- 🏠 Home
- Bách Hợp
- Cổ Đại
- Quy Tự Dao
- Chương 3
Quy Tự Dao
Chương 3
Tấn triều, trừ các tiết Hàn Thực, Đoan Ngọ, Trung Thu, Đông chí, thì từ Chính đán đến Nguyên tiêu còn được nghỉ các ngày định sẵn trong điển chế, là những ngày mùng mười, hai mươi, và ngày cuối cùng của mỗi tháng, so với tiền triều thì quả thực rộng rãi hơn không ít.
Phố Sa Mạo, con phố này có tên Sa Mạo từ đời Hiến Tông đế, Thánh thượng đã tuyển nghệ nhân từ con phố này vào cung chế tạo riêng mũ mão cho quan lại. Về sau, qua đời Anh Tông đế, Cao Tông đế, Tuyên Tông đế cho đến Thành Tổ đế, nơi đây đã hình thành một truyền thống với tay nghề chế tác tinh xảo, thương lái cho đến quan viên địa phương cũng càng ngày càng biết móc nối lợi ích. Dần dà, trên con phố Sa Mạo này dần dần mọc lên nhiều phủ đệ, quan lại triều đình chọn những nơi sung túc náo nhiệt gần Hoàng cung để xây dựng, mà trong số đó đương nhiên là có con phố Sa Mạo này.
Ngõ Điềm Thủy cách phố Sa Mạo không xa, cũng không gần.
Đường Từ ra khỏi nhà từ sớm, cho đến tận lúc này mới tới phố Sa Mạo, hẳn là còn có ẩn tình khác. Ngẩng đầu nhìn, trong lòng đã tự có tính toán. Nàng cũng chẳng vội vã, đi qua Gia Khánh trà lâu còn ghé vào thưởng trà, bước chân ung dung.
"Kẹo đường, kẹo đường đây! Ở đây có bán kẹo đường!" Người đàn ông cao giọng hò hét, vừa lúc nhìn thây một thiếu niên ngũ quan tú mỹ đang ngồi nghỉ chân trước trà lâu, con ngươi đã nhanh chóng bắt lấy miếng ngọc bội người này đeo bên hông, liền vội vàng tới gần, "Công tử, công tử! Mười văn một cây, không ngọt không cần trà tiền!"
Đường Từ nhìn mấy cây kẹo đường nặn thành các hình thù khác nhau, lại cảm thấy tay nghề của tên này có chút kém, cho nên nổi lên tiếu ý, chỉ tay sang sạp hồ lô ngay phía bên kia đường: "Nếu như ta muốn ăn đồ ngọt, vậy tại sao không mua hồ lô đường mà lại mua kẹo đường của ngươi? Kẹo của ngươi cũng không đẹp đẽ là bao, cho nên a, rao to thì tốt, nhưng cũng phải biết rao cho đúng trọng điểm."
Người bán hang rong thoạt đầu cho rằng nàng là một tên công tử gia chơi bời lêu lổng, ai ngờ lại bị nàng chỉnh như thế. Hắn xoa xoa bàn tay, đưa cây kẹo đường mà hắn cho là công phu tinh xảo nhất trên sạp gỗ tới trước mặt nàng: "Không đẹp đẽ là thế nào, ngươi nhìn cho kỹ đi! Riêng cây này, riêng cây này dù ngươi có dùng vàng mua ta cũng không bán!"
Cây kẹo bị Đường Từ đoạt lấy ngay trên tay người bán hàng rong, mà hắn lại cho rằng nàng cầm lấy là vì tò mò mà thôi. Khóe môi nàng ẩn ẩn ý cười, đưa tay vẫy người hầu phía sau tới, Ngư Đồng đã biết ý đưa ra mười văn bạc. Nàng chậm rãi đường hoàng đứng lên, còn nói thêm: "Quả thật đúng là tay nghề không tồi, ở đây là mười văn bạc, thuận mua vừa bán, coi như là ta tán thưởng tay nghề của ngươi."
Hắn đứng trân trân, miệng há lớn đến cực đại, đến hơn nửa ngày mới lúng túng mà lấy lại tinh thần, lúc này thân ảnh kia đã mất dạng không tung tích, họa chăng chỉ còn lại bóng dáng của cỗ áo choàng bạch sắc mà thôi.
- --
"Tiểu ca ca!" Trước đại môn của phủ đệ Lại bộ Thượng thư, một nữ hài sáu bảy tuổi, thân mặc váy dày hồng nhạt đang vui vẻ gọi lớn, giãy giụa thoát khỏi vòng tay của lão quản gia để chạy về phía người vừa đến.
