Nhưng mọi chuyện lại diễn ra ngược với những gì mà ông Tuấn suy đoán. Thi thể của thằng Huy Vu nằm nguyên xi,không cựa quậy, bốc mùi hôi thối, mặc cho nhóm người ông Bình làm gì thì làm. Suốt quãng thời gian mấy người đặt Huy Vu vào một tấm chăn, buộc chặt lại, sau đó họ dùng một thanh đòn bằng tre già, gánh xác gã lên vai, cái xác của gã cũng không hề phản ứng, ông Tuấn và bác Mộc đứng một bên căng thẳng quan sát, mãi đến khi xác định được thực sự cái xác của Huy vu chính là Huy vu chứ không phải do một thứ nào đó nhập vào nữa, cả hai người mới thở phào nhẹ nhõm, xong chuyện, ông Bình quay sang hỏi ý kiến ông Tuấn:
- Ông ơi, bây giờ thi thể thằng Huy Vu nên xử lí ra sao đây ạ?
Ông Tuấn đã suy nghĩ kĩ việc này, bèn nói ngay:
- Trước hết mày nói mấy chú ấy cứ đem xác thằng Huy về lại nhà nó như cũ, tạm thời để nó ở đấy, lần này không phải lo nó bật dậy nữa đâu, bởi trời sắp sáng rồi và cũng trong ngày hôm nay chú sẽ xử lí thi thể của nó.
Ông Bình tò mò hỏi tiếp:
- Chú dự định giải quyết ra sao vậy ạ? Chôn luôn hả chú? Có gì cháu xin phép phụ một tay.
Ông Tuấn nhìn vào cái xác của Huy Vu, gằn giọng nói:
- Thiêu, nội trong chiều ngày mai thiêu xác của nó, không thể để lâu hơn được nữa, nếu cứ để nguyên đấy, cửa âm làng thì đang bị mở, chỉ sợ con tinh con tà nào đấy, nó lại mượn xác hoàn hồn nữa, thì thật không biết phải giải quyết như thế nào.
Thấu hiểu được điều ông Tuấn nói, ông Bình cũng gật đầu đồng ý với phương án đó. Cuối cùng như kế hoạch đã bàn tính, ông Bình cho người đưa cái xác của Huy Vu rời đi. Còn ông Tuấn và bác Mộc thì chẳng tài nào mà quay lại ngủ nổi nữa, hai người ngồi trước hiên đình, đốt thuốc đợi chờ sáng. Mãi đến khi hửng đông, nhìn rõ mặt người, cả hai mới đứng dậy, lục đυ.c chuẩn bị tất cả mọi thứ cần thiết cho ngày hội thứ hai. Khi bác Mộc đang lúi húi sắp xếp lại đèn nến trên gian thờ thì có anh Hưng đến hỏi:
- Bác Mộc, bác có thấy con bé Lam nó chạy đi đâu rồi không ạ?
Ngạc nhiên bác Mộc quay lại hỏi:
- Không phải cái Lam nó ngủ ở trong phòng khách gian sau hay sao? Các anh không thấy nó à?
Anh Hưng là một người trong đoàn hát, là anh trai ruột của cô Lam, thấy bác Mộc hỏi ngược lại mình như vậy, anh cũng bối rối, lắc đầu đáp:
- Không bác ạ, từ lúc mở mắt đến giờ cháu không thấy nó. Chẳng rõ con bé nó chạy đi đâu mất rồi.
Đang gạt bớt tàn nhang trên ban thờ, bác Mộc nghe thế bèn dừng tay, gấp gáp hỏi:
- Thật vậy ư? Hay con bé nó đi vệ sinh? Anh tìm quanh đây chưa?
Anh Hưng gật đầu, đáp chắc nịch:
- Tìm, tìm hết rồi bác ạ, khắp cả đình lẫn bên ngoài, cháu đều tìm hết rồi, nhưng không thấy.
Bác Mộc suy nghĩ một hồi, ngập ngừng nói:
- Tôi nói cái này nó hơi lạ một tí, nhưng có khi nào con bé chạy ra ngoài đi chơi với đám trai làng không?
Anh Hưng cười khổ, phủ nhận:
- Cái này thì cháu không dám chắc, nhưng mà con bé năm nay mới về làng mình lần đầu, làm gì quen biết ai mà đi chơi, với lại từ hồi bé đến giờ con bé nó ít tiếp xúc với người lạ lắm. Cháu nghĩ nó không có gan như vậy đâu.
