mượn chiếc xe lừa nhà hàng xóm chở qua bên kia.

Chờ đến nơi thì trời đã sáng hẳn.

Trước cửa lớn nhà ông Vương trải đầy tiền vàng mã, nhạc đám tang réo rắt buồn nẫu ruột.

Tôi còn chưa dừng xe hẳn thì đã thấy cha của Vương Thiết Trụ chạy vội ra, trán lấm tấm mồ hôi, tôi ngồi trên xe lừa, bạo gan nhìn vào bên trong thử.

Tôi nhìn thấy Vương Thiết Trụ mặt mày xám trắng nằm đờ trên chiếu, cũng không biết có phải do ánh đèn hay không, gương mặt cậu ta trắng đến rợn gáy.

Nói thật, tôi còn thấy hơi khó chịu đây này.

Nhà ông Vương giàu như thế, chỉ cái quan tài thôi đã chịu chi hẳn 1000, lại còn đồ bồi táng này nọ, nhưng đến cả đồng nam đồng nữ cũng chẳng đốt nổi cho con mình.

Nhưng tôi cũng chẳng nghĩ nhiều.

Thấy người nhà họ Vương dỡ quan tài xuống, tôi không đi theo họ vào nhà.

Việc này do Hứa què móc nối, đương nhiên anh ta sẽ tính sổ lãnh tiền rồi.

Tôi ngồi trên xe lừa chờ, đột nhiên lại thấy buồn tiểu, bèn mượn nhà xí dùng tạm, nhưng vừa quay đầu đi ra đã thấy Hứa què và một đám người nhà họ Vương đang vật vã khuân thi thể Vương Thiết Trụ đặt vào trong quan tài.

Rõ ràng Vương Thiết Trụ tối đa chỉ chừng 70kg, nhưng Hứa què nhấc chân, cha Vương Thiết Trụ nâng đầu, lại thêm mấy người thân thích nhà họ Vương nâng tay đỡ eo, cứ như nặng lắm ấy.

Khoảng cách vài chục bước mà họ vác đến mướt cả mồ hôi.

“Sao thế anh Hứa, tối qua anh đi thăm giường nhà cô nào đến run chân à? Sao đến cả Vương Thiết Trụ cũng nhấc không nổi thế.”

Nhưng tôi nói xong Hứa què lại xụ mặt im re, mím môi không nói lời nào.

Đợi tới khi đặt thi thể vào quan tài xong, sắc mặt của Hứa què lại càng khó coi hơn, anh ta kéo tôi chạy thẳng ra xe lừa bên ngoài, như thể sợ đứng lâu thêm một chút sẽ bị dính xui xẻo vậy.

“Anh Hứa, rốt cuộc làm sao thế? Không lấy tiền nữa à?”

Tôi nhìn mà giật cả mình.

Hứa què và tôi quen biết đã nhiều năm, trước kia khi cha tôi còn sống, anh ta đã tới nhà tôi học nghề một thời gian, nhưng vì sợ vất vả nên bỏ ngang.

Nghe nói về sau anh ta đi theo tri khách nhà quàn ở thôn kế bên học hai năm, nên làng trên xóm dưới làm đám tang đều gọi anh ta tới.

Lại nói tiếp, Hứa què cũng xem như người chủ trì nghiệp dư rồi.

Thấy tôi hỏi, Hứa què nhìn tôi một cái, sau đó giơ roi quất mạnh lên mông con lừa một cái, đợi cho xe lừa chạy đi thật xa rồi, lúc này Hứa què mới thở phào một cái.

“Hiên à, chú cũng đừng trách anh nhát gan, đòi tiền cũng được, nhưng phải còn mạng mới tiêu được tiền.”

“Vương Thiết Trụ chết không sạch sẽ, chúng ta nên về sớm thì hơn, nhất định không thể ở lại đó lâu được, nếu muộn thêm nữa thì sẽ có chuyện mất.”

Hứa què vuốt tay, giống như cực kỳ ghét bỏ.

Tôi lại càng tò mò hơn, bèn hỏi Hứa què xem rốt cuộc đã có chuyện gì, thời buổi này, nhà ai mà không có người chết, lúc còn sống Vương Thiết Trụ lại là người nhút nhát ít nói, chết rồi thì có thể có chuyện gì lạ được chứ.

“Người sống không đáng sợ, chết mới dễ gây họa, chú mày thì biết cái gì.”