Đường Từ thấy thế liền vội vã bước nhanh tới đỡ lấy nữ hài, bế nàng lên ôm trong ngực, lại đưa cho nàng cây kẹo đường vừa mua.
Trần Sơn, lão quản gia của Thượng thư phủ chắp hai tay thành quyền, hơi cúi người cung kính chào Đường Từ, rồi đưa tay dẫn đường: "Lão gia đang ở trong phòng chờ công tử sẵn rồi, xin ngài theo tiểu nhân."
"Trần quản gia nếu như có việc gấp xin cứ đi đừng ngại, trong phủ này còn chỗ nào ta chưa quen, chắn chắn sẽ không đi lạc." Rồi nàng đã lập tức đưa mắt quét qua Ngư Đồng: "Ngươi đi theo giúp đỡ Trần quản gia, đừng lười biếng."
Trần Sơn biết tính tình nàng nhã nhặn tinh tế nhưng một hai phân minh, hẳn là có chuyện riêng không muốn người khác xen vào, cho nên liền chắp quyền cáo lui.
Ngư Đồng đi theo sau Trần Sơn, cụp mắt cúi đầu. Hắn vốn là người không nhạy bén, nhưng quan sát thái độ của quản gia đối với Đường Từ, hắn đột nhiên lại nổi lên nghi hoặc.
"Trước cửa gió lớn, lần sau không nên ra đó, biết không?" Đường Từ nói với Tần Dung Nguyệt, lại cười cười: "Cũng chưa lâu lắm, vậy mà muội đã lớn lên nhiều như vậy rồi, sợ là lần sau tới ta không bế muội nổi nữa."
Tần Dung Nguyệt một tay cầm cây kẹo đường, một tay vòng qua bám lấy cổ Đường Từ, từ lúc 'tiểu ca ca' của nàng bước vào đại môn thì ánh mắt non nớt kia đã chẳng hề rời khỏi, lúc này lại nghe từ sau mình sẽ không được bế nữa, liền vội la lên: "Sao lại như thế! Quản gia thúc thúc đã già như thế rồi vẫn còn bế muội đi xem hoa đăng được cơ mà!"
"Quản gia thúc thúc của muội tuổi cao nhưng sức khỏe khang kiện." Đường Từ vừa nói vừa bẻ một miếng kẹo đường đưa tới bên miệng đứa trẻ: "Mau ăn hết đi, đừng để cha muội nhìn thấy muội ăn thứ này, hiểu chứ?"
Trẻ nhỏ tuổi này rất dễ dỗ dành, Tần Dung Nguyệt liền cười vui vẻ, mi mắt cong cong, nhưng bỗng dung đôi mắt lại mở to, nhíu mày: ""Tiểu ca ca, muội không muốn lớn lên."
"Vì sao thế?" Đường Từ bế nàng trên tay, bước chân vòng theo hành lang, cước bộ chậm rãi.
Tần Dung Nguyệt lẩm bẩm: "Mấy ngày trước có một tỷ tỷ bị đuổi khỏi phủ, mà tỷ tỷ luôn chăm sóc quan tâm đến muội, muội đương nhiên là khóc nháo muốn cha để nàng trở về. Nhưng cha lại nói rằng tỷ tỷ có tư tình với nam nhân trong phủ, làm nhục gia phong, không thể giữ nàng lại được.
Tuy vẫn tự nhận là người thông minh, nhưng dù là ai cũng khó mà nắm được nỗi lòng của trẻ nhỏ. Đường Từ mới hỏi: "Vậy sau đó thì sao? Chuyện này khiến muội không muốn lớn lên sao?"
"Muội lại càng khóc lớn, nếu sau này có muội có tình cảm với người khác, không phải khi đó cha cũng sẽ đuổi muội đi sao? Cha nói hiện tại muội còn là trẻ nhỏ, nhưng vài năm nữa muội lớn lên rồi, ca ca cũng không thể ôm muội được nữa." Tần Dung Nguyệt dường như là cực kỳ buồn bã ủy khuất, vừa nói vậy nước mắt đã muốn rơi xuống.
Đường Từ áp tay lên trán Tần Dung Nguyệt, chân thành mà nói: "Sẽ không đâu, sau này muội lớn rồi, nếu ta không thể bế muội đi thì sẽ nắm tay tay cùng muội đi, nếu không thể nắm tay thì sẽ ở bên đồng hành với muội. Dù có thế nào cũng sẽ không để muội phải độc hành, đừng lo lắng."
