Mưa đã dứt từ lâu.
Khẽ khàng đóng cửa lại, Ngư Đồng bước nhanh xuống bậc tam cấp, chạy tới trong đình viện, khom người cảm tạ: "Bình thường công tử xong việc ở Hàn Lâm viện sẽ nghỉ chân ở trà lâu, không thì là vào Văn Mặc phường đàm đạo, muộn nhất sẽ về trước cơm chiều. Không biết tại sao hôm nay lại như vậy, tiểu nhân chong đèn đợi đến lúc giờ giới nghiêm đã điểm mà cũng chưa thấy bóng người! Ra là uống rượu đến say thế này, đa tạ mấy vị tiểu thư đã đưa công tử về."
Nữ tử kia và Đường Từ cũng chỉ như bèo nước gặp nhau, hiện tại nghe tên tôi tớ này dông dài cũng chỉ gật đầu lấy lễ.
Nhu Kha tinh tế lại nhạy cảm, trên đường đi từ Hội Tiên lầu đến ngõ Điềm Thủy này vẫn luôn cất tâm sự, vừa rồi để ý nhìn theo lại thấy Ngư Đồng sau khi đưa Đường Từ vào phòng liền lập tức đi ra, chẳng hề hầu chủ nhân đổi y phục. Lúc này nàng mới nói: "Đường công tử xem ra cũng không phải là người ham uống rượu, không biết thời gian này có chuyện gì khiến y phiền muộn hay không?"
Ngư Đồng lộ rõ vẻ khó xử, gãi gãi đầu, gượng cười, "Tiểu nhân chẳng qua chỉ là một thư đồng hầu hạ công tử chuyện nấu nướng giặt giũ, mài mực trải giấy mà thôi. Đâu thể biết thêm điều gì. Mấy ngày gần đây công tử vẫn đến Hàn Lâm viện đều đặn, chắc có chuyện gì cũng không phải chuyện liên quan đến chính vụ chứ?"
Thấy bộ dạng hắn thành thật không giống như đang lựa lời thoái thác, Nhu Kha cũng không muốn nói bóng gió thêm nữa. Nàng nói mấy câu hảo ý, dặn dò sáng mai nhớ pha cho Đường Từ trà gừng giải rượu, sau đó nói lời cáo từ.
Nữ tử đàn tỳ bà cũng không quên trả lại cho Ngư Đồng túi bạc mà Đường Từ đã ném cho mình, nụ cười rộ lên, "Ta lấy bạc của mình ra trả tiền rượu, bạc của công tử vẫn chưa hề đυ.ng đến, mong công tử không trách cứ."
"Ôi, tiểu thư khách khí quá. Quận chúa và tiểu thư đây thường xuyên tới chơi mới đáng mừng đấy." Ngư Đồng thầm nghĩ, thân thế của Nhu Kha là Quận chúa đương nhiên không thể với tới. Nữ tử ôm đàn tỳ bà này đứng bên có kém mấy phần khí chất mỹ mạo, nhưng xét ra là tư dung cũng là hàng mỹ nhân rồi, lời nói cử chỉ cũng thực có tu dưỡng thế kia, nếu đã có duyên tương ngộ thì ngại gì mà không tác hợp?
Ra khỏi ngõ Điềm Thủy, ánh trăng thanh lãnh đổ ánh sáng bao trùm. Trên đường lớn, lần lượt các nhóm binh của Tuần Phòng doanh liên tục thay ca, một tay giữ chuôi kiếm, một tay cầm đuốc, tuần tra khắp các đường lớn trong thành.
"Nhà cô nương ở đâu?" Nhu Kha ôn tồn hỏi, ánh mắt vẫn nhìn về đèn đuốc phía cuối đường
Nữ tử đi phía sau mới mỉm cười trả lời: "Tiểu nữ có một người đại thúc nhậm chức trong phủ doãn Thuận Thiên, lúc đầu là do gia phụ giúp đỡ cưu mang. Giao tình qua lại vẫn rất tốt, đêm nay có lẽ đại thúc đã tới đón gia phụ, bây giờ tiểu nữ cũng sẽ tới đó."
