Chương 26: Có tiện nghi gì mà chiếm?

Chiếm tiện nghi?

Có tiện nghi gì mà chiếm? Nhà họ Tiền đông người, cả một gia đình lớn, ngoài phân trong hầm cầu ngoài sân sau nhiều hơn nhà cậu, lương thực cũng nhiều hơn nhà cậu rất nhiều ra, còn những thứ khác cũng không hơn nhà cậu được bao nhiêu.

Dù sao đều nghèo cả.

Nếu như thật sự muốn chiếm tiện nghi, thì đáng lý phải tới nhà trưởng thôn mới đúng.

Nhưng lúc này cậu không dám cãi lại, cãi nhau với Tiền thị thì chính là không cho Tiền thúc thể diện. Hơn nữa, lời của Tiền thị cậu cũng khó mà phủ nhận, bởi vì mỗi lần đến mua lương thực, Tiền thúc đều cho thêm ít, nhưng trước đây nhiều lắm cũng chỉ là một hai lạng, hôm nay Tiền thúc lại cho nhiều hơn hẳn.

"Nói bậy bạ gì đấy." Tiền thúc nghiêm mặt quát nàng ta một tiếng, Tiền thị liếc nhìn Tưởng Tiểu Nhất, lại nhìn túi vải trên tay cậu, miệng mấp máy, trong lòng khó chịu, nhưng cha nhỏ mặt lạnh, đen như đít nồi, lúc nãy nàng ta cũng chỉ nói cho nhanh miệng, lúc này không dám ho he gì thêm.

Tưởng Tiểu Nhất không muốn ở lại lâu, lúc này mà từ chối nữa thì chẳng khác nào nói thẳng với Tiền thị là lương thực lại cho nhiều. Cậu không muốn gây phiền phức cho Tiền thúc, nên nói: "Vậy thúc, con về trước đây, chiều con mang ít rau qua cho thúc."

"Được, mau về đi!"

Đợi cậu đi rồi, Tiền thúc chỉ vào Tiền thị, sắc mặt âm trầm đến lạ: "Có những lời, trước kia ngươi nói trong nhà thì cũng thôi, sao lại đi nói trước mặt Tiểu Nhất như vậy?"

Tiền thị không phải lần đầu làm khó Tưởng Tiểu Nhất, nhưng trước đây ít ra còn biết điều, chưa bao giờ quá đáng như hôm nay.

Tiền thị mặt đầy bướng bỉnh: "Thì ta cũng đâu nói sai."

Tiền thúc thấy nàng ta còn dám cãi lại, lập tức tức giận đến mức ngực phập phồng dữ dội.

Tưởng Tiểu Nhất đến mua lương thực, mỗi lần đúng là hắn cho thêm một ít, nhưng cũng không nhiều lắm. Tưởng Tiểu Nhất nhận, nhưng không phải nhận không, mỗi năm mùa bận rộn ở nông thôn, cậu đều qua đây phụ giúp, không lấy tiền công. Hơn nữa...

"Rau cậu ấy cho ngươi không ăn? Củi cậu ấy đưa ngươi không lấy? Hay là ngươi trả tiền cho cậu ấy?"

"Rau đâu có đáng tiền bằng lương thực, củi nhặt trên núi, cũng có đáng gì." Tiền thị nói nhỏ.

Rau đúng là không đáng tiền bằng lương thực, nhưng Tưởng Tiểu Nhất cho nhiều mà.

Vườn rau nhà họ Tiền nhỏ, chỉ một mảnh ở đầu làng, nhà đông người, mỗi năm rau không đủ ăn.

Nhà nông trồng rau phần nhiều chọn đất gần nước ở làng, trồng xa quá, hạt giống vừa cấy xuống, người vừa đi khỏi, chim chóc và gà rừng từ trên núi xuống đã mổ hết giống rồi. Cuối cùng khó khăn lắm mới trồng được ít rau, cũng bị lợn rừng để ý, người đâu thể đêm nào cũng ở trên núi canh được.