Đứa trẻ vừa nghe đã mỉm cười, nước mắt lưng tròng. Nàng áp má vào sườn mặt Đường Từ, lại cười ngây ngô: "Tiểu ca ca, da của ca ca sao lại mềm như vậy nhỉ, mỗi khi ta sờ mặt cha ta đều bị rát tay đấy!"
Đường Từ không nói, chỉ nhìn nàng cười sủng nịch, ánh mắt lúc này ấm áp mềm mại, toát ra tư thái nữ tử ôn noãn.
Hành lang dẫn đến chính sảnh, ngoài cửa đã có gia nhân cúi đầu túc trực hai bên. Đường Từ thả Tần Dung Nguyệt xuống, đứa trẻ lưu luyến không rời, đi được ba bước lại quay đầu nhìn lại, mà Đường Từ nàng cũng đợi đứa trẻ đi khuất mới thôi.
Đường Từ vào phòng, chắp quyền cúi người thật sâu hành lễ với Tần Diên, sau đó mới ngồi vào bàn cơm, nâng đũa gắp đồ ăn.
"Sáng nay con đi đường vòng ngang qua phố Chương Đài thám thính, thấy Thất Phượng lâu vẫn bị niêm phong, ngoài cửa còn bố trí quan phủ tuần tra canh gác."
Tần Diên vuốt vuốt chòm râu, cũng không gấp gáp chuyện này mà lại chuyển đề tài: "Ở Quỳnh Lâm yến tối đó, con đã thấy vị kia rồi chứ?" Hôm đó hắn mượn cớ đổ bệnh không dự yến, mà thánh thượng lại không hề trách tội, việc này cũng khiến cho triều thần kinh ngạc một phen.
Động tác trên tay Đường Từ không bị ảnh hưởng, nhàn nhạt đáp: "Con thấy rồi."
"Vốn là con không đỗ, nhưng sau đó lại được mời dự yến, cuối cùng trở thành Thám hoa. Biết vì sao chứ?" Tần Diên rót ra hai chén trà, đẩy một chén đến trước mặt nàng: "Quan chủ khảo của kỳ thi mùa Xuân năm nay là môn sinh của Hộ bộ Thượng thư Hàn Văn, hắn đích thân trình danh sách lên cho bệ hạ, trong đó cực lực đề cử con, nói rằng con là đệ tử thân tín của ta, vì thế nên bệ hạ mới cho con vào dự tiệc."
Vốn tưởng rằng bản thân ở Đế kinh ba năm, kết bằng hữu rộng rãi, danh tiếng trong giới học sĩ văn nhân truyền tới Hoàng cung cho nên được mời tới dự Quỳnh Lâm yến, lại không ngờ rằng ra là dùng thân phận học trò của Lại bộ Thượng thư mà được ưu ái. Đường Từ che giấu cảm xúc, buông đũa trên tay, cúi đầu: "Lại khiến sư phụ nhọc lòng rồi."
"Đây cũng không phải lỗi của con. Hàn Văn người này là tai là mắt của Lỗ vương, có quan hệ khăng khít nhất mạch, nhiều năm nay đối nghịch với ta trên tiền triều, minh tranh ám đấu chưa ngưng. Lỗ vương cáo bệnh không xuất đầu lộ diện, thực chất cũng chỉ là một kế sách để bám trụ lại ở đất Đế kinh. Lần này hắn công kích ta, bất quá cũng là do phe cánh bất tuân thánh thượng vẫn chưa trừ khử hết, từ năm Thuần Hữu nguyên niên, đối với bọn chúng ta luôn như là cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt."
"Sư phụ nói như vậy, án của Hình Khang Bình ở Thất Phượng lâu không chừng cũng liên quan đến phe cánh của Lỗ vương?" Đường quan lộ của Hình Khang Bình xuất phát từ Hàn Lâm Viện, sau đó gia nhập Chiêm Sự phủ, sau đó được Thái Tử đứng sau cất nhắc tiến cử, cứ như thế mà một đường thăng quan. Vụ án mạng này rất có thể chỉ là một quân cờ dùng để đánh ngã Hình Khang Bình, cũng là diệt đi một phần thế lực.
"Chính là như vậy, xem ra tính toán cũng không tồi." Tần Diên khẽ thở dài: "Sợ là thời gian khám nghiệm tử thi sẽ bị kéo dài, hơn nữa bệ hạ còn đang xa giá đi săn, không phê tấu chương. Đại lao Hình bộ mấy năm trở lại đây càng lúc tra khảo càng tàn nhẫn, Hình Khang Bình là văn quan, xem ra chưa tới nửa ngày bị dùng nhục hình, dù là có tội hay không có tội cũng sẽ ngoan ngoan ký tên nhận tội mà thôi."