Lúc này cả anh Hưng và bác Mộc cũng chẳng thể hiểu nổi ,rốt cuộc cô Lam đã đi đâu. Thấy chuẩn bị phải vào làm lễ, bác Mộc không còn thời gian để giúp đỡ anh Hưng, bác bèn gọi điện cho ông Bình, để vấn đề này cho ông ấy giải quyết. Sau đó cả làng lại tổ chức lễ hội như bình thường. Bên ngoài ông Bình gọi toàn bộ đám trai làng tập trung hỏi chuyện, nhưng khi nhắc đến cô Lành mất tích, thì mấy anh này đều chẳng biết được thông tin gì, có mấy anh còn xuýt xoa, bảo thằng nào có phúc thế, tán được người đẹp. Thấy biểu hiện của mấy anh này không giống đang nói dối, ông Bình cũng đau đầu, báo lại chuyện này cho anh Hưng. Thấy đã hỏi hết toàn bộ các anh thanh niên ở trong làng, mà chẳng ai rõ được tung tích em gái mình. Anh Hưng vô cùng lo lắng, anh hỏi thử ông Bình:
- Có khi nào là con trai mấy làng ở gần không chú Bình?
Ông Bình lắc đầu nguầy nguậy, cười nói:
- Không thể nào, tôi nói thật, đám trai làng khác mà dám qua đây tán gái ấy, thì không cần tôi đuổi đâu, mấy thằng thanh niên làng tôi nó đuổi nó đánh chết.
Thấy nét mặt của anh Hưng cực kỳ xấu, ông Bình cũng đành khuyên giải:
- Thôi thì bây giờ như thế này, anh Hưng tạm thời chờ đến trưa, đợi xong cái lễ rước kiệu mà còn không thấy cô Lam ấy, thì tôi sẽ huy động đám trai làng đi tìm cho. Gì chứ tôi chỉ cần bảo là anh vợ cần tìm em rể ấy, thì chúng nó lại thi nhau báo danh ấy chứ.
Không thể làm gì hơn, anh Hưng đành gật đầu, đồng ý với ý kiến của ông Bình.
Thế là hội làng diễn ra bình thường, bốn phu kiệu đội nón , mặc áo đỏ như những người lính ngày xưa tập trung xung quanh kiệu của đức thần hoàng . Vừa nghe một cụ bô lão đọc xong các bài tế tự, miệng hô khởi hành, là ngay lập tức bốn anh cúi xuống, ghé vai vào, nhấc kiệu lên, xung quanh dân làng tụ tập đông nghẹt, chiêng trống bắt đầu nổi lên ầm ĩ, những người tham gia buổi lễ bắt đầu đứng thành một đoàn dài, cờ phướn nườm nượp. Ấy vậy mà lạ thay, bốn anh phu kiệu lại không tài nào nhấc nổi cái kiệu lên, anh nào cũng cắn răng, run người, vận sức, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Thấy đoàn người ở phía trước đã bắt đầu di chuyển mà ở phía sau, kiệu của ngài vẫn chưa theo sau, các cụ bô lão ở gần đấy quát ầm lên:
- Này, này, mấy thằng kia, sao còn chưa khởi giá, nhấc kiệu lên khởi giá, nhanh nhanh,..
Bốn anh thanh niên vẫn cắn răng, gồng sức nhưng vô ích, vốn cái kiệu gỗ be bé như thế mà bây giờ như nặng cả nghìn cân. Thấy mãi mà mấy anh chưa khởi giá theo sau đoàn người phía trước, một cụ nổi giận, mắng luôn:
- Mấy cái thằng toi cơm này,đứa nào đứa nấy to như con trâu, ấy xa giá nhẹ như thế mà không nhấc nổi hay sao? Ai chọn các anh làm phu kiểu? Nói, lần sau tôi đuổi sạch, tôi cấm hết.
Bị chửi như vậy mấy anh phu kiệu tức lắm, nhưng không biết phải cãi lại thế nào, quả thật bình thường cái kiệu rất nhẹ, chỉ cần hai người là có thể vác lên vai đi nhẹ nhàng được rồi, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay lại nặng đến như vậy, vận sức muốn trật cả khớp bả vai mà nó không hề động đậy lấy một li. May sao lúc này ông Tuấn đang đi dẫn đoàn ở phía trước, thấy phía sau mãi không khởi hành, lấy làm kì lạ ông bèn trở lại xem như thế nào. Vừa thấy cái cảnh bốn anh phu kiệu lực lưỡng to con, mà khiêng mãi cái kiệu không lên nổi. Ông Tuấn tự nhiên rùng mình, hình ảnh đó khiến ông nhớ về cái đợt đám tang thằng Thủy, khi mà quan tài của nó cũng mãi mà người ta không nhấc nổi. Biết là có chuyện chẳng lành, ông Tuấn đành lại gần cụ kia, nói nhỏ vào tai vài câu, các cụ cực kỳ tin tưởng ông Tuấn, gật đầu đồng ý. Ông Tuấn đốt ba nén hương, đứng trước kiệu, lầm rầm khấn vái, sau đó cắm ba cây nhang lên trên mép kiệu, lúc này ông quay về phía mấy anh phu kiệu ra lệnh:
- Lên kiệu lại một lần nữa cho tôi.