Rau trồng ở đất cạn, không tưới nước thường xuyên, lớn lên già cỗi, mùi vị cũng không ngon lắm.

Rau tự trồng, luôn ngon hơn rau dại một chút. Mỗi lần Tưởng Tiểu Nhất mang rau đến, đều là những loại vườn rau nhà họ Tiền không trồng, từng rổ từng rổ, trị giá phải vài đồng, nhà cậu tuy nghèo, nhưng không phải là người thích chiếm tiện nghi người khác.

Nếu Tưởng Tiểu Nhất không biết điều, không hiểu đạo lý có qua có lại, Tiền thúc tất nhiên sẽ không nhiều lần quan tâm giúp đỡ nhà họ Tưởng, dù sao nhà mình cũng đâu giàu có gì, mấy lạng bột ngô cũng không thể tùy tiện cho đi được.

Tiền thúc muốn đạp nàng ta một cái, tức quá mức, cũng không để ý chuyện khác, đột nhiên nâng cao giọng:

"Một năm cậu ấy đến nhà mình mua lương thực mấy lần? Có mấy lần đó thôi, cho dù ta có cho nhiều, cũng không quá một cân. Mấy thứ rau cậu ấy mang đến, chẳng lẽ còn không bằng một cân lương thực của ngươi? Hơn nữa, đều là hàng xóm láng giềng cả, chăm sóc nhiều một chút thì sao? Nhà ta tuy khổ một chút, nhưng không phải không có bảy tám lạng bột ngô này thì sống không nổi? Bộ thiếu thốn lắm sao? Ngươi chỉ là kẻ hẹp hòi, chỉ thấy cho đi, mà không thấy người khác cho lại. Gia đình này giờ vẫn do ta làm chủ, muốn làm gì, cũng không tới lượt ngươi xen vào. Lần sau còn dám nói bậy, ta sẽ bảo Hổ Tử đưa ngươi về."

Tiền thị không thể tin được: "Đưa ta về? Sao, cha định nói Hổ Tử hòa ly với ta à? Ta đã sinh cho nhà lão Tiền các ngươi hai đứa con trai đấy! Mà mấy năm nay ta có việc gì không làm? Dù không có công lao thì cũng có khổ lao, cha nhỏ nói những lời này, thật là vô lương tâm mà!"

Hai người cãi nhau lao xao trong sân, người nhà họ Tiền nghe thấy động tĩnh đều vội vàng dậy khỏi giường, tiếng khuyên can Tưởng Tiểu Nhất đứng ngoài sân cũng nghe thấy cả.

Cậu ôm túi bột ngô nhỏ, cúi đầu im lặng đứng hồi lâu, mới vào bếp.

Nhồi bột xong, Tưởng Tiểu Nhất lại ra vườn rau hái ít lá cải.

Vườn rau trồng nhiều loại, nhưng đều trồng từ hai tháng trước, đậu ván, rau dền, mướp... những thứ này cậu đã hái đi bán mấy lần, bây giờ sắp hết mùa rồi, trồng không tốt lắm. Ban đầu đậu ván dài từng dải, to nhỏ đều đặn, nhìn rất đẹp mắt, bây giờ đợt cuối cùng này, mọc lỏm chỏm, bề ngoài không đẹp bán không được. Nhưng có thể hái về ăn, nếu ăn không hết thì phơi khô, để dành ăn mùa đông. Chỗ này mùa đông vào dịp Tết tuyết rơi phải nửa tháng, nhiều loại rau không chịu được lạnh, mọi người phần lớn làm thành đồ khô để dành.

Đợi đợt bí ngô, đậu ván cuối cùng này chín thì phải nhổ đi, phải bắt đầu trồng một số cải bắp và củ cải, những loại này chịu rét hơn những loại khác.

Đậu Hà Lan và cải dầu cũng phải trồng, trời lạnh, người ở trấn trên thích nấu lên ăn, mấy loại rau này đến mùa đông bán rất chạy.

Nhưng dây bí có thể nhổ rồi, lần trước đi chợ cậu đã hái hết bí đem đi bán, giữ lại dây bí cũng vô dụng.