Chương 6

Tôi hứng chí lên lên định hù Đoàn Minh Phong, rồi nhận ra em rất sợ côn trùng, còn về sợ đến mức nào á? Cơ bản là em còn chẳng dám nhìn kỹ xem trong tay tôi là cái gì, người bình thường bị dọa chỉ trong một khoảnh khắc nào đó thôi, còn Đoàn Minh Phong là trốn thẳng luôn về phía sau đến nỗi không còn chỗ nào để lui nữa, lưng em dính sát lên lưng ghế, che mắt lại. Vương Thủ Trung vội vàng đến ôm lấy em, ba tôi đưa tay ra vỗ lên đầu tôi một cái, trách tôi phá phách làm em sợ.

Sau này khi xem nhật ký của em tôi mới biết em sợ côn trùng là có lý do cả, ngoài cái này ra, em còn sợ tối, sợ không gian khép kín.

Em thuận lợi chuyển đến trường tiểu học Lang Gia (Nam Kinh) là nhờ vào ông bà nội tôi đến tìm hiệu trưởng trường ăn bữa cơm, bà Đoàn cũng muốn cho đứa con gái Vương Ti Điềm của mình vào đó, mà đáng tiếc Vương Thủ Trung luôn ở Hồ Nam nên chẳng có quan hệ gì ở Nam Kinh này cả, thế là Vương Thủ Trung mới tìm đến ba tôi xin giúp đỡ. Hôm đó ông nội ngồi trên ghế dựa đeo chiếc kính lão đọc báo thảnh thơi, rõ ràng là không thèm để ý đến ba tôi.

Bà nội đi vào nhà bếp nấu canh hầm, xương trần sơ qua bằng nước sôi, cho vào vài lát gừng hành lá và rượu, sau đó bảo mẫu mới đến tên Tiểu Chu đổ vào một bát nước lạnh, bà nội liền cuống lên nói phải bỏ nước nóng mới được, nếu không thịt sẽ bị dai, Tiểu Chu trả lời vài câu, ông tôi dỏng tai nghe lên đồng thời bảo ba tôi im lặng, sau đó gấp báo lại, ngồi dậy khỏi ghế dựa, đi như bay vào nhà bếp.

"Canh này thì cho nước nóng vào đúng rồi, Tiểu Chu cô sau này nhớ chú ý chút."

Ông nội lên tiếng phụ họa, sau đó kéo Tiểu Chu ra ngoài dặn dò cô ấy: "Bà nói cái gì thì là cái đó, cô đừng phản bác bà, đừng làm bà giận."

Bệnh tâm thần của cô tôi là di truyền từ bà nội, nhưng bà nội tôi gần như chưa bao giờ phát bệnh, nguyên nhân lớn nhất là do bà sống rất suôn sẻ.

Ba tôi vừa nói chuyện ấy với bà nội là bà nội liền trừng mắt với ông, mắt sáng như đèn pha: "Ông không giúp thì ông đón cháu ngoại về đây cho tôi, để nó sống ở nhà người khác, coi chừng vợ chồng Vương Thủ Trung trút giận lên nó đấy."

Ông tôi nói: "Nó dám!"

Bà gác đũa xuống nhìn ông trách móc, ông xua xua tay: "Biết rồi, ăn cơm đi."

Cô tôi bệnh nhiều năm rồi, phản ứng cũng chậm chạp, ngoài ngủ ra gần như cô không hề rời khỏi xích đu, khi bảo mẫu đến đút cơm thì cứ há miệng nhai nuốt một cách máy móc, ba tôi nói chuyện cả một buổi chiều với bác sĩ về vấn đề có nên dẫn Đoàn Minh Phong về gặp cô hay không, có lẽ mẹ con gặp nhau sẽ là một cơ hội để trị liệu, nhưng cũng có thể sẽ làm kích động đến cô.

Giúp cho Vương Ti Điềm nhập học xong Vương Thủ Trung đến để cảm ơn, ba tôi nương theo đó yêu cầu để em trai đến nhà tôi ở bảy ngày lễ quốc khánh, Vương Thủ Trung hơi do dự một chút, cũng chẳng nói là đồng ý hay không.

Chiều ngày 30 tháng 9, tôi vừa tan học là đi thẳng tới cổng trường tiểu học trước một bước để tóm em về, đây là cách "thất đức" mà mẹ tôi nghĩ ra đấy, không khác gì với cướp người hết.

Vừa hay hôm nay tiểu học Lang Gia tổ chức du lịch mùa thu, tôi nhìn cổng trường chằm chằm không chớp mắt, từng chiếc xe buýt lớn đi vào trong nhưng đợi mãi đợi mãi mà tôi vẫn không nhìn thấy bóng dáng của Đoàn Minh Phong đâu, sợ rằng đã bỏ lỡ qua em, nhân lúc bảo vệ cổng không chú ý tôi lách vào trong trường.



Lớp 6A4, cửa phòng học đang đóng.

Tôi nghĩ tám phần là mình đã bỏ qua em rồi, lấy điện thoại ra định gọi báo cho mẹ biết một tiếng, kết quả là khi tùy ý nhìn đại vào một cánh cửa sổ nào đó, em trai Đoàn Minh Phong của tôi đang nằm gục đầu lên bàn khóc kia kìa, vai em run rẩy, phát ra những tiếng nức nở nho nhỏ, cả lớp học chỉ còn lại có một mình em thôi.