- --
Vùng ngoại thành vắng người Đế kinh Ký Châu đất Đại Tấn, phố Hoa Điểu.
"Dừng lại!" Liên Khoáng Đạt, một thân quan phục thùng thình, kìm lấy dây cương. Có chút chật vật tung mình xuống ngựa, để ý thấy hai bên đùi trong vì ma sát với yên ngựa lâu đến mức túa máu, máu thấm ra cả vải trắng trung y. Mồ hôi chảy dọc xuống thái dương, trụ bạc trên đầu cũng lung lay, thật là một bộ dáng chật vật. Xin ủng hộ chúng tôi tại -- T R U M t r u y e И .V n --
Hắn không kịp nghỉ ngơi, cũng không có thời gian tìm một cột gỗ để buộc ngựa. Vội vã chạy qua cầu gỗ, hắn tới bên một người đàn ông đang thong thả buông câu bên dòng sông, xem ra người này đã có tuổi, trâm bạc xuyên qua búi tóc đã ngả màu sương. Liên Khoáng Đạt la lên: "Tiên sinh, cầu xin ngài cứu Khang Bình huynh!"
"Nói nhỏ một chút, đừng dọa cá sợ chạy mất." Lão giả liếc mắt nhìn hắn một cái, thấy hắn mồ hôi đầm đìa, nhưng biểu tình vẫn bình đạm: "Ta đã cáo lão từ quan lâu rồi, sớm đã không quản chính sự trên triều, cũng không biết vị Khang Bình ngươi nói là vị nào."
Lúc này Liên Khoáng Đạt mới nhanh chóng kể lại sự tình.
Lão giả nhìn hắn, đánh giá một lượt từ trên xuống dưới, chỉ nhàn nhạt nói: "Không cứu được, chuẩn bị từ bỏ quan lộ đi thôi."
Liên Khoáng Đạt gấp gáp đến mức đỏ hết cả khuôn mặt, oán giận: "Tiên sinh sao lại nói như thế! Chính là một mạng người đấy!"
"Vậy mạng của kỹ nữ kia không phải một mạng người sao? Lâu nay ngươi lăn lộn trong quan trường, đã học được công phu coi thường mạng của bách tích, coi đó là tầm thường hèn hạ sao?"
Liền Khoáng Đạt sửng sốt chốc lát, sắc mặt chuyển từ hồng sang xanh, rồi trở nên tái như tro, hồi sau mới nói, ngữ điệu khẩn thiết: "Khang Bình huynh và tẩu tử yêu thương lẫn nhau, kiêm điệp tình thâm, thường lại không có thói hoang phí, vãn bối không tin rằng hắn lại làm ra loại chuyện thế này."
Cần cầu hơi run lên, nhưng đến khi thu về lại chỉ có mấy sợi rong rêu. Lão giả có chút mất hứng, lệnh cho người theo hầu thu lại đồ đạc, run run đứng dậy cũng chẳng cần người đỡ. Quay lại thấy Liên Khoáng Đạt còn đang quỳ gối không chịu dậy, bỗng chốc tức giận bộc phát, dậm chân quát: "Ngươi còn theo ta làm gì? Ta cả đời là chưởng sự Hàn Lâm Viện, cả đời cũng chỉ phụng dưỡng Tiên đế! Đạo lý một đời thần chỉ phụng sự một đời vua, đến chuyện này ngươi cũng không hiểu được? Nay ngôi hoàng đã đổi, chủ tớ bất đồng, sao còn có thể giúp ngươi? Đồ ngu xuẩn!"
Bóng lưng Liên Khoáng Đạt cứng đờ, nhìn thân ảnh lão giả đi càng lúc càng xa, cho đến khi chỉ còn là một chấm đen trong trời chiều vàng rực. Hắn nhớ lại ngày hắn được mời vào Hàn Lâm Viện cống hiến cho triều đình, và nhớ lại cảnh tượng ngày hôm qua hắn nhìn thấy trong thiên lao Hình bộ, nghĩa huynh của hắn chật vật khổ sở khó hình dung ra.
Đôi chim trên cành dương liễu đập cánh bay lên, hướng về vùng trời xa xôi. Dòng nước chảy xuôi chậm rãi, nhưng cũng đủ để gỗ mục đá mòn.
Chim chóc theo hướng gió mà bay đi, đời người theo dòng nước mà lưu lạc.
—- Hết chương 3 —-
- 🏠 Home
- Bách Hợp
- Cổ Đại
- Quy Tự Dao
- Chương 3