Chương 9: Vịt sống rất khỏe

"Mẹ, làm sao bây giờ?" Trần lão đại đi vào bầy gà, nhặt một con gà chết, vạch lông ra, thở dài: "Cắn nát hết cả, chẳng còn miếng thịt nào ăn được."

Tưởng thị đánh rơi con gà trên tay hắn: "Không ăn thì thôi, nhà ta cũng chẳng thiếu miếng thịt gà."

Bà ta nói xong, quay về phía sau hét lớn với Trần Thiết Ngưu: "Lão Trần! Hôm nay ngươi nhất định phải mua cho ta cái bẫy chuột, ta nhất định phải bắt được con chồn vàng đó!"

Trần Thiết Ngưu bị tiếng hét của bà ta làm cho hoảng sợ, liên tục gật đầu nói: "Được, được, mẹ sấp nhỏ."

Tưởng thị vịn eo, thở hổn hển, cả người như thể bị lột da, có chút không đứng vững.

Lúc này, Trần lão đại đột nhiên nghĩ ra điều gì, nhìn sang hậu viện nhà Chu bên cạnh nói: "Mẹ, bên mình gặp chồn vàng, bên nhà nhị cô thế nào rồi?"

Tưởng thị vừa nghe, lập tức nhớ tới chuyện mình hạ độc, vội vàng đi đến bên tường rào nhà kế bên, dẫm lên một tảng đá nhìn vào trong.

Sân nhà họ Chu không lớn, chỉ đủ nuôi chút gà vịt.

Phía Tây Nam sân nhà học có đắp cái tổ vịt, Chu đại nương không phải là người gỏi việc nhà nông, tổ vịt thưa thớt, nhưng mà trong cái tổ rách nát kia ấy vậy mà lại có ba, bốn quả trứng vịt to chắc.

Một quả trứng vịt rất to, ước chừng hai ba quả gà thường.

Kế bên là hai con vịt lớn, mới có một ngày không gặp mà chúng hình như lại to béo lên nhiều.

Tưởng thị trông thấy thì sợ ngây người, miệng lẩm bẩm chẳng ngừng: "Chẳng thể nào, ta đã hạ độc, cớ sao hai con vịt kia vẫn sống khỏe mạnh?".

"Không thể nào!"

Bà ta nghĩ mãi chẳng thông, đầu óc tựa hồ bịt kín, cả người mê man.

"Mẹ, người làm sao vậy, mau xuống đây?" Trần lão đại gọi với.

Tưởng thị nghe thấy tiếng hắn gọi, đột nhiên kinh hỉ, bà ta vừa lúc xoay người lại, chân trượt một phát, té nhào.

"Ai da!"

Tưởng thị kêu đau một tiếng, bà ta ngã nhào vào đống gà chết ban nãy, ngẩng đầu lên thì mặt mày đầy lông gà hôi tanh, máu huyết vươn vãi: "Trời ạ, rốt cuộc là ta đã gây tội gây tình gì!"

Bên nhà họ Chu, Đỗ Vãn Xuân đang giúp Chu đại nương dọn bát đũa ăn tối vào bếp, nghe tiếng kêu bên cạnh, vội hỏi: "Mẹ, nhà đại cữu mẫu xảy ra chuyện gì vậy?"

Chu đại nương liếc mắt nhìn qua, nói: "Không cần bận tâm, cái mụ Tưởng Thu Cúc kia là đồ đanh đá, chắc hôm nay ở nhà ta chịu uất ức, giờ về nhà tự phát tiết đấy."

Nói rồi, bà lại dặn dò: "Vãn Xuân, con không cần xem hai người đó là trưởng bối, nếu họ bắt nạt con, cứ việc đáp trả lại, không cần nể nang gì chúng ta!"

Đỗ Vãn Xuân gật đầu ra vẻ đã hiểu, khóe môi cong lên cười: "Mẹ, người nói tai tam đệ đã khỏi, hay là mình đi tìm thầy lang xem chân và mắt cho tướng công và nhị đệ nhé?"

Chu đại nương là người dễ gần, dù mẹ chồng nàng dâu mới gặp lần đầu hôm nay, nhưng đã như quen biết từ lâu, cả hai đều cảm thấy thân thiết.

Đỗ Vãn Xuân cũng bằng lòng gọi bà là mẹ, mỗi tiếng gọi đều gợi nhớ về mẹ ruột, khiến nàng có cảm giác như được trở về nhà.

Chu đại nương đặt bát xuống, nhìn về phía trước, chau mày nói: "Ta cũng muốn đưa họ đi khám, nhưng hiện tại nhà mình không có nhiều bạc."

Bây giờ khám bệnh mua thuốc đều tốn bạc, nhà họ Chu cơm còn chưa đủ ăn, lấy đâu ra tiền mua thuốc.

Đỗ Vãn Xuân nghe xong, đầu óc xoay chuyển, chỉ vào chiếc túi thơm nhỏ trên người Chu đại nương hỏi: "Mẹ, cái túi thơm này là người làm à?"

Túi thơm được may bằng một mảnh vải màu vàng nhạt đã sờn, trên đó còn thêu vài cây trúc bằng chỉ xanh.

Thoạt nhìn có vẻ bình thường, nhưng ngửi kỹ sẽ thấy túi hương tỏa ra hai mùi hương là hoa nhài và hoa quế.

Hai mùi hương hòa quyện, tạo nên một mùi thơm kỳ lạ, Đỗ Vãn Xuân đã ngửi thấy ngay khi vừa bước vào cửa.

Chu đại nương cầm chiếc túi thơm trên tay, cười nói với nàng: "Phải đấy, hôm nọ ta may vá được mảnh vải cũ này, vứt đi thì tiếc, bèn hái hoa dại trên núi làm thành túi thơm."

Đỗ Vãn Xuân xem xét kỹ lưỡng, bỗng nảy ra ý tưởng: "Mẹ, tay nghề người khéo thế này, hay là mình làm hương liệu đem ra huyện bán."

"Đem ra huyện bán à?" Chu đại nương nghi hoặc hỏi: "Có ai mua không? Người nông dân bình thường chỉ lo đủ ăn đủ mặc, ai còn nghĩ đến mua hương liệu?"

Đỗ Vãn Xuân giải thích: "Nếu bán ở thôn Trường Lưu này thì tất nhiên không ai mua, nhưng đem ra huyện, ra phủ thì khác, ở đó có nhiều nhà giàu có, ít nhiều họ sẽ mua hương liệu dùng."

Chu đại nương bán tín bán nghi, bà mân mê chiếc túi thơm trong tay, do dự.

Bà quả thật chẳng có tài cán gì trong việc cày cấy nuôi gà vịt, chỉ có một tay nghề làm hương liệu, nhưng bà không muốn đem ra dùng.

Đỗ Vãn Xuân thấy bà chưa đồng ý, cũng không vội, cười nói: "Mẹ, đừng gấp, mình cứ đòi lại ruộng đất nhà mình trước, trồng lương thực, có cái ăn đã rồi tính."

Chu đại nương sực tỉnh, gật đầu lia lịa: "Đúng, phải đấy, đòi lại ruộng đất!"