Cửa sổ đang mở, tôi vịn tay lên cửa sổ nhìn một lúc, em khóc chuyên tâm đến độ tôi ngại không muốn cắt ngang em luôn.

Tôi nói: "Này."

Em ngẩng đầu mạnh lên, nước mắt nước mũi lem luốt khắp mặt, vừa tủi thân vừa hoảng sợ, ok, lại bị tôi hù nữa rồi.

"Ui, cậu bé này đang khóc hả?"

Tôi cười híp mắt ra vẻ hòa nhã gần gũi: "Còn nhớ anh là ai không?"

Đoàn Minh Phong giơ tay lên lau nước mắt, chớp chớp đôi mắt đo đỏ: "Anh hai..."

Tôi nói: "Trí nhớ tốt đấy, ra đây, ba em bảo anh đến đón em về nhà anh ở vài ngày đấy."

Em dễ lừa thật đấy, lập tức ôm ba lô lên đi đến bên ô cửa sổ.

"Không ra được." Em tủi thân lau nước mắt.

Cửa trước cửa sau gì cũng đều khóa cả rồi, tôi đứng bên ngoài không mở được, kiểu lớp học này dùng ổ khóa cũ, muốn mở từ bên trong thì phải dùng sức thật lớn để giật chốt ra, có lẽ vì thời gian quá lâu rồi nên bị gỉ sét, sức của Đoàn Minh Phong không đủ.

Tôi chỉ huy em nửa ngày trời em cũng không mở ra được, lại bắt đầu khóc hu hu lên.

Em cứ vươn đầu ra nhìn tôi, như là sợ tôi bỏ em lại vậy, tôi cười không được mà khóc cũng không xong: "Vậy em nhảy ra ngoài bằng cửa sổ là được rồi, có gì đâu mà khóc."

Có ai thời học sinh mà chưa từng nhảy cửa sổ chứ? Chưa từng nhảy cũng nhất định muốn thử cho biết, mà Đoàn Minh Phong thì vẫn non quá, tôi nhìn cái mặt ngơ ngác kia là biết ngay em hoàn toàn không nghĩ đến chuyện trèo cửa sổ này rồi.



Hai ô cửa sổ ở giữa đủ độ lớn để một người lớn ra vào được, Đoàn Minh Phong giẫm chân lên ghế trèo lên bàn, một tay ôm ba lô, một tay đỡ khung cửa, dừng mất mấy giây mới dám đạp chân lên khung cửa, em đảo qua đảo lại, tay chân vụng về, ngồi bên khung cửa không dám nhảy xuống.

Giờ tôi mới thấy hai đầu gối của em đã rách cả rồi, đồng phục cũng dính bẩn, vì lúc cong chân lại mà vết thương bị kéo ra, máu rướm ra ngoài từng dòng.

"Anh hai... Em sợ." Em cúi đầu nhìn xuống đất.

Trong lòng tôi nghĩ, sợ con khỉ, nói luôn: "Không sao, anh đỡ em." Sau đó trực tiếp giữ lấy hai bên nách bế em xuống, cả cơ thể em căng cứng, ôm chặt lấy cổ tôi không buông giống như một con cóc nhỏ vậy.

"Buông ra... buông tay nào, đáp đất an toàn rồi, đồng chí!" Cổ tôi giống như đeo thêm hai quả cân, nặng oằn eo xuống, suýt nữa thì ngã.

Đoàn Minh Phong vẫn cố chấp treo ở đó giống như vượn tay dài, tôi lùi ra liên tục về phía sau mấy bước, lưng chạm phải lan can hành lang mới ngừng lại được, tôi gập gối hết sức chật vật để chống đỡ lại cơ thể, mà Đoàn Minh chậm rãi mở to mắt nhìn, chúng tôi bốn mắt nhìn nhau.

Tôi: "?!"

Cuối cùng Đoàn Minh Phong cũng buông tay ra, ôm lại chiếc ba lô nặng trịch ấy, hỏi một cách dè dặt: "Đến nhà anh thật sao?"

Tôi treo ba lô của mình lên cổ, xắn tay áo lên ngồi xổm xuống đưa lưng về phía em: "Lên đi."

Đoàn Minh Phong không nghi ngờ gì hết, khập khểnh nằm lên lưng tôi.

Tôi đứng dậy một cách gian nan, bực mình đủ thứ, thằng nhóc con này phiền thật chứ, thế là tôi dữ tợn nói với em: "Bán đi cho rồi, mấy cậu nhóc đẹp đẹp thế này dễ bán đi nhất, bán đi cho mấy ông bất tài trong rừng núi hoang vu làm con trai, không cho ăn không cho uống, còn bắt em phải thức khuya dậy sớm đi chăn dê cho heo ăn, xem em dám đi theo anh về nhà nữa không?"

Hình như em tin thật, sợ khóc cả dọc đường, mà hình như cũng không tin, ngoan ngoãn nằm trên lưng tôi không nhúc nhích gì.

Nên khi cõng em đứng trước cửa nhà, tôi thở như trâu luôn, mồ hôi nhễ nhại như vừa mới dân chạy tị nạn vậy, chỉ có thể dùng đầu mình bấm chuông. Mẹ tôi mở cửa ra nhìn thấy cổ tôi đang đeo một cái túi, lưng còn vác theo Đoàn Minh Phong và ba lô của em, Đoàn Minh Phong đang cầm một xâu kẹo hồ lô tôi mua cho em, nước mắt rơi lả chả.

Tôi nói: "Mẹ... con sắp chết rồi."