"Hôm nay trời mưa, gió lại lớn, tiểu nhân cũng không có phòng bị." Tên lính canh cúi đầu thấp giọng đáp lời.
"Thưa đại nhân, còn lại hai đứa, đứa nhỏ vô dụng, đứa lớn bị treo cổ chưa chết."
"Mang hết đi, thật là xui xẻo."
Tùy Ngọc bị tên lính canh đẩy ra cửa, nàng quay đầu lại kéo đệ đệ mình là Tùy Lương, không màng cậu giãy giụa, cưỡng ép lôi đến trước mặt mình. Khi ra cửa, nàng nhìn lại viên thủ vệ, đối phương hờ hững dời ánh mắt đi chỗ khác.
...
Ra đến đường cái, Tùy Ngọc nhìn đám đông đang vây quanh ở gần đó. Nàng có ký ức của nguyên chủ nên nhận ra phân nửa là những gương mặt quen thuộc. Trong số họ, có người nhìn nàng với ánh mắt thù hận, cũng có người tỏ vẻ thương tiếc.
"Tùy Cửu Sơn hôm nay buổi trưa bị kéo đi chém ngang lưng. Chém ngang lưng khiến người ta còn sống, phải một lúc lâu mới tắt thở. Ta đi xem, thật là sướиɠ mắt."
"Hắn đáng chết."
"Tiếc là chỉ gϊếŧ được một mình hắn..."
Tùy Ngọc dỏng tai nghe lén. Tùy Cửu Sơn là đại bá phụ của nàng, nhưng hai nhà ít qua lại. Cha nàng là Tùy Hổ, con của di nương, lập gia đình xong liền tách ra ở riêng, tìm được chân sai vặt ở nha môn đã làm được mấy năm. Theo nàng biết, lần duy nhất cha nàng cầu xin Tùy Cửu Sơn chính là muốn cưới một nữ nô làm di nương, nhờ Tùy Cửu Sơn giúp gỡ tội cho bà ấy.
Tùy Ngọc thở dài. Khó trách di nương của nguyên chủ dù chết cũng muốn mang theo con gái. Xuất thân từ tội nô, bà càng hiểu rõ nữ nhân trở thành tội nô sẽ gặp những gì.
“Vào đi." Tên lính canh dùng sức đẩy mạnh, nói vài câu với cai ngục rồi bỏ đi.
Tùy Ngọc bị giam vào đại lao. Trước khi vào, vạt áo trên người nàng bị lột, thay bằng áo tù vải thô. Đôi giày thêu cũng bị tịch thu, nàng phải chọn trong đống giày dép bẩn thỉu một đôi giày rơm miễn cưỡng vừa chân. May mắn cho nàng là những vết bầm tím đáng sợ trên cổ và chiếc vòng bạc giấu trong yếm không bị phát hiện khi khám xét.
Nghĩ đến Tùy Lương bị đưa sang ngục nam, Tùy Ngọc thở phào nhẹ nhõm. Nếu chỉ có Tùy Cửu Sơn bị chém ngang lưng, chắc cha của nguyên chủ vẫn còn sống. Có ông ấy chăm sóc, nàng không cần phải lo lắng cho cậu bé đó nữa.
Tùy Ngọc bước vào ngục nữ, phát hiện bên trong đã có bảy tám người. Có hai cô nương nàng nhận ra, đó là hai nữ nhi của Tùy Cửu Sơn. Hai người họ ngồi riêng một góc, những người khác không để ý đến họ.
"Ngọc muội muội..." Tùy Ngọc vừa mới ngồi xuống, đại đường tỷ của nàng là Tùy Tuệ đã lại gần: "Muội có biết tin tức gì về cha của tỷ không?"
Tùy Ngọc gật đầu, nàng phẩy tay về phía eo, ra hiệu ý bảo.
"Eo, chém ngang lưng?" Tùy Tuệ khóc lên.
Tùy Ngọc lại gật đầu thêm lần nữa. Nàng muốn hỏi quan phủ định xử trí những người này như thế nào, nhưng lại không thể thốt nên lời. Trên đường đi, do gió lạnh, cổ nàng đã sưng lên, giọng nói bị nghẹn lại, ngay cả thở cũng khó khăn.
Ban ngày trong ngục giam ồn ào, mãi đến đêm khuya mới yên tĩnh lại. Hai ba chục người vẫn chưa ngủ, tiếng thở nặng nề hòa lẫn với tiếng khóc thút thít.
