Chương 56: Trận chiến không gươm đao

Lần đó Cao Trạm và Trần Tĩnh Kỳ bất phân thắng bại, cũng kể từ đấy danh tiếng của Trần Tĩnh Kỳ mới được truyền xa.

Tới lúc này người ta mới vỡ lẽ ra là vị An Vương điện hạ của Trần quốc cũng không phải chỉ biết đàn đúm rượu chè, ham mê nữ sắc mà còn có một mặt rất tao nhã, đó là cái tài văn chương thi phú. Năng lực ứng đối của hắn rất cao, kinh thi hiểu biết rất rộng, thậm chí chả thua gì đại công tử Cao Trạm của phủ Thái úy - người vốn vẫn được giới văn nhân Hạng đô nể trọng.

Chính vì lẽ đó, người ta đã có một cái nhìn khác về Trần Tĩnh Kỳ. Trong số ấy có cả Thái tử Lý Long Tích. Nhưng, Lý Long Tích lại không hề coi trọng. Hắn đã cho người điều tra kỹ rồi, Trần Tĩnh Kỳ bất quá chỉ là một kẻ thích hưởng thụ, chí ở tiêu dao tự tại chứ chả phải nằm nơi tranh đấu chính trị. Văn chương thi phú của hắn cũng thể hiện điều đó.

Theo như thuộc hạ hồi báo, trong một lần cùng bằng hữu văn nhân đối ẩm ngâm thơ, lúc say rượu Trần Tĩnh Kỳ đã có nói mấy câu thế này: "Chỉ cần mỗi ngày ta đều có rượu để uống, có bút nghiên giấy mực để đề thơ, hoạ cảnh, thì đều tự tại, kể chi Trần, kể chi Hạng... Ta chính là bằng hữu của Thái tử, không có gì phải sợ cả..."

Qua những việc Trần Tĩnh Kỳ làm, những lời hắn nói, Lý Long Tích đã rút ra một kết luận: Trần Tĩnh Kỳ không phải kẻ có chí lớn, bất quá hạng người văn nhược thích an nhàn hưởng thụ. Nếu như vị An Vương điện hạ này vẫn tiếp tục biểu hiện bản thân là một kẻ a dua nịnh bợ, cam chịu khuất nhục thì Lý Long Tích hắn sẽ hoài nghi, cảm thấy bất an; bằng giống như tình cảnh hiện tại, sau những gì đã xảy ra...

- Cao Trạm.

Lý Long Tích đem ly rượu vừa mới uống xong tùy tiện vứt đi, bảo với người đang đứng trước mặt:

- Sau này không cần phải để ý đến Trần Tĩnh Kỳ nữa.

Dứt lời, hắn luồn tay qua hông một người tì nữ, cả hai hướng phòng ngủ bước đi.

Có điều Cao Trạm... Từ trong đôi mắt, không khó để thấy những tia bất bình vừa mới hiện.

...

Lý Long Tích đã bảo không cần, song Cao Trạm vẫn cứ lưu tâm, Túy Vân thi quán hắn vẫn hay ghé, mỗi lần ghé qua thì đều kiếm Trần Tĩnh Kỳ đối đáp ngâm thơ, so tài thi phú.

Đó đã chẳng phải chuyện công, rành rành tư sự. Cao Trạm, hắn cảm thấy địa vị trong giới văn nhân của mình bị uy hϊếp. Hắn xem Trần Tĩnh Kỳ là một mối nguy, cản trở hắn đến với Viên Hi.

"Phải áp chế, hạ bệ Trần Tĩnh Kỳ", đấy là những gì mà Cao Trạm đang nghĩ, và quyết tâm phải làm. Hôm nay chính là một cơ hội.

Theo thông lệ bảy ngày một lần, hôm nay Viên Hi sẽ hạ bút ra đề.

Vẫn bộ bạch y thanh nhã thoát trần thường thấy, Viên Hi xuất hiện ở Túy Vân Lâu, cầm bút viết lên giấy một hàng chữ.

"Sắc Không", đấy là đề ra hôm nay.

Nhìn hai chữ vừa được viết xong, cả đám văn nhân ai nấy đều không khỏi nghi hoặc.

"Sắc Không", đây là ý gì? Một vế đối? Hay là một đề tài?

