Chương 91: Đúng là thứ vô dụng!

- Ta tại thuở thiếu thời cũng từng cầm binh đánh trận, đã nếm qua gió tuyết, ngủ giữa trời sương, đã từng có những chiến hữu sóng vai cùng uống rượu ca hát, cùng vung gươm múa kiếm giữa chốn sa trường... Nay, chiến hữu năm xưa, kẻ cỏ xanh mồ, người thì quy ẩn, song ở trong lòng ta, công lao của họ là không gì có thể làm phai nhạt được. Hai câu đối vừa rồi, ta viết ra chính là để tưởng nhớ cố nhân, cũng là để ca ngợi các anh hùng tử sĩ của Đại Hạng...

Hạng đế Lý Uyên bộc bạch tâm tư, lời vừa dứt thì bên dưới, Thái úy Cao Bình Cảnh liền chắp tay kính cẩn hô to:

- Hoàng thượng nhân từ! Thần xin thay mặt cho các tướng sĩ cúi đầu cảm tạ!

Có người mở đầu, các vị hoàng thân quốc thích, văn võ đại thần khác cũng liền thi nhau biểu thị, ý tứ ngợi ca tấm lòng nhân nghĩa của Hạng đế.

Hạng đế nhè nhẹ gật đầu, đưa tay ra hiệu. Khi tất cả đã an tĩnh trở lại, hắn mới nói tiếp:

- Ta, từ lúc tại ngôi Cửu ngũ, trị vì trăm họ, tuy chưa dám nhận hùng tài vĩ lược, nhưng tự xét cũng đáng bậc minh quân. Hôm nay, Đại Hạng cường thịnh, dân chúng ấm no, giống như mùa xuân đang đâm chồi nảy lộc, nghĩ thực cao hứng. Hữu thời, hữu thế, nhân dịp Nguyên Tiêu, ta sẽ mượn con chữ để bộc bạch chút tâm tư. Các vị học giả, chư vị khanh gia, hãy chú ý.

Bút đã chấm mực, giấy đã được căng, Hạng đế Lý Uyên thoáng khép hờ đôi mắt, vừa mở ra liền lập tức huy bút, viết ra những con chữ như phượng múa rồng bay:

"Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc, phong tống hoa hương, hương tùy sắc, sắc tùy hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách tưởng tương tư khách."

(“Đêm xuân trăng gió, trăng thêm sắc cho hoa, gió đưa hương hoa, hương cùng sắc, sắc cùng hương, hương hương sắc sắc suốt đêm xuân, khách tương tư nhớ khách tương tư.”)

Một vế đối không chỉ đầy chất thơ mà còn có cả hình ảnh sinh động luyến láy bởi những âm điệu trầm bổng giàu nhạc điệu, tạo nên hình ảnh vô cùng thanh nhã thoát tục. Có câu “văn chính là người”, câu đối này cũng chỉ có thể là của một người nắm đại quyền thiên hạ viết ra. Bởi vì nó dùng hình ảnh của gió xuân, làn gió đẹp đem sức sống của đất trời sau mùa đông lạnh giá, tô vẽ thêm nét đẹp của giang sơn. Đặc biệt câu cuối “tương tư khách tưởng tương tư khách” là dạng chơi chữ. Tương tư có nghĩa là cả hai cùng nhớ về nhau. Nhưng “nhớ” thế nào mới là đẹp nhất? Chữ “Tương” (相) thêm bộ “Tâm” trong chữ “Tư” (思) thành chữ “Tưởng” (想), nghĩa là nhớ với trái tim, một hình ảnh khắc ghi trong tim, vô cùng sâu sắc. Nhìn cảnh nhớ người mà khắc trong tim, là nỗi nhớ rất nên thơ.

Mùa xuân cũng là mùa vạn vật sinh chồi nảy lộc, mùa của tình yêu. Câu đối toàn là hương và sắc, tác động vào cảm giác, thị giác, khứu giác của người đối. Dẫu tràn đầy tình ý nhưng cách thể hiện lại vô cùng thanh thoát, ý nhị. Nó thể hiện đẳng cấp chữ nghĩa cũng như cảnh giới tinh thần khoáng đạt của người ra nên rất khó đối lại.

Nhìn những nét chữ vừa mềm mại lại hàm ẩn khí thế, chứa đựng thần vận cao siêu, chúng nhân ai nấy đều phải âm thầm cảm thán.

Hạng đế thật sự là một con người uyên bác, học thức sâu rộng, hoàn toàn không hổ với bốn chữ "minh quân nhân từ" mà thiên hạ xưng tụng.

Phạm Đăng Giai - sứ thần Đại Trần - cau mày ngẫm nghĩ. Phía sau bàn Lý Long Tích, các môn khách mặt càng khó coi. Thậm chí là cả Hứa Bỉ, Tào Tất An - hai vị mưu sĩ, cũng là hai bậc đại trí phò tá Lý Long Thành, giờ phút này bọn họ cũng chưa ai lên tiếng.

Câu đối kia, thật sự rất khó đối.