Nhu Kha gật đầu, dừng bước: "Nếu vậy, trời đêm trở lạnh, cô nương vẫn nên về sớm một chút thì tốt hơn."
Nữ tử thi lễ, thân váy màu lục đong đưa theo bước chân. Nhu Kha lại hỏi thêm, biểu tình bình đạm như không: "Dù sao cũng có duyên gặp gỡ, không biết cô nương tên gì?"
"Không dám trèo cao kết giao với Quận chúa, mà đất chật người đông cũng không biết còn có ngày gặp lại hay không. Nếu Quận chúa đã nói thế, tiểu nữ cũng xin tin vào chữ duyên phận này một lần." Trời sinh nữ tử này có đôi mắt phượng, đôi mắt phản chiếu ánh đuốc lại ánh lên tia lạnh, "Khuê danh Lâm Uyển, hai chữ 'mộc' thành một chữ 'Lâm', 'Uyển' trong 'đạm đạm sơ trang tân uyển kế.'"
Lâm Uyển... A Uyển... Khi nãy gọi A Uyển chính là gọi Lâm Uyển người này? Vậy là do bản thân mình nghĩ nhiều thôi chăng?Mang trên người danh hào của Dự Vương vương phủ, tuy là đã vào giờ giới nghiêm, Nhu Kha cứ thế thong thả mà đi một đường chậm rãi, không hề có ai dám làm khó dễ.
"Quận chúa, hôm qua nô tì tới Bích Vân tự đưa trà bánh, nhìn khí sắc của Tĩnh Từ sư phụ đã tốt lên không ít." Không khí im lặng đến mức dọa người, Tiêu Thanh biết Nhu Kha đang có tâm sự, lại không biết phải an ủi thế nào, đành lựa lời mở miệng gợi chuyện.
"Vậy ư. Còn còn nói gì khác nữa không?"
Tiêu Thanh trầm tư suy nghĩ một lúc lâu, hồi sau vẫn không nghĩ là điều gì thú vị, rốt cuộc mới nghĩ ra: "A, phải rồi, mấy ngày trước Đường công tử tặng Tĩnh Từ sư phụ một túi hương. Xuân Hoa cô cô nói mấy ngày nay lão nhân gia đều mang theo bên người, khi đi ngủ thì để dưới gối, giấc ngủ cũng tốt lên nhiều lắm."
Túi hương? Lại là Đường Từ.Nhu Kha nhíu mi, trong lúc lơ đãng suy nghĩ, bước chân cũng chậm lại.
Nay Tĩnh Từ là đã một thân bạch y nơi thanh đăng cổ Phật, không màng thế sự, nếu nói Đường Từ nịnh bợ lấy lòng, chi bằng đừng có dùng thể chữ Liễu Phong mà Hoàng đế xưa nay cố kỵ nữa, chỉ cần thế thôi hẳn con đường thăng quan tiến chức cũng đã rộng mở hơn nhiều. Mà nàng biết người này thừa thông minh để hiểu lợi hại trong chuyện ấy. Nếu đã cố chấp như thế, ắt phải có nguyên nhân khác. Nhìn Đường Từ ân cần với Tĩnh Từ cũng không hề giống như làm bộ làm tịch. Điều này... chẳng lẽ thực sự chỉ là do giao tình nồng hậu thôi sao?
"Vẫn hay nói con người có ngàn bộ mặt, đã quen nhìn Đường công tử lúc nào cũng xuân phong mãn diện, nho nhã điềm đạm, hôm nay nhìn hắn say đến mức khóc lóc như thế cũng khiến cho nô tì hoảng hồn một phen đấy." Tiêu Thanh vẫn tiếp tục nói, lại che miệng khẽ cười, "Nói ra cũng thật buồn cười, ngài ấy một đại nam nhân mà lớn lên lại có dung mạo thanh thanh thoát thoát, tinh xảo chẳng kém gì nữ nhân! Nếu nô tì gặp người này ngoài phố thị mà không biết hắn là mệnh quan triều đình, đảm bảo sẽ nghi ngờ có phải nữ phẫn nam trang hay không..."