Nếu là một vế đối như thông lệ thì chẳng phải quá ngắn hay sao?

"Sắc Không", hàm ý ra sao? Nên đối thế nào?

Viên Hi đứng một bên, đưa mắt nhìn một lượt chúng nhân, tới chỗ Trần Tĩnh Kỳ và Cao Trạm thì dừng lâu hơn một chút.

- Các vị, bây giờ có thể bắt đầu.

Cả đám không ai lên tiếng. Như một phản xạ tự nhiên, mọi người không hẹn mà cùng hướng mắt nhìn về Cao Trạm và Trần Tĩnh Kỳ - hai kẻ được bọn họ đánh giá là tài giỏi nhất.

Trần Tĩnh Kỳ cười, quay sang nói với Cao Trạm:

- Cao huynh, mời huynh đối trước.

Cao Trạm ra vẻ khiêm nhường, nhẹ nhàng thoái thác:

- An Vương học rộng hiểu sâu, xin hãy đối trước.

Hắn cho rằng Trần Tĩnh Kỳ cũng giống như mình, chưa hiểu được đề.

Nhưng khiến hắn bất ngờ là ngay sau lời từ chối tế nhị của mình thì Trần Tĩnh Kỳ lập tức đồng ý đối ngay.

- Viên Hi cô nương, phiền cho ta mượn giấy bút.

Viên Hi dĩ nhiên rất nguyện. Nàng đem giấy cùng cây bút trên khay đưa cho Trần Tĩnh Kỳ.

Trần Tĩnh Kỳ treo giấy sát bên cạnh vế đối "Sắc Không" của nàng, hạ bút viết: "Không Sắc".

Toàn trường ngẩn ra.

"Sắc Không - Không Sắc", câu đối này...

Mọi người nhìn xem hai vế đối treo ngay ngắn trước mặt, trong lòng một trận kỳ quái.

- Hay!

Lưu Phúc cầm khay đứng bên cạnh Viên Hi, vuốt râu tán thưởng:

- Hai chữ “Sắc”, “Không“ bắt nguồn từ câu: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc”, nghe vừa đơn giản lại vừa thâm sâu. Song nếu là từ miệng một người dân bình thường, ở trong một bối cảnh sinh hoạt của họ, "Sắc không không sắc", nghe lại giống như một câu hỏi - một lời đáp. "Kiếm này có sắc không? Kiếm này không sắc", "Dao này có sắc không? Dao này không sắc"... Vế đối thật sự là hoàn hảo.

- Phải! Phải! Đúng là như vậy!

- Phúc bá nói không sai, "Sắc Không - Không Sắc", câu đối này vừa đơn giản lại vừa thâm sâu, đúng là rất tuyệt!

Đám văn nhân ai nấy đều đã hiểu ra, liên tiếp gật gù tán thưởng. Duy chỉ có Cao Trạm cùng mấy gã bằng hữu của hắn là không ai lên tiếng.

Viên Hi dường cũng chả còn bận tâm đến hắn, nàng nhìn Trần Tĩnh Kỳ, mỉm cười:

- Xem ra ta và An Vương lại có dịp cùng nhau đối ẩm ngâm thơ rồi.

Trần Tĩnh Kỳ vui vẻ đáp:

- Có thể đối ẩm ngâm thơ, luận đàm thế sự với Viên Hi cô nương, Tĩnh Kỳ vô cùng vinh hạnh.

...

Hôm ấy Cao Trạm đã thua. Hắn rất tức giận. Đối với Trần Tĩnh Kỳ, trong lòng Cao Trạm hắn lại càng sinh thêm oán hận.

Theo thời gian, thành kiến đã không còn có thể che giấu được nữa. Đỉnh điểm của sự xung đột giữa hắn và Trần Tĩnh Kỳ là vào Tết Trung thu, đêm rằm tháng tám.

Đêm ấy, theo lời mời của Viên Hi, Cao Trạm, Trần Tĩnh Kỳ và sáu vị tài tử khác đã đến Ngọc Hồ, bước lên lâu thuyền của nàng. Dưới sự đề nghị của Viên Hi, cả đám mới thi nhau làm câu đối, chủ đề chính là ca ngợi các vị anh hùng tử sĩ.