Tùy Ngọc cũng không ngủ được. Nàng đi trên đường không biết bị ai đánh vào gáy, chợt có ý thức thì đã xuyên không đến hơn hai ngàn năm trước thời Tây Hán, lại còn bị bỏ vào đại lao. Nhìn tình hình hoàn toàn không có khả năng xoay chuyển, tương lai sống chết khó lường, nàng làm sao ngủ được.
Phúc thì nàng chẳng được hưởng chút nào, họa thì nàng gánh hết.
Tùy Ngọc thở dài thật mạnh, vô ý làm động đến cổ, nàng đau đến nhăn nhó, càng thêm phiền muộn.
Một đêm không ngủ, Tùy Ngọc cứ thế thức đến tận sáng khi có người phát cơm. Trong bát cháo không biết nấu bằng thứ gì, xanh xanh vàng vàng, còn thua cả cám heo, nhưng ít ra cũng có hơi nóng. Tùy Ngọc đi qua chọn lựa, chọn một bát tạm ổn, nàng bịt mũi nuốt từng ngụm nhỏ. Giọng vẫn rất đau, nhưng được canh làm ướt, cảm giác dễ chịu hơn chút.
Thấy nàng uống, những người khác cũng chậm rãi dịch lại gần, nếm một ngụm rồi lập tức nhổ ra.
"Di nương và mẫu thân của con đâu? Cổ của con bị sao vậy..."
Tùy Ngọc nhìn qua, đó là một người thẩm thẩm trong tộc. Nàng mặt không biểu cảm, gian nan nói: "Chết rồi..."
"Con có biết họ định xử lý chúng ta như thế nào không?"
Tùy Ngọc lắc đầu.
"Con không biết sao lại tự thắt cổ?" Có người khác hỏi.
Tùy Ngọc không đáp lại, nàng chọn chỗ có nhiều rơm rạ ngồi xuống, dựa vào hàng rào gỗ thô nhắm mắt nghỉ ngơi. Không có cách nào khác, nàng nằm xuống sẽ khó thở. Nàng lo ngủ say quá sẽ bị nghẹt thở mà chết.
Nàng không muốn chết.
Không biết ngủ gật bao lâu, Tùy Ngọc nghe tiếng xiềng xích va chạm giật mình tỉnh giấc. Cửa nhà lao mở ra, ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào chói mắt.
"Số các người vẫn còn may, vừa đúng lúc Tây Bắc đại thắng, đồn điền biên ải cần người. Thủ phạm chính đã bị chém ngang lưng, những người còn lại bị phạt đi đày. Đến mùa đông, bọn tội nô các người sẽ bị lưu đày đến Tây Bắc, miễn cho tội chết."
Cai ngục đi rồi, cửa nhà lao cho ánh nắng rọi vào lại bị khóa lại. Trong ngục giam nữ vang lên tiếng khóc nhưng chẳng ai phản ứng.
"Lưu đày... Lưu đày... Chúng ta làm sao còn mạng sống, sống không bằng chết." Dứt lời, một phụ nữ trẻ lấy đầu đập vào cột, trán lập tức bắn ra máu.
Tùy Ngọc giật mình sửng sốt, khi phản ứng lại liền chạy tới xem. Nàng dùng tay che miệng vết thương, ú ớ kêu xin người bên cạnh giúp đỡ, nhưng chỉ thấy thêm hai người nữa đập đầu vào cột.
Lúc này nàng mới nhận ra, những vết nâu đen trên hàng rào gỗ nguyên là vết máu đã khô.
"Đừng cứu, chết cho sạch sẽ. Làm tội nô sống không bằng chết, còn tệ hơn cả kỹ nữ lầu xanh, bị nghìn người cưỡi vạn người đè." Một bà lão đẩy Tùy Ngọc ra, ánh mắt bà quét qua cổ Tùy Ngọc, nói: "Con không nghe lời, di nương của con là vì tốt cho con đấy."
Tùy Ngọc trợn mắt, ôm lấy Tùy Tuệ đang định đâm đầu vào, trừng mắt nhìn cô ta. Rồi nàng đẩy ra, đẩy một bà lão đang dựa vào cột, thở hổn hển, gằn từng chữ: "Bà, cũng, chết đi."
Dứt lời tim nàng đập thình thịch, sợ người này thật sự đâm đầu vào cột.