Chương 5: Tiểu thẩm vừa đẹp, vừa khéo tay, còn thơm thơm

“Đây chẳng phải là báo ứng sao! Ai bảo bà ta mỉa mai chúng ta!” Lý Nhạc Dung cao hứng không thôi.

Hai người trở lại, ai về nhà người nấy phơi quần áo, Lý Nhạc Dung cầm cái xẻng đào rau dại cùng cái làn nhỏ tới tìm Liễu Ngư, mang theo thông tin mà hắn tìm hiểu được tới, “Hà thị ngã vào sông rồi, bà ta bị cục đá rơi xuống đập trúng ngã vào trong sông!”

Lý Nhạc Dung cười nói: “Đệ vừa mới ngó qua, nhà bà ta đang đi gọi đại phu, nghe nói eo bị thương, ông trời thật đúng là có mắt.”

Liễu Ngư trước sau vẫn lạnh nhạt như thường, lẳng lặng nghe Lý Nhạc Dung nói, giống như tất cả không liên quan đến mình.

Ngày mùa hè, rau dại mọc như cỏ, không cần cố ý đến chân núi, ven đồng ruộng nơi nơi đều có. Đại đường ca của Lý Thanh Sơn là Lý Thanh Giang sinh được một đôi trai gái, một đứa tám tuổi, một đứa 6 tuổi, đều đi theo sau mông bọn họ đào rau.

Ngày nắng nóng, đám người nghỉ tạm dưới tán đại thụ, Lý Nhạc Dung tìm được rất nhiều hoa dại xinh đẹp tới. Liễu Ngư khéo tay, bện cho hắn và Điềm tỷ nhi mỗi người một vòng hoa, lại bện cho Hiển Hổ một con châu chấu và một con chim nhỏ.

Điềm tỷ nhi đội vòng hoa lên đầu, vui vẻ nhảy nhót, cao hứng bổ nhào vào trong lòng Liễu Ngư, nói nàng rất thích tiểu thẩm.

Tiểu thẩm không chỉ xinh đẹp, còn khéo tay, thơm thơm nữa.

Bữa cơm trưa rất đơn giản, ủ bột cán mỏng làm bánh, một bát rau dền trộn tỏi và một tô bánh canh nóng hầm hập vô cùng tươi ngon ăn với cơm.

Tùng Xuân Hoa là người không kén ăn, bà vừa xé bánh bột ngô cho vào miệng vừa lẩm bẩm nói: “Nương ăn bánh đã vài thập niên, nhưng chưa ăn bánh nào cán mỏng như con, chưa vào miệng đã thơm nức mũi, dai dai mềm mềm cực hợp khẩu vị.”

Quan lão thái thái uống một hớp nước dùng bánh canh, cười đáp: “Ngư ca nhi xưa nay vẫn luôn giỏi việc bếp núc.”

“Giỏi bếp núc rất tốt, ngày mai nương phải nhận đơn làm rồi. Ngư ca nhi theo nương đi làm tiệc đi, khiến bọn họ ăn đều không ngẩng nổi đầu!”

Tùng Xuân Hoa là đầu bếp chuyên các đám hiếu hỉ, gia chủ tổ chức tiệc sẽ tới cửa mời bà, một bàn trả phí mười lăm văn tiền.

Nhưng từ khi cha Lý Thanh Sơn qua đời, làng trên xóm dưới tràn lan những tin đồn nhảm nhí, nói bà không có phúc, rất hiếm nhận được người thuê làm tiệc hỉ, tiệc nhận được đều là tang lễ, vậy nên giá cũng thấp hơn các đầu bếp khác.

Bởi lẽ, ngày thường phần lớn bà phải dựa vào dệt vải mưu sinh. Ngặt vì từ lúc làm ra sợi chỉ cho tới khi dệt được một xấp vải, thông thường cần mất một tháng, mà một xấp như thế cũng chỉ bán được khoảng 200 văn, đổi lại cả người đau nhức.

Từ năm Lý Thanh Sơn lên mười lăm có thể tự lập môn hộ, hắn không cho Tùng Xuân Hoa cả ngày ngồi ở trước máy dệt vải nữa.

Chẳng qua, trước đó Lý Thanh Sơn bái sư không thành, sau lại thành thân, chuyện lớn chuyện nhỏ khiến cho tiền bạc trong nhà thật sự không còn nhiều, Tùng Xuân Hoa gần đây lại bắt đầu dệt vải kiếm sống.

Lần này bà nghiêm khắc dựa theo con trai nói, ngồi ba mươi phút sẽ nghỉ ngơi một chút, giữ gìn sức khỏe mai sau còn bế cháu.

Quan lão thái thái biết được trong nhà khó khăn, đáng tiếc hiện giờ bà không còn là tú nương chỉ dựa vào một tay khéo léo thêu thùa cũng có thể nuôi sống Liễu Ngư. Bà già rồi, đôi mắt kém, làm không được đồ tinh xảo, chỉ có thể giúp Tùng Xuân Hoa làm chút việc trong nhà theo khả năng, để Tùng Xuân Hoa yên tâm dệt vải.

Hồi Liễu Ngư còn nhỏ, Quan lão thái thái không dựa vào dệt vải mưu sinh, cho nên ở phương diện dệt vải y dốt đặc cán mai. Mấy hôm trước y đề xuất muốn học, như vậy Tùng Xuân Hoa có thể nghỉ ngơi nhiều hơn chút.

Song, ngày đó Tùng Xuân Hoa nói phu lang cưới về không phải để chịu tội, còn nói tuổi y nhỏ, hiện tại phải điều dưỡng thân thể, không có ý truyền thụ tay nghề cho y.