Bước chân Nhu Kha đột nhiên dừng bước, Tiêu Thanh đi sau cũng không dám vượt lên, đành lui về. Ngó lên nhìn, thấy sắc mặt chủ tử bỗng tái nhợt thất thần, Tiêu Thanh cũng hoảng.
"Quận chúa? Người làm sao vậy?"
"Không sao, đi thôi." Mi tâm Nhu Kha không thể thả lỏng, ánh mắt mơ hồ chất chứa tâm tư. Nàng miễn cưỡng vẽ ra một nụ cười trấn an Tiêu Thanh.
Tiêu Thanh nhìn thế, hiểu được mình đã nói sai rồi. Xưa nay thi Hương thi Hội đều qua kiểm tra chặt chẽ, Đường Từ tuy là Thám hoa nhưng đã tham gia hai lần thi trực tiếp, đương nhiên là nam tử không thể nghi ngờ vào đâu. Lại nói, khung phạt cho tội nữ phẫn nam trang tham gia khoa cử là khó mà tưởng tượng được, đâu phải chuyện chơi đùa. Rồi lại tự trách mình đã làm hỏng một chuỗi trân châu còn làm hỏng tâm trạng của chủ tử.
Trước đại môn Vương phủ giờ này có gia binh đứng gác, còn có cả một người đang cầm đèn l*иg đứng đợi. Lão quản gia Nhiêu An nhìn thấy từ xa có hai thân ảnh mập mờ đi tới, vội vàng sải bước chạy tới, mau chóng đem cỗ áo choàng lông vũ phủ lên vai Nhu Kha, sau đó mới hành lễ với nàng. Vừa xong, lập tức tránh sang một bên, kéo tay Tiêu Thanh tới mà nhướn mày quát lớn: "Nha đầu ngươi cũng có lá gan lớn lắm! Dù là xảy ra chuyện lớn bằng trời ngươi cũng không thể cứ để chủ tử đi khắp nơi như thế chứ, nhất là lúc đêm hôm thế này. Không có quân binh của Vương phủ theo hộ tống, vạn nhất xảy ra chuyện gì ngươi có đảm đương được không?"
Nhu Kha đi tới kéo Tiêu Thanh về, gật đầu cười nói với Nhiêu An: "Kinh thành Ký Châu này hiện tại tuy không phải là đêm ngủ không cần đóng cửa, nhưng cũng tính là yên bình an toàn lắm. Hôm nay có lệnh của ta Tiêu Thanh mới dám, đến lúc này trở về cũng không có việc gì ngoài ý muốn, lão cũng không cần nặng lời."
Chủ tử lên tiếng như thế, Nhiêu An đương nhiên đành vâng dạ bỏ qua. Đèn l*иg đỏ dẫn trước, ba người đi vào phủ, nghe Nhiêu An nói:
"Quận chúa, chính sảnh vẫn còn sáng đèn, Vương gia chưa nghỉ ngơi. Thuộc hạ không dám lên tiếng khuyên nhủ, nhưng vừa nãy nghe tiếng ho cũng thấy thực sốt ruột, hay là Quận chúa tới thỉnh an Vương gia trước hẵng về phòng?"
Nhiêu An đã hầu hạ trong Vương phủ mấy chục năm, nhìn Nhu Kha trưởng thành, biết nàng từ nhỏ đã hiểu chuyện lại hiếu thuận, cho nên lúc này mới dám nhiều lời hơn một câu. Thấy Nhu Kha khẽ gật đầu, hắn mới an tâm thả lỏng.
Dự Vương ngồi ở bảo tọa giữa chính sảnh, một thân trường bào giao lĩnh gấm dệt màu lục, một tay chống cằm, một tay nâng gáy sách, tư thế không mấy trang trọng nhưng thực sự là rất phong độ.
