“Hôm nay thời tiết rất tốt.” Cậu nói trong khi cung phụng thần minh.
“Hoa hồng trong viện đã nở, đẹp lắm.” Nói về những điều vui vẻ, đôi mắt của thiếu niên sáng lấp lánh. Khi cười rộ lên, đôi mắt hạnh tròn tròn sẽ biến thành hình cong cong, tạo ấn tượng rất mạnh cho người nhìn thấy.
“Chiều hôm qua, rất nhiều hoa và lá rơi, tôi nghĩ sau này sẽ dọn dẹp một chút. Nếu không chờ chúng nó mục nát, trông sẽ không đẹp nữa.”
“Tôi không thích trời mưa.” Khuôn mặt nhỏ nhắn của thiếu niên nhăn nhó.
“Bung dù làm việc rất phiền phức…. Hơn nữa, khi ngủ vừa ướt vừa lạnh, khả năng sẽ bị cảm mạo.”
“Nhưng mà.” Cậu tự an ủi mình, “Hôm nay mưa nhỏ hơn rất nhiều.”
Thiếu niên ồn ào ngồi xếp bằng trước điện thờ trang nghiêm nói thật nhiều lời. Nói xong lời cuối cùng, cậu lấy ra từ trong ngực một quả đào đã được rửa sạch sẽ, đặt vào đĩa trái cây đã cung phụng ngày hôm qua: “Quả đào hôm nay rất ngọt, tôi để lại một quả cho ngài.”
Quả đào no đủ xinh đẹp đặt trên đỉnh đĩa trái cây.
Nó còn mang theo hơi nước, có lẽ người thiếu niên đã rất cẩn thận rửa sạch, không để lại một sợi lông mềm nào.
Trước điện thờ, hương khói lượn lờ.
Trong làn khói mờ ảo, dường như có ai đó trên điện thờ đang nhìn ngắm quả đào xinh đẹp này.
-
Ngày thứ hai trong nội trạch rất yên tĩnh.
Giản Thư ngồi trước điện thờ đọc sách nửa ngày, thi tập rất nhạt nhẽo, xem một hồi đã mệt rã rời.
Là một người nghiện điện thoại, cậu hơi nhớ điện thoại của mình, cũng nhớ những trò chơi trong điện thoại.
Một ngày trôi qua, gà vịt trong nông trại không được cho ăn, không lâu nữa sẽ ngừng đẻ trứng. Cây trồng trên đồng cũng sắp chín, nếu không thu hoạch trong vòng 24 giờ, sẽ chậm rãi héo úa.
Cậu vô cùng để tâm mảnh đất nông trại ảo này, để di chuyển sự chú ý, đành phải bỏ sách xuống, cầm ô ra ngoài dọn dẹp hoa lá rơi xuống từ đêm qua.
Dụng cụ dọn dẹp trong nội trạch là kiểu cũ, là loại chổi lớn được làm từ cây khô. Giản Thư biết loại cây này gọi là cỏ vàng, thường mọc cạnh những ngôi nhà ở nông thôn, thấp bé rậm rạp, tạo thành một mảng nhỏ.
Kỳ lạ thay, dù kiến trúc của Vũ Thành nhìn qua rất cũ kỹ, nhưng đồ dùng sinh hoạt hằng ngày lại rất tiện lợi. Nội trạch chỉ có những vật dụng đã sử dụng từ nhiều năm trước, như thể nội trạch rộng lớn này đã bị lãng quên theo thời gian, hiếm khi có người vào.
Cậu dùng một tay cầm ô, tay còn lại cầm chổi quét rác. Động tác không tiện, không tránh khỏi bị mưa xối ướt. Vì vậy, sau khi dọn sạch lá hoa trong đình viện, cậu mang bộ quần áo mới đi tắm rửa.
Ngày hôm qua vội vàng sợ hãi, hôm nay cuối cùng cũng có thời gian nhàn rỗi để xem xét nơi ở ngắn ngày này. Cậu chọn phòng nằm bên trái phòng chính, bên phải điện thờ thần còn có một căn phòng trống.
Ăn trưa xong, Giản Thư cầm hai khối bánh ngọt, vừa ăn vừa đi dạo trong nội trạch. Một gian phòng khác chỉ có chút khác biệt với căn phòng mà cậu ở, thậm chí cả vị trí bày biện nội thất cũng giống nhau. Nhưng bên cạnh cửa sổ có một kệ sách rất cổ xưa.
Trên kệ để đầy sách, thoạt nhìn có rất nhiều loại.
Giản Thư bắt đầu hứng thú.
Nếu sớm biết trong nội trạch có sách, cậu cũng không cần lật đi lật lại cuốn thi tập kia.
Sau khi phủi một lớp bụi mỏng, Giản Thư chọn ra mấy quyển, rồi ngồi trên ghế cạnh cửa sổ để mở một quyển. Đây là câu chuyện xưa về một đứa trẻ mồ côi bị người cha nuôi bán đi, lang thang khắp nước Pháp vào thế kỷ 19, cuối cùng được đoàn tụ với mẹ ruột.
Đại khái là nội trạch sau giờ ngọ quá mức vắng lặng, hoặc có thể cậu có chút đồng cảm, từ khi mở cuốn sách này, cậu không ngừng lật. Cho đến khi thấy được kết thúc viên mãn, cậu mới nhận ra trời đã tối sầm.
Giản Thư từ từ thoát ra khỏi cảm xúc thỏa mãn và buồn bã sau khi đọc xong một cuốn sách, tiếp tục lật qua những cuốn còn lại. Khi lật trang, một vài tờ giấy đã bay ra khỏi trang sách, bay lả tả xuống đất.
Cậu nhặt lên một tờ, phát hiện trên đó xuất hiện một người quen thuộc.
“Sở bá thật đáng ghét.”
Câu mở đầu đã thu hút sự chú ý của Giản Thư.
Mặc dù Giản Thư không phải là người thích nhìn trộm chuyện riêng tư của người khác, nhưng nhìn thấy cái tên quen thuộc, cậu không thể nhịn được mà đọc thêm vài dòng.
“Ông không thích cười, mỗi lần xuất hiện đều trưng ra bản mặt dọa người, mình không thích ông ấy.”
Tiếp theo đại khái là mấy lời phàn nàn.
“Tiểu Nhã không muốn xa mình, nhưng mình vẫn bị đưa đi, không biết khi nào mới có thể gặp lại em ấy. Nếu không có Sở bá thì tốt rồi, mình có thể trộm ra ngoài để gặp em.”
“Mình không muốn ở lại từ đường! Không muốn phụng dưỡng thần minh! Mình muốn về nhà!”
Trong cuốn nhật ký này -- hoặc có thể là tùy bút, Giản Thư biết người viết cũng là một người được lựa chọn để phụng dưỡng thần minh.