Trên mặt Lý Long Tích đã không còn có thể giữ được sự điềm tĩnh. Kể từ lúc bắt đầu cuộc thi ứng đối tới giờ, bên phía hắn chẳng nghi ngờ là kém cỏi nhất; trong khi đó người của Lý Long Thành lại đang chiếm ưu thế nhất.

Ba câu đối, sứ thần Đại Trần đối được một câu, phía Lý Long Thành cũng đối được một câu, mà Lý Long Tích hắn...

Mang theo nét mặt âu lo, Lý Long Tích xoay đầu lại nhìn Trần Tĩnh Kỳ; mà ở trên kia, ánh mắt Hoàng hậu Triệu Cơ cũng vừa mới ngó xuống. Hai mẹ con đều đang trông đợi vào Trần Tĩnh Kỳ hắn.

Trái với Triệu Cơ và Lý Long Tích, thần sắc của Trần Tĩnh Kỳ vẫn rất điềm nhiên. Hắn nhẹ gật đầu ý bảo Lý Long Tích yên tâm, kế đó bước ra, tính mở miệng thì...

Đề Thanh - sứ thần Đông Hồ - đã cao giọng đọc:

- Tùng viện trúc mai, mai sinh long diệp, trúc hóa long chi, chi ty diệp, diệp ty chi, diệp diệp chi chi liên trùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân.

(Mai trúc lầu tùng, mai trồi lá đẹp, trúc nảy cành xinh, cành liền lá, lá liền cành, lá lá cành cành sát lầu tùng, người hữu tình hiểu người hữu tình.)

Trần Tĩnh Kỳ nghe xong, thoáng nghiền ngẫm, trong lòng đối với Đề Thanh lập tức có một cái nhìn khác.

Trông thân ảnh Đề Thanh vừa mới tiến lên cầm bút viết ra câu đối, hắn thầm tán thưởng.

Ý tại ngôn ngoại. Vị sứ thần Đông Hồ này quả cũng là một người tài giỏi. Tùng, trúc, mai trong câu đối của Đề Thanh tượng trưng cho quân tử. Tùng viện là viện có trồng cây tùng, ý nói gốc rễ văn hóa thâm sâu bền vững qua thời gian. Gió mùa xuân thổi qua làm cho trúc và mai bừng sức sống đâm chồi nẩy lộc (“long diệp”, “long chi”), ý nói là tuy Đông Hồ còn khó khăn (như mai trúc vừa qua mùa đông) nhưng vẫn là dòng dõi tôn quý, phát triển từ văn hóa Nho gia chính tông. Người Đông Hồ lấy Nho giáo làm gốc mà phát triển lên, đoàn kết với nhau nên ngày càng hùng mạnh (“lá lá cành cành sát lầu tùng”). Người Đông Hồ nhờ có tình yêu nước mà thông hiểu lòng nhau (“người hữu tình hiểu người hữu tình”).

Xét về lịch sử thì sau khi Hạng quốc đánh bại Đông Hồ thì nước này trải qua muôn vàn khó khăn. Vị sứ thần này qua lời thơ đã thể hiện là một bậc lương thần phò trợ cho quốc gia. Thật đáng kính thay. Nhưng xét về tâm cảnh ý cảnh thì câu đối này của hắn vẫn kém xa cảnh giới trong câu đối của Hạng đế Lý Uyên. Nó không có sự giao hòa giữa cảnh, tình, và người.

Nhưng, cho dù là vậy thì cũng không thể phủ nhận được tài năng của Đề Thanh. Câu đối của hắn tuy thua kém cảnh giới, song về mặt niêm luật, chữ nghĩa, tính ra đã tròn, có thể gọi "hay".

Bây giờ, nếu muốn thắng được vị sứ thần Đông Hồ này, vậy thì người ứng đối phải đưa ra được một câu đối hay hơn, với "cảnh giới" cao hơn.

Trước đã khó, hiện càng thêm khó.

Hứa Bỉ, Tào Tất An, bọn họ vẫn đang cau mày tìm chữ. Mà Hoàng hậu Triệu Cơ, nàng vẫn đưa mắt nhìn xuống Trần Tĩnh Kỳ.

"Nữ nhân này, ánh mắt có cần bức bách người ta như vậy..."

Trần Tĩnh Kỳ bất động thanh sắc, đứng nguyên chỗ cũ. Trông bộ dạng của hắn giống như là đã tự nhận chữ nghĩa của mình thua kém Đề Thanh nên thôi không đối nữa.

"Hoàng hậu ngươi bức bách ta như vậy, ta cho ngươi sốt vó luôn..." Trần Tĩnh Kỳ ác ý nghĩ thầm.

Triệu Cơ nào có biết được nguyên do, tưởng Trần Tĩnh Kỳ đã thực sự nhận thua, cõi lòng tức khắc trầm đi. Hôm nay thể diện của nàng lẽ nào thật phải mất?

"Đúng là thứ vô dụng!"

Triệu Cơ tức khí mắng to, nhưng là chỉ ở trong bụng, mỗi mình mình nghe; chứ còn ngoài mặt, nàng vẫn cố gắng tỏ ra thật điềm tĩnh, tự nhiên nhất có thể.