Bước chân của Nhu Kha khe khẽ, tiến lại gần mới nhận ra Dự Vương đã nhắm mắt từ lúc nào, xem ra là đã gà gật chìm vào giấc ngủ. Nàng lấy quyển sách ra khỏi tay Dự Vương, để tới bên bàn trà, lại rút cỗ áo choàng thêu hoa văn lân phượng từ tay người tỳ nữ, còn đang lúc định choàng lên lên cho Dự Vương đã thấy Dự Vương giật mình tỉnh giấc.
"Phụ vương." Nhu Kha lập tức thu lại cỗ áo choàng, khuỵu gối hành lễ.
Dự Vương "Ừ." một tiếng nhàn nhạt, dáng vẻ mỏi mệt, xoa xoa thái dương. Đứng dậy cầm lấy cỗ áo choàng trên tay Nhu Kha rồi tự khoác lên mình, đầu ngón tay lại chạm phải bàn tay lạnh như băng của nàng. Sửa lại vai áo sao cho không vết nhăn, lúc này Dự Vương mới nhìn đến Nhu Kha, ngữ khí thong dong bình ổn: "Vừa khi nãy trời mưa một trận, con có bị ướt không?"
Nhu Kha đáp: "Vừa hay một tửu lâu bên đường, con vào trú mưa, bây giờ mới về tới Vương phủ."
Dự Vương gật đầu, quay sang cho Nhiêu An một ánh mắt, hắn lập tức hiểu ý, vén rèm đi ra cho người đi chuẩn bị trà gừng.
"Vậy vật kia... đã sửa được rồi?" Dự Vương hỏi, lại che miệng ho khan một hồi, nổi cả gân xanh trên trán. Tiếng ho khan dồn dập bay đến tai Nhu Kha, tiến vào lòng nàng rồi hóa thành loại dự cảm không lành, khiến nàng có chút bất an. Nàng tới rót một chén trà nóng rồi vuốt lưng giúp phụ vương nhuận khí.
"Các chủ Trân Bảo các trên phố Trường An đã nhận lời rồi, chừng hơn hai ngày sau là có thể tới lấy."
"Như vậy thì tốt." Dự Vương nhấp một ngụm trà nghi ngút, nuốt xuống cảm giác khó chịu ở yết hầu. Vỗ vỗ bàn tay Nhu Kha, "Đêm khuya rồi, con về phòng nghỉ ngơi đi. Vụ thu hoạch năm nay không tốt, ta nghe mấy thôn trang ước chừng có không ít hộ sa cơ thất thế, chắc cũng khiến con phải ngược xuôi xử lí một phen. Chăm sóc bản thân cho tốt, đi nghỉ ngơi đi."
Nhu Kha vâng lời, ánh mắt liếc qua búi tóc đã điểm bạc của Dự Vương, rồi lại nhìn chân nến đã cạn đến đáy. Nàng thi lễ cáo lui, trong lòng lại quẩn quanh tư vị khó tả, như là vừa áy náy mà vừa ưu phiền.
——
Trường sử của Dự Vương vương phủ, Ôn Luân cúi đầu hành lễ với Nhu Kha, rũ mắt đứng chờ trong khi nàng đặt bút viết.
"Tiến cử một nhạc công cho Giáo Phường ti đi." Nhu Kha đưa tờ giấy cho Ôn Luân, trên tờ giấy có hai chữ: Lâm Uyển.
Để tránh nhận lầm người, Nhu Kha còn cẩn thận tả lại ngoại hình dáng vẻ của người này. Mười hai năm qua nàng chưa khi nào ngừng làm việc thiện, đi đến bất kỳ nơi đâu cũng đều tới đền chùa miếu mạo để dâng hương cúng dường. Một phần là vì tâm tính nàng như thế, một phần cũng là để tích công đức, vớ hi vọng có chăng phần công đức này sẽ cảm động được trời xanh, để ý nguyện của nàng thành sự thật. Lại nói, nếu đã có duyên tương ngộ với Lâm Uyển, Nhu Kha cũng chẳng ngại nhấc tay tương trợ trong phần sức của mình.