Mới đầu rất tốt, nhưng càng về sau, bầu không khí lại càng trở nên căng thẳng, từ miệng Cao Trạm và Trần Tĩnh Kỳ, những câu đối khó lần lượt được đọc ra, khiến cho sáu vị tài tử còn lại phải tự thẹn rút lui, chẳng lên tiếng nữa. Viên Hi, nàng hiện cũng đã thu mình, im lặng ngồi nghe.

Ở hai đầu nam - bắc, Trần Tĩnh Kỳ và Cao Trạm vẫn tiếp tục thể hiện tài năng.

Cao Trạm huơ quạt ngọc, ngâm:

- Phù sinh hà túc bi, khả liên quốc nạn gia cừu, tráng chí bán sinh lưu thủy thệ;

Đồng đảng y nhiên tại, hội khán kiền toàn khôn chuyển, anh hồn vạn lý liệt phong lai.

(Phù sinh có tiếc gì, đáng thương nạn nước thù nhà, tráng chí nửa đời theo nước chảy;

Đồng đảng còn đây cả, sẽ thấy trời xoay đất chuyển, hồn thiêng muôn dặm gió bay về.)

Trần Tĩnh Kỳ nâng ly rượu nhấp một ngụm, tiêu sái cất giọng:

- Ta nghã sinh vô bổ ư thời, hải ngoại ký tàn khu, phong vũ nhất thiên không sái lệ;

Y quân tử dĩ đắc kỳ sở, thiềm đầu lưu bích huyết, giang sơn thiên cổ hữu dư hương.

(Sống như ta không ích cho đời, đất khách gửi xương tàn, mưa gió một trời riêng nhỏ lệ.

Chết mà bạn đã tìm được chốn, mái nhà rơi máu đỏ, non sông muôn thuở có thừa hương.)

Cao Trạm lại ngâm:

- Nhất xoang nhiệt huyết cánh phó Đông lưu, thành bại cục nhân nại thiên hà, thiên thu lệ sái châu giang thủy.

Thập tuế hùng đồ dục phiên Tây hải, cảm khái trường kim do tạc dã, vạn lý hồn trì cố quốc sơn.

(Một bầu nhiệt huyết, phó mặc Đông lưu, cuộc thành bại người biết trời sao, nước châu giang ngàn thu lệ rưới.

Mười năm hùng đồ, muốn lay Tây hải, trường cảm khái nay như xưa vậy, non cố quốc muôn dặm hồn về.)

Trần Tĩnh Kỳ tiếp:

- Trung hiếu hữu chân truyền, niệm Tổ quốc, niệm đồng bào, khởi nhẫn thiên nhai di lão phụ;

Anh hùng vô ấn bản, diệc ngoan dân, diệc nghĩa sĩ, quản giao sử bút thuộc danh gia.

(Trung hiếu do truyền thống từ xưa, nghĩ Tổ quốc, nghĩ đồng bào, khởi nhẫn thiên nhai di lão phụ;

Anh hùng không bản in để lại, cũng ngoan dân, cũng nghĩa sĩ, rồi đây bút sử chép danh gia.)

Cứ thế, ngươi ngâm ta xướng, Trần Tĩnh Kỳ và Cao Trạm chẳng ai nhường ai, làm cho bầu không khí bên trong lâu thuyền trở nên vô cùng ngột ngạt, khiến sáu vị tài tử còn lại âm thầm kêu khổ không thôi.

Đây nào phải thi thố tài năng, căn bản đã biến thành một cuộc chiến rồi a!

Văn nhân đánh nhau không thấy máu, nhưng sự khốc liệt đôi lúc còn ghê gớm hơn là võ giả so thương đấu kiếm!

Sáu tài tử chẳng ai bảo ai, tất cả cùng nhìn về phía Viên Hi, mong nàng có thể đứng ra can thiệp, đem cuộc chiến kia ngăn lại.

(Cảm ơn:

nhokpapy đề cử 1 Nguyệt phiếu

kenjyr0ck132 đề cử 3 Nguyệt phiếu

kakakien đề cử 1 Nguyệt phiếu.

Mỗi 1 lá phiếu của các bạn đều là động lực của Tà. Cảm ơn tất cả mọi người rất nhiều)